Kính
gửi: Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương
Ngày 5/11/2020, Chính phủ đã ký ban
hành Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp
có giao dịch liên kết (thay thế Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 và
Nghị định số 68/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 8 Nghị
định số 20/2017/NĐ-CP), có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 12 năm 2020
và áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020.
Tổng cục Thuế giới thiệu các nội dung
mới của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP đề nghị các Cục Thuế khẩn trương tuyên truyền,
phổ biến, thông báo cho cán bộ thuế và người nộp thuế trên địa bàn quản lý biết.
(Chi tiết nội dung cụ thể theo Phụ
lục đính kèm)
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó
khăn, vướng mắc, đề nghị các Cục Thuế kịp thời tổng hợp, phản ánh về Tổng cục
Thuế để được nghiên cứu giải quyết./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Lãnh đạo Tổng cục Thuế (để b/c);
- Các Vụ, đơn vị thuộc TCT;
- Lưu: VT, TTKT (3).
|
KT.
TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG
Vũ Chí Hùng
|
PHỤ LỤC
GIỚI THIỆU MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ
132/2020/NĐ-CP NGÀY 05/11/2020 QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT QUẢN LÝ
THUẾ
(Kèm theo công văn số 271/TCT-TTKT ngày 27/01/2021 của Tổng cục Thuế)
1. Nghị định số
132/2020/NĐ-CP không có Thông tư hướng dẫn như Nghị định số 20/2017/NĐ-CP:
Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định
cụ thể về nguyên tắc, phương pháp, trình tự xác định yếu tố hình thành giá giao
dịch liên kết; quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế trong xác định giá giao dịch
liên kết, thủ tục kê khai; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý
thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết. Bộ Tài chính không
ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 132/2020/NĐ-CP.
2. Về giải thích
từ ngữ:
a) Bổ sung thuật ngữ quy định “Thỏa
thuận của nhà chức trách có thẩm quyền” và “Thỏa thuận quốc tế về thuế” “Tổ chức
thay mặt nộp báo cáo”
Cụ thể khoản 2, khoản
3, khoản 10 Điều 4 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định:
“2. “Thỏa thuận của Nhà chức trách
có thẩm quyền” là thuật ngữ rút gọn của Thỏa thuận có hiệu lực giữa Nhà chức
trách có thẩm quyền của các quốc gia, vùng lãnh thổ là các bên tham gia Điều ước
quốc tế về thuế và có yêu cầu trao đổi thông tin tự động đối với Báo cáo lợi
nhuận liên quốc gia.
3. “Thỏa thuận quốc tế về thuế”,
“Điều ước quốc tế về thuế” là các thỏa thuận, điều ước quốc tế song phương và
đa phương trong lĩnh vực thuế.”
10. “Tổ chức thay mặt nộp báo cáo”
là thuật ngữ sử dụng để chỉ tổ chức được Công ty mẹ tối cao của tập đoàn ủy quyền
nộp Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của tập đoàn cho Cơ quan thuế.”
b) Sửa đổi, bổ sung quy định về
“Cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế”
Trước đây: Khoản 7 Điều 4 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định:
“7. “Cơ sở dữ liệu của Cơ quan thuế”
là các thông tin, dữ liệu do Cơ quan thuế xây dựng, quản lý theo quy định tại
Luật quản lý thuế liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế
do cơ quan thuế thu thập, phân tích, lưu giữ, cập nhật và quản lý từ các nguồn
khác nhau, bao gồm cả cơ sở dữ liệu và thông tin trao đổi với các cơ quan quản
lý thuế, cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài.”
Điểm mới:
Khoản 7 Điều 4 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định:
“7. “Cơ sở dữ liệu của Cơ quan thuế”
là các thông tin, dữ liệu do Cơ quan thuế thu thập, xây dựng, quản lý từ các
nguồn khác nhau theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13
tháng 6 năm 2019, bao gồm cả cơ sở dữ liệu và thông tin trao đổi với các cơ
quan quản lý thuế, cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài.”
c) Sửa đổi, bổ sung quy định về
khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn:
Trước đây: Nghị định số 20/2017/NĐ-CP và Thông tư số 41/2017/TT-BTC quy định:
“Khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn” là tập hợp các giá trị từ tứ phân vị
thứ nhất đến tứ phân vị thứ 3; trung vị của khoảng giá trị giao dịch độc lập
chuẩn là giá tứ phân vị thứ 2 theo hàm xác suất thống kê.”
