Kính gửi: Cục
Thuế tỉnh Lâm Đồng.
Tổng cục Thuế nhận được công văn số 5882/CTLĐO-NVDT
ngày 20/11/2023 của Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng và công văn số 248/2023/CV-DLM ngày
28/12/2023 của Công ty CP Sữa Đà Lạt (sau đây gọi tắt là Công ty Sữa Đà Lạt) về
chính sách ưu đãi thuế TNDN. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
1. Về ưu đãi thuế TNDN đối với
thu nhập từ hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng và chế biến nông sản,
thủy sản.
- Tại Khoản 12 Điều 1 Luật số
32/2013/QH13 ngày 19/6/2013 (sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp
số 14/2008/QH12 quy định:
“12. Điều 18 được sửa đổi, bổ
sung như sau:
"Điều 18. Điều kiện áp dụng ưu đãi thuế
1. Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại
các điều 13, 14, 15, 16 và 17 của Luật
này áp dụng đối với doanh nghiệp thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ và
nộp thuế theo kê khai.
4. Trong cùng một thời gian, nếu doanh nghiệp được
hưởng nhiều mức ưu đãi thuế khác nhau đối với cùng một khoản thu nhập thì doanh
nghiệp được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi thuế có lợi nhất”.
- Tại Điều 47 Luật Quản lý thuế số
38/2019/QH13 ngày 13/6/2019 quy định về khai bổ sung hồ sơ khai thuế:
“1. Người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã
nộp cho cơ quan thuế có sai, sót thì được khai bổ sung hồ sơ khai thuế trong thời
hạn 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai,
sót nhưng trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định
thanh tra, kiểm tra.
2. Khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã
công bố quyết định thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế thì
người nộp thuế vẫn được khai bổ sung hồ sơ khai thuế; cơ quan thuế thực hiện xử
phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi quy định tại Điều 142 và Điều 143 của Luật này.
3. Sau khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã
ban hành kết luận, quyết định xử lý về thuế sau thanh tra, kiểm tra tại trụ sở
của người nộp thuế thì việc khai bổ sung hồ sơ khai thuế được quy định như sau:
a) Người nộp thuế được khai bổ sung hồ sơ khai
thuế đối với trường hợp làm tăng số tiền thuế phải nộp, giảm số tiền thuế được
khấu trừ hoặc giảm số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn và bị xử phạt vi phạm
hành chính về quản lý thuế đối với hành vi quy định tại Điều 142
và Điều 143 của Luật này;
b) Trường hợp người nộp thuế phát hiện hồ sơ
khai thuế có sai, sót nếu khai bổ sung làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm
tăng số tiền thuế được khấu trừ, tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn thì thực
hiện theo quy định về giải quyết khiếu nại về thuế”.
- Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của
Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm
2013, Điều 1 Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm
2014 quy định:
+ Tại Khoản 2 Điều 1 sửa đổi, bổ
sung Khoản 1 Điều 4 về thu nhập được miễn thuế như sau:
“1. Thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng,
chế biến nông sản, thủy sản, sản xuất muối của hợp tác xã; thu nhập của hợp tác
xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thực
hiện ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện
kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thu nhập của doanh nghiệp từ trồng trọt,
chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh
tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thu nhập từ hoạt động đánh bắt hải sản.
Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp,
lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp quy định tại Khoản này và tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định này là hợp tác xã đáp ứng tỷ lệ về
cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho các thành viên là những cá nhân, hộ gia đình,
pháp nhân có hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp
theo quy định của Luật Hợp tác xã và các văn bản hướng dẫn.
Thu nhập từ chế biến nông sản, thủy sản được ưu
đãi thuế quy định tại Nghị định này phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:
- Tỷ lệ giá trị nguyên vật liệu là nông sản, thủy
sản trên chi phí sản xuất hàng hóa, sản phẩm từ 30% trở lên.
- Sản phẩm, hàng hóa từ chế biến nông sản, thủy
sản không thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ trường hợp do Thủ tướng
Chính phủ quyết định theo đề xuất của Bộ Tài chính”.
+ Tại Khoản 13 Điều 1 sửa đổi,
bổ sung Điểm đ Khoản 2 Điều 15 về áp dụng thuế suất 10% đối
với các khoản thu nhập như sau:
“đ) Thu nhập của doanh nghiệp từ: Trồng, chăm
sóc, bảo vệ rừng; thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông
sản, thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; nuôi trồng lâm sản
ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; sản xuất, nhân và lai tạo giống
cây trồng, vật nuôi; sản xuất, khai thác và tinh chế muối, trừ sản xuất muối
quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Nghị định này; đầu tư bảo
quản nông sản sau thu hoạch, bảo quản nông sản, thủy sản và thực phẩm, bao gồm
cả đầu tư để trực tiếp bảo quản hoặc đầu tư để cho thuê bảo quản nông sản, thủy
sản và thực phẩm”.
