Công văn 3779/SYT-NVY năm 2021 về quy trình chuyển người mắc COVID-19 đến các bệnh viện được phân công tiếp nhận điều trị do Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu | 3779/SYT-NVY |
Ngày ban hành | 18/06/2021 |
Ngày có hiệu lực | 18/06/2021 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký | Tăng Chí Thượng |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3779/SYT-NVY |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 6 năm 2021 |
Kính gửi: |
- Bệnh viện
công lập và ngoài công lập; |
Căn cứ kế hoạch ứng phó của nhóm điều trị khi Thành phố có 5.000 trường hợp mắc COVID-19. Thành phố Hồ Chí Minh đang bước vào giai đoạn 3 (số trường hợp dương tính tăng cao trên 1.000 trường hợp). Do tính lây nhiễm cao của dịch bệnh COVID-19, người bệnh COVID-19 phải được điều trị tại các bệnh viện chuyên tiếp nhận COVID-19. Ngoài ra, do tính phức tạp khi bệnh diễn tiến nặng đòi hỏi các can thiệp điều trị chuyên khoa sâu và tính chất đa dạng của người bệnh COVID-19 có thể mắc các bệnh lý khác trong thời gian cách ly điều trị và cần điều trị cấp cứu hoặc cần can thiệp điều trị chuyên sâu (như chạy thận nhân tạo, cấp cứu các bệnh lý nội khoa, bệnh lý ngoại khoa, sản khoa, nhi khoa,...), nên Ngành Y tế phải chuyển đổi công năng một số bệnh viện để trở thành bệnh viện chuyên tiếp nhận và điều trị người bệnh COVID-19.
1. Về nơi chuyển bệnh, căn cứ vào các chức năng cụ thể của mỗi bệnh viện được phân công tiếp nhận dưới đây để liên hệ chuyển bệnh:
- Bệnh viện dã chiến Củ Chi, quy mô 300 giường, chịu trách nhiệm tiếp nhận điều trị các trường hợp COVID-19 nhẹ hoặc không có triệu chứng.
- Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ, quy mô 600 giường, chịu trách nhiệm tiếp nhận điều trị các trường hợp COVID-19 nhẹ và các trường hợp COVID-19 có bệnh thận mạn cần chạy thận nhân tạo.
- Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi, quy mô 500 giường, chịu trách nhiệm tiếp nhận điều trị các trường hợp COVID-19 nhẹ và có nguy cơ diễn biến nặng, các trường hợp COVID-19 có bệnh lý khác đi kèm cần các can thiệp điều trị chuyên khoa như: chạy thận nhân tạo, phẫu thuật cấp cứu, cấp cứu sản phụ khoa, cấp cứu nhi khoa...
- Bệnh viện điều trị COVID-19 Trưng Vương, quy mô 1.000 giường, chuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 có các bệnh lý đi kèm cần được can thiệp điều trị với các kỹ thuật chuyên khoa sâu. Nếu cần can thiệp các kỹ thuật chuyên khoa sâu nhưng chưa có tại Bệnh viện Trưng Vương thì các bệnh viện chuyên khoa của Thành phố cử ê-kíp chuyên khoa đến can thiệp ngay tại Bệnh viện Trưng Vương.
- Bệnh viện điều trị COVID-19 Phạm Ngọc Thạch, quy mô 500 giường với 60 giường hồi sức. Giai đoạn hiện nay, BV Phạm Ngọc Thạch chỉ chuyên tiếp nhận điều trị các trường hợp COVID-19 nặng có suy hô hấp (sử dụng 60 giường hồi sức).
- Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố và Bệnh viện Nhi Đồng 2, quy mô 80 giường tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố và 60 giường tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, chuyên tiếp nhận điều trị các trường hợp COVID-19 ở trẻ em bao gồm cả các trường hợp có diễn biến nặng cần can thiệp hồi sức chuyên sâu.
- Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, quy mô 400 giường, chuyên tiếp nhận điều trị các trường hợp COVID-19 có diễn biến nặng, cần can thiệp hồi sức hô hấp, tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO),... Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới là bệnh viện tuyến cuối chịu trách nhiệm đào tạo, tư vấn, hội chẩn từ xa về bệnh COVID-19.
2. Quy trình chuyển người bệnh đến các bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị COVID-19
- Đối với bệnh viện, khu cách ly tập trung: khi phát hiện người bệnh nghi ngờ mắc COVID-19 có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 dương tính, chuyển người bệnh vào buồng cách ly/khu cách ly riêng biệt; đồng thời khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR để xét nghiệm khẳng định; chỉ chuyển người bệnh đến các bệnh viện được phân công điều trị COVID-19 khi có kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính. Do đó, đề nghị mỗi bệnh viện phải bố trí khu vực cách ly bảo đảm yêu cầu cách ly theo đúng quy định của Bộ Y tế tại Quyết định 5188/QĐ-SYT ngày 14/12/2020 để cách ly tạm các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 trong khi chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR.
- Đối với phòng khám đa khoa: khi phát hiện người bệnh nghi ngờ mắc COVID-19 có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 dương tính, chuyển người bệnh vào buồng cách ly; đồng thời khẩn trương liên hệ Trung tâm Cấp cứu 115 điều phối xe cấp cứu vận chuyển người bệnh đến bệnh viện quận, huyện để cách ly và chỉ định xét nghiệm RT-PCR theo quy định.
- Lưu ý:
+ Các bệnh viện, khu cách ly trước khi chuyển người bệnh COVID-19 phải liên hệ trước bệnh viện tiếp nhận (theo danh sách đính kèm), nhập đầy đủ thông tin người bệnh vào phần mềm “Hệ thống quản lý người cách ly” và bấm chuyển nơi sẽ tiếp nhận trên phần mềm.
+ Bệnh viện, khu cách ly tập trung sử dụng xe cấp cứu của đơn vị để vận chuyển người bệnh đến các bệnh viện chuyên tiếp nhận người bệnh COVID-19, trong trường hợp không có xe cấp cứu thì liên hệ Trung tâm Cấp cứu 115 để hỗ trợ xe vận chuyển. Khi vận chuyển người bệnh, tài xế và nhân viên y tế đi cùng phải mặc phương tiện phòng hộ đúng quy định; vệ sinh khử khuẩn toàn bộ xe và các trang thiết bị trên xe sau mỗi lần vận chuyển người bệnh.
3. Quy trình chuyển ngược người bệnh từ các bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị COVID-19 sau khi xác định người bệnh không mắc COVID-19 (ở nhóm chuyển vì xét nghiệm nhanh dương tính nhưng sau đó xét nghiệm RT-PCR khẳng định âm tính)
- Tại các bệnh viện được phân công điều trị người bệnh mắc COVID-19, khi người bệnh có kết quả RT-PCR lần 1 âm tính, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn lần 2 (sau 02 ngày kể từ lần lấy mẫu đầu tiên) để có chẩn đoán xác định. Nếu kết quả RT-PCR lần 2 âm tính và người bệnh không có triệu chứng, bác sĩ kiểm tra, đánh giá lại tình trạng bệnh, bệnh viện chủ động liên hệ để chuyển người được cách ly quay trở lại khu cách ly tập trung (trường hợp là F1), hoặc cho người bệnh xuất viện và cách ly tại nhà (trường hợp không phải là F1), đồng thời báo trung tâm y tế nơi người bệnh cư trú để giám sát việc cách ly tại nhà của người bệnh. Nếu người bệnh đã 2 lần có xét nghiệm RT-PCR âm tính nhưng vẫn còn các triệu chứng của các bệnh lý nền hoặc bệnh lý kèm theo, liên hệ các bệnh viện quận, huyện gần nơi cư trú hoặc bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành phố để chuyển tuyến tiếp tục điều trị.