Điểm mới:
Khoản 9 Điều 4 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định:
“9. “Khoảng giá trị giao dịch độc
lập chuẩn” là tập hợp các giá trị từ bách phân vị thứ 35 đến bách phân vị thứ
75; trung vị của khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn là giá trị bách phân vị
thứ 50 theo hàm xác suất thống kê.”
3. Sửa đổi, bổ
sung quy định về các bên có quan hệ liên kết:
a) Sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm g) khoản 2 Điều 5 Các bên có quan hệ liên kết
Trước đây: “g) Hai doanh nghiệp được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân
sự, tài chính và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân thuộc một trong các mối
quan hệ vợ, chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột,
chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu, ông nội, bà nội, cháu nội,
ông ngoại, bà ngoại, cháu ngoại, cô, chú, bác, cậu, dì ruột và cháu ruột;”
Điểm mới:
Điểm g khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định:
“g) Hai doanh nghiệp được điều
hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính và hoạt động kinh doanh bởi
các cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi,
cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ
hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị em cùng cha
khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người
cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại;
cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột;”
b) Bổ sung điểm 1
khoản 2 Điều 5 Các bên có quan hệ liên kết
“l) Doanh nghiệp có phát sinh các
giao dịch nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu
của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế; vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở
hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế với cá nhân điều hành,
kiểm soát doanh nghiệp hoặc với cá nhân thuộc trong một các mối quan hệ theo
quy định tại điểm g khoản này.”
4. Kế thừa Nghị định
số 68/2020/NĐ-CP quy định sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy
định về chi phí lãi vay được trừ và bổ sung loại trừ áp dụng quy định giới hạn
chi phí lãi vay đối với các khoản vay đầu tư chương trình, dự án thực hiện
chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước là nhà ở xã hội.
Cụ thể khoản 3 Điều
16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định:
“3. Tổng chi phí lãi vay được trừ
khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có
giao dịch liên kết:
a) Tổng chi phí lãi vay sau khi trừ
lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi
xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi
nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ
lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh
trong kỳ của người nộp thuế;
b) Phần chi phí lãi vay không được
trừ theo quy định tại điểm a khoản này được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo
khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi
vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định tại điểm
a khoản này. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể
từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ;
c) Quy định tại điểm a khoản này
không áp dụng với các khoản vay của người nộp thuế là tổ chức tín dụng theo Luật
Các tổ chức tín dụng; tổ chức kinh doanh bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm;
các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ
thực hiện theo phương thức Chính phủ đi vay nước ngoài cho các doanh nghiệp vay
lại; các khoản vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình nông
thôn mới và giảm nghèo bền vững); các khoản vay đầu tư chương trình, dự án thực
hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước (nhà ở tái định cư, nhà ở công
nhân, sinh viên, nhà ở xã hội và dự án phúc lợi công cộng khác);
d) Người nộp thuế kê khai tỷ lệ
chi phí lãi vay trong kỳ tính thuế theo Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định
này.”
5. Sửa đổi, bổ
sung quy định về nộp báo cáo lợi nhuận liên quốc gia:
Trước đây: Tại điểm c khoản 4 Điều 10 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP
quy định:
“c) Báo cáo lợi nhuận liên quốc
gia của Công ty mẹ tối cao theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định
này.
Trường hợp người nộp thuế là Công
ty mẹ tối cao tại Việt Nam có doanh thu hợp nhất toàn cầu trong kỳ tính thuế từ
mười tám nghìn tỷ đồng trở lên, có trách nhiệm lập Báo cáo lợi nhuận liên quốc
gia tại Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban
hành kèm theo Nghị định này.
