Công văn 4087/BNN-VP năm 2013 trả lời chất vấn của Đại biểu Trần Trí Dũng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Số hiệu | 4087/BNN-VP |
Ngày ban hành | 14/11/2013 |
Ngày có hiệu lực | 14/11/2013 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Người ký | Cao Đức Phát |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội |
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:
4087/BNN-VP |
Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2013 |
Kính gửi: |
-
Đại biểu Quốc hội Trần Trí Dũng; |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được kiến nghị của Đại biểu Quốc hội Trần Trí Dũng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh (theo Giấy ghi chất vấn số 68/SYCV-KH6 ngày 05/11/2013 của Văn phòng Quốc hội), xin được trả lời như sau:
NỘI DUNG CHẤT VẤN
Kính thưa Bộ trưởng!
1. Được biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phê duyệt Đề án quy hoạch vùng cây ăn quả chủ lực ở Đồng bằng sông Cửu Long được trồng tập trung và định hướng rải vụ một số loại cây đến năm 2020. Theo đó, Bộ đã chọn 12 loại cây ăn quả chủ lực, trong đó có 5 loại cây được bố trí rải vụ để thu hoạch, chính quyền địa phương và nông dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, cũng rất lo lắng vì thời gian qua do tình hình giá cả không ổn định nên các hộ nông dân bỏ bê không chăm sóc và chặt cây này, trồng cây khác, rồi do dịch bệnh nên hiện nay diện tích một số loại không lớn, trồng không tập trung, cây già cỗi, chất lượng thấp nên lợi thế cạnh tranh không cao.
Để phát triển về cây ăn quả ở Đồng bằng sông Cửu Long theo đề án của Bộ, trong thời gian tới, cần một số chiến lược tổng thể, từ giống, khoa học kỹ thuật, hạ tầng, vốn....những vấn đề đó tự nông dân không thể làm nổi. Vì vậy, xin Bộ trưởng cho biết, Bộ có những chính sách gì để hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích cải tạo cây trồng, nâng cao sản lượng, chất lượng, bảo đảm tính cạnh tranh cao, đạt mục tiêu mà Bộ đề ra?
2. Hiện nay, giá mía không ổn định, năng suất thấp nên người trồng mía không có lãi, thậm chí có khi bị lỗ, nhất là vào mùa thu hoạch chính, gây thiệt hại cho người nông dân, dẫn đến nguy cơ diện tích trồng mía bị sụt giảm. Bộ Nông nghiệp và PTNT có chỉ đạo gì vấn đề này?
3. Tình hình sản xuất, tàng trữ, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… kém chất lượng, nhiều loại hàng giả gây thiệt hại cho nông dân và bức xúc trong dư luận xã hội, mặc dù Bộ có tập trung chỉ đạo quyết liệt nhưng tình hình vẫn còn diễn biến phức tạp.
TRẢ LỜI
1. Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cây ăn trái, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt quy hoạch vùng cây ăn quả chủ lực trồng tập trung và định hướng rải vụ một số cây ăn quả ở Nam bộ đến năm 2020 (Quyết định số 1648/QĐ-BNN-TT ngày 17/7/2013), trong đó xác định quy hoạch sản xuất tập trung đối với 12 loại trái cây chủ lực của vùng gồm: Thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, bưởi, nhãn, chuối, dứa, cam, mãng cầu và quýt, đồng thời định hướng sản xuất rải vụ thu hoạch 5 loại trái cây là thanh long, xoài, nhãn, chôm chôm và sầu riêng.
Bộ đã thành lập Ban Chỉ đạo sản xuất rải vụ thu hoạch cây ăn quả chủ lực trồng tập trung vùng Nam bộ, gồm các đơn vị quản lý của Bộ, các tỉnh, viện nghiên cứu, hiệp hội nhằm chỉ đạo triển khai các giải pháp chủ yếu về xây dựng quy hoạch và tổ chức quản lý thực hiện quy hoạch trên địa bàn từng tỉnh; mở rộng thị trường và xúc tiến thương mại; nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất.
Hàng năm, Bộ ưu tiên bố trí kinh phí triển khai các đề tài nghiên cứu về chọn tạo giống, kỹ thuật canh tác cây ăn quả; các dự án khuyến nông cho phát triển sản xuất trái cây trong vùng. Dự án giống cây ăn quả do Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam triển khai đã chọn tạo được nhiều giống cây ăn quả mới (thanh long ruột đỏ, thanh long ruột tím hồng, cam sành ít hạt, bưởi, xoài...), duy trì các cây đầu dòng, sản xuất cây giống chất lượng phục vụ sản xuất trong vùng.
