Công văn số 2049/VPCP-KTTH về việc triển khai thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 2049/VPCP-KTTH
Ngày ban hành 31/03/2008
Ngày có hiệu lực 31/03/2008
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Quốc Huy
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
---------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2049/VPCP-KTTH
V/v triển khai thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Hà Nội, ngày 31 tháng 3 năm 2008

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Ngày 25 tháng 3 năm 2008, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 3 năm 2008 thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội quý I năm 2008, biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển sản xuất, kiểm soát lạm phát, kiềm chế tăng giá, bảo đảm cung cầu hàng hoá. Chính phủ đã thống nhất đánh giá như sau:

Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân, mặc dù tình hình và điều kiện trong và ngoài nước có nhiều biến động bất lợi cho sản xuất như giá cả, lạm phát tăng cao, thiên tai diễn ra trên phạm vi rộng và kéo dài, nhưng tăng trưởng kinh tế quý I năm 2008 tuy có thấp hơn cùng kỳ năm trước nhưng vẫn tiếp tục phát triển, chính trị-xã hội ổn định. Tuy nhiên, trước biến động tăng giá, lạm phát của thế giới, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, kinh tế nước ta đã có dấu hiệu suy giảm, lạm phát, giá cả tăng cao, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I năm 2008 giảm 0,4% so với quý I năm 2007 (GDP quý I năm 2008 là 7,4%; quý I năm 2007 là 7,8%), giá trị sản xuất công nghiệp quý I năm 2008 giảm 1% so với quý I năm 2007).

Để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng bền vững đi đôi với việc ổn định đời sống nhân dân, nhiệm vụ trọng tâm trong tình hình hiện nay là: phấn đấu kiềm chế tăng giá, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững. Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt các giải pháp nêu trong Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2008, Nghị quyết số 02/2008/NQ-CP ngày 9 tháng 1 năm 2008 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2008, các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và kiểm soát giá tại văn bản số 75/TTg-KTTH ngày 15 tháng 01 năm 2008 và văn bản số 319/TTg-KTTH ngày 03 tháng 03 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chủ động, tích cực triển khai các biện pháp sát thực, cụ thể để kiềm chế tăng giá, kiểm soát lạm phát theo lĩnh vực được giao.

1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo và tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, chủ động và linh hoạt, bảo đảm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục tạo điều kiện để huy động các nguồn vốn phục vụ phát triền kinh tế, cụ thể:

a) Chủ động thực hiện các giải pháp hỗ trợ các ngân hàng thương mại bảo đảm khả năng thanh khoản, điều chỉnh tỷ lệ và cơ chế dự trữ bắt buộc, đồng thời, kiểm soát để tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng năm 2008 ở mức phù hợp, tạo điều kiện cho sản xuất hàng hóa và xuất khẩu phát triển;

b) Điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để trước mắt, giảm dần lãi suất huy động so với hiện tại và ổn định thị trường tiền tệ, từng bước thực hiện chính sách lãi suất thực dương theo cơ chế thị trường;

c) Điều hành tỷ giá đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) với biên độ tỷ giá phù hợp; bảo đảm đủ vốn và đẩy mạnh việc mua hết ngoại tệ cho các doanh nghiệp xuất khẩu để các doanh nghiệp xuất khẩu có VND (đồng Việt Nam) duy trì sản xuất và bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước;

d) Tăng cường kiểm soát và giám sát chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng thương mại để bảo đảm việc tuân thủ đúng các quy định về huy động, cho vay và chất lượng tín dụng; kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật để giảm thiểu rủi ro trong hoạt động ngân hàng.

