Công văn 3706/BHXH-TCKT năm 2015 về hướng dẫn thực hiện Điều 3 Quyết định 919/QĐ-BHXH do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành

Số hiệu 3706/BHXH-TCKT
Ngày ban hành 28/09/2015
Ngày có hiệu lực 28/09/2015
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Người ký Nguyễn Đình Khương
Lĩnh vực Bảo hiểm

BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3706/BHXH-TCKT
V/v hướng dẫn thực hiện Điều 3 Quyết định số 919/QĐ-BHXH

Hà Nội, ngày 28 tháng 9 năm 2015

 

Kính gửi: Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Ngày 26/8/2015, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam ban hành Quyết định số 919/QĐ-BHXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 01/QĐ-BHXH, Quyết định số 1399/QĐ-BHXH và Quyết định số 488/QĐ-BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 01/10/2015, trong đó Điều 3 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định quản lý chi trả chế độ BHXH ban hành kèm theo Quyết định số 488/QĐ-BHXH ngày 23/5/2012 của BHXH Việt Nam. Để thực hiện thống nhất, BHXH Việt Nam hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung BHXH tỉnh) nội dung tại Điều 3 Quyết định số 919/QĐ-BHXH như sau:

1. Hướng dẫn Điểm a Khoản 1 bãi bỏ “Giấy đề nghị truy lĩnh số tiền chưa nhận (mẫu số 17-CBH) trong trường hợp người hưởng nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng sau kỳ chi trả, trước khi BHXH huyện báo số chưa nhận về BHXH tỉnh tại Điểm c Khoản 1 Điều 11Điểm g Khoản 11 Điều 14 thực hiện như sau:

Trường hợp người hưởng chưa nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng tại đại diện chi trả, nếu có nhu cầu nhận tiền trước khi BHXH huyện báo cáo số tiền chưa nhận về BHXH tỉnh thì BHXH huyện kiểm tra, đối chiếu trên Danh sách chi trả (mẫu C72a-HD, C72b-HD, C72c-HD) và mẫu C74-HD, nếu người hưởng chưa ký nhận thì viết Phiếu chi tiền mặt, chi trả ngay cho người hưởng tại BHXH huyện; hướng dẫn người hưởng ký vào Danh sách chi trả và Phiếu chi tiền mặt.

2. Hướng dẫn Điểm c Khoản 1 bãi bỏ “Giấy xác nhận đang đi, học của nhà trường (mẫu số 22-CBH) trong trường hợp người từ đủ 15 tuổi đến đủ 18 tuổi còn đi học nhận trợ cấp tuất hàng tháng tại Điểm h Khoản 1 Điều 11, Khoản 8 Điều 12 và Khoản 6 Điều 14 thực hiện như sau:

Từ năm học 2015 -2016, người hưởng trợ cấp tuất hàng tháng từ đủ 15 tuổi đến đủ 18 tuổi không phải lấy Giấy xác nhận đang đi học của nhà trường. BHXH tỉnh cập nhật dữ liệu ngày tháng năm sinh của người hưởng tuất hàng tháng để theo dõi trên phần mềm Quản lý đối tượng hưởng BHXH hàng tháng (viết tắt QLCHI), khi người hưởng đủ 18 tuổi thì dừng in Danh sách sách chi trả, thông báo cho người hưởng biết.

3. Hướng dẫn Điểm e Khoản 1 bãi bỏ “Giấy đề nghị tạm ứng mai táng phí (mẫu số 30-CBH) trong trường hợp người hưởng chế độ BHXH hàng tháng, trợ cấp BHXH một lần chết, thân nhân đề nghị tạm ứng tại Khoản 6 Điều 16 và Khoản 4 Điều 18 thực hiện như sau:

Cơ quan BHXH căn cứ Quyết định về việc hưởng trợ cấp mai táng hoặc Quyết định về việc hưởng chế độ tử tuất một lần và Danh sách hưởng chế độ BHXH một lần (mẫu số 21A-HSB, 21B-HSB) để thực hiện chi trả chế độ trợ cấp mai táng bằng tiền mặt hoặc qua tài khoản cá nhân cho thân nhân người hưởng theo quy định.

4. Hướng dẫn Điểm b, d, đ Khoản 1 bãi bỏ các mẫu biểu: “Giấy đề nghị xác nhận chữ ký (mẫu số 21-CBH), Danh sách xác nhận người hưởng chế độ BHXH hàng tháng qua tài khoản ATM (mẫu số 24a-CBH), Giấy xác nhận người hưởng chế độ BHXH hàng tháng qua tài khoản ATM (mẫu số 24b-CBH)” thực hiện như sau:

- Bỏ quy định tại Điểm b, c Khoản 12, Điều 14 Quyết định số 488/QĐ-BHXH: Tháng 5 và tháng 11 hàng năm người hưởng nhận qua tài khoản cá nhân phải ký xác nhận vào Danh sách mẫu số 24-CBH hoặc mẫu số 21-CBH. Trách nhiệm của cơ quan bưu điện thực hiện quản lý người hưởng nhận qua tài khoản cá nhân như quản lý người hưởng nhận bằng tiền mặt.

