Kính gửi: Ủy ban nhân dân
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoan nghênh và đánh giá cao
các địa phương trong thời gian qua đã chủ động, tích cực xây dựng
đề án, kế hoạch, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa
bàn nhằm thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV và Chỉ thị số
15/CT-TTg ngày 15/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức triển khai thực hiện
hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa
phương và đảm bảo thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Kế hoạch
và Đầu tư gửi kèm theo khung hướng dẫn xây dựng chương trình/đề án hỗ trợ doanh
nghiệp nhỏ và vừa (Phụ lục 1) để các địa phương tham khảo thực hiện.
Ngoài ra, căn cứ thế mạnh, điều kiện
ngân sách của địa phương, đề nghị các địa phương đề xuất nhiệm vụ và kinh phí hỗ
trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 (tập trung vào nội dung hỗ trợ trọng tâm cho nhóm DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và
tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị) để tổng hợp chung vào Chương trình
hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quốc gia giai đoạn 2021-2025 trình Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt.
Văn bản đề xuất nhiệm vụ, kinh phí của
các địa phương xây dựng theo mẫu tại Phụ lục 2 và gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư
(Cục Phát triển doanh nghiệp) trước ngày 10/7/2019 (bản
mềm gửi vào địa chỉ nguyentunganh@mpi.gov.vn. ĐT:
08044292/0902223670) để kịp tổng hợp, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ.
Rất mong sự phối hợp của Quý Cơ
quan./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT, Cục PTDN.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Vũ Đại Thắng
|
PHỤ LỤC 1
KHUNG HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH/KẾ
HOẠCH/ ĐỀ ÁN HỖ TRỢ DNNVV CỦA ĐỊA PHƯƠNG
I. SỰ CẦN THIẾT VÀ
CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH/ĐỀ ÁN HỖ TRỢ
1.1. Căn cứ pháp lý xây dựng Kế hoạch/Đề
án:
- Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển
kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa
- Luật Hỗ trợ DNNVV số 04/2017/QH14
ngày 12/6/2017
- Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày
11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV
(sau đây gọi tắt là Nghị định số 39/2018/NĐ-CP)
- Nghị định 38/2018/NĐ-CP ngày
11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng
tạo
- Nghị định 39/2019/NĐ-CP ngày
10/5/2019 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV
- Chỉ thị số 15
của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ
DNNVV.
1.2. Thực trạng phát triển DNNVV
và yêu cầu đặt ra đối với công tác hỗ trợ DNNVV của địa phương.
II. MỤC TIÊU KẾ HOẠCH/ĐỀ
ÁN:
2.1. Mục tiêu tổng quát
Triển khai đồng bộ, hiệu quả các
chính sách hỗ trợ DNNVV quy định tại Nghị quyết 10-NQ/TW, Luật Hỗ trợ DNNVV, các nghị định của Chính phủ nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển
và nâng cao năng lực cạnh tranh cho DNNVV trên địa bàn tỉnh; tạo môi trường đầu
tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch để các DNNVV
đóng góp ngày càng cao vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; góp phần nâng
cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của tỉnh
v.v...
2.2. Mục tiêu cụ thể
- Số lượng DNNVV thành lập mới đến
năm 2020 và giai đoạn 2021-2025;
- Số lượng việc làm tạo ra trên địa
bàn tỉnh/thành phố;
- Đóng góp của DNNVV vào tốc độ tăng
trưởng GDP của tỉnh.
- Số lượng DNNVV tham gia vào chuỗi sản
phẩm xuất khẩu/Tỷ trọng/giá trị kim ngạch xuất khẩu của DNNVV trong tổng kim ngạch
xuất khẩu của tỉnh v.v...
- Số lượng vốn đầu tư mạo hiểm huy động
được từ các quỹ đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo v.v...
III. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM
VI, NGUYÊN TẮC HỖ TRỢ
3.1. Đối
tượng hỗ trợ: là các DNNVV thành lập và hoạt động theo
quy định pháp luật về doanh nghiệp, đáp ứng các tiêu chí xác định DNNVV theo Điều 6, Nghị định 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ
quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV.
3.2. Phạm
vi hỗ trợ: các DNNVV thành lập và hoạt động trên địa
bàn tỉnh/thành phố.
3.3. Nguyên
tắc hỗ trợ: thực hiện theo quy định
tại Điều 4, Nghị định 39/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
IV. NỘI DUNG CHÍNH
SÁCH HỖ TRỢ DNNVV
4.1. Nhóm chính sách hỗ trợ chung
- Hỗ trợ tiếp cận tín dụng: Cơ quan hỗ
trợ DNNVV của tỉnh phối hợp với hiệp hội doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng tổ chức
đào tạo, tập huấn, tư vấn cho DNNVV phương án sản xuất kinh doanh khả thi, tăng
cường năng lực quản trị, kỹ năng quản lý, minh bạch hóa tài
chính để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho DNNVV.
