Công văn 3159/SGDĐT-GDTH năm 2022 về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2022-2023 do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 3159/SGDĐT-GDTH
Ngày ban hành 07/09/2022
Ngày có hiệu lực 07/09/2022
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Bảo Quốc
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3159/SGDĐT-GDTH
V/v hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2022-2023

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 9 năm 2022

 

Kính gửi:

- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện;
- Hiệu trưởng các trường tiểu học, các trường phổ thông nhiều cấp học (có cấp học tiểu học).

Căn cứ Chỉ thị số 1112/CT-BGDĐT ngày 19/8/2022 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023;

Căn cứ Công văn số 4088/BGDĐT-GDTH ngày 25/8/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2022 - 2023;

Căn cứ Quyết định số 2708/QĐ-UBND ngày 30/8/2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về ban hành kế hoạch thời gian năm học 2022-2023 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên tại Thành phố Hồ Chí Minh;

Sở Giáo dục và Đào tạo (Sở GDĐT) hướng dẫn các Phòng Giáo dục và Đào tạo (Phòng GDĐT) thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023 đối với cấp tiểu học như sau:

A. NHIỆM VỤ CHUNG

- Tiếp tục triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và Kế hoạch tổng thể của ngành Giáo dục Thành phố thích ứng với tình hình dịch Covid-19 bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng. Chủ động, tích cực thực hiện chuyển sang trạng thái bình thường mới theo phương châm “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển; thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2022 của Thành phố “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp. Bảo đảm an toàn trường học, chủ động, linh hoạt triển khai chương trình, kế hoạch năm học để phòng, chống dịch bệnh và thực hiện mục tiêu kiên trì chất lượng giáo dục tiểu học.

- Thực hiện bảo đảm chất lượng, hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT (Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - CT GDPT 2018) đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3 và Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học ban hành theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006 (Chương trình giáo dục phổ thông 2006) đối với lớp 4, lớp 5; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện nội dung giáo dục địa phương; chủ động triển khai nội dung giáo dục STEM cấp tiểu học; tăng cường huy động nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ năm học.

- Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; thực hiện xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng để có đủ giáo viên, đảm bảo chất lượng dạy học các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông, chú trọng chuẩn bị đội ngũ giáo viên dạy lớp 4 trong năm học 2023-2024 nhất là bố trí đủ giáo viên dạy học các môn Ngoại ngữ và môn Tin học; đảm bảo 100% giáo viên dạy học lớp 4 được bồi dưỡng theo quy định của Bộ GDĐT.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng giáo dục; chú trọng thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; phấn đấu bảo đảm học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 CT GDPT 2018; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và thực hiện giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

- Chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện CT GDPT 2018; khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.

- Đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” 1, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo; tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học trực tuyến, trên truyền hình và kiểm tra, đánh giá; xây dựng Thư viện số.

- Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân ban hành theo Quyết định số 2080/QĐ-TTg ngày 22/12/2017 của Thủ tướng chính phủ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2019-2025; triển khai thực hiện các đề án của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh: Đề án 2 “Nâng cao năng lực, kĩ năng ứng dụng Tin học cho học sinh phổ thông Thành phố Hồ Chí Minh theo định hướng chuẩn quốc tế, giai đoạn 2021 - 2030; Đề án 3 “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030”.

- Tăng cường nền nếp, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục tiểu học. Nâng cao đạo đức nhà giáo. Chú trọng kết hợp dạy chữ với dạy người, giáo dục ý thức, trách nhiệm của công dân đối với gia đình - nhà trường - xã hội cho học sinh tiểu học. Thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua của ngành phù hợp điều kiện từng địa phương, đơn vị.

- Nâng cao hiệu quả công tác kiểm định chất lượng giáo dục, xây dựng trường chuẩn quốc gia. Tiếp tục mở rộng mô hình trường học chất lượng cao “trường tiên tiến, hội nhập quốc tế” 4

B. NHIỆM VỤ CỤ THỂ VÀ GIẢI PHÁP

I. Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông

1. Thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn trường học trong phòng, chống dịch bệnh, thực hiện mục tiêu kiên trì chất lượng giáo dục.

