BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ
HỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2277/LĐTBXH-KHTC
V/v: Xây dựng dự
toán Ngân sách nhà nước năm 2015 (Vốn sự nghiệp)
|
Hà Nội, ngày 30 tháng 06 năm 2014
|
Kính gửi: Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực
thuộc Bộ
Thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 14/6/2014 của Thủ tướng
Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân
sách nhà nước năm 2015; Thông tư số 84/2014/TT-BTC ngày 27/6/2014 của Bộ Tài
chính hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách năm 2015 và Thông tư số
59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 hướng dẫn Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày
06/6/2003 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật NSNN,
Bộ hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 như sau:
1. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước
năm 2014:
1.1. Đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách 6 tháng
đầu năm 2014:
Trên cơ sở dự toán thu, chi các nguồn kinh phí được giao,
đơn vị đánh giá tình hình thực hiện 6 tháng đầu năm 2014 theo từng nhiệm vụ
được giao: Chi thường xuyên, chi cho đối tượng, chi nghiên cứu khoa học, chi
mua sắm, sửa chữa tài sản, chi Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình
quốc gia, Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ... (Đơn vị đánh giá đầy
đủ, toàn diện các nguồn kinh phí: nêu rõ
những kết quả, tồn tại, hạn chế; nguyên nhân và kiến nghị, đề xuất các giải
pháp khắc phục).
1.2. Biện pháp cụ thể để thực hiện dự toán ngân sách trong
những tháng còn lại của năm 2014, tập trung vào các nhiệm vụ sau:
- Đối với các đơn vị được giao dự toán thu cần có biện pháp
cụ thể để phấn đấu thu đạt và vượt chỉ tiêu được giao; trong trường hợp khó
khăn, không thực hiện được phải báo cáo phân tích rõ nguyên nhân để tổng hợp đề
nghị điều chỉnh dự toán giao thu ngân sách.
- Các chỉ tiêu, nhiệm vụ chi các chương trình, dự án trong
nước và quốc tế, chi cho công việc sửa chữa, mua sắm tài sản, nghiên cứu khoa
học... cần sớm hoàn tất thủ tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
- Các nhiệm vụ chi xét thấy không thể hoàn thành kiên quyết
điều chỉnh để tăng cường cho các nhiệm vụ khác của đơn vị không để kinh phí tồn
đọng chuyển năm sau.
- Đánh giá kết quả thực hiện và những khó khăn, vướng mắc
phát sinh trong việc thực hiện các nhiệm vụ, cơ chế, chính sách và chế độ chi
tiêu đồng thời kiến nghị các giải pháp khắc phục ngay trong năm 2014:
+ Tình hình, kết quả triển khai thực hiện cơ chế tự chủ
theo: Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 đối với các đơn vị quản lý
nhà nước và sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07/10/2013;
Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 đối với các đơn vị sự nghiệp công lập;
Nghị định số 115/2005/NĐ-CP và số 96/2010/NĐ-CP và thông báo số 59/TB-VPCP ngày
06/02/2014 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại cuộc họp Ban
chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập ngày
31/12/2013; Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg ngày 14/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao
nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN; đánh giá tình hình triển
khai Chương trình hành động của Chính phủ theo Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày
09/8/2012.
+ Đánh giá tình hình thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành
chính.
+ Lĩnh vực đào tạo và dạy nghề: Rà soát, xác định cụ thể mức
kinh phí miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập do sửa đổi, bổ sung đối
tượng và thay đổi phương thức cấp bù tiền miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí
học tập quy định tại Nghị định số 74/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ
với quy định tương ứng tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP để đề nghị cấp bù học phí
trên cơ sở danh sách đối tượng được miễn học phí, giảm học phí và mức thu học
phí của từng ngành, nghề đào tạo được cấp có thẩm quyền quyết định.
+ Lĩnh vực y tế: Rà soát việc triển khai thực hiện Quyết
định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 về chế độ phụ cấp đặc thù.