Trường hợp người nộp thuế có Công
ty mẹ tối cao tại nước ngoài, người nộp thuế có trách nhiệm cung cấp bản sao
Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của Công ty mẹ tối cao trong trường hợp Công ty
mẹ tối cao của người nộp thuế phải nộp Báo cáo này cho Cơ quan thuế nước sở tại
theo biểu mẫu kê khai của Cơ quan thuế nước sở tại hoặc Biểu mẫu kê khai theo Mẫu
số 04/NĐ-GDLK tại Nghị định này. Trong trường hợp người nộp thuế không cung cấp
được Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia, người nộp thuế phải có văn bản giải thích
lý do, căn cứ pháp lý và trích dẫn quy định pháp luật cụ thể của nước đối tác về
việc không cho phép người nộp thuế cung cấp Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia.”
Điểm mới:
Khoản 5 Điều 18 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định:
“5. Người nộp thuế có nghĩa vụ
liên quan đến Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia:
a) Trường hợp người nộp thuế là
Công ty mẹ tối cao tại Việt Nam có doanh thu hợp nhất toàn cầu trong kỳ tính
thuế từ mười tám nghìn tỷ đồng trở lên, có trách nhiệm lập Báo cáo lợi nhuận
liên quốc gia tại Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo Phụ lục IV ban
hành kèm theo Nghị định này. Thời hạn nộp Báo cáo cho Cơ quan thuế chậm nhất là
12 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính của Công ty mẹ tối cao.
b) Người nộp thuế tại Việt Nam có
công ty mẹ tối cao tại nước ngoài mà công ty mẹ tối cao có nghĩa vụ lập Báo cáo
lợi nhuận liên quốc gia theo quy định của nước cư trú phải nộp cho Cơ quan thuế
trong các trường hợp sau:
- Quốc gia, vùng lãnh thổ nơi Công
ty mẹ tối cao là đối tượng cư trú có Thỏa thuận quốc tế về thuế với Việt Nam
nhưng không có Thỏa thuận của Nhà chức trách có thẩm quyền tại thời điểm đến hạn
nộp Báo cáo theo quy định tại điểm a khoản này.
- Quốc gia, vùng lãnh thổ nước
ngoài nơi Công ty mẹ tối cao là đối tượng cư trú có Thỏa thuận giữa Nhà chức
trách có thẩm quyền với Việt Nam nhưng đã đình chỉ cơ chế trao đổi thông tin tự
động hoặc không tự động cung cấp được cho Việt Nam Báo cáo lợi nhuận liên quốc
gia của tập đoàn là đối tượng cư trú tại các quốc gia, vùng lãnh thổ nước ngoài
đó.
- Trường hợp tập đoàn đa quốc gia
có nhiều hơn 01 người nộp thuế tại Việt Nam và Công ty mẹ tối cao tại nước
ngoài có văn bản thông báo chỉ định một trong những người nộp thuế tại Việt Nam
nộp Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia thì người nộp thuế được chỉ định có nghĩa vụ
nộp Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia cho Cơ quan thuế. Người nộp thuế có nghĩa vụ
nộp văn bản thông báo chỉ định của Công ty mẹ tối cao cho Cơ quan thuế trước hoặc
vào ngày kết thúc năm tài chính của Công ty mẹ tối cao của người nộp thuế.
c) Quy định tại điểm b khoản này
không áp dụng trong trường hợp Công ty mẹ tối cao của người nộp thuế tại Việt
Nam chỉ định một tổ chức thay mặt nộp Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia cho Cơ
quan thuế nước sở tại trước hoặc vào ngày quy định tại điểm a khoản này và đáp ứng
các điều kiện sau:
- Quốc gia, vùng lãnh thổ nơi tổ chức thay mặt nộp báo cáo là đối tượng cư trú có quy
định yêu cầu nộp Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia.
- Quốc gia, vùng lãnh thổ nơi tổ
chức thay mặt nộp báo cáo là đối tượng cư trú có Thỏa thuận giữa Nhà chức trách
có thẩm quyền với Việt Nam là một bên ký kết tại thời điểm đến hạn nộp Báo cáo
theo quy định tại điểm a khoản này.
- Quốc gia, vùng lãnh thổ nơi tổ
chức thay mặt nộp báo cáo là đối tượng cư trú có Thỏa thuận giữa Nhà chức trách
có thẩm quyền với Việt Nam, không đình chỉ cơ chế trao đổi thông tin tự động và
cung cấp được cho Việt Nam Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của tập đoàn là đối
tượng cư trú tại quốc gia, vùng lãnh thổ nước ngoài đó.