- Hỗ trợ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV
qua Quỹ bảo lãnh tín dụng tại địa phương;
- Hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh
doanh: xây dựng cơ chế và bố trí kinh phí để hỗ trợ giá
thuê mặt bằng cho DNNVV tại các khu công nghiệp, khu công
nghệ cao, cụm công nghiệp trên địa bàn thông qua bù giá cho nhà đầu tư hạ tầng.
- Hỗ trợ công nghệ, cơ sở ươm tạo, cơ
sở kỹ thuật, khu làm việc chung v.v...: thành lập các cơ sở
ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung để hỗ trợ
DNNVV;
- Hỗ trợ mở rộng thị trường thông qua
thành lập chuỗi phân phối sản phẩm cho DNNVV;
- Hỗ trợ đào tạo, thông tin, tư vấn,
pháp lý cho DNNVV v.v...: ví dụ hỗ trợ kinh phí xây dựng
web site, cung cấp thông tin miễn phí cho DNNVV trên cổng thông tin điện tử của
tỉnh, đào tạo, tư vấn cho DNNVV để nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp....
4.2. Nhóm chính sách hỗ trợ trọng tâm cho DNNVV
a) Hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ
kinh doanh
- Tư vấn, hướng dẫn miễn phí hồ sơ,
thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, hỗ trợ kinh phí làm con dấu, miễn phí
thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu, miễn,
giảm tiền sử dụng đất;
- Hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn miễn phí về
thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán cho DNNVV.
b) Hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo
Việc thực hiện hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp
sáng tạo cần xây dựng thành Đề án hỗ trợ DNNVV theo quy định
tại Khoản 1, Điều 4, Nghị định 39/2018/NĐ-CP với các nội
dung cụ thể sau:
- Đối tượng và
phương thức lựa chọn DNNVV khởi nghiệp sáng tạo tham gia Đề
án hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều
17 Luật Hỗ trợ DNNVV và Điều 20 Nghị định 39/2018/NĐ-CP
của Chính phủ.
- Trình tự, thủ tục lựa chọn đối tượng
hỗ trợ, nội dung và nguồn lực thực hiện hỗ trợ: Đề án cần
quy định rõ:
+ Quy trình, thủ tục để DNNVV nộp hồ
sơ tham gia Đề án (nơi nộp, quy định
về bộ hồ sơ, thời hạn nộp hồ sơ, hình thức nộp hồ sơ, v.v.);
+ Quy trình lựa chọn (thời gian tối
thiểu/tối đa Cơ quan chủ trì Đề án lựa chọn và công bố/thông báo DNNVV đủ điều
kiện tham gia Đề án; điều kiện và phương thức lựa chọn đối tượng tham gia, v.v.).
- Quy trình công bố/thông báo về các
nội dung doanh nghiệp được nhận hỗ trợ; trình tự, thủ tục doanh nghiệp nhận được
các hỗ trợ.
- Nội dung hỗ trợ: địa phương cần bám
sát quy định tại Khoản 2, Điều 17, Luật Hỗ trợ DNNVV và Điều 21, Nghị định 39/2018/NĐ-CP để lựa chọn các chính sách hỗ
trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo phù hợp với đặc thù và nhu cầu hỗ trợ của doanh
nghiệp trên địa bàn cũng như điều kiện ngân sách của địa phương.
- Xác định nguồn lực thực hiện Đề án:
nguồn ngân sách nhà nước (ngân sách địa phương, ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương), ngân sách huy động của hiệp
hội, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, ngân sách tài trợ của
tổ chức quốc tế v.v...
- Thời gian thực hiện Đề án
- Cơ chế quản lý giám sát, đánh giá.
c) Hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị
Việc thực hiện hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo cần xây dựng thành Đề án hỗ trợ
DNNVV theo quy định tại Khoản 1, Điều 4, Nghị định 39/2018/NĐ-CP
với các nội dung cụ thể sau:
- Căn cứ tiêu chí lựa chọn cụm liên kết
ngành, chuỗi giá trị theo quy định tại Điều 22, Nghị định
39/2018/NĐ-CP, địa phương lựa chọn 1-2 sản phẩm/Iĩnh vực trọng điểm, có thế
mạnh của địa phương, đóng góp cao trong tổng sản phẩm GDP của địa phương, tạo
việc làm cho người lao động, có mật độ doanh nghiệp tham gia lớn...để hỗ trợ DNNVV theo các chuỗi liên kết sản phẩm từ nguyên liệu đầu vào ra đến thị trường tiêu thụ.
- Đối tượng và
phương thức lựa chọn DNNVV tham gia Đề án thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 19 Luật Hỗ trợ DNNVV và Điều 23
Nghị định 39/2018/NĐ-CP.
