Công văn 2940/BNN-VP về cây trồng biến đổi gen do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Số hiệu | 2940/BNN-VP |
Ngày ban hành | 11/10/2011 |
Ngày có hiệu lực | 11/10/2011 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Người ký | Cao Đức Phát |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2940/BNN-VP |
Hà Nội, ngày 11 tháng 10 năm 2011 |
Kính gửi: |
Đồng chí Nguyễn Thị Bình |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận được thư đề ngày 22 tháng 8 năm 2011 của Đồng chí về việc sử dụng giống ngô biến đổi gen (BĐG) ở Việt Nam. Văn phòng Chính phủ tại Công văn số 6240/VPCP-KGVX ngày 7 tháng 9 năm 2011 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng “Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu có văn thư trả lời Bà Nguyễn Thị Bình, báo cáo Chủ tịch nước và Thủ tướng trước ngày 15 tháng 10 năm 2011”.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tôi xin chân thành cảm ơn các ý kiến và sự quan tâm sâu sắc của Đồng chí đối với việc sử dụng giống cây trồng BĐG nói chung và giống ngô BĐG nói riêng ở Việt Nam và xin tiếp thu, giải trình như sau:
1. Sử dụng giống cây trồng biến đổi gen trên thế giới
Về việc sử dụng giống cây trồng BĐG trên thế giới hiện nay có hai loại ý kiến khác nhau. Một bên, ủng hộ giống cây trồng BĐG vì nhận thấy đây là tiến bộ khoa học hiện đại giúp gia tăng sản lượng cây trồng mà phương pháp tạo chọn giống cây trồng truyền thống không đáp ứng được. Ngược lại, bên phản đối cho rằng cây trồng BĐG có nguy cơ đem lại những hậu quả tiêu cực đối với sức khỏe con người, động vật và đa dạng sinh học. Sự tranh luận về cây trồng BĐG nói riêng hay sinh vật BĐG nói chung đã tồn tại nhiều năm trên thế giới và còn kéo dài, và cũng chưa thể biết khi nào chấm dứt, hầu như ở nước nào cũng có ý kiến khác nhau: ủng hộ và phản đối.
Các tổ chức và quốc gia ủng hộ giống cây trồng BĐG theo nguyên tắc tuân thủ luật an toàn sinh học của mỗi quốc gia đối với sinh vật BĐG cũng như các định ước quốc tế có liên quan đến sinh vật BĐG như CODEX (Codex Alimentarius Commission), Cartagena Protocol về An toàn sinh học để đảm bảo việc sử dụng giống cây trồng BĐG an toàn. Việc xét chấp thuận một giống cây trồng BĐG cụ thể có được trồng trong sản xuất hay không căn cứ vào kết quả đánh giá tính toán đối với môi trường, sức khỏe con người và động vật của giống đó, tức là xem xét từng giống BĐG một (case-by-case).
Trên thực tế cho đến năm 2010, tức 15 năm sau khi giống cây trồng BĐG được trồng đầu tiên trên thế giới có 29 nước đã trồng cây BĐG trên đồng ruộng, trong đó có 8 nước thuộc EU là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Tiệp Khắc, Ba Lan, Rumani, Đức và Slovakia. Tổng diện tích cây trồng BĐG trên thế giới năm 2010 là 148 triệu ha, trong đó ba cây trồng BĐG chiếm diện tích lớn nhất là đậu tương (73,3 triệu ha), ngô (46,8 triệu ha), bông vải (21 triệu ha). Ở châu Á có 4 nước đã trồng giống cây BĐG là Ấn Độ (9,4 triệu ha), Trung Quốc (3,5 triệu ha), Philípin (540.000 ha) và Myanma (270.000 ha). Ngoài các nước trồng và sử dụng giống cây trồng BĐG, còn có 30 nước khác cho phép sử dụng nhập khẩu sản phẩm của giống cây trồng BĐG làm thực phẩm và (hoặc) thức ăn chăn nuôi. Như vậy, tổng số trên thế giới đã có 59 nước chấp thuận sử dụng sản phẩm cây trồng BĐG.
