Công văn 3148/HĐPH năm 2023 phổ biến các luật, nghị quyết mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 và triển khai nhiệm vụ về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật do Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương ban hành

Số hiệu 3148/HĐPH
Ngày ban hành 24/07/2023
Ngày có hiệu lực 24/07/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương
Người ký Nguyễn Thanh Tịnh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP PHỔ BIẾN,
GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRUNG ƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3148/HĐPH
V/v phổ biến các luật, nghị quyết mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 và triển khai một số nhiệm vụ về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Hà Nội, ngày 24 tháng 7 năm 2023

 

Kính gửi:

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội;
- Hội Luật gia Việt Nam;
- Liên đoàn Luật sư Việt Nam;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Nhằm tiếp tục nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật trong cán bộ và Nhân dân, đảm bảo quyền được thông tin về pháp luật của công dân; thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và các văn bản hướng dẫn thi hành, trên cơ sở các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (có danh sách kèm theo) và triển khai một số nhiệm vụ PBGDPL, Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương (sau đây gọi là Hội đồng) đề nghị các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương và các địa phương thực hiện các công việc sau đây:

1. Tăng cường tổ chức phổ biến các luật, nghị quyết mới được thông qua

1.1. Đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản[1] thực hiện các nội dung cụ thể sau:

a) Đăng tải, cập nhật toàn văn nội dung văn bản luật, nghị quyết do cơ quan chủ trì soạn thảo trên Cổng/Trang Thông tin điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật và các hình thức thích hợp khác để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân dễ dàng tiếp cận, khai thác và sử dụng khi có nhu cầu.

b) Tổ chức biên soạn tài liệu tập huấn, phổ biến pháp luật; kịp thời quán triệt, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu nội dung và tinh thần của văn bản luật cho cán bộ, công chức, viên chức, báo cáo viên pháp luật của bộ, ngành trực tiếp triển khai thi hành văn bản luật; giải thích, cung cấp đầy đủ quy định của văn bản luật liên quan trực tiếp đến vụ việc đang giải quyết hoặc hướng dẫn tìm kiếm, tra cứu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật khi công dân có yêu cầu trong quá trình xem xét, giải quyết vụ việc của công dân.

c) Chỉ đạo, hướng dẫn, xác định nội dung, hình thức phổ biến văn bản luật phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn; biên soạn, đăng tải, phát hành rộng rãi tài liệu phổ biến nội dung văn bản luật và phối hợp với Bộ Tư pháp (Cục PBGDPL) để cập nhật trên Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia (http://pbgdpl.gov.vn). Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn tăng cường thông tin, phổ biến rộng rãi nội dung của luật cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý và Nhân dân bằng hình thức phù hợp, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai thực hiện (tập huấn, thi tìm hiểu pháp luật, tư vấn pháp luật trực tuyến; đối thoại pháp luật trực tuyến; biên soạn, đăng tải hỏi - đáp pháp luật trên Cổng Thông tin điện tử ...); bố trí nguồn lực bảo đảm thực hiện nhiệm vụ.

1.2. Đề nghị các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương và các địa phương:

a) Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao và tình hình thực tiễn, quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn và chủ động tổ chức phổ biến, thông tin, truyền thông pháp luật có liên quan bằng hình thức phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, địa bàn, có trọng tâm, trọng điểm; đề nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý tự giác học tập, tìm hiểu, tuân thủ và chấp hành pháp luật và tham gia PBGDPL cho người dân. Trong quá trình thực hiện, cần nắm bắt và phản ánh kịp thời cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về ý kiến của Nhân dân, phản ánh của dư luận xã hội về tính khả thi, phù hợp của văn bản mới ban hành; kịp thời định hướng thông tin, phổ biến những vấn đề nóng, được dư luận quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội; giải đáp pháp luật và các vướng mắc trong áp dụng pháp luật về các lĩnh vực, phạm vi do mình quản lý cho Nhân dân, doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp; tăng cường kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

b) Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông và mạng lưới truyền thanh cơ sở tăng cường thông tin, truyền thông, phổ biến về nội dung các luật mới thông qua theo hướng dẫn tại Công văn này.

c) Đề nghị Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, các cơ quan thông tin, báo chí tăng cường thời lượng, lồng ghép phổ biến rộng rãi, thường xuyên các nội dung luật mới trên chuyên trang, chuyên mục của báo, đài để người dân biết và thực hiện.

d) Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước có văn bản hướng dẫn, tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung, tinh thần của các văn bản luật có liên quan trong toàn ngành.