Chuẩn bị tốt các phương án đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh trên cơ sở hướng dẫn của ngành Y tế và ngành Giáo dục; nâng cao ý thức, trách nhiệm và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch cho học sinh, nhân viên, giáo viên, cán bộ quản lý trong trường học; duy trì vệ sinh môi trường trong trường học và các phương án bảo đảm sức khỏe cho học sinh, nhân viên, giáo viên, cán bộ quản lý.

Rà soát việc tiêm ngừa vắc xin cho cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên; vận động khuyến khích học sinh tiêm ngừa vắc xin, đảm bảo an toàn và miễn dịch cộng đồng khi tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp; có giải pháp hỗ trợ cho đội ngũ và học sinh, chăm lo đời sống cho đội ngũ, nhất là những thầy cô giáo bị ảnh hưởng sức khỏe do nhiễm bệnh, ảnh hưởng tác động từ dịch bệnh,...

Các cơ sở giáo dục chủ động chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản, phương án tổ chức dạy học theo các hình thức linh hoạt, phù hợp với tâm sinh lý học sinh phòng trường hợp xảy ra dịch bệnh tại địa phương, nhà trường trên cơ sở đánh giá tổng kết, rút kinh nghiệm từ các năm học trước để thực hiện hiệu quả, đảm bảo duy trì mục tiêu chất lượng giáo dục.

2. Chỉ đạo thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục

2.1. Xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường để chủ động, linh hoạt thực hiện và hoàn thành chương trình năm học.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục và kế hoạch bài dạy theo hướng dẫn tại Công văn số 2345/BGDĐT-GDTH ngày 07/6/2021 của Bộ GDĐT và Công văn số 2037/GDĐT-GDTH ngày 13/7/2021 của Sở GDĐT về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; lựa chọn nội dung giáo dục cốt lõi, cần thiết phù hợp với khung thời gian năm học tại từng địa phương cụ thể, bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học linh hoạt, chủ động, hiệu quả, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện thực hiện của mỗi nhà trường; đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ năm học, kế hoạch thời gian năm học của địa phương và các chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục; tổ chức dạy học các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc, môn học tự chọn; bố trí thời gian thực hiện chương trình đảm bảo tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với học sinh; linh hoạt trong tổ chức thực hiện dạy học các môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nhà trường và đối tượng học sinh, đảm bảo cuối năm học đạt được yêu cầu cần đạt theo quy định của chương trình; trong điều kiện cho phép tạo môi trường cho học sinh được trải nghiệm, vận dụng các kiến thức đã học, phát huy năng lực đã đạt được trong chương trình các môn học, hoạt động giáo dục vào thực tiễn.

Tổ chức xây dựng kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục đảm bảo mỗi giáo viên nắm vững mạch nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình môn học, hoạt động giáo dục và nội dung bài học, chủ đề học tập được thiết kế trong sách giáo khoa; đặc điểm địa phương, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường và đặc điểm đối tượng học sinh. Trên cơ sở đó, giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch bài dạy, đề xuất những nội dung cần điều chỉnh hoặc bổ sung, tích hợp; điều chỉnh thời lượng thực hiện; nguồn học liệu và thiết bị dạy học; hình thức tổ chức và phương pháp dạy học; hình thức tổ chức và phương pháp đánh giá; xây dựng phân phối chương trình dạy học linh hoạt phù hợp với đối tượng học sinh, điều kiện tổ chức dạy học, bảo đảm các yêu cầu cần đạt của chương trình đối với môn học, hoạt động giáo dục để đạt hiệu quả cao nhất.

Trong trường hợp phải dạy học trên internet, các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học qua truyền hình, dạy học trực tuyến5 và thực hiện công văn6 số 3969/BGDĐT-GDTH và vận dụng hợp lý hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học theo Công văn số 1125/BGDĐT-GDTH ngày 31/3/2020 và công văn số 2440/SGDĐT để điều chỉnh, thực hiện xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục môn học, thực hiện tinh giản và dạy học các nội dung cốt lõi cho phù hợp, đảm bảo yêu cầu cần đạt của chương trình, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, kỹ năng của giáo viên, khả năng tiếp thu, lĩnh hội và đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh.

2.2. Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông

2.2.1. Đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 3

[...]