Bộ đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách:
- Chính sách hỗ trợ áp dụng VietGAP (Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ áp dụng VietGAP trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản). Bộ cũng đã chủ trì, phối hợp các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, ban hành Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 (Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT ngày 16/10/2013), trong đó bao gồm: hỗ trợ kinh phí cho quy hoạch vùng sản xuất tập trung; hỗ trợ cho đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng vùng sản xuất tập trung; hỗ trợ tập huấn, đào tạo, dạy nghề; hỗ trợ áp dụng TBKT mới trong sử dụng giống kháng sâu bệnh, thuốc BVTV sinh học, thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, áp dụng IPM, ICM; hỗ trợ cấp giấy chứng nhận sản phẩm VietGAP; hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại.
- Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn (Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ).
- Chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản (Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 và Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), trong đó áp dụng lãi suất tín dụng đầu tư phát triển theo quy định hiện hành đối với vay vốn để mua máy móc, thiết bị lọc màng bán thấm (coating), chiếu xạ, tiệt trùng bằng hơi nước nóng đối với rau quả tươi, hệ thống sơ chế rau quả tại chợ đầu mối, các dự án đầu tư xây dựng kho lạnh bảo quản rau quả.
- Chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để khôi phục sản xuất sau thiên tai (Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 và Quyết định số 49/2012/QĐ-TTg ngày 08/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang chỉ đạo triển khai:
- Dự án Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và Phát triển chương trình khí sinh học (vốn vay ADB), trong đó hỗ trợ 4 tỉnh: Bình Thuận, Ninh Thuận, Tiền Giang và Bến Tre (4-5 triệu USD/tỉnh) về quy hoạch, xây dựng mô hình vùng sản xuất trái cây an toàn; hỗ trợ chuyển đổi giống, chứng nhận trái cây an toàn.
- Đẩy mạnh xúc tiến thương mại trái cây: Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình xúc tiến thương mại xuất khẩu trái cây; ký kết các hiệp định kiểm dịch thực vật, tháo gỡ rào cản đối với các nước nhập khẩu trái cây Việt Nam; thực hiện các nghĩa vụ của hiệp định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm giữ vững các thị trường lớn, thị trường truyền thống và mở rộng thêm các thị trường mới. Phát triển, mở rộng thị trường nội địa thông qua hoạt động liên kết hợp tác, quảng bá sản phẩm trái cây vùng tập trung.
- Tập trung chỉ đạo thực hiện công tác quản lý chất lượng giống, vật tư phân bón, thuốc BVTV và an toàn thực phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của trái cây, tăng hiệu quả kinh tế và thu nhập cho nông dân trồng cây ăn trái.
2. Trong 5 năm gần đây, giá đường và giá mía tăng cao, người trồng mía có lãi, người trồng mía đã quan tâm đầu tư thâm canh mở rộng diện tích nên diện tích mía được mở rộng và năng suất mía tăng khá. Niên vụ mía 2012-2013, cả nước trồng hơn 298.000 ha mía, tăng hơn 15.000 ha so với vụ trước, năng suất bình quân đạt 63,9 tấn/ha, tăng với niên vụ trước 2,2 tấn/ha; tổng sản lượng mía thu được 19,04 triệu tấn, tăng 1,5 triệu tấn so với cùng kỳ; sản xuất được 1,53 tấn đường, góp phần nộp ngân sách trên dưới 1.000 tỷ đồng; thu nhập của nông dân trồng mía tương đối ổn định.
Tuy nhiên, so với thế giới năng suất, chất lượng mía đường chúng ta còn thấp và chi phí sản xuất mía cao. Vì vậy, khi giá đường xuống thấp, cả doanh nghiệp chế biến và người trồng mía đều gặp khó khăn.
Trước thực tế đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang triển khai một số giải pháp sau đây:
- Phê duyệt 2 dự án sản xuất giống mía trong Chương trình giống đến năm 2020, giao cho Tổng công ty Mía đường 1 và 2 thực hiện, nhằm nhập nội các giống mía mới, nhân nhanh giống tốt mở rộng ra sản xuất;
- Ưu tiên bố trí kinh phí khoa học, khuyến nông cho các đề tài chọn tạo giống mía mới, nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật, các dự án khuyến nông để tăng năng suất, chất lượng mía;
- Đề nghị các địa phương ưu tiên áp dụng các chính sách hiện có; các doanh nghiệp mía đường tăng cường liên kết với nông dân tạo thành vùng nguyên liệu; hỗ trợ cho nông dân thâm canh mía, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, sử dụng giống mía mới để nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất mía; các nhà máy đường đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu suất chế biến giảm giá thành sản xuất đường để có thể mua mía với giá cao hơn đảm bảo có lãi cho người trồng mía.