Công văn 412/BNN-VPĐP về hướng dẫn triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Số hiệu | 412/BNN-VPĐP |
Ngày ban hành | 14/01/2020 |
Ngày có hiệu lực | 14/01/2020 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ nông nghiệp phát triển nông thôn |
Người ký | Trần Thanh Nam |
Lĩnh vực | Xây dựng - Đô thị |
BỘ
NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 412/BNN-VPĐP |
Hà Nội, ngày 14 tháng 01 năm 2020 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Căn cứ Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Quyết định số 1704/QĐ-TTg ngày 29/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán NSNN năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn triển khai kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2020 thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (Chương trình), cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TRONG NĂM 2020
1. Căn cứ mục tiêu phấn đấu của Chương trình giai đoạn 2016-2020 và mục tiêu cụ thể thực hiện năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao1, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh) tập trung chỉ đạo và bố trí đủ nguồn lực đảm bảo triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu phấn đấu trong năm 2020 theo đúng tiến độ và kế hoạch.
Đồng thời, căn cứ vào điều kiện thực tế, các tỉnh chủ động rà soát mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch để bổ sung thêm mục tiêu cho Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và ưu tiên bố trí nguồn lực hỗ trợ thực hiện trong năm 2020 (bao gồm mục tiêu về sản phẩm OCOP, tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, thôn bản vùng khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới...)
2. Thực hiện các nội dung thành phần: Căn cứ văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương chủ trì nội dung thành phần, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể để sớm hoàn thành các chỉ tiêu phấn đấu giai đoạn 2016-2020 đã được giao2.
II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH VỐN NSTW NĂM 2020
1. Phân bổ kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2020
a) Cơ cấu vốn ngân sách Trung ương giao cho các tỉnh (bao gồm 50 tỉnh nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và tỉnh Quảng Ngãi) để thực hiện Chương trình trong năm 2020 bao gồm:
- Vốn trong nước: Vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp;
- Vốn ngoài nước (vốn vay của Ngân hàng Thế giới): được hòa đồng vào ngân sách Trung ương để hỗ trợ cho 18 tỉnh3 tham gia thực hiện Chương trình “Hỗ trợ thực hiện hai Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020” theo cơ chế tài chính của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
Tổng các nguồn vốn ngân sách Trung ương giao năm 2020 (bao gồm vốn trong nước và ngoài nước) bằng tổng vốn ngân sách Trung ương 5 năm 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ thông báo cho các địa phương4 trừ đi phần vốn ngân sách Trung ương đã được giao trong giai đoạn 2016-2019.
b) Ngoài nguồn vốn ngân sách Trung ương nêu trên, một số địa phương thuộc đối tượng chỉ đạo điểm của Ban Chỉ đạo Trung ương và Cơ quan chủ Chương trình, được giao bổ sung một phần kinh phí sự nghiệp để thực hiện các nội dung, nhiệm vụ trong năm 2020 theo Đề án/Kế hoạch chỉ đạo điểm đã được phê duyệt.
(Chi tiết theo Phụ lục gửi kèm).
2. Nội dung thực hiện:
a) Nguồn vốn đầu tư phát triển (bao gồm cả nguồn vốn trong nước và ngoài nước): Thực hiện các nội dung theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 5 Quyết định số 12/2017/QĐ-TTg ngày 22/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó:
- Đối với phần vốn đầu tư được phân bổ theo hệ số quy định: Tập trung hỗ trợ hoàn thiện dứt điểm các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu trực tiếp phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân (giao thông, điện, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nước sạch và môi trường...), trong đó, đối với các xã dưới 10 tiêu chí thì ưu tiên hỗ trợ các công trình hạ tầng thiết yếu cấp thôn, bản, ấp; hỗ trợ các xã đạt trên 15 tiêu chí, trong đó tập trung cho các xã đăng ký phấn đấu về đích trong năm 2020.
- Đối với nguồn vốn dự phòng 5 năm giai đoạn 2016-2020 của Chương trình còn lại năm 2020: Bố trí để thực hiện các dự án thuộc các Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc chỉ đạo phê duyệt (theo hướng dẫn tại Công văn số 1809/BKHĐT-KTNN ngày 22/3/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Công văn số 2235/BNN-VPĐP ngày 01/4/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
b) Nguồn vốn sự nghiệp:
Căn cứ vào kế hoạch vốn được giao và điều kiện thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng phương án phân bổ kinh phí hỗ trợ cụ thể cho các cấp (tỉnh, huyện, xã), các ngành để triển khai thực hiện theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 5 Quyết định số 12/2017/QĐ-TTg ngày 22/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, tập trung ưu tiên một số nội dung sau:
- Hỗ trợ phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng hàng hóa, chuỗi giá trị và thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó, tập trung vào một số nội dung:
+ Hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị, sạch, an toàn theo hướng hữu cơ và thích ứng với biến đổi khí hậu5; khuyến khích xây dựng thí điểm mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, khép kín;
+ Tiếp tục hỗ trợ phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-20206. Đối với các tỉnh tham gia thực hiện Kế hoạch khung chỉ đạo điểm Chương trình OCOP (đã được phê duyệt tại Quyết định số 4078/QĐ-BNN-VPĐP ngày 28/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), căn cứ kinh phí được giao bổ sung năm 2020, đề nghị khẩn trương lập dự án cụ thể gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển thẩm định, trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và bố trí vốn thực hiện;
+ Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với các mô hình, dự án phát triển sản xuất cụ thể và theo nhu cầu của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế;
+ Đổi mới tổ chức sản xuất trong nông nghiệp và hỗ trợ phát triển hợp tác xã7, Triển khai Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020...
- Xử lý, cải thiện vệ sinh và môi trường nông thôn: Tiếp tục chỉ đạo và bố trí kinh phí để tập trung hoàn thành các mô hình xử lý môi trường thuộc Đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới8; chú trọng phát triển và nhân rộng các mô hình đường hoa - cây xanh theo hướng vườn mẫu - khu dân cư kiểu mẫu; phát động các phong trào làm sạch làng quê; nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt chuẩn; nâng cao tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được phân loại và xử lý, với các mô hình phù hợp (liên xã, liên huyện); phát triển, nhân rộng các mô hình tuyên truyền viên bảo vệ môi trường cấp xã; thí điểm một số mô hình xử lý nước thải phân tán cụm dân cư góp phần giảm ô nhiễm môi trường và cải tạo cảnh quan ở nông thôn...; đẩy mạnh xử lý môi trường ở những nơi gây ô nhiễm nghiêm trọng (làng nghề, bãi chôn lấp rác thải, khu xử lý chất thải rắn tập trung, nước thải sinh hoạt và công nghiệp...).
- Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa; phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó, ưu tiên phát triển và nhân rộng các mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc và giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đẩy mạnh giáo dục nông thôn; giữ gìn an ninh trật tự nông thôn;
- Tổ chức triển khai công tác giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình, nâng cao năng lực cho cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp; xây dựng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025; truyền thông về xây dựng nông thôn mới....; kinh phí hoạt động của cơ quan chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới các cấp ở địa phương;