Công văn về việc triển khai Chiến lược phát triển xuất - nhập khẩu thời kỳ 2001-2010

Số hiệu 3936/TM-XNK
Ngày ban hành 14/11/2000
Ngày có hiệu lực 14/11/2000
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Thương mại
Người ký Vũ Khoan
Lĩnh vực Thương mại

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 3936/TM-XNK

Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2000

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ THƯƠNG MẠI SỐ 3936/TM-XNK NGÀY 14 THÁNG 11 NĂM 2000 VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN XUẤT - NHẬP KHẨU THỜI KỲ 2001 - 2010

Kính gửi:

 

- Các đ/c Bộ trưởng và Thủ trưởng các ngành liên quan thuộc Chính phủ
- Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ

Thi hành Chỉ thị số 22/2000/CT-TTg ngày 27/10/2000 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển xuất - nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ thời kỳ 2001-2010, Bộ Thương mại xin trân trọng gửi tới các đồng chí bản tóm tắt chiến lược đã được Chính phủ thông qua để làm cơ sở cho việc xây dựng các chương trình cụ thể về xuất khẩu trong 10 năm tới.

Bộ Thương mại trân trọng đề nghị các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức truyền đạt những nội dung cơ bản của Chiến lược phát triển xuất - nhập khẩu thời kỳ 2001-2010 tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, quan tâm chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu của ngành, địa phương mình để góp phần thực hiện thành công Chỉ thị số 22/2000/CT-TTg ngày 27/10/2000 của Thủ tướng Chính phủ.

 

Vũ Khoan

(Đã ký)

 

BỘ THƯƠNG MẠI

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà nội, ngày 11 tháng 11 năm 2000

BẢN TÓM TẮT

CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN XUẤT NHẬP KHẨU THỜI KỲ 2001-2010

Chiến lược phát triển xuất - nhập khẩu thời kỳ 2001-2010 được xây dựng nhằm cụ thể hóa những định hướng nêu trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Đảng đang được thảo luận, đề ra những định hướng và biện pháp cụ thể để phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Chiến lược xuất - nhập khẩu được trình bày thành 3 phần. Phần thứ nhất đưa ra những đánh giá tổng quát về hoạt động xuất - nhập khẩu trong 10 năm trước. Phần thứ hai đưa ra những định hướng lớn cho công tác xuất - nhập khẩu. Phần thứ ba đề xuất các chính sách và giải pháp thực hiện Chiến lược.

Phần thứ nhất:

ĐÁNH GIÁ TỔNG QUÁT HOẠT ĐỘNG XUẤT - NHẬP KHẨU THỜI KỲ 1991-2000

I. NHỮNG THÀNH TỰU ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC:

1. Đã đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội thời kỳ 1991-2000: kim ngạch xuất khẩu năm 2000 dự kiến đạt 13,5 tỷ USD, gấp 5,6 lần kim ngạch năm 1990 (2,4 tỷ USD). Nhịp độ tăng trưởng bình quân 18,4% năm, nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 2,6 lần (GDP tăng bình quân 7,6%/năm).

2. Cơ cấu xuất khẩu đã được cải thiện theo hướng "tăng các mặt hàng chế biến, giảm tỷ trọng các sản phẩm thô, tạo một số mặt hàng có khối lượng lớn và thị trường tương đối ổn định". Tỷ trọng sản phẩm chế biến đã tăng từ 8% vào năm 1991 lên khoảng 40% vào năm 2000. Năm 1991 mới có 4 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 100 triệu USD là dầu thô, thủy sản, gạo và hàng dệt may; nay có thêm 8 mặt hàng nữa là cà phê, cao su, điều, giày dép, than đá, điện tử, thủ công mỹ nghệ và rau quả. Về một số mặt hàng, nước ta đã chiếm lĩnh vị trí cao: gạo đứng hàng thứ hai trên thế giới, cà phê đứng thứ hai, hạt tiêu và hạt điều đứng thứ ba.