- Đánh giá tình hình thực hiện các cơ chế, chính sách xã hội
hóa, tập trung phân tích xu hướng và tính bền vững các tiêu chí tổng quát: tổng
nguồn lực và cơ cấu nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển ngành, lĩnh vực;
số lượng các cơ sở được đầu tư từ nguồn lực xã hội hóa; hiệu quả kinh tế - xã
hội đã đạt được từ những cơ sở xã hội hóa này; tồn tại, nguyên nhân và giải
pháp cần thực hiện để điều chỉnh. Với một số lĩnh vực có điều kiện xã hội hóa
nhanh cần tập trung phân tích kỹ nguyên nhân, đề xuất những giải pháp khả thi
ngay trong năm 2014.
- Tiếp tục tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát
chi tiêu các nguồn kinh phí trong những tháng còn lại đảm bảo tiết kiệm, hiệu
quả. Đồng thời triển khai thực hiện đầy đủ các quy định của Luật thực hành tiết
kiệm, chống lãng phí, Luật phòng chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi
hành.
1.3. Đánh giá tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu
quốc gia, Chương trình quốc gia, Đề án
được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt:
- Các đơn vị chủ trì các Chương trình mục tiêu quốc gia, dự
án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình quốc gia, Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (sau
đây gọi chung là Chương trình, đề án) chủ trì phối hợp với các cơ quan và
địa phương chú ý đánh giá, phân tích kỹ: (i) Đánh giá tình hình phân bổ, giao
và thực hiện dự toán chi các Chương trình, đề án năm 2014. Trên cơ sở dự toán
kinh phí đã được phân bổ và dự kiến tiến độ thực hiện để đề xuất nhiệm vụ, mục
tiêu, nội dung các chương trình, đề án năm 2015; (ii) Xây dựng phạm vi, nội
dung, nguyên tắc, tiêu chí phân bổ kinh phí, quy trình thẩm định, cơ chế quản
lý, theo dõi, đánh giá các Chương trình, đề án để trình cấp có thẩm quyền xem
xét, quyết định làm cơ sở triển khai thực hiện năm 2015.
- Đối với các Chương trình, đề án thực hiện bằng cả nguồn
vốn ngoài nước, đánh giá kỹ về tình hình giải ngân nguồn vốn ngoài nước.
- Các đơn vị chủ trì quản lý các Chương trình mục tiêu quốc
gia, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình quốc gia, Đề án
được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đánh giá cả khả năng cân đối của ngân sách
địa phương và các nguồn huy động khác.
1.4. Đối với các nhiệm vụ chi lớn của ngành:
- Đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số
01/NQ-CP ngày 02/01/2014 về những nhiệm
vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế
hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2014; Nghị định số
204/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi
tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Quốc hội về một số giải pháp thực
hiện NSNN 2013-2014; Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ hàng tháng.
- Đánh giá kết quả thực hiện và những khó khăn, vướng mắc
phát sinh trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách và chế độ chi tiêu trong
năm 2014 thực hiện các nhiệm vụ của Bộ; trong đó, chú ý đánh giá kỹ kết quả
thực hiện các cơ chế, chính sách sau: Việc thực hiện các chính sách an sinh xã
hội, trong đó tập trung đánh giá việc thực hiện chính sách bảo trợ xã hội theo Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ về trợ giúp các
đối tượng bảo trợ xã hội và Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27/02/2010 của
Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP; Nghị
định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi; chính sách hỗ trợ người
nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế theo lộ trình
của Luật Bảo hiểm y tế; tình hình triển khai Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày
10/4/2012 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật; tình hình
triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ người có công với cách
mạng đang ở nhà tạm hoặc nhà bị hư hỏng nặng; chính sách đối với các hộ nghèo
và hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tại các vùng đặc biệt khó
khăn như: chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện
nghèo, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước
sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; chính sách
bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ phòng chống, khắc phục thiên tai, bão lũ, cứu đói
cho người dân,...
