Công văn 4028/BGDĐT-GDTX năm 2022 hướng dẫn thực hiện Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông năm học 2022-2023 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Số hiệu | 4028/BGDĐT-GDTX |
Ngày ban hành | 23/08/2022 |
Ngày có hiệu lực | 23/08/2022 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Người ký | Nguyễn Hữu Độ |
Lĩnh vực | Giáo dục |
BỘ GIÁO DỤC VÀ
ĐÀO TẠO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4028/BGDĐT-GDTX |
Hà Nội, ngày 23 tháng 8 năm 2022 |
Kính gửi: |
- Các Sở Giáo dục và Đào tạo1; |
Ngày 26/7/2022, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ký Thông tư số 12/2022/TT-BGDĐT ban hành Chương trình Giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp trung học phổ thông (THPT) (sau đây gọi là Thông tư 12). Để công tác chỉ đạo thực hiện Chương trình GDTX cấp THPT năm học 2022-2023 bảo đảm chất lượng và hiệu quả, Bộ GDĐT hướng dẫn các Sở GDĐT, Cục nhà trường thực hiện cụ thể như sau:
I. Đối với các lớp 11, 12:
Thực hiện dạy học theo Chương trình GDTX cấp THPT ban hành kèm theo Quyết định số 50/2006/QĐ-BGD&ĐT ngày 07/11/2006 của Bộ trưởng Bộ GDĐT, cùng với các văn bản hướng dẫn hiện hành có liên quan, cụ thể như: Công văn số 8298/BGDĐT-GDTX ngày 21/9/2009 về hướng dẫn thực hiện phân phối Chương trình GDTX cấp THPT; Công văn số 3566/BGDĐT-GDTX ngày 14/9/2020 hướng dẫn về điều chỉnh nội dung dạy học và kiểm tra, đánh giá học viên theo học Chương trình GDTX cấp THCS và THPT. Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và hạnh kiểm của học viên được thực hiện theo Quyết định số 02/2007/QĐ-BGD&ĐT ngày 23/01/2007 và Thông tư số 21/2021/TT-BGDĐT ngày 01/7/2021 của Bộ GDĐT.
II. Đối với lớp 10:
Thực hiện dạy học theo Chương trình GDTX cấp THPT ban hành kèm theo Thông tư 12. Chương trình GDTX cấp THPT đã quy định cụ thể về thời lượng từng môn học theo nội dung dạy học. Khi thực hiện Chương trình GDTX cấp THPT với các hình thức dạy học khác nhau, các trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX (gọi chung là Trung tâm) thực hiện đầy đủ thời lượng, nội dung đã quy định trong Chương trình GDTX cấp THPT.
1. Xây dựng kế hoạch giáo dục của Trung tâm
Căn cứ vào khung kế hoạch thời gian năm học, thời lượng các môn học của Chương trình GDTX cấp THPT, Sở GDĐT hướng dẫn các Trung tâm xây dựng kế hoạch giáo dục gồm: Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn (kế hoạch dạy học các môn học); Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo hướng dẫn tại Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 và Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH ngày 23/6/2021 của Bộ GDĐT) một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của Trung tâm, đảm bảo tính khoa học, cân đối giữa các học kì trong năm học.
2. Xây dựng các tổ hợp môn học lựa chọn và cụm chuyên đề học tập
a) Xây dựng các tổ hợp môn học lựa chọn
Các Trung tâm căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10, căn cứ tổ hợp môn học lựa chọn của học viên đăng ký theo nguyện vọng để xây dựng một số tổ hợp môn học lựa chọn (4 môn học trong 7 môn học lựa chọn) của Chương trình để vừa đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của học viên, vừa đảm bảo phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của Trung tâm. Thực hiện công khai các tổ hợp môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập và tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp cho học viên, cha mẹ học viên nhằm giúp học viên lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở trường và điều kiện dạy học của Trung tâm.
b) Cụm chuyên đề học tập
Trong mỗi năm học, học viên phải lựa chọn 3 cụm chuyên đề học tập (105 tiết/năm học) trong 7 môn học (3 môn bắt buộc và 4 môn lựa chọn) theo định hướng nghề nghiệp. Cụm chuyên đề học tập do học viên đã lựa chọn học lớp 10 thì tiếp tục học các cụm chuyên đề học tập đó đến lớp 11, 12.
Học viên đã lựa chọn tổ hợp môn học trong các môn học lựa chọn, chọn cụm chuyên đề học tập từ lớp 10 sẽ giữ ổn định đến lớp 12. Trường hợp đặc biệt, nếu học viên có nguyện vọng thay đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, Giám đốc Trung tâm xem xét quyết định cho phù hợp với điều kiện của Trung tâm và khả năng học tập của người học.
3. Hướng dẫn thực hiện các hoạt động giáo dục
a) Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp bao gồm các nội dung được tổ chức trong và ngoài Trung tâm với các hình thức: Sinh hoạt dưới cờ, Sinh hoạt lớp, Hoạt động giáo dục theo chủ đề hoặc các câu lạc bộ. Căn cứ vào điều kiện thực tế của Trung tâm, Giám đốc phân công cán bộ quản lý, giáo viên xây dựng kế hoạch và đảm nhận việc tổ chức, thực hiện các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của Trung tâm.
b) Nội dung giáo dục địa phương bao gồm những vấn đề cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp… của địa phương. Căn cứ vào nội dung giáo dục của địa phương, căn cứ vào nhu cầu học tập của người học Giám đốc Trung tâm phân công Giáo viên dạy các chủ đề cho phù hợp với năng lực của giáo viên.
4. Về phương pháp dạy học
a) Khuyến khích giáo viên tăng cường sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, đề cao vai trò chủ thể học tập của học viên (thảo luận, tranh luận, đóng vai, dự án,...) nhằm phát triển phẩm chất và năng lực học viên; phối hợp sử dụng các phương pháp dạy học truyền thống (thuyết trình, đàm thoại,...) phát huy tính chủ động, sáng tạo của học viên trong việc tổ chức dạy học của từng môn học. Vận dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với mục tiêu, nội dung giáo dục, đối tượng học viên và điều kiện cụ thể. Chú trọng các phương pháp dạy học tích cực, phương pháp phù hợp với đặc trưng môn học để hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực cho học viên.
b) Đa dạng hoá và sử dụng linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học: Kết hợp các hình thức học cá nhân, học nhóm, học ở lớp, học ngoài thực địa, học theo dự án học tập,.... Chú trọng việc bồi dưỡng năng lực tự học, sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại và công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học. Tùy theo mục tiêu, tính chất nội dung dạy học, giáo viên có thể tổ chức cho học viên được làm việc độc lập, làm việc theo nhóm hoặc làm việc chung cả lớp nhưng phải bảo đảm mỗi học viên được tạo điều kiện để tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm thực tế.
5. Về kiểm tra, đánh giá
Thực hiện việc kiểm tra, đánh giá đối với các môn học của lớp 10 tuyển sinh từ năm học 2022 - 2023 theo quy định tại Thông tư số 43/2021/TT-BGDĐT ngày 30/12/2021 của Bộ trưởng Bộ GDĐT quy định về đánh giá học viên theo học Chương trình GDTX cấp THCS và cấp THPT (Thông tư 43), cụ thể như sau:
a) Đối với cụm chuyên đề học tập
Đối với cụm chuyên đề học tập của mỗi môn học, học viên được kiểm tra, đánh giá theo từng chuyên đề học tập. Giáo viên chọn kết quả của 01 (một) lần kiểm tra, đánh giá của các chuyên đề làm kết quả đánh giá của cụm chuyên đề học tập đó. Kết quả đánh giá của cụm chuyên đề học tập của môn học được tính là kết quả của 01 (một) lần đánh giá thường xuyên để sử dụng trong việc đánh giá kết quả học tập môn học theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 43 (không tính trong số điểm đánh giá thường xuyên của môn học đã qui định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 43). Kết quả đánh giá của cụm chuyên đề được sử dụng ở học kỳ kết thúc học cụm chuyên đề đó.
b) Đối với hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp
Giáo viên chủ nhiệm chủ trì, phối hợp với các giáo viên khác (nếu có) để đánh giá hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp bằng nhận xét thông qua theo dõi các hoạt động và sử dụng kết quả đánh giá vào việc đánh giá kết quả rèn luyện của học viên.
c) Đối với kiểm tra, đánh giá định kỳ
- Các tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên môn học xây dựng ma trận đặc tả đề kiểm tra, đánh giá định kỳ của từng khối lớp với ngân hàng câu hỏi tự luận và câu hỏi trắc nghiệm khách quan theo các mức độ: nhận biết, thông hiểu và vận dụng với tỷ lệ phù hợp giữa câu hỏi trắc nghiệm và câu hỏi tự luận, phù hợp với từng đối tượng học viên.