Công văn số 41/2004/KHXX ngày 10/03/2004 của Toà án nhân dân tối cao về việc uỷ thác thi hành án phạt tù

Số hiệu 41/2004/KHXX
Ngày ban hành 10/03/2004
Ngày có hiệu lực 10/03/2004
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tòa án nhân dân tối cao
Người ký Đặng Quang Phương
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự,Thủ tục Tố tụng

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 41/2004/KHXX
V/v uỷ thác thi hành án phạt tù

Hà Nội, ngày 10 tháng 3 năm 2004

 

Kính gửi: Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An

Sau khi nghiên cứu Công văn số 342/VP-TA ngày 11 tháng 9 năm 2003 của Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An (kèm theo hồ sơ thi hành án đối với Nguyễn Tiến Dũng), Toà án nhân dân tối cao có ý kiến như sau:

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 226 Bộ luật tố tụng hình sự, thì: “trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ khi bản án hoặc quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật, Chánh án Toà án đã xử sơ thẩm phải ra quyết định thi hành án hoặc uỷ thác cho Toà án khác cùng cấp ra quyết định thi hành án”. Mặc dù tuy chưa có văn bản nào hướng dẫn trong những trường hợp nào thì Chánh án Toà án đã xử sơ thẩm ra quyết định uỷ thác cho Toà án khác cùng cấp ra quyết định thi hành án, song đối với trường hợp Nguyễn Tiến Dũng bị Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An xử phạt hai năm tù về tội “vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ”, nhưng Dũng được tại ngoại và có nơi cư trú tại xóm Đông Tây, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, thì việc Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An ra quyết định uỷ thác cho Toà án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định thi hành án phạt tù đối với Nguyễn Tiến Dũng là đúng theo quy định tại Khoản 3 Điều 226 Bộ luật tố tụng hình sự.

Sau khi nhận được quyết định uỷ thác thi hành án, Toà án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định thi hành án phạt tù đối với Nguyễn Tiến Dũng và ra lệnh bắt giam Nguyễn Tiến Dũng và ra lệnh bắt giam để chấp hành hình phạt tù là đúng theo Mục 1 Thông tư liên ngành số 03/TTLN ngày 30 tháng 6 năm 1993 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) “Hướng dẫn thực hiện một số quy định của Pháp luật thi hành án phạt tù”. Tuy nhiên, khi cơ quan Công an tỉnh Hà Tĩnh thi hành án, thì Nguyễn Tiến Dũng đã bỏ trốn và việc bỏ trốn này đã được Viện kiểm sát nhân dân huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh xác nhận. Trong trường hợp này, theo hướng dẫn tại Điểm 1 Thông tư số 03/TT/BNV(C11) ngày 11 tháng 7 năm 1997 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) “Hướng dẫn việc truy nã người bị phạt tù và bị cáo đang được tại ngoại bỏ trốn”, thì: “việc áp giải người bị kết án phạt tù đang được tại ngoại đi chấp hành án cũng như việc ra lệnh truy nã đối với họ nếu bỏ trốn là thuộc trách nhiệm của cơ quan Công an”, thì Toà án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh khi nhận được báo cáo của cơ quan Công an tỉnh Hà Tĩnh về việc Nguyễn Tiến Dũng bỏ trốn, phải yêu cầu cơ quan Công an tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định truy nã đối với Nguyễn Tiến Dũng thay vì việc gửi trả hồ sơ uỷ thác thi hành án phạt tù đối với Nguyễn Tiến Dũng cho Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An.

Trên đây là ý kiến của Toà án nhân dân tối cao về việc uỷ thác thi hành án phạt tù đối với Nguyễn Tiến Dũng để quý Toà có căn cứ phối hợp với Toà án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh giải quyết tốt vụ việc cụ thể này.

 

KT. CHÁNH ÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ CHÁNH ÁN




Đặng Quang Phương