1.5. Đánh giá kết quả thực hiện chế độ cải cách tiền lương:
Báo cáo về biên chế, quỹ lương, nguồn đảm bảo mức tiền lương
cơ sở 1.150.000 đồng/tháng và xác định nguồn cải cách tiền lương còn dư chuyển
sang năm 2015 (nếu có).
2. Xây dựng dự toán ngân sách năm 2015:
2.1. Yêu cầu, nhiệm vụ dự toán năm 2015:
- Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm
2015 và các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển giai đoạn 2011-2015 của ngành, lĩnh
vực để xây dựng dự toán NSNN năm 2015 sát với nhiệm vụ, hoạt động trọng tâm của
đơn vị; đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách hiện hành, trong đó chủ
động sắp xếp thứ tự các nhiệm vụ chi ưu tiên theo mức độ cấp thiết để chủ động
điều hành, cắt giảm trong trường hợp cần thiết.
- Rà soát, lồng ghép các chế độ, chính sách, đặc biệt là các
chính sách an sinh xã hội và các nhiệm vụ chi thường xuyên để tránh chồng chéo,
lãng phí.
- Lập dự toán NSNN đảm bảo thời gian quy định của Luật NSNN;
thuyết minh về cơ sở pháp lý, chi tiết tính toán và giải trình cụ thể.
2.2. Xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước và chi từ nguồn
thu được để lại:
- Dự toán thu NSNN năm 2015 phải được xây dựng trên cơ sở
đánh giá khả năng thực hiện cụ thể thu ngân sách năm 2014.
- Các khoản thu được để lại chi theo chế độ (học phí, phí,
lệ phí khác và các khoản huy động đóng góp khác, riêng lĩnh vực y tế là giá
dịch vụ khám, chữa bệnh): Các đơn vị căn cứ số thu thực hiện năm 2013, ước thực
hiện thu năm 2014, dự kiến điều chỉnh các mức thu trong năm 2015, khả năng đóng
góp của người sử dụng dịch vụ và những yếu tố dự kiến tác động đến thu năm 2015
để xây dựng dự toán thu phù hợp, tích cực. Dự toán chi từ nguồn thu được để lại
theo chế độ quy định và tổng hợp chung
trong dự toán thu, chi ngân sách của đơn vị.
- Các khoản thu sự nghiệp mang tính chất giá dịch vụ kinh
doanh của cơ quan, đơn vị, không thuộc nguồn thu NSNN, không đưa chung vào dự
toán thu phí, lệ phí thuộc NSNN nhưng phải lập dự toán riêng để theo dõi, quản
lý.
2.3. Xây dựng dự toán chi vốn sự nghiệp:
Trong bối cảnh ngân sách nhà nước năm 2015 tiếp tục khó
khăn, các đơn vị chủ động xác định nhiệm
vụ trọng tâm cần thực hiện năm 2015, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể và lập
dự toán chi ngân sách nhà nước đảm bảo triệt để tiết kiệm, chống lãng phí ngay
từ khâu dự toán, trong đó cần chủ động sắp xếp thứ tự theo mức độ cấp thiết,
khả năng triển khai trong năm 2015, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chính trị, các
chương trình, dự án, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở nguồn
lực ngân sách nhà nước được phân bổ. Trong đó:
(i) Dự toán năm 2015 được xây dựng trên cơ sở đánh giá tình
hình thực hiện ngân sách năm 2014, dự kiến nhiệm vụ năm 2015 (làm rõ các
khoản chi chỉ phát sinh năm 2014, không phát sinh năm 2015, các khoản phát sinh
tăng chi năm 2015 theo chế độ, lĩnh vực đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt) và chế độ tiêu chuẩn định mức chi tiêu
theo quy định hiện hành. Dự toán cần sắp xếp thứ tự ưu tiên bố trí kinh phí cho
các nhiệm vụ trong từng lĩnh vực.