+ Tại Khoản 20 Điều 1 sửa đổi,
bổ sung Khoản 2 Điều 20 như sau:
“2. Doanh nghiệp có dự án đầu tư được hưởng ưu
đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật thuế thu nhập doanh
nghiệp tại thời điểm cấp phép hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của
pháp luật về đầu tư. Trường hợp pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp có thay đổi
mà doanh nghiệp đáp ứng điều kiện ưu đãi thuế theo quy định của pháp luật mới
được sửa đổi, bổ sung thì doanh nghiệp được quyền lựa chọn hưởng ưu đãi về thuế
suất và về thời gian miễn thuế, giảm thuế theo quy định của pháp luật tại thời
điểm được phép đầu tư hoặc theo quy định của pháp luật mới được sửa đổi, bổ
sung cho thời gian còn lại kể từ khi pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi,
bổ sung có hiệu lực thi hành”.
- Tại Khoản 4 Điều 10 Thông tư số
96/2015/TT-BTC ngày 18/6/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế TNDN quy định:
“4. Sửa đổi, bổ sung Điểm a Khoản
6 Điều 18 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 5 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) như sau:
“6. Về đầu tư mở rộng
a) Doanh nghiệp có dự án đầu tư phát triển dự án
đầu tư đang hoạt động như mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao công suất, đổi mới
công nghệ sản xuất (gọi chung là dự án đầu tư mở rộng) thuộc lĩnh vực hoặc địa
bàn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Nghị định số
218/2013/NĐ-CP (bao gồm cả khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp trừ
khu công nghiệp nằm trên địa bàn các quận nội thành của đô thị loại đặc biệt,
đô thị loại I trực thuộc trung ương và Khu công nghiệp nằm trên địa bàn các đô
thị loại I trực thuộc tỉnh) nếu đáp ứng một trong ba tiêu chí quy định tại điểm
này thì được lựa chọn hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo dự án đang
hoạt động cho thời gian còn lại (bao gồm mức thuế suất, thời gian miễn giảm nếu
có) hoặc được áp dụng thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với phần thu nhập tăng
thêm do đầu tư mở rộng mang lại (không được hưởng mức thuế suất ưu đãi) bằng với
thời gian miễn thuế, giảm thuế áp dụng đối với dự án đầu tư mới trên cùng địa
bàn hoặc lĩnh vực ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp chọn
hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo dự án đang hoạt động cho thời gian
còn lại thì dự án đầu tư mở rộng đó phải thuộc lĩnh vực hoặc địa bàn ưu đãi thuế
thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Nghị định số 218/2013/NĐ-CP, đồng thời
cũng thuộc lĩnh vực hoặc địa bàn với dự án đang hoạt động.
Dự án đầu tư mở rộng quy định tại điểm này phải
đáp ứng một trong các tiêu chí sau:
- Nguyên giá tài sản cố định tăng thêm khi dự án
đầu tư hoàn thành đi vào hoạt động đạt tối thiểu từ 20 tỷ đồng đối với dự án đầu
tư mở rộng thuộc lĩnh vực hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định
của Nghị định số 218/2013/NĐ-CP hoặc từ 10 tỷ đồng đối với các dự án đầu tư mở
rộng thực hiện tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc
biệt khó khăn theo quy định của Nghị định số 218/2013/NĐ-CP.
- Tỷ trọng nguyên giá tài sản cố định tăng thêm
đạt tối thiểu từ 20% so với tổng nguyên giá tài sản cố định trước khi đầu tư.
- Công suất thiết kế khi đầu tư mở rộng tăng
thêm tối thiểu từ 20% so với công suất thiết kế theo luận chứng kinh tế kĩ thuật
trước khi đầu tư ban đầu.
Trường hợp doanh nghiệp chọn hưởng ưu đãi theo
diện đầu tư mở rộng thị phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng được hạch toán
riêng. Trường hợp doanh nghiệp không hạch toán riêng được phần thu nhập tăng
thêm do đầu tư mở rộng mang lại thì thu nhập từ hoạt động đầu tư mở rộng xác định
theo tỷ lệ giữa nguyên giá tài sản cố định đầu tư mới đưa vào sử dụng cho sản
xuất, kinh doanh trên tổng nguyên giá tài sản cố định của doanh nghiệp”.
- Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính có công
văn số 3091/BTC-TCT ngày 08/3/2017 gửi Cục Thuế các Tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương.
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp doanh nghiệp
đang trong thời gian hưởng ưu đãi thuế TNDN có phát sinh khoản thu nhập đang được
hưởng ưu đãi về thuế TNDN theo điều kiện địa bàn ưu đãi đầu tư hoặc theo điều
kiện lĩnh vực ưu đãi theo quy định tại văn bản quy phạm pháp luật về thuế TNDN,
vừa đáp ứng điều kiện hoạt động chăn nuôi, chế biến nông sản và thủy sản theo
quy định tại Khoản 2 và Khoản 13 Điều 1 Nghị định số
12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ thì doanh nghiệp được lựa chọn
áp dụng mức ưu đãi thuế có lợi nhất theo quy định tại Khoản 12
Điều 1 Luật số 32/2013/QH13 và hướng dẫn tại công văn số 3091/BTC-TCT ngày
08/3/2017 của Bộ Tài chính gửi Cục Thuế các Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương.
