Công văn 3130/BVHTTDL-DSVH năm 2022 về định hướng công tác quản lý nhà nước đối với bảo tàng ngoài công lập do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

Số hiệu 3130/BVHTTDL-DSVH
Ngày ban hành 19/08/2022
Ngày có hiệu lực 19/08/2022
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
Người ký Hoàng Đạo Cương
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3130/BVHTTDL-DSVH
V/v định hướng công tác quản lý nhà nước đối với bảo tàng ngoài công lập

Hà Nội, ngày 19 tháng 8 năm 2022

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

Từ năm 2006 đến nay, sự phát triển về số lượng của bảo tàng ngoài công lập đã góp phần tạo nên sự đa dạng về loại hình trong hệ thống bảo tàng ở Việt Nam. Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của mạng lưới bảo tàng ngoài công lập, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp, chỉ đạo các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao/ Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch triển khai một số nhiệm vụ sau:

1. Kiểm tra, đánh giá toàn diện về chất lượng hiệu quả hoạt động của từng bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn, trong đó tập trung vào tiêu chuẩn thường xuyên mở cửa trưng bày phục vụ công chúng và số lượng khách tham quan (bao gồm cả hình thức trực tiếp và trực tuyến - nếu có).

2. Rà soát tình hình hướng dẫn áp dụng pháp luật và áp dụng pháp luật đối với bảo tàng ngoài công lập, cụ thể:

- Về thực hiện 02 thủ tục hành chính cấp tỉnh là: Xác nhận đủ điều kiện được cấp giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập Cấp giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập; cần lưu ý tránh nhầm lẫn giữa quy định tại Khoản 1 Điều 49 Luật Di sản văn hóa - “Có sưu tập theo một hoặc nhiều chủ đề” - với quy định tại Thông tư số 07/2004/TT-BVHTT ngày 19/02/2004 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia (nhằm mục đích khuyến khích tổ chức, cá nhân đăng ký di vật, cổ vật thuộc sở hữu của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền).

- Về con dấu và tài khoản của bảo tàng ngoài công lập: Tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện theo đúng quy định của pháp luật có liên quan khi ban hành quyết định cấp giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập.

3. Thực hiện đúng chế độ báo cáo để phục vụ công tác quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực: Kịp thời báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi có bảo tàng ngoài công lập mới được cấp giấy phép hoạt động (có báo cáo riêng hoặc theo quyết định cấp giấy phép hoạt động của cấp có thẩm quyền).

4. Đề xuất phương án đơn giản hóa các thủ tục hành chính về xác nhận đủ điều kiện và cấp giấy phép hoạt động; giải pháp nhằm khuyến khích các chủ sở hữu sưu tập tư nhân thành lập bảo tàng để giới thiệu di sản văn hóa thuộc sở hữu của mình tới đông đảo công chúng. Tạo điều kiện cho bảo tàng công lập trực thuộc phối hợp và hỗ trợ bảo tàng ngoài công lập trong hoặc ngoài địa bàn thực hiện các hoạt động chuyên môn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.

5. Báo cáo bằng văn bản kết quả kiểm tra, đánh giá, rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển bảo tàng ngoài công lập đề nghị gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Cục Di sản văn hóa) trước ngày 10/9/2022.

Trân trọng./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- TT. Hoàng Đạo Cương;
- Các SVHTTDL/SVHTT/SVHTTTTDL;
- Lưu: VT, DSVH, ĐH.130.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hoàng Đạo Cương