(ii) Xây dựng dự toán theo hướng tiếp tục thực hiện có hiệu
quả các giải pháp đã đề ra năm 2014; rà soát, sắp xếp lại các khoản chi ngân
sách (chi thường xuyên bằng nguồn vốn trong nước và nguồn vốn ngoài nước) để triệt để tiết kiệm và nâng cao hiệu
quả chi ngân sách, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
(iii) Phải thể hiện đầy đủ dự toán thu, chi tất cả các nguồn
kinh phí: Ngân sách cấp; khoản thu từ hoạt động sự nghiệp, các khoản thu viện
trợ nước ngoài và các khoản thu khác đảm bảo đúng quy định của pháp luật hiện
hành và thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khi xây dựng dự toán.
(iv) Dự toán chi ngân sách phải tính toán đầy đủ nhu cầu
kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách đã ban hành và các nhiệm vụ thường
xuyên đã được giao, đồng thời tính toán, dự trù đầy đủ kinh phí thực hiện các
nhiệm vụ phát sinh. Đối với các chế độ, chính sách, nhiệm vụ được cấp có thẩm
quyền ban hành trong quá trình lập dự toán, thực hiện lập dự toán theo hướng dẫn
của cơ quan có thẩm quyền. Các đơn vị
chịu trách nhiệm tự đảm bảo kinh phí thực hiện đối với các chính sách, chế độ,
nhiệm vụ bị bỏ sót trong khi xây dựng dự toán.
(v) Đảm bảo nhiệm vụ chi cho các hoạt động của đơn vị trên
tinh thần tính đúng, đủ, tiết kiệm, hiệu quả, công khai trong quản lý thu, chi
các nguồn kinh phí. Trong điều kiện cân đối ngân sách còn khó khăn, yêu cầu các
đơn vị có sử dụng ngân sách lập dự toán chi thường xuyên đúng tính chất nguồn
kinh phí, triệt để tiết kiệm, cắt giảm các khoản chi mua sắm phương tiện, trang
thiết bị; hạn chế tối đa về số lượng và quy mô tổ chức lễ hội, hội nghị, hội
thảo, tổng kết, lễ ký kết, khởi công, phong tặng danh hiệu, tiếp khách, đi công
tác trong và ngoài nước và các nhiệm vụ không cần thiết, cấp bách khác; dự toán
chi cho các nhiệm vụ này không tăng so với số thực hiện năm 2014.
(vi) Đối với một số nhiệm vụ chi đặc thù: Dự toán kinh phí
thực hiện các cam kết quốc tế và hợp tác
ASEAN; chi tổ chức kỷ niệm các lễ kỷ niệm năm chẵn 2015, ứng dụng CNTT trong
hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn giản hóa thủ tục hành chính... và các nhiệm
vụ chi đặc thù khác (nếu có) - Đơn vị thuyết minh chi tiết cơ sở, căn cứ
lập dự toán theo từng nhiệm vụ chi trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện năm
2014 và các nội dung phát sinh mới năm 2015 hoặc năm 2014 có mà năm 2015 không
còn thực hiện.
(vii) Xây dựng và tổng hợp dự toán chi đảm bảo hoạt động của
các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ xử phạt vi phạm hành chính theo quy
định của pháp luật trong dự toán chi thường xuyên lĩnh vực tương ứng của đơn
vị.
(viii) Đối với các đơn vị quản lý hành chính: Tiếp tục thực
hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý
hành chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 và sửa đổi bổ sung
tại Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07/10/2013 của Chính phủ và các Thông tư
hướng dẫn thực hiện; định mức phân bổ ngân sách nhà nước năm 2011 đã được Thủ
tướng Chính phủ quyết định tại Quyết định số 59/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010; dự
toán đầy đủ những nội dung chi đặc thù; các nhiệm vụ chi không thường xuyên; dự
toán quản lý các chương trình, dự án, đề án do đơn
vị chủ trì; các hoạt động của cơ quan Đảng, công đoàn, tự vệ, an ninh,
quốc phòng... Trong đó thuyết minh cụ thể cho các nội dung sau:
- Số biên chế được duyệt đến thời điểm lập dự toán, trong đó
số biên chế thực có mặt đến thời điểm lập dự toán, số biên chế chưa tuyển theo
chỉ tiêu được duyệt, (nếu có); số người làm việc theo chế độ hợp đồng không thời hạn tại các cơ quan hành
chính nhà nước theo quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của
Chính phủ.