- Đề án cần quy định rõ trình tự, thủ
tục lựa chọn đối tượng hỗ trợ:
+ Quy trình, thủ tục để DNNVV nộp hồ sơ tham gia Đề án (nơi nộp, quy định về bộ hồ sơ, thời hạn
nộp hồ sơ, hình thức nộp hồ sơ, v.v.);
+ Quy trình lựa chọn (thời gian tối
thiểu/tối đa Cơ quan chủ trì Đề án lựa chọn và công bố/thông báo DNNVV đủ điều
kiện tham gia Đề án; điều kiện và phương thức lựa chọn đối tượng tham gia, v.v.).
+ Quy trình công bố/thông báo về các
nội dung DNNVV được nhận hỗ trợ; trình tự, thủ tục doanh nghiệp nhận được các hỗ
trợ
- Nội dung hỗ trợ: căn cứ quy định tại
Khoản 2, Điều 19, Luật Hỗ trợ DNNVV và Điều
24, Nghị định 39/2018/NĐ-CP, địa phương lựa chọn các chính sách hỗ trợ
DNNVV phù hợp với đặc thù và nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp trên địa bàn cũng
như điều kiện ngân sách của địa phương.
- Xác định nguồn lực thực hiện Đề án
- Thời gian thực hiện Đề án
- Cơ chế quản lý
giám sát, đánh giá.
V. KINH PHÍ THỰC
HIỆN
Nguồn ngân sách nhà nước (ngân sách địa
phương, ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương), ngân sách huy
động của hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, ngân sách tài trợ của tổ chức
quốc tế v.v...
VI. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
Làm rõ cơ chế phân công phối hợp giữa
các cơ quan ban ngành địa phương (các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Công thương, Tài chính, Tư pháp, Thông tin truyền thông, Tài nguyên môi trường...);
vai trò tham gia của các viện nghiên cứu, trung tâm hỗ trợ, hiệp hội, quỹ đầu
tư phát triển, ngân hàng nhà nước, cục thuế v.v...
VII. CƠ CHẾ GIÁM
SÁT, ĐÁNH GIÁ VÀ BÁO CÁO
PHỤ LỤC 2
ĐỀ XUẤT CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ DNNVV KHỞI
NGHIỆP SÁNG TẠO, THAM GIA CỤM LIÊN KẾT NGÀNH, CHUỖI GIÁ TRỊ GIAI ĐOẠN 2021-2025
I. HỖ TRỢ DNNVV
KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO
1. Đánh giá hoạt động hỗ trợ DNNVV
khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2016-2020.
- Thống kê các chương trình, dự án đã
triển khai hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; đơn vị đầu mối triển khai thực hiện.
- Tình hình thực hiện chương trình hỗ
trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo (số DNNVV tham gia chương trình; những nội dung
DNNVV được hỗ trợ, thụ hưởng từ chương trình; kết quả đầu
ra: đóng góp vào NSNN, tăng GDP của địa phương, doanh thu, lợi nhuận thu về của
DNNVV, tạo công ăn việc làm cho lao động của địa phương,..).
- Số kinh phí đã bố trí, số kinh phí
đã giải ngân hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo.
- Đánh giá tình hình cung cấp thông
tin hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn (tình hình vận hành, khai
thác hệ thống thông tin hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; số kinh phí đã bố
trí, số kinh phí đã giải ngân; kết quả thu được, tác động đối với DNNVV).
2. Đề
xuất hoạt động hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo
giai đoạn 2021-2025
- Đề xuất ngành, lĩnh vực tiềm năng cần
hỗ trợ để khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2021-2025: ví dụ lĩnh vực: Trí tuệ
nhân tạo, nhà máy thông minh, thành phố thông minh, Công nghiệp an ninh mạng,
truyền thông số, Công nghệ môi trường, nông nghiệp....
- Đề xuất hoạt động hỗ trợ DNNVV khởi
nghiệp sáng tạo bao gồm: Hỗ trợ ứng dụng chuyển giao công nghệ, hỗ trợ sử dụng
trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung, hướng dẫn hoàn thiện, thử nghiệm sản phẩm mới; hỗ trợ đào tạo, huấn
luyện chuyên sâu về xây dựng phát triển sản phẩm; hỗ trợ kết
nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo, thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm
v.v... theo quy định tại Điều 17, Luật Hỗ trợ DNNVV và Điều 21 Nghị định 39/2018/NĐ-CP.
- Đề xuất kinh
phí xây dựng Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp/Khu làm việc chung để hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo/Cơ sở ươm tạo DNNVV (xây dựng dưới dạng Đề
án gồm những nội dung cơ bản sau: mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ
và địa điểm; tên gọi, loại hình; cơ cấu tổ chức; cơ chế
tài chính, cơ chế hoạt động; dự kiến về nhân sự, trang thiết bị; phương án tổ
chức và lộ trình triển khai hoạt động; dự trù số kinh phí đầu
tư xây dựng; dự kiến những nhiệm vụ sẽ thực hiện; dự kiến kết quả đầu ra; dự kiến nội dung dịch vụ DNNVV được hưởng lợi…).