- BHXH các tỉnh phối hợp với Bưu điện tỉnh điều chỉnh lại Hợp đồng quản lý người hưởng, chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua hệ thống bưu điện trên địa bàn tỉnh các nội dung: Nhiệm vụ quản lý đối tượng của bưu điện; quyền và nghĩa vụ của Bưu điện tỉnh; quyền và nghĩa vụ của BHXH tỉnh (theo hợp đồng mẫu kèm theo).

5. Hướng dẫn Điểm a Khoản 2 và Khoản 3

- Gộp Giấy đề nghị truy lĩnh số tiền chưa nhận chế độ BHXH (mẫu số 17- CBH) và Giấy đề nghị tiếp tục hưởng chế độ BHXH (mẫu 19-CBH) thành Giấy đề nghị truy lĩnh, tiếp tục nhận chế độ BHXH (mẫu 19-CBH đính kèm, trong đó bỏ phần xác nhận của chính quyền địa phương và một số tiêu thức).

- Trong các trường hợp đề nghị truy lĩnh, đề nghị hưởng tiếp lương hưu, chế độ BHXH do người hưởng chưa đến nhận tiền từ 6 tháng trở lên hoặc truy lĩnh chế độ BHXH do đã hết thời hạn hưởng mà không còn tên trên danh sách chi trả: Người hưởng lập Giấy đề nghị truy lĩnh, tiếp tục nhận chế độ BHXH (theo mẫu 19-CBH đính kèm) nộp BHXH huyện.

- Phân cấp cho BHXH huyện xét duyệt tại mẫu 19-CBH, thực hiện chi trả ngay cho người hưởng số tiền được truy lĩnh, chậm nhất là ngày làm việc kế tiếp kể từ khi nhận được Giấy đề nghị.

6. Hướng dẫn Điểm b Khoản 2

Người hưởng lập Giấy thay đổi phương thức nhận lương hưu, trợ cấp BHXH (theo mẫu 20-CBH đính kèm) trong các trường hợp thay đổi hình thức nhận từ tiền mặt sang tài khoản cá nhân hoặc từ tài khoản cá nhân sang tiền mặt hoặc từ tài khoản này sang tài khoản khác.

7. Hướng dẫn Điểm c Khoản 2

a) Trách nhiệm của người hưởng (người ủy quyền):

- Người hưởng lập Giấy ủy quyền lĩnh thay lương hưu, trợ cấp BHXH (theo mẫu 18-CBH đính kèm) khi ủy quyền cho người khác nhận thay lương hưu, trợ cấp BHXH.

- Trường hợp người hưởng bị phạt tù giam ủy quyền cho người khác lĩnh thay lập Giấy ủy quyền (Mẫu 18-CBH) lấy xác nhận của Giám đốc trại giam.

- Trường hợp người hưởng chế độ BHXH hàng tháng đang định cư, cư trú tại nước ngoài, hoặc đang đi du lịch, khám chữa bệnh ở nước ngoài không trực tiếp nhận tiền ủy quyền cho người khác lĩnh thay lập Giấy ủy quyền (Mẫu 18- CBH) lấy xác nhận của Đại sứ quán hoặc Cơ quan đại diện Việt Nam hoặc chính quyền địa phương ở nước nơi người hưởng đang định cư, cư trú hoặc tạm trú. Trường hợp lấy xác nhận của chính quyền địa phương ở nước nơi người hưởng đang định cư, cư trú hoặc tạm trú khi nộp cho cơ quan BHXH giải quyết phải kèm theo bản dịch sang tiếng Việt của phòng công chứng.

- Thời hạn của Giấy ủy quyền theo thỏa thuận của người ủy quyền và người được ủy quyền, nếu không thỏa thuận thì thời hạn ủy quyền là 01 năm kể từ ngày xác lập việc ủy quyền theo quy định của Luật Dân sự.

b) Trách nhiệm của người lĩnh thay: Đến kỳ lĩnh lương, người lĩnh thay nộp Giấy ủy quyền (Mẫu 18-CBH) cho ĐDCT, xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân có ảnh và ký nhận tiền trên Danh sách chi trả. Trường hợp người hưởng chế độ BHXH xuất cảnh trái phép hoặc bị Tòa án tuyên bố là mất tích hoặc chết hoặc có căn cứ xác định việc hưởng BHXH không đúng quy định của pháp luật thì người lĩnh thay có trách nhiệm thông báo kịp thời cho ĐDCT hoặc BHXH cấp huyện, nếu vi phạm phải hoàn trả số tiền đã nhận và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

c) Trách nhiệm của ĐDCT: Tiếp nhận Giấy ủy quyền (Mẫu 18-CBH), kiểm tra Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân có ảnh và chi tiền cho người lĩnh thay. Lưu giữ Giấy ủy quyền hoặc Hợp đồng ủy quyền đến hết thời hạn ủy quyền sau đó nộp cho BHXH cấp huyện.

d) Trách nhiệm của BHXH huyện: Lưu giữ Giấy ủy quyền (Mẫu 18-CBH).

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc BHXH các tỉnh báo cáo BHXH Việt Nam xem xét, giải quyết./.

 

[...]