- Xác định Quỹ tiền lương, phụ cấp theo lương cơ sở
1.150.000 đồng/tháng (tính đủ 12 tháng) do NSNN đảm bảo, bao gồm:
+ Quỹ tiền lương, phụ cấp của số biên chế được duyệt, thực có
mặt tính đến thời điểm lập dự toán, được xác định trên cơ sở mức lương theo
ngạch, bậc, chức vụ; phụ cấp lương theo chế độ; các khoản đóng góp theo chế độ
(bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn).
+ Quỹ tiền lương, phụ cấp của số biên chế được duyệt nhưng
chưa tuyển, được dự kiến trên cơ sở mức lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng, hệ số
lương 2,34/biên chế, các khoản đóng góp theo chế độ (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm
thất nghiệp, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn).
+ Quỹ tiền lương, phụ cấp của số đối tượng làm việc theo chế
độ hợp đồng không thời hạn theo quy định
tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, được xác định tương tự như đối với số biên chế
được duyệt, thực có mặt tại thời điểm lập dự toán.
(ix) Đối với các đơn vị sự nghiệp:
- Các đơn vị sự nghiệp khoa học thực hiện theo Nghị định số
115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu
trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập; Nghị định số
96/2010/NĐ-CP ngày 20/9/2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của
Nghị định số 115/2005/NĐ-CP và Quyết định số 1926/QĐ-TTg ngày 20/11/2009 của
Thủ tướng Chính phủ đối với các tổ chức khoa học và công nghệ công lập; Thông
tư số 12/2006/TTLT-BKHCN-BTC-BNV ngày 05/6/2006 của liên Bộ Khoa học và Công
nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 115/2005/NĐ-CP
và các văn bản hướng dẫn khác. Kinh phí thực hiện các đề tài, dự án, nhiệm vụ
khoa học và công nghệ phải trên cơ sở quyết định phê duyệt của cấp có thẩm
quyền về danh mục, dự toán kinh phí, thuyết minh nội dung. Kinh phí hoạt động
thường xuyên phải nêu rõ các nội dung có sự tăng, giảm so với dự toán 2014 cùng
nguyên nhân và cơ sở tính toán kèm theo.
- Các đơn vị sự nghiệp thực hiện theo Nghị định số
43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách
nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn
vị sự nghiệp công lập, Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 9/8/2006, số
113/2007/TT-BTC ngày 24/9/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định
số 43/2006/NĐ-CP. Riêng các đơn vị sự nghiệp giáo dục đào tạo: Thuyết minh rõ
cơ sở xây dựng dự toán chi thực hiện chính sách phụ cấp thâm niên ngành giáo
dục, chi thực hiện cơ chế miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho các đối
tượng quy định tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP.
2.4. Cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm
2015:
Năm 2015 tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền
lương từ nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể tiền lương và các khoản
có tính chất lương); một phần nguồn thu được để lại theo chế độ của các cơ quan
hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.
2.5. Dự toán chi thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc
gia, chương trình quốc gia, dự án, đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt:
- Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương
trình mục tiêu quốc gia, các chương trình quốc gia, đề án; số kinh phí đã bố
trí từ thời điểm bắt đầu thực hiện đến năm 2014. Các đơn vị chủ trì các chương
trình, đề án lập dự toán chi ngân sách thực hiện chương trình, dự án năm 2015
phù hợp với khả năng triển khai và tổng hợp trong dự toán chi NSNN năm 2015 của
đơn vị (chi tiết theo tính chất nguồn vốn).
