Công văn 3691/TCT-KK năm 2014 về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa xuất khẩu sang Lào, Trung Quốc trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2013 do Tổng cục Thuế ban hành

Số hiệu 3691/TCT-KK
Ngày ban hành 29/08/2014
Ngày có hiệu lực 29/08/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Thuế
Người ký Trần Văn Phu
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3691/TCT-KK
V/v hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu.

Hà Nội, ngày 29 tháng 8 năm 2014

 

Kính gửi: Cục Thuế tỉnh Nghệ An

Trả lời các công văn số 1781/CT-THNVDT ngày 22/11/2013, số 04/CT-THNVDT ngày 02/01/2014, số 59/CT-KTNB ngày 14/01/2014, số 205/CT-THNVDT ngày 27/02/2014, số 1224/CT-THNVDT ngày 28/7/2014 của Cục Thuế tỉnh Nghệ An liên quan đến hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu sang Lào, Trung Quốc trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2013, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

1. Về thanh toán qua ngân hàng đối với hàng hóa xuất khẩu:

Căn cứ quy định tại Pháp lệnh Ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11:

“Điều 23. Mở và sử dụng tài khoản

1. Người cư trú, người không cư trú được mở tài khoản ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc thu, chi trên tài khoản ngoại tệ của các đối tượng quy định tại khoản này...

Điều 24. Sử dụng ngoại tệ tiền mặt của cá nhân

1. Người cư trú, người không cư trú là cá nhân có ngoại tệ tiền mặt được quyền cất giữ, mang theo người, bán cho tổ chức tín dụng được phép và sử dụng cho các mục đích hợp pháp khác...

Điều 25. Sử dụng đồng Việt Nam của người không cư trú

Người không cư trú là tổ chức, cá nhân có đồng Việt Nam từ các nguồn thu hợp pháp được mở tài khoản tại tổ chức tín dụng được phép để sử dụng tại Việt Nam hoặc mua ngoại tệ để chuyển ra nước ngoài.

Điều 26. Sử dụng đồng tiền của nước có chung biên giới với Việt Nam

Người cư trú là tổ chức, cá nhân có nguồn thu hợp pháp bằng đồng tiền của nước có chung biên giới với Việt Nam từ các hoạt động xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và các hoạt động khác được mở tài khoản bằng đồng tiền đó tại tổ chức tín dụng được phép.”

Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 3 Quy chế thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ tại khu vực biên giới và khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc ban hành kèm theo Quyết định số 689/QĐ-NHNN ngày 07/6/2004 của Thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

“2. Thương nhân Trung Quốc có hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới Việt-Trung được mở tài khoản VND tại các ngân hàng được phép của Việt Nam có thực hiện thanh toán xuất nhập khẩu qua biên giới Việt-Trung bằng VND và CNY. Việc mở và sử dụng tài khoản VND của thương nhân Trung Quốc thực hiện theo các quy định sau:...

Phần thu: Thu từ bán hàng hóa và dịch vụ; Thu từ bán CNY hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi cho ngân hàng; Các khoản chi được pháp luật Việt Nam cho phép.”

Căn cứ Chế độ chứng từ kế toán ngân hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1789/2005/QĐ-NHNN ngày 12/12/2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

+ Điều 5 quy định:

“1. Chứng từ kế toán Ngân hàng phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên và số hiệu của chứng từ;

b) Ngày, tháng, năm lập chứng từ;

c) Tên, địa chỉ, số Chứng minh nhân dân/Hộ chiếu, số hiệu tài khoản của người trả (hoặc chuyển) tiền và tên, địa chỉ của ngân hàng phục vụ người trả (hoặc người chuyển) tiền;

d) Tên, địa chỉ, số Chứng minh nhân dân/Hộ chiếu, số hiệu tài khoản của người thụ hưởng số tiền trên chứng từ và tên, địa chỉ của ngân hàng phục vụ người thụ hưởng;

đ) Nội dung nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh;

e) Số lượng, đơn giá và số tiền của nghiệp vụ kinh tế, tài chính ghi bằng số; tổng số tiền của chứng từ kế toán dùng để thu, chi tiền phải ghi bằng số và bằng chữ;

g) Chữ ký, họ và tên của người lập, người duyệt và những người liên quan đến chứng từ kế toán. Đối với chứng từ có liên quan đến xuất, nhập kho quỹ, thanh toán chuyển khoản giữa các ngân hàng phải có chữ ký người kiểm soát (Kế toán trưởng, phụ trách kế toán) và người phê duyệt (Thủ trưởng đơn vị) hoặc người được ủy quyền.

2. Ngoài những nội dung chủ yếu của chứng từ kế toán quy định tại Khoản 1 Điều này, các ngân hàng có thể bổ sung thêm những yếu tố khác tùy theo từng loại chứng từ. Trường hợp ngân hàng thực hiện các dịch vụ của ngân hàng bán lẻ, giao dịch một cửa... với các chứng từ thu, chi tiền mặt có giá trị trong hạn mức giao dịch viên được ủy quyền kiểm soát thì cuối ngày làm việc giao dịch viên phải lập Bảng kê các giao dịch phát sinh trong ngày, ghi rõ các thông tin về số lượng giao dịch đã phát sinh, số chứng từ, số tiền trên từng loại chứng từ và tổng số tiền thực tế đã thu, chi. Người kiểm soát (Trưởng phòng kế toán hoặc người được ủy quyền) phải kiểm tra, đối chiếu về sự khớp đúng giữa Bảng kê các giao dịch phát sinh trong ngày với các chứng từ phát sinh và số tiền thực tế đã thu, chi. Bảng kê các giao dịch phát sinh trong ngày được lập đúng trình tự, thủ tục và có đầy đủ chữ ký theo quy định được coi là chứng từ hợp pháp, hợp lệ và được dùng làm căn cứ ghi sổ kế toán.”

+ Điều 7 quy định: “1. Mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh liên quan đến hoạt động kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng, tiếp nhận và sử dụng nguồn vốn, kinh phí; các khoản thu, chi, trích lập và sử dụng các quỹ của ngân hàng v.v... đều phải lập chứng từ kế toán. Chứng từ kế toán ngân hàng chỉ được lập một lần cho mỗi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh.”

Căn cứ hướng dẫn về điều kiện khấu trừ thuế GTGT là chứng từ thanh toán qua ngân hàng liên quan đến hàng hóa xuất khẩu tại Điểm 1.3 (c.3) Mục III Phần B Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế GTGT và hướng dẫn thi hành Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế GTGT và Khoản 3 Điều 16 Thông tư số 06/2012/TT-BTC ngày 11/01/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế GTGT và hướng dẫn thi hành Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008 và Nghị định số 121/2011/NĐ-CP ngày 27/12/2011 của Chính phủ.

[...]