Công văn 3790/LĐTBXH-VP năm 2021 về chính sách đồng bộ, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực nông thôn do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Số hiệu | 3790/LĐTBXH-VP |
Ngày ban hành | 26/10/2021 |
Ngày có hiệu lực | 26/10/2021 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội |
Người ký | Đào Ngọc Dung |
Lĩnh vực | Lao động - Tiền lương |
BỘ LAO ĐỘNG -
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3790/LĐTBXH-VP |
Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 2021 |
Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng do Văn phòng Chính phủ chuyển đến tại Công văn số 6230/VPCP-QHĐP ngày 07/9/2021, nội dung như sau:
c) Để việc xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới đạt hiệu quả và bền vững, cử tri đề nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách đồng bộ, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao (đội ngũ kỹ sư, chuyên gia lành nghề có trình độ quản trị) cho khu vực nông thôn; đồng thời có cơ chế huy động nguồn lực hiệu quả, đồng bộ (kết hợp giữa nguồn lực của Trung ương, địa phương, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp) nhằm bảo đảm tập trung nguồn lực đầu tư, tránh dàn trải, manh mún kém hiệu quả.” (Kiến nghị số 23)
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Trong triển khai xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất, đưa nội dung về giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn (nội dung số 09): tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với nhu cầu của thị trường, hợp tác xã và doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ nông thôn, trong đó, đã đề ra các giải pháp và các hoạt động cụ thể, đồng bộ trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao như:
- Đào tạo, bồi dưỡng, tăng cường nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo, người dạy nghề cho lao động nông thôn.
- Rà soát, xây dựng các chương trình đào tạo nghề phù hợp với người lao động nông thôn.
- Nâng cao chất lượng các điều kiện đảm bảo cho hoạt động đào tạo nghề.
- Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Về nguồn lực: sẽ thực hiện bố trí từ kinh phí từ ngân sách nhà nước ở Trung ương, địa phương và các nguồn huy động khác. Các giải pháp, hoạt động trên góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực nông thôn.
Bên cạnh đó, để đảm bảo tập trung các nguồn lực trong công tác đào tạo nghề cho người lao động, đặc biệt khu vực nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn", trong đó, có các hoạt động đổi mới trong việc tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đổi mới về cơ chế chính sách khuyến khích, huy động doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nôn thôn; gắn kết đào tạo nghề cho lao động nông thôn với việc làm, doanh nghiệp và thị trường lao động. Nguồn kinh phí được huy động từ các tiểu dự án, dự án thành phần thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Trên đây là trả lời của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng để trả lời kiến nghị của cử tri./.
|
BỘ TRƯỞNG |