- Đối với các đơn vị chủ trì CTMTQG và Dự án thuộc CTMTQG:
Khẩn trương đánh giá tình hình thực hiện năm 2014 và giai đoạn 2011 - 2014; cơ
chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
- Các đơn vị chủ trì Chương trình, đề án xây dựng phương án
phân bổ dự toán năm 2015 phải trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ
của từng chương trình, đề án trong đó việc phân bổ kinh phí truyền thông cho
các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương phải tạo
sự chuyển biến rõ nét, có trọng tâm, trọng điểm theo mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể
gắn với thế mạnh và đặc điểm của cơ quan, đơn vị và địa phương, không phân bổ
đồng đều.
Nguồn vốn NSNN được tập trung phân bổ thực hiện tại các địa
phương, ưu tiên các địa phương ngân sách khó khăn, trọng điểm phải giải quyết
các vấn đề cấp bách, bức xúc; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án, công trình hoàn
thành năm 2014 và các năm trước chưa bố trí đủ vốn, các dự án chuyển tiếp cần đẩy
nhanh tiến độ hoàn thành trong năm 2015; hạn chế tối đa bố trí kinh phí cho các
nhiệm vụ chi hội nghị, hội thảo, sơ kết, tổng kết, chi tham quan, học tập;
không bố trí kinh phí đoàn ra trong chi thường xuyên của các chương trình mục
tiêu quốc gia; đối với các Chương trình quốc gia, đề án trường hợp lập dự toán có kinh phí đoàn ra cần phải thuyết minh
rõ.
Các đơn vị quản lý
chương trình mục tiêu quốc gia chủ trì, phối hợp
với các đơn vị liên quan kiến nghị danh mục các chương trình, dự án thực hiện
giai đoạn 2016 - 2020 theo hướng tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, lồng ghép
và thu gọn các chương trình, mục tiêu, dự án.
2.6. Dự toán chi các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn
ODA và nguồn vốn vay ưu đãi:
- Thực hiện lập dự toán ngân sách năm 2015 đầy đủ, theo
đúng trình tự, quy định của Luật NSNN, Luật Quản lý nợ công và các văn bản
hướng dẫn, các Nghị định của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi,
tiến độ giải ngân trong các văn kiện chương trình/dự án, hiệp định tài trợ đã
ký kết và khả năng thực hiện trong năm 2015, trong đó chi tiết nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn đối ứng theo
các chương trình, dự án và theo tính chất nguồn vốn; đồng thời chi tiết số kinh
phí theo các phương thức thực hiện khác nhau như: ghi thu - ghi chi NSNN, hỗ
trợ trực tiếp NSNN nhằm hỗ trợ cân đối chung, hỗ trợ ngân sách ngành, lĩnh vực
để thực hiện chương trình phát triển cụ thể.
- Đối với các chương trình, dự án với sự tham gia thực hiện
trực tiếp của các đơn vị trực thuộc Bộ và các địa phương, đơn vị chủ quản
chương trình, dự án làm rõ căn cứ phân bổ kinh phí cụ thể để có cơ sở tổng hợp
vào dự toán chi NSNN năm 2015 cho từng đơn vị, địa phương tương ứng.
- Lập dự toán vốn đối ứng các Chương trình, dự án tương ứng
theo tính chất nguồn vốn (kinh phí thường xuyên; vốn đối ứng bằng hiện vật,
vốn đối ứng bằng tiền) theo từng hạng mục, nội dung chi; trong đó căn cứ
vào tiến độ triển khai phân định cụ thể phần vốn để chuẩn bị chương trình, dự
án, phần vốn thực hiện chương trình, dự án. Các đơn vị thực hiện Dự án cụ thể
hóa các nguồn bố trí vốn đối ứng từ NSTW, NSĐP (nếu có), vốn do chủ dự án tự bố
trí, vốn đóng góp của đối tượng thụ hưởng hoặc các nguồn vốn đối ứng khác. Phần
vốn đối ứng để thực hiện các hoạt động của Ban quản lý chương trình, dự án (lương,
thưởng, phụ cấp, văn phòng phẩm, phương
tiện làm việc, chi phí hành chính) phải thuyết minh cụ thể cơ sở tính toán theo các chế độ chi tiêu tài chính hiện
hành.
