Công văn 3481/BNN-TY về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 3481/BNN-TY
Ngày ban hành 26/10/2009
Ngày có hiệu lực 26/10/2009
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Diệp Kỉnh Tần
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 3481/BNN-TY
V/v Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 2009

 

Kính gửi: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thời gian gần đây, theo báo cáo của Cục Thú y, dịch lở mồm long móng (LMLM) đã xuất hiện ở nhiều địa phương trong cả nước và đang có chiều hướng gia tăng, tập trung ở các tỉnh Bắc Trung bộ, Tây Nguyên và miền núi phía Bắc. Đến nay dịch đã xảy ra 180 xã 71 huyện của 23 tỉnh, với 6.119 gia súc mắc bệnh và 665 gia súc bị tiêu hủy. Nguy cơ dịch lây lan và lan rộng là rất cao. Ngoài ra, do ảnh hưởng của cơn bão số 9, gây mưa, lũ lụt nặng ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Qua kiểm tra một số tỉnh và các Công ty cung ứng vắc xin LMLM đợt 2/2009 thuộc chương trình quốc gia, vắc xin LMLM týp O của tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Sơn La, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Giang, Quảng Ninh vẫn còn tồn đọng tại Xí nghiệp thuốc thú y Trung ương gần 1 triệu liều; vắc xin LMLM tam giá (týp O, A, Asia 1) của tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam, Phú Yên, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Định, Bình Phước và Thừa Thiên Huế vẫn còn tồn đọng tại Công ty Thuốc thú y Trung ương II (VAVECO) 640.000 liều.

Bệnh LMLM là dịch bệnh nguy hiểm lây lan nhanh, khó khống chế, gây thiệt hại về chăn nuôi, ảnh hưởng đến kinh tế và thương mại.

Từ khi có dịch xảy ra, nhiều địa phương đã tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Tuy vậy nhiều nơi vẫn còn lơ là, chủ quan, chưa tổ chức phòng, chống quyết liệt, chưa thực hiện nghiêm túc các biện pháp chỉ đạo, vẫn buôn bán, vận chuyển gia súc mắc bệnh đi nơi khác làm dịch bệnh lây lan.

Dịch cúm gia cầm, tuy thời gian gần đây không xảy ra, nhưng do nguồn vi rút vẫn còn trong môi trường, đàn gia cầm tiêm phòng đợt 1 năm 2009 kết quả đạt tỷ lệ thấp và đã gần hết miễn dịch. Tiêm phòng cúm gia cầm đợt 2 đã triển khai hơn một tháng, đến nay theo tập hợp của Cục Thú y mới có 28 tỉnh, thành tổ chức tiêm phòng và mới tiêm phòng được 44,584 triệu con, mới đạt khoảng 30% so với kế hoạch.

Dịch tai xanh cơ bản đã được khống chế, nhưng nguy cơ dịch phát sinh trong những tháng tới vẫn còn do các điều kiện bất lợi về thời tiết khí hậu, công tác tiêm phòng các bệnh nguy hiểm cho đàn lợn chưa được chú trọng, nhiều người gia tăng chăn nuôi dịp cuối năm để phục vụ nhu cầu thực phẩm dịp Tết cổ truyền.

Để tăng cường công tác phòng, chống dịch gia súc, gia cầm nhất là các bệnh LMLM, cúm gia cầm và dịch tai xanh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT và các ban ngành liên quan thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch, trong đó lưu ý một số công việc cấp bách sau:

1. Kiện toàn và tổ chức hoạt động ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tại các địa phương, khi có dịch LMLM xảy ra nhanh chóng công bố dịch, thành lập Ban chống dịch, chỉ đạo các ban, ngành thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch không để dịch lây lan, dây dưa kéo dài gây thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng đến các sinh hoạt của xã hội.

2. Thực hiện nghiêm túc công tác tiêm phòng vắc xin đợt 2 năm 2009, trước tiên rà soát lại kế hoạch tiêm phòng, kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin LMLM, cúm gia cầm và dịch tả lợn theo quy định của Cơ quan Thú y đề ra, yêu cầu tỷ lệ tiêm phòng phải đạt trên 80% so với tổng đàn. Những địa phương lâu nay không thực hiện tốt công tác tiêm phòng để dịch thường xuyên xảy ra cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm.

3. Tăng cường giám sát bệnh nhằm phát hiện bệnh sớm, từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời số lượng gia súc mắc bệnh còn ít, giảm tổn thất kinh tế do dịch bệnh gây ra. Ủy ban nhân dân các tỉnh kiểm tra và xử lý nghiêm minh các đơn vị, địa phương dấu dịch, phát hiện chậm, không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt để dịch lây lan.

4. Phát động Tháng tiêu độc khử trùng vào tháng 11-12/2009 nhằm làm sạch môi trường, giảm lượng mầm bệnh lưu hành ngoài môi trường, tiềm tàng gây dịch trên gia súc, gia cầm.

5. Củng cố hệ thống trạm, chốt kiểm dịch hiện có hoặc mới được thành lập khi có dịch thiết lập các chốt kiểm dịch tạm thời ở các trục giao thông ở các xã có dịch, cấm vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia súc và sản phẩm gia súc tại vùng có dịch. Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển nội địa; các tỉnh có biên giới với các nước láng giềng, đặc biệt lưu ý tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển qua biên giới.

6. Ủy ban nhân dân các tỉnh kiểm tra và xử lý nghiêm minh các đơn vị, địa phương dấu dịch, phát hiện chậm, không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt để lây lan dịch bệnh, những tổ chức cá nhân làm phát sinh dịch.

7. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và có kiến thức cùng tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Sở, ban, ngành liên quan của địa phương nghiêm túc, khẩn trương triển khai thực hiện nội dung công văn này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cùng phối hợp giải quyết.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ trưởng Cao Đức Phát (để báo cáo);
- Sở Nông nghiệp và PTNT;
- Chi cục Thú y các tỉnh, thành phố;
- Các Cục Thú y, Chăn nuôi, TT KNKNQG;
- Lưu: VT, TY.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Diệp Kỉnh Tần

 

5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