Trường hợp doanh nghiệp có dự án đầu tư mở rộng đáp
ứng điều kiện ưu đãi về dự án đầu tư mở rộng theo quy định tại Khoản
4 Điều 10 Thông tư số 96/2015/TT-BTC nêu trên thì phần thu nhập tăng thêm
do đầu tư mở rộng phải được hạch toán riêng. Trường hợp doanh nghiệp không hạch
toán riêng được phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng mang lại thì thu nhập
từ hoạt động đầu tư mở rộng xác định theo tỷ lệ giữa nguyên giá tài sản cố định
đầu tư mới đưa vào sử dụng cho sản xuất, kinh doanh trên tổng nguyên giá tài sản
cố định của doanh nghiệp và phần thu nhập tăng thêm này được hưởng ưu đãi thuế
TNDN theo điều kiện thực tế doanh nghiệp đáp ứng.
Về việc khai bổ sung hồ sơ khai thuế đề nghị thực
hiện theo quy định tại Điều 47 Luật Quản lý thuế số
38/2019/QH13 ngày 13/6/2019.
2. Về ưu đãi thuế đối với dự án
đầu tư điện mặt trời
- Theo Phụ lục IV ban hành kèm theo Luật Đầu tư số
61/2020/QH14 ngày 17/6/2020 quy định hoạt động phát điện, truyền tải, phân phối,
bán buôn, bán lẻ, tư vấn chuyên ngành điện lực thuộc danh mục ngành nghề kinh
doanh có điều kiện.
- Tại Khoản 6 Điều 7 Luật Đầu tư số
61/2020/QH14 ngày 17/6/2020 quy định ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều
kiện:
“6. Điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng
theo các hình thức sau đây:
a) Giấy phép;
b) Giấy chứng nhận;
c) Chứng chỉ;
d) Văn bản xác nhận, chấp thuận ”.
- Tại Điều 37 Luật Đầu tư số 61/2020/QH14
nêu trên quy định trường hợp thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu
tư:
“1. Các trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp Giấy
chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm:
a) Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài;
b) Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế quy định tại
khoản 1 Điều 23 của Luật này;
2. Các trường hợp không phải thực hiện thủ tục cấp
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm:
a) Dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước;
b) Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế quy định tại
khoản 2 Điều 23 của Luật này;
c) Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần,
mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế.
3. Đối với dự án đầu tư quy định tại các điều 30, 31 và 32 của Luật này, nhà đầu tư trong nước, tổ chức
kinh tế quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật này triển
khai thực hiện dự án đầu tư sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư.
4. Trường hợp nhà đầu tư có nhu cầu cấp Giấy chứng
nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư quy định tại điểm a và
điểm b khoản 2 Điều này, nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận
đăng ký đầu tư quy định tại Điều 38 của Luật này”.
- Tại Khoản 18 Điều 1 Nghị định số
12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 19 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013)
quy định:
“5. Dự án đầu tư mới (bao gồm cả văn phòng công
chứng thành lập tại các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, địa bàn
có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn) được hưởng ưu đãi thuế quy định
tại Khoản 1, Khoản 3 Điều 15 và Khoản 1, 2 và Khoản 3 Điều 16
Nghị định này là dự án thực hiện lần đầu hoặc dự án đầu tư độc lập với dự án
đang thực hiện,... Dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế theo quy định tại Điều 15, Điều 16 Nghị định này phải được cơ quan nhà nước có
thẩm quyền cấp Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc được phép đầu
tư theo quy định của pháp luật về đầu tư”.
Việc xác định dự án đầu tư đáp ứng điều kiện ưu đãi
thuế thu nhập doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế TNDN thực hiện theo quy định
của pháp luật thuế TNDN: Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính
phủ, Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ và các Thông tư của
Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế TNDN;
Việc xác định dự án đầu tư thuộc lĩnh vực, ngành
nghề kinh doanh có điều kiện, thuộc trường hợp phải báo cáo cơ quan đăng ký đầu
tư, thuộc diện được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép hoạt động điện
lực hay không phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư và các văn bản
quy phạm pháp luật chuyên ngành có liên quan.
Tổng cục Thuế trả lời để Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng biết./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- PTCTr Đặng Ngọc Minh (để b/c);
- Các đơn vị: QLGS CST, PC (BTC);
- Vụ PC-TCT;
- Website TCT;
- Lưu VT, CS(3b).
|
TL. TỔNG CỤC
TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ CHÍNH SÁCH
Lưu Đức Huy
|