3. Thuyết minh, mẫu biểu lập dự
toán:
3.1. Thuyết minh lập dự toán:
- Đối với các khoản chi thường xuyên:
+ Các khoản chi cho hoạt động hành chính, sự nghiệp của các
đơn vị được dự toán trên cơ sở chế độ, chính sách và định mức chi quản lý nhà
nước, sự nghiệp hiện hành (theo mức được giao năm 2014). Đối với các nhiệm vụ
tăng hoặc giảm so với năm 2014 lập dự toán tăng hoặc giảm tương ứng, những
nhiệm vụ đặc thù của từng đơn vị cần có thuyết minh cụ thể.
+ Các nhiệm vụ chi thường xuyên khác (sự nghiệp nuôi dưỡng
người có công; bảo trợ xã hội; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã
hội,...) căn cứ vào kế hoạch và nhiệm vụ được giao, kết quả thực hiện năm 2014
để lập dự toán chi tiết triển khai thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị.
- Đối với các khoản chi không thường xuyên:
+ Các khoản chi chương trình, đề tài cấp Bộ... ngoài việc
lập dự toán theo yêu cầu cần khẩn trương hoàn tất các thủ tục theo quy định để
đảm bảo điều kiện bố trí dự toán kinh phí.
+ Các khoản chi cho mua sắm, sửa chữa tài sản, chi cho công
việc (Hội nghị, điều tra, nghiên cứu...) bằng nguồn kinh phí sự nghiệp cần có
thuyết minh, tính toán chi tiết kèm theo.
3.2. Báo biểu lập dự toán
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và nội dung hoạt động của đơn
vị, dự toán thu chi NSNN của đơn vị lập theo hệ thống biểu mẫu kèm theo công
văn này.
4. Những đề xuất, kiến nghị của đơn
vị.
- Trên cơ sở kết quả đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ
NSNN năm 2014, tình hình thực hiện chính sách, chế độ khác có liên quan trong giai
đoạn 2011-2014; kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh
tra, kiểm toán,... các đơn vị nghiên cứu đề xuất cụ
thể việc sửa đổi, bổ sung chính
sách, chế độ thu, chi NSNN và các chính sách, chế độ khác; kiến nghị công tác
hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ NSNN để tổng hợp đề nghị Bộ Tài
chính và các cấp có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.
- Đề xuất bổ sung, sửa đổi chính sách chế độ, định mức không
còn phù hợp:
+ Chế độ, chính sách cho đối tượng, cho cán bộ, công chức,
viên chức;
+ Định mức dự toán, định mức chi tiêu;
+ Quy trình, phân cấp xét duyệt các khâu: dự toán, quyết
toán, mua sắm tài sản.
- Đề xuất, kiến nghị khác.
5. Tiến độ lập dự toán:
- Các đơn vị dự toán cấp II và cấp III trực thuộc Bộ gửi Dự
toán ngân sách nhà nước năm 2015 về Bộ (Vụ Kế hoạch - Tài chính) trước ngày
12/7/2014 đồng thời gửi thư theo địa chỉ mail: phongkh@molisa.gov.vn.
- Các đơn vị dự toán cấp II chủ động triển khai lập dự toán
đối với các đơn vị cấp III trực thuộc để đảm bảo yêu cầu và thời gian nêu trên.
Do khối lượng công việc lớn, thời gian gấp, vì vậy đề nghị
Thủ trưởng đơn vị tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện xây dựng kế hoạch và
dự toán NSNN năm 2015 đảm bảo yêu cầu, nội dung và tiến độ quy định.
Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, đơn vị
phản ảnh về Bộ (Vụ Kế hoạch - Tài chính, điện thoại 04.38.269.544) để
được hướng dẫn thêm.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để báo cáo);
- Lưu VT, Vụ KHTC.
|
TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ KẾ HOẠCH - TÀI CHÍNH
Phạm Quang Phụng
|
FILE ĐƯỢC
ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|