Công văn số 29/VTLTNN-NVTW về việc phương hướng nhiệm vụ công tác văn thư, lưu trữ năm 2008 của các cơ quan, tổ chức trung ương do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước ban hành

Số hiệu 29/VTLTNN-NVTW
Ngày ban hành 15/01/2008
Ngày có hiệu lực 15/01/2008
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước
Người ký Trần Hoàng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ NỘI VỤ
CỤC VĂN THƯ VÀ LƯU TRỮ
NHÀ NƯỚC
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 29/VTLTNN-NVTW
V/v phương hướng nhiệm vụ công tác văn thư, lưu trữ năm 2008 của các cơ quan, tổ chức trung ương

Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 2008

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Các Tập đoàn kinh tế nhà nước và Tổng công ty 91.

 

Để các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, các Tập đoàn kinh tế nhà nước và Tổng công ty 91 (sau đây gọi chung là các cơ quan, tổ chức trung ương) có căn cứ xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch công tác văn thư, lưu trữ năm 2008 và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước hướng dẫn một số nhiệm vụ trọng tâm công tác văn thư, lưu trữ năm 2008 như sau:

I. QUẢN LÝ, CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC VĂN THƯ, LƯU TRỮ

1. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác văn thư, lưu trữ

Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn nghiệp vụ do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành trong thời gian gần đây, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác văn thư, lưu trữ và giá trị của tài liệu lưu trữ.

2. Tổ chức và cán bộ

a) Tiếp tục kiện toàn tổ chức và tăng cường cán bộ làm văn thư, lưu trữ; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc bố trí đủ cán bộ đã qua đào tạo nghiệp vụ làm văn thư, lưu trữ.

b) Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ văn thư, lưu trữ, đặc biệt là ở các cơ quan, đơn vị trực thuộc; đối với những cán bộ chưa qua đào tạo nghiệp vụ, cần tạo điều kiện để những cán bộ này tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ văn thư, lưu trữ do Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước hoặc các cơ sở đào tạo chuyên ngành văn thư, lưu trữ tổ chức.

3. Ban hành văn bản quản lý, chỉ đạo công tác văn thư, lưu trữ

Các cơ quan, tổ chức trung ương cần tiếp tục cụ thể hoá các văn bản quản lý công tác văn thư, lưu trữ cho phù hợp với thực tế của cơ quan, của ngành, trọng tâm là:

a) Quy chế công tác văn thư, lưu trữ cơ quan (theo văn bản số 260/VTLTNN-NVĐP ngày 06 tháng 5 năm 2005 của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước v/v hướng dẫn xây dựng quy chế công tác văn thư và lưu trữ cơ quan);

b) Bảng thời hạn bảo quản tài liệu của cơ quan, của ngành (phối hợp với Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước);

c) Hướng dẫn lập hồ sơ công việc (trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước);

d) Quy định về khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ.

4. Kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ

Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ văn thư, lưu trữ đối với các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình. Trong năm 2008, mỗi cơ quan, tổ chức trung ương cần tiến hành kiểm tra ít nhất 30% các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Nội dung kiểm tra, hướng dẫn tập trung vào những vấn đề sau:

- Triển khai thực hiện Pháp lệnh lưu trữ quốc gia; các Nghị định của Chính phủ về công tác văn thư, lưu trữ; Chỉ thị số 05/2007/CT-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ và các văn bản hướng dẫn thi hành của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Thực hiện các quy định về soạn thảo và ban hành văn bản; về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản;

- Quản lý văn bản đi, văn bản đến;

- Thực hiện chế độ lập hồ sơ công việc và giao nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ của cơ quan, tổ chức;

- Quản lý và sử dụng dấu trong công tác văn thư;

- Chỉnh lý, xác định giá trị tài liệu và tiêu huỷ tài liệu hết giá trị;

- Thực hiện chế độ giao nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ lịch sử (đối với những cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu tài liệu vào Trung tâm Lưu trữ Quốc gia);

- Bảo vệ, bảo quản an toàn tài liệu lưu trữ; kho tàng và trang thiết bị theo hướng dẫn tại Thông tư số 09/2007/TT-BNV ngày 26 tháng 11 năm 2007 của Bộ Nội vụ về kho lưu trữ chuyên dụng;

- Quản lý tài liệu lưu trữ trong trường hợp chia, tách, sáp nhập, tổ chức lại cơ quan, tổ chức hoặc chuyển đổi hình thức sở hữu các doanh nghiệp nhà nước;

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác văn thư, lưu trữ.

II. HOẠT ĐỘNG NGHIỆP VỤ VĂN THƯ, LƯU TRỮ

[...]