- Đề xuất phương án kết nối liên
thông cổng thông tin/trang web của địa phương với Cổng thông tin quốc gia hỗ trợ DNNVV để cung cấp
thông tin cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
II. HỖ TRỢ DNNVV
THAM GIA CỤM LIÊN KẾT NGÀNH, CHUỖI GIÁ TRỊ
1. Đánh giá hoạt động hỗ trợ
DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị giai đoạn
2016-2020
- Thống kê các quyết định thành lập cụm
liên kết ngành, chuỗi giá trị; quyết định phê duyệt kế hoạch,
chương trình hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh
vực quản lý; đơn vị đầu mối triển khai thực hiện.
- Tình hình vận hành cụm liên kết,
chuỗi sản phẩm (số DNNVV tham gia cụm, chuỗi; những nội dung
DNNVV được hỗ trợ, thụ hưởng từ chương trình; kết quả đầu ra so với trước khi
tham gia vào cụm, chuỗi: đóng góp vào NSNN, tăng GDP của địa
phương, doanh thu, lợi nhuận thu về của DNNVV, tạo công ăn việc làm cho lao động
của địa phương...).
- Số kinh phí bố trí để xây dựng cụm,
chuỗi; số kinh phí đã giải ngân...
- Đánh giá tiềm năng của cụm liên kết
ngành, chuỗi giá trị đang triển khai thực hiện.
- Đánh giá tình hình cung cấp thông
tin hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trên địa bàn (tình
hình vận hành, khai thác hệ thống thông tin hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết
ngành, chuỗi giá trị; số kinh phí đã bố trí, số kinh phí
đã giải ngân; kết quả thu được, tác động đối với DNNVV).
2. Đề xuất hoạt động hỗ trợ
DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị giai đoạn
2021-2025
- Xác định cụm liên kết ngành, chuỗi
giá trị Nhà nước cần ưu tiên đầu tư hỗ trợ phát triển trong giai đoạn
2021-2025. Căn cứ tiêu chí lựa chọn cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị theo quy
định tại Điều 22, Nghị định 39/2018/NĐ-CP, địa phương lựa chọn 1-2 sản phẩm/lĩnh vực trọng điểm, có thế mạnh của địa
phương, đóng góp cao trong tổng sản phẩm GDP của địa phương, tạo việc làm cho
người lao động, có mật độ doanh nghiệp tham gia lớn...để hỗ trợ DNNVV theo các chuỗi liên kết sản phẩm từ nguyên liệu đầu vào ra đến thị trường
tiêu thụ.
- Đề xuất giải pháp kết nối doanh
nghiệp lớn của vùng, ngành với DNNVV trong cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị nhằm
tận dụng lợi thế vùng sản phẩm, tiêu chuẩn hóa sản phẩm....
- Đề xuất kinh phí thực hiện hỗ trợ
phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị tại địa bàn giai đoạn 2021-2025
(xây dựng dưới dạng Đề án).
- Đề xuất kinh phí xây dựng Cơ sở kỹ
thuật hỗ trợ DNNVV tại địa bàn giai đoạn 2021-2025 (xây dựng
dưới dạng Đề án ngắn gọn với những nội dung cơ bản sau: mục tiêu, chức năng,
nhiệm vụ và địa điểm; tên gọi, loại hình; cơ cấu tổ chức; cơ chế tài chính, cơ
chế hoạt động; dự kiến về nhân sự, trang thiết bị; phương án tổ chức và lộ trình triển khai hoạt động; dự trù số kinh
phí đầu tư xây dựng; dự kiến những nhiệm vụ sẽ thực hiện;
dự kiến kết quả đầu ra; dự kiến nội dung dịch vụ DNNVV được
hưởng lợi...).
- Đề xuất hoạt động
kết nối liên thông cổng thông tin/trang web của địa phương với Cổng thông tin quốc gia hỗ trợ DNNVV để cung cấp thông tin cho doanh
nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Ghi chú: Các nội dung hỗ trợ đề nghị xây dựng dưới dạng Đề án/ Dự án hỗ trợ ngắn gọn với những nội
dung cơ bản sau: mục tiêu, đối tượng phạm vi áp dụng,
nhiệm vụ giải pháp thực hiện, số kinh phí đăng ký,
dự kiến những nhiệm vụ sẽ thực hiện, dự kiến kết quả đầu ra, dự kiến nội dung dịch
vụ DNNVV được hưởng lợi... theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV và Nghị định 39/2018/NĐ-CP của Chính phủ