Công văn 2346/LĐTBXH-VPQGGN năm 2023 về tổ chức đánh giá giữa kỳ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 2346/LĐTBXH-VPQGGN
Ngày ban hành 26/06/2023
Ngày có hiệu lực 26/06/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Người ký Lê Văn Thanh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2346/LĐTBXH-VPQGGN
V/v tổ chức đánh giá giữa kỳ CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025

Hà Nội, ngày 26 tháng 6 năm 2023

 

Kính gửi: …………………………………….

Thực hiện Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (sau đây gọi tắt là Nghị định số 27/2022/NĐ-CP), Thông tư số 10/2022/TT-BLĐTBXH ngày 31/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Thông tư số 10/2022/TT-BLĐTBXH), để đánh giá kết quả đạt được so với tiến độ, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị quý Cơ quan tổ chức đánh giá giữa kỳ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 như sau:

I. MỤC ĐÍCH

1. Đánh giá giữa kỳ những kết quả đạt được so với tiến độ, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình).

2. Phân tích làm rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình.

3. Đề xuất, kiến nghị việc hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo; giải pháp huy động, bố trí và sử dụng nguồn lực; giải pháp chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện Chương trình từ nay đến năm 2025.

II. YÊU CẦU

1. Đánh giá giữa kỳ được thực hiện trong phạm vi cả nước; được tổ chức thực hiện từ cơ sở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã) trở lên, có sự tham gia của người dân.

2. Nội dung đánh giá giữa kỳ đảm bảo theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và Thông tư số 10/2022/TT-BLĐTBXH.

3. Đánh giá hiệu quả, tác động của các cơ chế, chính sách giảm nghèo làm căn cứ đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo.

III. TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ

Đánh giá giữa kỳ Chương trình cần đáp ứng được các tiêu chí sau:

1. Tính kịp thời trong việc xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách giảm nghèo; các văn bản hướng dẫn và bố trí vốn để thực hiện Chương trình.

2. Tính phù hợp của cơ chế, chính sách để thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung hoạt động thuộc Chương trình nhằm đạt được mục tiêu giảm nghèo. Sự phù hợp cần được xem xét trên các phương diện phù hợp về đối tượng thụ hưởng, đặc điểm vùng miền (dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, bãi ngang, ven biên, thôn nghèo, xã nghèo, huyện nghèo, vùng kinh tế - sinh thái ...), phù hợp với nguồn lực và năng lực thực thi Chương trình của địa phương.

3. Tính đồng bộ và hệ thống của cơ chế, chính sách và giải pháp giảm nghèo hiện hành. Tiêu chí này thể hiện ở hệ thống cơ chế, chính sách của các bộ, ngành tham mưu và sự triển khai của các cấp có xuất phát từ đặc điểm của đối tượng thụ hưởng, có thống nhất, không mâu thuẫn, tạo điều kiện để thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo đa chiều ở các địa phương hiện nay.

4. Tính đầy đủ thể hiện ở mức độ bố trí nguồn lực đảm bảo tính đầy đủ và kịp thời cho thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung hoạt động thuộc Chương trình.

5. Tính hiệu lực và hiệu quả thực thi chính sách và giải pháp giảm nghèo thể hiện ở các lĩnh vực sau: (i) Cụ thể hóa của địa phương trong việc đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện Chương trình tới đối tượng thụ hưởng, ban hành các chính sách đặc thù trên địa bàn; (ii) sự phối kết hợp các ngành, các cấp liên quan ở Trung ương và địa phương để thực hiện chính sách và giải pháp thực hiện Chương trình đã ban hành; (iii) bố trí và sử dụng nguồn lực; (iv) tác động của việc thực hiện chính sách và giải pháp giảm nghèo đến đối tượng thụ hưởng.

IV. NỘI DUNG ĐÁNH GIÁ

Để đạt được mục tiêu trên, đánh giá giữa kỳ thực hiện Chương trình cần tập trung vào những nội dung cơ bản sau:

1. Công tác quản lý Chương trình

a) Công tác chỉ đạo, điều hành Chương trình

- Đánh giá công tác kiện toàn Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia ở các cấp.

- Đánh giá tình hình chỉ đạo, điều hành, phối hợp của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia ở các cấp.

- Đánh giá mức độ đầy đủ, kịp thời của các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình.

b) Công tác điều hành, phối hợp, thực hiện Chương trình: Đánh giá công tác phối hợp giữa các bộ ngành, sở ngành, các cấp trong tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án, hoạt động của Chương trình.

c) Kết quả xây dựng chính sách quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình.

d) Kết quả hoạt động truyền thông, thông tin và theo dõi, giám sát, đánh giá Chương trình.

đ) Công tác chấp hành chế độ giám sát của cơ quan dân cử.

[...]