- Trường hợp các bệnh viện được phân công điều trị người bệnh mắc COVID-19 không có xe chuyển bệnh, bệnh viện liên hệ Trung tâm Cấp cứu 115 điều phối xe cấp cứu của các trạm cấp cứu vệ tinh hoặc các bệnh viện/trung tâm y tế để vận chuyển các trường hợp F1 về các khu cách ly để tiếp tục cách ly đủ thời gian quy định.
4. Quy trình vận chuyển bệnh nhi mắc, nghi mắc COVID-19
- Hiện nay, Sở Y tế phân công Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và Nhi đồng 2 chịu trách nhiệm tiếp nhận bệnh nhi mắc COVID-19, riêng Bệnh viện Nhi đồng 1 được phân công cử nhân viên y tế luân phiên đến công tác tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Trưng Vương và Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi.
- Đối với các trường hợp bệnh nhi ở khu cách ly tập trung có bệnh lý cần nhập viện điều trị, đề nghị các khu cách ly tập trung chuyển bệnh nhi về các bệnh viện quận, huyện trên địa bàn. Trong trường hợp cần hội chẩn chuyên môn, đề nghị các bệnh viện liên hệ Bệnh viện Nhi đồng 1 để hội chẩn chuyên môn.
- Khi các bệnh viện và các khu cách ly phát hiện trường hợp bệnh nhi mắc COVID-19, đề nghị liên hệ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố hoặc Bệnh viện Nhi đồng 2 hoặc Bệnh viện điều trị COVID-19 Trưng Vương hoặc Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi để chuyển tuyến điều trị.
- Lưu ý:
+ Đối với trẻ lớn có thể tự lập thì cách ly một mình, trường hợp bệnh nhi cần người nhà theo cùng (mỗi bệnh nhi chỉ được 01 người thân chăm sóc), bệnh viện phải tư vấn các nguy cơ lây nhiễm, hướng dẫn người nhà các biện pháp phòng chống dịch bệnh, sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân và các nguy cơ phơi nhiễm SARS-CoV-2…. Tất cả nội dung tư vấn phải được người nhà chấp thuận và thể hiện bằng văn bản (lưu vào hồ sơ bệnh án) và người nhà phải được thực hiện xét nghiệm RT-PCR trước khi vào khu cách ly chăm sóc bé.
+ Trong trường hợp bệnh nhi và người thân (ba hoặc mẹ) đều mắc COVID-19, tùy tình trạng bệnh lý của bệnh nhi và người thân mà bệnh viện, khu cách ly tập trung chuyển người bệnh đến các bệnh viện được phân công phù hợp với tình trạng bệnh của trẻ em hay người lớn. Trường hợp chỉ có một trong hai có triệu chứng, liên hệ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Nhi đồng 2 để chuyển (nếu trẻ có triệu chứng) hoặc liên hệ Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi hoặc Bệnh viện điều trị COVID-19 Trưng Vương để chuyển (nếu người lớn có triệu chứng, có kèm hoặc không kèm trẻ có triệu chứng).
+ Nếu cả hai (bệnh nhi và thân nhân) được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Nhi đồng 2 thì bệnh viện phải hội chẩn với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới về phác đồ điều trị đối với người mắc COVID-19 là người lớn (thân nhân bệnh nhi). Trong trường hợp người lớn có triệu chứng chuyển nặng, chuyển người nhà mắc COVID-19 về các bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị COVID-19 người lớn và gia đình phải bố trí người thân khác vào bệnh viện thay thế.
Sở Y tế đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện, giao Phòng Y tế chịu trách nhiệm phổ biến khẩn nội dung công văn này đến các phòng khám trên địa bàn biết và thực hiện đúng quy định. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, vui lòng liên hệ Sở Y tế (phòng Nghiệp vụ Y - điện thoại: 3930.9981) để được hướng dẫn./.