Công văn số 2092/BGDĐT-VP về việc phối hợp chỉ đạo nhằm khắc phục tình trạng học sinh bỏ học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 2092/BGDĐT-VP
Ngày ban hành 14/03/2008
Ngày có hiệu lực 14/03/2008
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Vinh Hiển
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------

Số: 2092/BGDĐT-VP
V/v: phối hợp chỉ đạo nhằm khắc phục tình trạng học sinh bỏ học

Hà Nội, ngày 14 tháng 03 năm 2008

 

Kính gửi:

Các đồng chí Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

 

Trong thời gian gần đây, một số tờ báo đã đăng tin, bài và bình luận về việc học sinh bỏ học trong học kỳ I năm học 2007-2008. Việc quan tâm đến chất lượng và phát triển quy mô giáo dục, chỉ ra những mặt tốt và yếu kém của ngành, của các cơ quan Đảng, chính quyền và đoàn thể trong việc chăm lo cho sự nghiệp giáo dục theo tinh thần các nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ là hết sức cần thiết và đáng hoan nghênh. Nhưng cách đưa tin của một số báo về việc học sinh bỏ học đã không phản ánh đúng thực tế việc dạy và học ở 64 tỉnh, thành phố trong cả nước, không đúng với thực tế của hơn một triệu thầy cô giáo đang vượt qua khó khăn trong công việc và đời sống để cố gắng thực hiện ngày một tốt hơn sứ mạng rất vẻ vang của mình. Cách đưa tin của một số báo theo hướng: Học kỳ I năm học 2007-2008 học sinh bỏ học tràn lan, ngành giáo dục bất lực, báo động đỏ, … đã gây bức xúc không đáng có trong xã hội, tổn thương đến ngành giáo dục và các thầy cô giáo.

Trước khi đăng bài về việc học sinh bỏ học, hầu hết các báo không yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cho ý kiến về việc này, trong khi các thống kê về học sinh bỏ học trong cả nước và mỗi vùng đều được Bộ công bố trong tài liệu thống kê giáo dục và đào tạo hàng năm. Tại cuộc họp giao ban tháng 01/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo với các Giám đốc Sở GD&ĐT và Chủ tịch Công đoàn giáo dục 64 tỉnh, thành phố, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Hai không”, trong đó tập trung bồi dưỡng học sinh yếu kém và khắc phục việc học sinh bỏ học. Để đánh giá đúng mức, khách quan tình hình học sinh bỏ học và nỗ lực của ngành trong việc nâng cao chất lượng và quy mô giáo dục, chúng tôi xin nêu một số số liệu về học sinh bỏ học trong 5 năm gần đây:

Cấp Tiểu học:

 

Số học sinh cả nước

Số học sinh bỏ học

Tỉ lệ học sinh bỏ học (%)

Năm học 2003-2004

8.350.191

261.405

3,13

Năm học 2004-2005

7.773.484

174.700

2,25

Năm học 2005-2006

7.318.313

244.065

3,33

Năm học 2006-2007

7.041.312

214.171

3,04

Học kỳ I năm học 2007-2008

6.989.383

12.966

0,19

 

Cấp Trung học cơ sở (THCS) và cấp Trung học phổ thông (THPT):

 

Số học sinh cả nước

Số học sinh bỏ học

Tỉ lệ học sinh bỏ học (%)

Năm học 2003-2004

9.228.306

580.511

6,29

Năm học 2004-2005

9.472.815

679.485

7,59

Năm học 2005-2006

9.474.861

625.157

6,59

Năm học 2006-2007

9.010.751

186.600

2,07

Học kỳ I năm học 2007-2008

8.854.214

106.228

1,2

Qua bảng thống kê trên cho thấy:

Ở cấp Tiểu học: từ năm học 2003-2004 đến năm học 2006-2007, học sinh bỏ học dao động từ 2,25% đến 3,33%; Học kỳ I năm học 2007-2008 tỷ lệ học sinh bỏ học đã giảm đáng kể, chỉ còn 0,19% (giảm 16 lần so với năm học 2006-2007).

Ở cấp THCS và THPT: từ năm học 2003-2004 đến năm học 2005-2006, tỷ lệ học sinh bỏ học dao động từ 6,29% đến 7,59%; Năm học 2006-2007 tỷ lệ này giảm chỉ còn 2,07%; Học kỳ I năm học 2007- 2008, tỷ lệ học sinh bỏ học tiếp tục giảm xuống, chỉ còn 1,2% (giảm hơn 5 lần so với năm học 2005-2006).

Như vậy, tỷ lệ học sinh bỏ học trong 2 năm gần đây đã giảm đáng kể và đặc biệt giảm mạnh ở học kỳ I năm học 2007-2008.

Đối với ngành giáo dục và đào tạo, bắt đầu từ năm học 2006-2007, theo chỉ đạo của Chính phủ, ngành triển khai cuộc vận động “Hai không”. Thực chất của cuộc vận động là tái khẳng định trách nhiệm của Đảng, Chính quyền, các tổ chức xã hội cùng với ngành giáo dục, các gia đình và mỗi người dân phải chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, vì tương lai của đất nước, hạnh phúc của mỗi gia đình và của các em học sinh. Cuộc vận động cũng chỉ rõ ngành giáo dục phải đột phá vào hai khâu: khắc phục tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong ngành.

