Công văn 4037/BTC-PC năm 2014 hướng dẫn thu, nộp, quản lý, sử dụng tiền thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do Bộ Tài chính ban hành
Số hiệu | 4037/BTC-PC |
Ngày ban hành | 31/03/2014 |
Ngày có hiệu lực | 31/03/2014 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Người ký | Hồ Thị Hằng |
Lĩnh vực | Thương mại,Vi phạm hành chính,Tài chính nhà nước |
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4037/BTC-PC |
Hà Nội, ngày 31 tháng 03 năm 2014 |
Kính gửi: |
- Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc TW |
Trong thời gian qua, khi triển khai thực hiện Thông tư 153/2013/TT-BTC ngày 31/10/2013 quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ NSNN bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính, Bộ Tài chính nhận được công văn của một số địa phương hỏi về việc áp dụng quy định của Thông tư 59/2008/TT-BTC ngày 04/7/2008 hướng dẫn việc thu, nộp, quản lý, sử dụng tiền thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và Thông tư số 51/2010/TT-BTC ngày 14/4/2010 về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 59/2008/TT-BTC (sau đây gọi tắt là Thông tư 59 và Thông tư 51). Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính hướng dẫn như sau:
1. Theo quy định Thông tư 59 và Thông tư 51 thì khoản tiền thu, nộp NSNN được sử dụng để bổ sung cho cơ quan, đơn vị chống buôn lậu gồm các nguồn:
(i) Tiền phạt vi phạm hành chính;
(ii) Tiền bán hàng hóa, tang vật, phương tiện bị tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính;
(iii) Tiền bán tài sản tịch thu theo quyết định của cơ quan công an, kiểm sát, tòa án đã có hiệu lực pháp luật đối với các vụ án hình sự về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
2. Đối với nguồn tiền phạt vi phạm hành chính:
Theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Thông tư 153/2013/TT-BTC thì tiền phạt vi phạm hành chính được nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước; theo quy định tại Điều 10 Thông tư 153/2013/TT-BTC thì kinh phí bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của các Bộ, cơ quan Trung ương và cơ quan địa phương. Đồng thời, tại điểm c khoản 1 Điều 13 Thông tư cũng bãi bỏ quy định về quản lý, sử dụng tiền phạt vi phạm hành chính tại Thông tư 59 và Thông tư 51.
3. Đối với nguồn tiền bán thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu:
Tại điểm e khoản 2 Điều 11 Thông tư 173/2013/TT-BTC ngày 20/11/2013 hướng dẫn thực hiện một số nội dung về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính đã bãi bỏ quy định về quản lý, sử dụng tiền bán hàng hóa, tang vật, phương tiện bị tịch thu, sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính tại Thông tư 59 và Thông tư 51; đồng thời, tại khoản 3 Điều 11 Thông tư 173/2013/TT-BTC đã quy định “Trường hợp có quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước từ ngày 01/7/2013 thì việc quản lý số tiền thu được từ xử lý tang vật, phương tiện VPHC thực hiện theo các quy định tại Thông tư này”.
Như vậy, hiện nay, Thông tư 59 và Thông tư 51 chỉ còn áp dụng đối với phần quản lý, sử dụng nguồn thu từ bán tài sản tịch thu theo quyết định của cơ quan công an, kiểm sát, tòa án đã có hiệu lực pháp luật đối với các vụ án hình sự về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Đề nghị Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, thực hiện đúng quy định./.
Nơi nhận: |
TL. BỘ TRƯỞNG |