Công văn 3363/UBND-TKCT năm 2013 tiếp tục thực hiện Chỉ thị 18/2000/CT-TTg tăng cường công tác dân vận do tỉnh Lâm Đồng ban hành
Số hiệu | 3363/UBND-TKCT |
Ngày ban hành | 18/06/2013 |
Ngày có hiệu lực | 18/06/2013 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Lâm Đồng |
Người ký | Nguyễn Xuân Tiến |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM |
Số: 3363/UBND-TKCT |
Lâm Đồng, ngày 18 tháng 06 năm 2013 |
Kính gửi: |
- Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; |
Thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, Chỉ thị số 18/2000/CT-TTg ngày 21/9/2000 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân vận; ngày 28/12/2000, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Chỉ thị số 30/2000/CT-UB chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện theo đúng yêu cầu.
Qua hơn 10 năm thực hiện, công tác dân vận và xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các cấp ủy Đảng, các ngành, các cấp trong tỉnh đã quán triệt và cụ thể hóa các nội dung cần triển khai thực hiện tại sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; triển khai thực hiện có kết quả công tác dân vận của chính quyền và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo sự chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực, nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền các cấp, xây dựng và giữ vững khối đoàn kết của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, việc thực hiện công tác dân vận của các cấp chính quyền thời gian qua chủ yếu triển khai theo bề rộng, thiếu chiều sâu, chất lượng, hiệu quả chưa cao; nhiều sở, ngành, địa phương chưa gắn công tác dân vận với nhiệm vụ chính trị, chuyên môn theo đúng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước về vai trò của quần chúng nhân dân và công tác dân vận cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa thường xuyên; nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận chưa cao, chưa coi việc lãnh đạo thực hiện công tác dân vận là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; tình trạng vi phạm dân chủ trong thực hiện các chủ trương, chính sách vẫn còn xảy ra ở một số địa bàn dẫn đến phát sinh khiếu nại, tố cáo kéo dài; tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân, doanh nghiệp trong giải quyết các thủ tục hành chính vẫn còn xảy ra ở một số cơ quan, đơn vị,... ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân và môi trường thu hút đầu tư của tỉnh.
Để tiếp tục thực hiện có kết quả Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 18/2000/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung, nhiệm vụ sau:
1. Tiếp tục tổ chức quán triệt, đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 18/2000/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận (như Quyết định số 290-QĐ/TW ngày 25/02/2010 của Bộ Chính trị về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; Kết luận số 65-KL/TW ngày 04/02/2010 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII); Quyết định số 174-QĐ/TU ngày 18/3/2011 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị và phong trào thi đua “Dân vận khéo”;...) làm cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác dân vận chính quyền, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong tình hình mới.
2. Hàng năm xây dựng chương trình, kế hoạch để thực hiện công tác dân vận; phân công lãnh đạo phụ trách công tác dân vận, đưa nội dung công tác dân vận thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cơ quan, đơn vị, địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Xây dựng phong cách, tác phong dân vận cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, phù hợp với chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp theo phương châm: “trọng dân, gần dân, học dân và có trách nhiệm với dân” khi thực thi công vụ; gắn thực hiện công tác dân vận với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
3. Không ngừng hoàn thiện và nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở theo yêu cầu trong sạch, hoạt động có hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, rà soát, loại bỏ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp có nhu cầu được tiếp cận và giải quyết thuận lợi, nhanh chóng các thủ tục hành chính; tiếp tục chấn chỉnh và sửa đổi lề lối làm việc theo hướng dân chủ và công khai; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức, có tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, đưa ra khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ, công chức tha hóa về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, sách nhiễu nhân dân; vận động cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị.
4. Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, của cán bộ, công nhân viên chức và người lao động trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết cho người dân, thực hiện triệt để phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra - giám sát”, đưa quy chế dân chủ thực sự đi vào cuộc sống, khơi dậy và phát huy tối đa mọi nguồn lực trong nhân dân để thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Tăng cường công tác tiếp dân, nhất là tiếp dân tại cơ sở để lắng nghe ý kiến của nhân dân, tổ chức đối thoại trực tiếp với người khiếu kiện, giải quyết thấu tình, đạt lý, đúng pháp luật những thắc mắc, khiếu nại chính đáng của người dân ngay từ cơ sở; không để xảy ra các vụ việc khiếu kiện đông người, kéo dài, phát sinh điểm nóng về khiếu kiện, khiếu kiện vượt cấp.
5. Thường xuyên phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các đoàn thể nhân dân để triển khai thực hiện công tác dân vận, vận động nhân dân tham gia xây dựng chính quyền, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là trong thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thực hiện chức tốt năng giám sát, phản biện theo quy định của pháp luật đối với việc ban hành các cơ chế, chính sách, pháp luật;... Các ý kiến của Mặt trận, đoàn thể phản ánh, kiến nghị phải được các cấp, các ngành, các địa phương ghi nhận và giải đáp kịp thời; các cơ quan chức năng khi tham mưu đề xuất ban hành các văn bản qui phạm pháp luật có liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân cần tổ chức lấy ý kiến của Mặt trận, các đoàn thể nhân dân trước khi trình cấp có thẩm quyền ban hành.
6. Hàng năm, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị phải xây dựng kế hoạch về công tác dân vận, cụ thể hóa thành những công việc cụ thể, sát với đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ của ngành mình, cấp mình để lãnh đạo triển khai thực hiện. Định kỳ hàng năm báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 20/12 (qua Sở Nội vụ để tổng hợp).
Giao Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác dân vận trong các cơ quan, đơn vị, địa phương; xây dựng kế hoạch mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn về công tác dân vận cho cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân vận hàng năm; tổng hợp tình hình, báo cáo UBND tỉnh và tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Nội vụ và Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện công tác dân vận theo quy định./.
Nơi nhận: |
CHỦ TỊCH |