đ) Đề nghị Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức quán triệt, phổ biến các nội dung văn bản luật liên quan cho thành viên, hội viên của tổ chức mình và tham gia PBGDPL cho Nhân dân; tích cực vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tự giác tìm hiểu, tuân thủ và chấp hành pháp luật; tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật.

e) Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ hướng dẫn tại Công văn này, hướng dẫn của bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương và nhu cầu, điều kiện thực tiễn địa phương, có kế hoạch triển khai phổ biến nội dung, tinh thần của các văn bản luật tại địa phương bằng hình thức phù hợp; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện đảm bảo hiệu quả, thực chất.

g) Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp, tổ chức pháp chế bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương, Sở Tư pháp tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức ở trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện các nhiệm vụ nói trên.

2. Tổ chức triển khai một số nhiệm vụ PBGDPL bằng hình thức phù hợp

Trên cơ sở các văn bản pháp luật mới ban hành dưới đây, đề nghị các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao và điều kiện, tình hình thực tiễn quan tâm, chủ động tổ chức phổ biến, thông tin, truyền thông về các nội dung có liên quan bằng hình thức linh hoạt, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn bảo đảm thiết thực hoặc lồng ghép việc thực hiện trong các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội của bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương; truyền tải đầy đủ thông tin pháp luật đến cán bộ, người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cụ thể là:

2.1. Tổ chức triển khai Chỉ thị số 10-CT/TTg ngày 19/4/2023 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới, trong đó tập trung thông tin, phổ biến về các chủ trương chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Đổi mới về nội dung, hình thức PBGDPL về giao thông theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với từng vùng, khu vực, địa bàn, lứa tuổi, tôn giáo, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong truyền thông, PBGDPL nhằm kịp thời định hướng thông tin dư luận xã hội; tập trung PBGDPL cho đối tượng là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên... nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và Nhân dân trong công tác bảo đảm TTATGT; mỗi người dân phải có ý thức tự bảo vệ mình và trách nhiệm bảo vệ người khác khi tham gia giao thông; kịp thời biểu dương, phản ánh các mô hình hiệu quả, cách làm hay, gương người tốt, việc tốt trong việc chấp hành, thực hiện pháp luật về TTATGT cũng như PBGDPL về giao thông.

2.2. Tổ chức triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 27/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc, trong đó, tập trung phổ biến sâu rộng các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự nói chung và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc nói riêng, các hành vi đánh bạc mới như trên không gian mạng cũng như các biện pháp phòng ngừa đối với mọi lứa tuổi, thành phần trong xã hội. Đồng thời, tổ chức triển khai PBGDPL về công tác phòng, chống tội phạm[2]; phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, ma túy, hàng cấm qua đường hàng không[3]; công tác phòng, chống mua bán người[4]; công tác phòng, chống rác thải nhựa[5] và công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt[6] cho người dân; thực hiện PBGDPL theo phương châm lấy phòng ngừa là chính, thường xuyên, liên tục, chú trọng các đối tượng đặc thù trong xã hội có hành vi vi phạm, bảo đảm triển khai kịp thời, thống nhất và hiệu quả các quy định pháp luật về các lĩnh vực này.

2.3. Chủ động lồng ghép việc phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển thanh niên; pháp luật về trợ giúp pháp lý, phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới... triển khai các nhiệm vụ, đề án, chương trình có liên quan một cách phù hợp[7].

3. Sở Tư pháp có trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân, Hội đồng phối hợp PBGDPL cùng cấp; tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương có trách nhiệm tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, người đứng đầu các ngành, đoàn thể trung ương thực hiện các nhiệm vụ nói trên.

Trên đây là hướng dẫn phổ biến các luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 và triển khai một số nhiệm vụ PBGDPL, Hội đồng trân trọng đề nghị bộ, cơ quan, tổ chức trung ương, địa phương kịp thời triển khai thực hiện; tổng hợp báo cáo kết quả trong Báo cáo công tác tư pháp (lĩnh vực PBGDPL) và gửi về Bộ Tư pháp - Cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trong quá trình thực hiện, mọi thông tin đề nghị phản ánh về Bộ Tư pháp (qua Cục PBGDPL, điện thoại 024.6273.9468).

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- PTTg Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng phối hợp
PBGDPL trung ương (để báo cáo);
- Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch TT Hội đồng
phối hợp PBGDPL trung ương (để báo cáo);
- Thành viên của Hội đồng phối hợp PBGDPL
trung ương và Tổ Thư ký giúp việc Hội đồng (để biết);
- Tổ chức pháp chế bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương
(để thực hiện);
- Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc TW (để thực hiện);
- Các đơn vị thuộc Bộ (để thực hiện); 
- Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp (để đăng tải);
- Lưu: VT, Tổ Thư ký giúp việc Hội đồng, Cục PBGDPL.

TM. HỘI ĐỒNG
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




THỨ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Nguyễn Thanh Tịnh

 

DANH SÁCH 08 LUẬT, 17 NGHỊ QUYẾT ĐƯỢC THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP THỨ 5 QUỐC HỘI KHÓA XV

(Kèm theo Công văn số 3148/HĐPH ngày 24/7/2023)

[...]