Thông tư 69/2009/TT-BNNPTNT quy định khảo nghiệm đánh giá rủi ro đối với đa dạng sinh học và môi trường của giống cây trồng biến đổi gen do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 69/2009/TT-BNNPTNT
Ngày ban hành 27/10/2009
Ngày có hiệu lực 11/12/2009
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Bùi Bá Bổng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 69/2009/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 27 tháng 10 năm 2009

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH KHẢO NGHIỆM ĐÁNH GIÁ RỦI RO ĐỐI VỚI ĐA DẠNG SINH HỌC VÀ MÔI TRƯỜNG CỦA GIỐNG CÂY TRỒNG BIẾN ĐỔI GEN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 3 tháng 1 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định 212/2005/QĐ-TTg ngày 26 tháng 8 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen; sản phẩm, hàng hoá có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen;
Căn cứ Quyết định số 11/2006/QĐ-TTg ngày 12 tháng 1 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt "Chư­ơng trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020";
Căn cứ Quyết định số 102/2007/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Đề án tổng thể tăng cường năng lực quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen và sản phẩm hàng hoá có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen từ nay đến năm 2010 thực hiện Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học",

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định khảo nghiệm đánh giá rủi ro đối với đa dạng sinh học và môi trường của giống cây trồng biến đổi gen như sau:

Chương I

 QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định việc khảo nghiệm đánh giá rủi ro đối với đa dạng sinh học và môi trường của giống cây trồng biến đổi gen.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có giống cây trồng biến đổi gen đăng ký khảo nghiệm đánh giá rủi ro (sau đây gọi chung là Người đăng ký); tổ chức trong nước thực hiện khảo nghiệm đánh giá rủi ro (sau đây gọi chung là Tổ chức khảo nghiệm); các tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý hoạt động khảo nghiệm đánh giá rủi ro đối với đa dạng sinh học và môi trường của giống cây trồng biến đổi gen trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đánh giá rủi ro là các hoạt động nhằm xác định những tác động bất lợi có thể xảy ra đối với đa dạng sinh học và môi trường trong các hoạt động có liên quan đến giống cây trồng biến đổi gen. Đánh giá rủi ro là quá trình bắt đầu từ khi nghiên cứu tạo ra giống cây trồng biến đổi gen cho đến khi thương mại, gồm cả đánh giá định tính và định lượng. Nội dung đánh giá rủi ro bao gồm xác định nguy cơ, đánh giá khả năng xảy ra, mức độ nghiệm trọng của nguy cơ khi xảy ra và ước lượng rủi ro.

2. Giống cây trồng biến đổi gen là cây trồng có cấu trúc gen bị thay đổi do công nghệ chuyển gen tạo ra được sử dụng cho mục đích làm giống cây trồng.

3. Giấy phép khảo nghiệm là văn bản quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép khảo nghiệm đánh giá rủi ro giống cây trồng biến đổi gen đối với đa dạng sinh học và môi trường. .

4. Hội đồng an toàn sinh học ngành nông nghiệp (dưới đây gọi tắt là Hội đồng an toàn sinh học ngành) do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập với nhiệm kỳ 3 năm có nhiệm vụ thẩm định hồ sơ đăng ký khảo nghiệm, đánh giá kết quả khảo nghiệm và tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy phép khảo nghiệm và công nhận kết quả khảo nghiệm.

5. Khảo nghiệm đánh giá rủi ro (dưới đây gọi tắt là khảo nghiệm) là hoạt động đánh giá tác động đối với đa dạng sinh học và môi trường của giống cây trồng biến đổi gen trong điều kiện cụ thể của Việt Nam nhằm mục đích cung cấp số liệu cho việc đánh giá định lượng rủi ro đối với đa dạng sinh học và môi trường của giống cây trồng biến đổi gen.

6. Quản lý rủi ro là quá trình ước lượng rủi ro, nhận dạng và xử lý rủi ro bằng các biện pháp quản lý nhằm hạn chế rủi ro ở mức có thể chấp nhận được đối với đa dạng sinh học và môi trường trong các hoạt động có liên quan đến giống cây trồng biến đổi gen.

7. Phát tán gen là sự lưu chuyển tự nhiên của gen được chuyển nạp từ cây biến đổi gen sang cây khác cùng loài hoặc khác loài.

8. Rủi ro là các tác động gián tiếp hoặc trực tiếp, không chủ đích có thể có hại đối với đa dạng sinh học và môi trường do các hoạt động có liên quan đến giống cây trồng biến đổi gen.

9. Sự kiện chuyển gen (transformation event) là việc chuyển nạp một gen mục tiêu vào một vị trí nhất định trên nhiễm sắc thể của cây trồng để tạo ra một giống biến đổi gen tương ứng với sự kiện chuyển gen đó, khác biệt với giống cây trồng khác do một sự kiện chuyển gen khác tạo ra.

10. Tổ chức giám sát rủi ro (gọi tắt là Tổ chức giám sát) do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập có nhiệm vụ giám sát, kiểm tra quá trình khảo nghiệm đánh giá rủi ro giống cây trồng biến đổi gen cho mỗi đăng ký khảo nghiệm cụ thể nhằm kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp không đảm bảo an toàn có thể xảy ra trong quá trình khảo nghiệm.

11. Tổ chức khảo nghiệm là tổ chức khoa học công nghệ, dịch vụ khoa học công nghệ có đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm đánh giá rủi ro giống cây trồng biến đổi gen đối với đa dạng sinh học và môi trường ở Việt Nam được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định.

12. Vận chuyển giống cây trồng biến đổi gen và vật liệu của giống cây trồng biến đổi gen (sau đây gọi tắt là vận chuyển) là các hoạt động di chuyển giống cây trồng biến đổi gen và vật liệu của giống cây trồng biến đổi gen có chủ đích của tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong thời gian từ khi được cấp phép khảo nghiệm cho đến khi kết thúc quản lý giám sát đồng ruộng khảo nghiệm sau thu hoạch.

13. Vật liệu nhân giống của giống cây trồng biến đổi gen là cây hoặc các bộ phận của cây có khả năng phát triển thành một cây mới dùng để nhân giống hoặc gieo trồng như: hạt giống, cây con gieo từ hạt giống, cây ghép, cành triết hoặc hạt giống, cành ghép, mắt ghép, củ, quả, chồi, hoa, mô, tế bào, bào tử, sợi nấm.

14. Vật liệu thu hoạch của giống cây trồng biến đổi gen là cây hoặc bất cứ bộ phận nào của cây thu được từ việc gieo trồng vật liệu nhân giống của giống cây trồng biến đổi gen.

Chương II

KHẢO NGHIỆM

[...]