Với sự quan tâm thực sự của các cấp ủy Đảng và các cấp Chính quyền các tỉnh, thành phố, các quận huyện và phường xã, sự hỗ trợ hiệu quả của các đoàn thể như: Đoàn TNCS HCM, Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Cựu giáo chức Việt Nam, các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam, với sự chỉ đạo kiên quyết của ngành và sự lao động sáng tạo, vượt mọi khó khăn của hơn một triệu thầy, cô giáo trong cả nước, cuộc vận động “Hai không” đã đem lại những đổi mới và chuyển biến bước đầu quan trọng trong toàn ngành cũng như ở mỗi địa phương và trong các nhà trường. Chỉ riêng trong việc khắc phục học sinh bỏ học, các kết quả ban đầu cũng rất đáng khích lệ.

Ở cấp THCS và THPT trong 3 năm từ năm học 2003-2004 đến năm học 2005-2006, số học sinh bỏ học hàng năm là hơn nửa triệu, thì đến năm học 2006-2007 đã giảm rất mạnh, chỉ còn 186.600, và học kỳ I năm 2007-2008 số học sinh bỏ học là 106.228. Tức là trước khi triển khai cuộc vận động “Hai không”, bình quân 1.000 em đi học thì có khoảng 60-70 em bỏ học, nhưng sau 1 năm thực hiện cuộc vận động chỉ còn 20 em bỏ học, và học kỳ I năm học 2007-2008 bình quân 1.000 em đi học chỉ có 12 em bỏ học. Ở cấp Tiểu học, trong 4 năm từ năm học 2003-2004 đến năm học 2006-2007 số học sinh bỏ học chưa có thay đổi đáng kể, nhưng bước vào học kỳ I năm học 2007-2008 số học sinh bỏ học đã giảm rất mạnh, trong khi các năm trước, bình quân 1.000 em đi học thì có khoảng 20-30 em bỏ học, thì học kỳ I năm học 2007-2008 bình quân 1.000 em đi học chỉ còn 2 em bỏ học.

Việc nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô giáo dục của ngành là một quá trình lâu dài, cuộc vận động “Hai không” mới thực hiện được 1 năm rưỡi và còn phải tiếp tục tới năm 2010 theo tinh thần Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Những kết quả bước đầu trong việc khắc phục học sinh bỏ học là tích cực, dần tạo được niềm tin của xã hội, không phải như một số báo chí đã nêu.

Thực tế cho thấy, tình trạng học sinh bỏ học ở các vùng và các tỉnh là khác nhau, đa số các tỉnh đã đạt kết quả khá tốt trong việc khắc tình trạng học sinh bỏ học (xem Bảng thống kê số liệu học sinh bỏ học học kỳ I năm học 2007-2008 của các tỉnh, thành phố gửi kèm):

Ở cấp Tiểu học, học kỳ I năm học 2007-2008, 58/64 tỉnh, thành phố có tỉ lệ học sinh bỏ học từ 0% đến 0,65%; 5 tỉnh có tỉ lệ bỏ học từ 0,95 % đến 2% và một tỉnh (Kiên Giang) có tỉ lệ bỏ học 5,16%.

Ở cấp THCS và THPT, 45/64 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bỏ học từ 0,06% đến 1,58%; có 10 tỉnh tỉ lệ bỏ học từ 1,71% đến 1,99% và 8 tỉnh có tỉ lệ bỏ học từ 2,0% đến 5,51% và một tỉnh (Trà Vinh) có tỉ lệ bỏ học 9,81%.

Như vậy, nhận định việc bỏ học tràn lan như một số báo đã nêu là không đúng với thực tế.

Để tiếp tục mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo thiết tha đề nghị các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính quyền các tỉnh, thành phố và các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành tiếp tục chỉ đạo và kiểm tra hoạt động giáo dục ở tất cả các trường học, đặc biệt là tại 6 tỉnh có tỉ lệ học sinh bỏ học cao nhất (ở cấp Tiểu học) và 19 tỉnh (ở cấp THCS và THPT).

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phân công các đồng chí lãnh đạo Bộ và các đơn vị chức năng của Bộ làm việc với các tỉnh nêu trên trong thời gian từ nay tới 15/4/2008 để cùng phối hợp triển khai các biện pháp khắc phục việc học sinh bỏ học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chân thành cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính quyền các tỉnh, thành phố trong cả nước, các đồng chí lãnh đạo các bộ, cơ quan trung ương đã quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ ngành giáo dục trong thời gian qua.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Chủ tịch Quốc hội (để báo cáo);
- Văn phòng Trung ương Đảng (để báo cáo);
- Văn phòng Quốc hội (để báo cáo);
- Văn phòng Tổng Bí thư (để báo cáo);
- Văn phòng Chủ tịch nước (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Ban Tuyên giáo Trung ương (để báo cáo);
- Uỷ ban VHGDTTNNĐ Quốc hội (để báo cáo);
- Các đồng chí Bộ trưởng (để báo cáo);
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
- Trung ương Hội LHPNVN;
- Trung ương Đoàn TNCS HCM;
- Hội Khuyến học Việt Nam;
- Hội Cựu giáo chức Việt Nam;
- Công đoàn Giáo dục Việt Nam;
- Các Tổng biên tập các báo, đài;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng;
- Các Sở GD&ĐT;
- Các Vụ, Cục thuộc Bộ GD&ĐT;
- Lưu: VT, TH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Vinh Hiển

 

THỐNG KÊ

[...]