Công văn 2561/BNN-TCTL điều tra, đánh giá phân vùng cảnh báo lũ quét phục vụ cho công tác quy hoạch, chỉ đạo điều hành phòng tránh thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 2561/BNN-TCTL
Ngày ban hành 07/09/2011
Ngày có hiệu lực 07/09/2011
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Đào Xuân Học
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2561/BNN-TCTL
V/v điều tra, đánh giá phân vùng cảnh báo lũ quét phục vụ cho công tác quy hoạch, chỉ đạo điều hành phòng tránh thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Hà Nội, ngày 07 tháng 09 năm 2011

 

Kính gửi: Văn phòng Chính phủ

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được Công văn số 5549/VPCP-KTN ngày 12/8/2011 của Văn phòng Chính phủ về việc tham gia ý kiến về Dự án Điều tra, đánh giá phân vùng cảnh báo lũ quét phục vụ cho công tác quy hoạch, chỉ đạo điều hành phòng tránh thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu” kèm theo Tờ trình số 41/TTr-BTNMT ngày 15/7/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sau khi nghiên cứu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến như sau:

Trong mấy thập kỷ qua, biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn, tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới. Biến đổi khí hậu gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của con người trên mọi lĩnh vực. Thiên tai xảy ra với mức độ ngày càng khốc liệt, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, sạt lở đất là một loại hình thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng con người và cơ sở hạ tầng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cơ bản nhất trí với chủ trương xây dựng Dự án. Về nội dung Dự án, Bộ có một số ý kiến như sau:

1. Đây là dự án thực hiện trên khu vực quá rộng lớn, địa hình phức tạp, nên nếu chỉ làm ở mức độ điều tra, đánh giá, phân vùng cảnh báo và phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá ở bản đồ tỷ lệ nhỏ sẽ không có hiệu quả cho công tác quy hoạch dân cư, quy hoạch xây dựng công trình giao thông, kinh tế xã hội…, cũng như chỉ đạo điều hành phòng tránh sạt lở. Đề nghị nên chọn một số tỉnh (2÷3 tỉnh) thường xuyên xảy ra sạt lở đất đá để triển khai cả việc phân vùng và phần nghiên cứu chi tiết thì dự án mới có hiệu quả. Sau khi làm xong các tỉnh thí điểm sẽ rút kinh nghiệm triển khai mở rộng.

2. Trong mục tiêu của dự án đề xuất các biện pháp phòng tránh giảm thiểu hậu quả về thảm họa trượt lở đất mới chỉ nêu ra xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn và triển khai giáo dục cộng đồng, chưa đề cập đến nội dung phục vụ quy hoạch sắp xếp lại dân cư và các biện pháp công trình khác.

3. Cần phải có sự kết nối với các dự án liên quan mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai trước đây, đặc biệt là nội dung lắp đặt các trạm quan trắc, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm.

Trên đây là ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Lưu VT, TCTL.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đào Xuân Học