Đối với thực phẩm BĐG đưa vào thị trường hiện nay trên thế giới có 2 hướng xử lý khác nhau. Hướng buộc phải dán nhãn khi hàm lượng thành phần BĐG trên ngưỡng nhất định như Úc trên 1%, Nhật Bản trên 5%, Indonesia trên 5%, Ả Rập xê-út trên 1%, Hàn Quốc trên 3%, Đài Loan trên 5%, Thái Lan trên 5%, Châu Âu trên 0,9%, Brazil trên 1%, Việt Nam quy định dán nhãn nhưng chưa xác định cụ thể ngưỡng (điều 44 của Luật An toàn thực phẩm). Hướng chấp thuận không phải dán nhãn gồm Mỹ, Canada, Philípin, Nam Phi, Ác-hen-tina.
2. Chủ trương của Việt Nam về giống cây trồng biến đổi gen
Chủ trương của Đảng và Chính phủ là đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học và xem đây là một công nghệ mũi nhọn phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 04 tháng 3 năm 2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước). Quy định pháp luật về ứng dụng sinh vật BĐG bao gồm giống cây trồng BĐG đã được thể hiện trong Luật Đa dạng sinh học năm 2008 (Điều 65, 66, 67, 68) và Luật An toàn thực phẩm năm 2010 (Điều 10, 15, 44).
Đối với việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 14/2008/QĐ-TTg ngày 22/01/2008 phê duyệt “Kế hoạch tổng thể phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học ở Việt Nam đến năm 2020”. Riêng lĩnh vực nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng đã phê duyệt “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020” tại Quyết định số 11/2006/QĐ-TTg ngày 12/01/2006. Tại hai Quyết định trên, phát triển và ứng dụng cây trồng BĐG ở Việt Nam được xác định là nhiệm vụ quan trọng của chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp quốc gia.
Cơ sở luật pháp để một giống cây trồng BĐG được phép sử dụng ở Việt Nam được quy định bởi Nghị định số 69/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật BĐG, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật BĐG. Nghị định này đã quy định rất chi tiết về việc khảo nghiệm đánh giá an toàn sinh học đến sử dụng cây trồng BĐG. Quy định chi tiết về trình tự, nội dung khảo nghiệm đánh giá an toàn sinh học đối với môi trường đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tại Thông tư số 69/2009/TT-BNNPTNT ngày 27 tháng 10 năm 2009 của về quy định khảo nghiệm đánh giá rủi ro đối với đa dạng sinh học và môi trường của cây trồng BĐG.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ chỉ mới cho phép khảo nghiệm 3 loại cây trồng BĐG là ngô, đậu tương và bông vải (ba loại cây mà thế giới đang trồng nhiều nhất). Thực hiện chỉ đạo này, từ năm 2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới bắt đầu thực hiện khảo nghiệm 7 giống ngô BĐG, trong đó 3 giống của công ty TNHH Syngenta, 3 giống của công ty TNHH Dekalb Việt Nam (công ty Monsanto) và 1 giống của công ty Pioneer Hibred Việt Nam.
Việc khảo nghiệm được thực hiện theo các quy định pháp lý hiện hành của Việt Nam, đồng thời đảm bảo các yêu cầu chung của quốc tế về khảo nghiệm đánh giá rủi ro cây trồng BĐG. Đơn vị chủ trì khảo nghiệm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định là Viện Di truyền Nông nghiệp, Viện Bảo vệ thực vật là những cơ quan nghiên cứu triển khai có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ sinh học, các đơn vị này thực hiện nhiệm vụ khảo nghiệm độc lập, dưới sự giám sát và kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Cục Trồng trọt, Hội đồng an toàn sinh học) Cục Bảo tồn đa dạng sinh học của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan quản lý nhà nước của địa phương nơi khảo nghiệm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường).
Thông tin chi tiết về tiến trình khảo nghiệm các giống ngô BĐG được trình bày ở Phụ lục. Đến nay (tháng 9/2011), các giống ngô BĐG đã qua 2 bước khảo nghiệm đồng ruộng diện hẹp và diện rộng để đánh giá rủi ro đối với đa dạng sinh học và môi trường trên đồng ruộng. Tiếp theo, các đơn vị khảo nghiệm sẽ tổng hợp báo cáo chi tiết kết quả khảo nghiệm để trình Hội đồng an toàn sinh học Bộ xem xét, đánh giá tư vấn trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận kết quả khảo nghiệm nếu đạt yêu cầu. Sau đó, để các giống ngô BĐG được phép trồng trong sản xuất còn phải qua tiếp các bước được quy định tại Nghị định 69 nói trên:
a) Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học đối với các giống ngô BĐG đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận kết quả khảo nghiệm (căn cứ kết quả khảo nghiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Giấy xác nhận sinh vật BĐG đủ điều kiện làm thức ăn chăn nuôi (điều kiện là giống đó đã có ít nhất 5 nước phát triển cho phép sử dụng làm thực phẩm và hoặc thức ăn chăn nuôi).