- Tổ chức thay mặt nộp báo cáo có
văn bản thông báo được chỉ định nộp Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia cho Cơ quan
thuế nước cư trú vào trước hoặc vào ngày kết thúc năm tài chính của Công ty mẹ
tối cao của tập đoàn.
- Văn bản thông báo chỉ định tổ chức
thay mặt nộp báo cáo được người nộp thuế tại Việt Nam cung cấp cho Cơ quan thuế
Việt Nam theo quy định tại điểm b khoản này.
- Người nộp thuế tại Việt Nam có
văn bản thông báo cho Cơ quan thuế Việt Nam về tên, mã số thuế và nước cư trú của
Công ty mẹ tối cao hoặc tổ chức thay mặt nộp báo cáo trước hoặc vào ngày cuối
cùng của năm tài chính của tập đoàn.
d) Trường hợp người nộp thuế có
Công ty mẹ tối cao tại nước ngoài phải nộp Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia theo
quy định của nước cư trú, Cơ quan thuế thực hiện trao đổi thông tin tự động
theo cam kết tại các Thỏa thuận quốc tế về thuế của Việt Nam.
đ) Trường hợp người nộp thuế có
Công ty mẹ tối cao không bắt buộc phải nộp Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia theo
quy định của nước cư trú thì thực hiện theo điều ước quốc tế về thuế.”
6. Bổ sung quy định
về trách nhiệm và quyền hạn của Cơ quan thuế trong quản lý giá giao dịch liên kết
Bổ sung quy định về quản lý sử dụng
báo cáo lợi nhuận liên quốc gia.
Cụ thể tại điểm c khoản
1 Điều 20 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định:
“c) Quản lý, sử dụng Báo cáo lợi
nhuận liên quốc gia của người nộp thuế phục vụ công tác quản lý rủi ro, trao đổi
thông tin theo quy định và cam kết của Việt Nam tại Thỏa thuận quốc tế về thuế,
không sử dụng để ấn định thuế.”
7. Quy định về hiệu
lực thi hành:
Tại Điều 22 Nghị định
số 132/2020/NĐ-CP quy định:
“1. Nghị định này có hiệu lực thi
hành từ ngày 20 tháng 12 năm 2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh
nghiệp năm 2020.
2. Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày
24 tháng 02 năm 2017 và Nghị định số 68/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2020 của
Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết hết
hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
3. Kê khai, quyết toán thuế thu nhập
doanh nghiệp năm 2017 và năm 2018:
a) Người nộp thuế thuộc trường hợp
khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2017, năm
2018 theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số
68/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ nhưng chưa thực hiện
kê khai bổ sung hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp được tiếp tục thực
hiện đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2021;
b) Người nộp thuế đã được cơ quan
thuế hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thanh tra, kiểm tra và đã có
kết luận thanh tra, kiểm tra, quyết định xử lý đối với kỳ tính thuế năm 2017,
năm 2018 nhưng thuộc trường hợp được xác định lại số thuế phải nộp theo điểm c khoản 2 Điều 2 Nghị định số 68/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng
6 năm 2020 nhưng đến thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành chưa gửi đề
nghị cho cơ quan thuế thì người nộp thuế có quyền đề nghị cơ quan thuế quản lý
trực tiếp xác định lại số thuế phải nộp;
c) Trường hợp người nộp thuế có số
tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền chậm nộp đã nộp ngân sách nhà nước của
năm 2017, năm 2018 lớn hơn so tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền chậm nộp đã
xác định lại thì phần chênh lệch được bù trừ vào số thuế thu nhập doanh nghiệp
từ năm 2020 đến hết năm 2024. Kết thúc thời hạn trên, không xử lý số thuế còn lại
chưa bù trừ hết.
4. Đối với trường hợp được chuyển
chi phí lãi vay sang kỳ tính thuế tiếp theo khi quyết toán thuế thu nhập doanh
nghiệp năm 2019 theo quy định tại Nghị định số 68/2020/NĐ-CP, thời gian chuyển
chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ kỳ tính thuế thu nhập
doanh nghiệp năm 2020. Trường hợp sau 05 năm không chuyển hết thì phần chi phí
lãi vay còn lại không được chuyển sang các kỳ tính thuế tiếp theo.