3. Việc thực hiện chủ trương "phát triển nhiều hình thức dịch vụ thu ngoại tệ, nhất là hoạt động du lịch" có nhiều tiến bộ. Khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam đã tăng từ 250 ngàn lượt người vào năm 1991 lên khoảng 2 triệu lượt người vào năm 2000, doanh thu đạt khoảng 450 triệu USD. Lao động ở nước ngoài, tính đến năm 2000 có khoảng 9 vạn người, đem lại khoảng 500 triệu USD thu nhập hàng năm. Các dịch vụ khác như ngân hàng, hàng không, viễn thông, xây dựng, y tế, giáo dục.. thu được khoảng 1 tỷ USD vào năm 2000.

4. Nhập khẩu, về cơ bản, đã "phục vụ có hiệu quả cho phát triển sản xuất và đổi mới công nghệ, thúc đẩy nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa, đáp ứng nhu cầu cần thiết của đời sống". Tư liệu sản xuất hiện nay chiếm gần 95% kim ngạch nhập khẩu, trong đó 26-27% là máy móc thiết bị, 68% là nguyên nhiên vật liệu; hàng tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 5% (năm 1990 là 15%). Nhập siêu giảm cả về giá trị tuyệt đối lẫn tương đối: năm 1996 còn nhập siêu gần 4 tỷ USD, tới năm 1999 chỉ còn khoảng 0,2 tỷ USD; tỷ trọng nhập siêu so với xuất khẩu đã giảm từ 33% trong kỳ 1991-1995 xuống còn 18% trong kỳ 1996-2000.

5. Đã vượt qua được sự khủng hoảng thị trường vào đầu những năm 90 do chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu bị xóa bỏ; đã đẩy lùi được chính sách bao vây, cấm vận và về cơ bản thực hiện được chủ trương "đa dạng hóa thị trường và đa phương hóa quan hệ kinh tế... tích cực thâm nhập, tạo chỗ đứng ở các thị trường mới, phát triển các quan hệ mới". Nay nước ta có quan hệ thương mại với trên 160 nước và vùng lãnh thổ trong đó đã ký Hiệp định Thương mại với 61 nước. Chủ trương "gia nhập các tổ chức và hiệp hội kinh tế quốc tế khác khi cần thiết và có điều kiện" đã được thực hiện bằng việc gia nhập ASEAN (1995), ASEM (1996), APEC (1998) và trở thành quan sát viên WTO (1995).

6. Chính phủ đã đổi mới một cách cơ bản cơ chế quản lý theo hướng mở rộng quyền kinh doanh xuất nhập khẩu, giảm dần hàng rào phi thuế hạn chế cơ chế "xin cho", giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao vai trò của các công cụ vĩ mô như thuế, lãi suất, tỷ giá. Chính phủ cũng đã dành sự quan tâm đặc biệt cho xuất khẩu thông qua các chương trình hỗ trợ như trợ cấp, trợ giá, lập Quỹ Hỗ trợ, Quỹ thưởng.... Hành lang pháp lý từng bước được hoàn thiện; trong đó đã thông qua được Luật Thương mại.

Nhìn chung lại, trong 10 năm qua, lĩnh vực suất - nhập khẩu đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, về cơ bản đã thực hiện được những chủ trương nêu ra trong Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thúc đẩy sản xuất, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, thu ngoại tệ để trang trải nhu cầu nhập khẩu và tích lũy.

Những thành tựu trên bắt nguồn từ những nguyên nhân chủ yếu sau:

Một là, công cuộc đổi mới đã thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, cơ cấu sản xuất chuyển dịch dần, từ đó thúc đẩy xuất khẩu và cải thiện cơ cấu xuất - nhập khẩu.

Hai là, xuất khẩu được đặt thành một nhiệm vụ trọng tâm, sản xuất gắn liền với lưu thông, xuất khẩu; các cơ chế chính sách ngày càng phù hợp, thông thoáng, tạo thuận lợi cho các ngành sản xuất, các địa phương và các thành phần kinh tế tham gia xuất nhập khẩu.

Ba là, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, từng bước hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới đã góp phần đẩy lùi chính sách bao vây cấm vận, mở rộng thị trường xuất - nhập khẩu. Đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong kinh doanh xuất nhập khẩu (từ 4% năm 1994 lên 22,3% năm 1999, nếu kể cả dầu khí thì lên tới 35%).

II. NHỮNG VẤN ĐỀ TỒN TẠI

[...]