c) Bộ Y tế cấp Giấy xác nhận sinh vật BĐG đủ điều kiện làm thức ăn chăn nuôi sử dụng làm thực phẩm (điều kiện là giống đó đã có ít nhất 5 nước phát triển cho phép sử dụng làm thực phẩm).
d) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống cây trồng mới được phép sản xuất, kinh doanh (thông qua các bước khảo nghiệm quốc gia về đặc tính nông học và sản xuất thử đối với giống mới).
Như vậy theo quy trình trên, từ việc khảo nghiệm giống cây trồng BĐG đến khi được phép sử dụng trong sản xuất phải trải qua nhiều bước rất chặt chẽ và được quy định của luật pháp. Việc quy định một giống cây trồng BĐG được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc làm thực phẩm phải là giống đã được 5 nước phát triển trên thế giới cho phép sử dụng là rất chặt chẽ. Việc kiểm tra, đánh giá sau khi một giống cây trồng BĐG được đưa vào sử dụng vẫn phải được thực hiện.
Sự lo ngại các công ty nước ngoài sẽ
độc quyền bán giống BĐG là khách quan, cần được cảnh báo và đây là vấn đề Việt
Nam đặc biệt quan tâm, tuy thực tế hiện nay các công ty nước ngoài vẫn đang
kinh doanh giống ở Việt Nam như đối với các giống ngô lai, lúa lai, hạt giống
rau... Vì vậy, hướng đi lâu dài là nâng cao tiềm lực khoa học quốc gia về lĩnh vực công nghệ sinh học để các tổ chức khoa học và các nhà khoa học Việt
Nam làm chủ được công nghệ và tự chọn tạo được giống cây trồng BĐG của Việt
Nam. Hiện nay, trong Chương trình Công nghệ sinh học nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn đã cho triển khai các đề tài nghiên cứu về tạo chọn giống
cây trồng BĐG cũng như cử nhiều cán bộ đi đào tạo ở nước
ngoài về công nghệ gen. Một số nước đang phát triển có
kinh nghiệm về hướng tự chủ cây trồng BĐG như ở Brazil,
Viện nghiên cứu nông nghiệp quốc gia đã chọn tạo thành công giống đậu tương BĐG
để thay thế cho giống của Monsanto hoặc Ấn Độ đang phát triển giống cà tím mang
gen Bt kháng sâu từ nguồn gen của công ty giống Maharastra Hybrid Seeds của Ấn Độ. Hướng hợp tác công-tư PPP (public-private partnership) cũng đang
là xu hướng giúp các nước phát triển tiếp cận và làm chủ việc tạo giống cây trồng
BĐG.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với trách nhiệm tổ chức công tác khảo nghiệm giống ngô BĐG, trong thời gian qua đã chỉ đạo công tác khảo nghiệm tiến hành chặt chẽ theo đúng quy định. Các thông tin về diễn tiến khảo nghiệm công khai và minh bạch. Các đơn vị chủ trì khảo nghiệm, các đơn vị phối hợp khảo nghiệm và các tổ chức giám sát đã thực hiện nhiệm vụ tích cực, trách nhiệm và khách quan, sắp tới trong tháng 11/2011, Bộ chỉ đạo tổng kết công tác khảo nghiệm, trong đó kết quả khảo nghiệm sẽ được công bố công khai để lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức và các nhà khoa học.
Sau cùng, thay mặt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tôi xin chân thành cảm ơn ý kiến đóng góp quý báu của Đồng chí về việc sử dụng giống cây trồng BĐG ở Việt Nam và mong được Đồng chí tiếp tục quan tâm theo dõi, góp ý. Với trách nhiệm của mình, tôi xin được tiếp thu một cách nghiêm túc ý kiến của Đồng chí để chỉ đạo sâu sát trong quá trình sử dụng cây trồng BĐG tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Kính chúc Đồng chí sức khỏe và hạnh phúc.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |