Công văn 3635/BKHĐT-ĐKKD năm 2024 một số nội dung về cá nhân kinh doanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
Số hiệu | 3635/BKHĐT-ĐKKD |
Ngày ban hành | 13/05/2024 |
Ngày có hiệu lực | 13/05/2024 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Người ký | Trần Duy Đông |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp |
BỘ KẾ HOẠCH VÀ
ĐẦU TƯ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3635/BKHĐT-ĐKKD |
Hà Nội, ngày 13 tháng 5 năm 2024 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ xây dựng Báo cáo nghiên cứu hoàn thiện khung khổ pháp lý về cá nhân kinh doanh, thời hạn hoàn thành là tháng 12/2024. Để có cơ sở xây dựng và hoàn thiện dự thảo Báo cáo, đề nghị Quý Ủy ban chỉ đạo nghiên cứu và có ý kiến đối với một số nội dung liên quan đến cá nhân kinh doanh trong phạm vi địa phương quản lý (nêu tại Phụ lục gửi kèm).
Văn bản trả lời của Quý Ủy ban xin gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cục Quản lý đăng ký kinh doanh) địa chỉ: Số 6B Hoàng Diệu, Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội trước ngày 15/6/2024 (bản điện tử xin gửi tới địa chỉ email: tranxuyen@mpi.gov.vn)[1].
Trân trọng cảm ơn sự phối hợp của Quý Cơ quan./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
ĐỀ DẪN VỀ CÁ NHÂN KINH DOANH
(Kèm theo Công văn số 3635/KHĐT-ĐKKD ngày 13 tháng 5 năm 2024)
Hiện nay, cá nhân muốn thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ tự mình hoặc tham gia cùng các cá nhân khác tổ chức hoạt động kinh doanh theo một trong các hình thức sau: doanh nghiệp, hợp tác xã (được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã và pháp luật chuyên ngành khác[2]), hộ kinh doanh (đăng ký thành lập theo quy định tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp), cá nhân kinh doanh (hiện chưa có quy định về đăng ký kinh doanh).
Cá nhân kinh doanh trong báo cáo này được hiểu là một chủ thể kinh doanh không có tư cách pháp nhân, do một cá nhân sở hữu (chỉ có một chủ sở hữu); thực hiện một, một số hoặc tất cả công đoạn của hoạt động: mua bán hàng hóa, đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, cung cấp dịch vụ trong những lĩnh vực, ngành nghề mà pháp luật không cấm nhằm mục đích sinh lợi; chưa đăng ký dưới hình thức hộ kinh doanh hay doanh nghiệp tư nhân.
Đối với hình thức cá nhân kinh doanh, không có sự tách biệt giữa đơn vị kinh doanh và chủ sở hữu đơn vị kinh doanh đó. Chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm vô hạn với mọi hoạt động của đơn vị kinh doanh đó.
Một trong các vướng mắc đã ghi nhận trong thực tiễn là quy định không thống nhất giữa pháp luật về thương mại, kinh doanh và pháp luật thuế dẫn tới tính “phi chính thức”, không thể nhận diện được một bộ phận “cá nhân kinh doanh”, dẫn tới chưa có sự hỗ trợ của Nhà nước đối với nhóm chủ thể kinh doanh này. Cụ thể là Luật thương mại quy định thương nhân bao gồm thương nhân cá nhân và thương nhân là tổ chức kinh tế phải đăng ký kinh doanh để được ghi nhận tư cách thương nhân. Hiện nay đã có khung pháp lý điều chỉnh việc thành lập và hoạt động của các chủ thể kinh doanh (doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh), tuy nhiên chưa có quy định cụ thể về đăng ký thành lập và hoạt động của cá nhân kinh doanh[3]. Điều này dẫn đến thiếu chính sách bao phủ nhóm chủ thể kinh doanh này, đặc biệt là thiếu các chính sách hỗ trợ hoạt động và phát triển cá nhân kinh doanh.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cục Quản lý đăng ký kinh doanh) thực hiện “Báo cáo nghiên cứu hoàn thiện khung khổ pháp lý về cá nhân kinh doanh” nhằm:
(i) Rà soát, đánh giá tổng quan, nhận diện về cá nhân kinh doanh, xác định các cơ sở về lý luận và thực tiễn về việc quản lý nhà nước với cá nhân kinh doanh;
(ii) Đưa ra khuyến nghị bổ sung, hoàn thiện khung khổ pháp lý về cá nhân kinh doanh, trên cơ sở rà soát, phát hiện khoảng trống pháp lý về thành lập và hoạt động của cá nhân kinh doanh.
Một phần quan trọng của Báo cáo nêu trên là nhận diện và phản ánh thực trạng hoạt động cá nhân kinh doanh ở Việt Nam.
Do vậy, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, trên cơ sở theo dõi và ghi nhận từ hoạt động quản lý nhà nước và thực tiễn hoạt động của cá nhân kinh doanh tại địa phương, có ý kiến đối với các nội dung sau:
I. Tổng quan về cá nhân kinh doanh tại địa phương bao gồm cả đối tượng chưa đăng ký kinh doanh và đối tượng không phải đăng ký kinh doanh theo quy định[4].
- Sự hình thành, phát triển của cá nhân kinh doanh tại địa phương;
- Nếu có đủ thông tin đầu vào, đề nghị báo cáo (nếu không có số liệu có thể ước lượng) về các nội dung sau: số lượng, quy mô, lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh; đặc điểm, vai trò; nộp thuế, bảo hiểm xã hội, giải quyết các vấn đề lao động - việc làm; các nội dung khác...);
- Điều kiện hoạt động: cá nhân kinh doanh có địa điểm hoạt động cố định hay không; tỷ lệ hoạt động tại nhà/ tại địa điểm thuê mướn; các trường hợp có nhiều hơn một địa điểm kinh doanh cố định...; có khó khăn về không gian mặt bằng hoạt động sản xuất kinh doanh không;
- Động lực kinh doanh: giải quyết sinh kế; có thu nhập cao hơn; để làm việc độc lập hoặc duy trì truyền thống gia đình; các động lực khác...
- Thời gian hoạt động kinh doanh: thường xuyên liên tục hay mang tính chất mùa vụ (tỷ lệ cá nhân kinh doanh làm việc quanh năm; làm việc dưới 3 tháng; từ 3-5 tháng; trên 5 tháng);
- Vai trò, đóng góp của cá nhân kinh doanh trong kinh tế địa phương:
+ Đối với việc giải quyết việc làm, tạo thu nhập và đóng góp vào kinh tế địa phương (đóng góp vào GRDP; ngân sách nhà nước)
+ Liên kết của các cá nhân kinh doanh với các khu vực khác trong kinh tế địa phương (doanh nghiệp, hợp tác xã...) (mua nguyên vật liệu thô và hàng hóa; nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ...)