2. Bộ Tài chính kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện chính sách tài khóa, phấn đấu tăng thu, quản lý chặt chẽ chi tiêu công, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, phấn đấu giảm bội chi ngân sách so với chỉ tiêu Quốc hội giao, cụ thể:

a) Phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thu ngân sách (thuế, phí, lệ phí) theo quy định; đồng thời, tăng cường chống gian lận, trốn lậu thuế, phấn đấu năm 2008 thu ngân sách nhà nước thực hiện vượt dự toán đã được giao;

b) Chủ động, linh hoạt trong việc sử dụng công cụ thuế (điều chỉnh thuế nhập khẩu) để thực hiện mục tiêu giảm nhập siêu nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với cam kết hội nhập;

c) Chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện kịp thời việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo mức thuế suất thống nhất ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật bổ sung sửa đổi Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp;

d) Chỉ đạo việc triệt để thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước. Các đơn vị chủ động sử dụng dự toán đã được giao để thực hiện các nhiệm vụ, kể cả trong trường hợp giá cả tăng; cắt giảm những khoản chi chưa thật cần thiết; thực hiện ngay các biện pháp tiết kiệm điện, xăng dầu, mua sắm trang thiết bị, điện thoại, hội họp, đoàn ra. . . Kiên quyết không bổ sung chi ngân sách ngoài dự toán trừ các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách về an ninh, quốc phòng, phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh);

đ) Kiểm soát chặt chẽ việc tạm ứng ngân sách nhà nước, nhất là đối với các công trình, dự án sử dựng vốn đầu tư xây dựng cơ bản để bảo đảm ngân sách nhà nước được sử dụng có hiệu quả và theo đúng quy định của pháp luật;

e) Tăng cường công tác giám sát tài chính đối với các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty 90, 91 để chấn chỉnh ngay việc đầu tư kém hiệu quả, cơ cấu đầu tư bất hợp lý trong thời gian qua của các đơn vị này;

g) Tăng cường các giải pháp điều hành, bảo đảm phát triển ổn định thị trường chứng khoán, triển khai thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1909/VPCP-KTTH ngày 25 tháng 3 năm 2008. Kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm các hoạt động của các công ty niêm yết và công ty chứng khoán tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật;

h) Về điều hành giá cả: Tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường và biến động giá, không để xảy ra tình trạng đầu cơ tăng giá, đặc biệt là thép, vật liệu xây dựng, lương thực, thực phẩm, phân bón. Thường xuyên phối hợp với các Bộ quản lý ngành kiềm soát chặt chẽ các nhà sản xuất, các đại lý phân phối.

Tạo điều kiện phát huy vai trò của các Hiệp hội, ngành hàng, Hiệp hội người tiêu dùng, cộng đồng dân cư trong việc giám sát, quản lý thị trường, giá cả. Xử phạt nghiêm những trường hợp đầu cơ tăng giá để thu lợi bất chính.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát các dự án đầu tư, loại bỏ các dự án không hiệu quả; giãn tiến độ các dự án chưa khởi công hoặc mới khởi công để tập trung vốn cho các dự án sắp hoàn thành, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Xử lý các khó khăn vướng mắc trong đầu tư xây dựng cơ bản đối với các dự án, công trình đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, nhất là việc điều chỉnh đơn giá, hợp đồng xây dựng do yếu tố tăng giá đột biến đối với vật liệu xây dựng.

4. Bộ Công Thương chủ trì:

a) Tính toán và triển khai các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu đối với các loại vật tư quan trọng như: xăng dầu, điện, xi măng, sắt thép, phân bón, thuốc trừ sâu và hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thuốc chữa bệnh...

Kết hợp chặt chẽ và thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp từ sản xuất đến xuất nhập khẩu, các chính sách thuế đi đôi với nâng cao vai trò và trách nhiệm của các bộ quản lý ngành, các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế và các tổng công ty 90, 91 trong việc bảo đảm cung ứng đủ các vật tư quan trọng và một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu;

b) Phối hợp với Bộ Tài chính trong việc tăng cường các hiện pháp quản lý thị trường, giá cả; tổ chức tốt thương mại trong nước, nhất là các mạng lưới tiêu thụ, đại lý... Kiểm soát chặt chẽ giá các sản phẩm độc quyền;

e) Thực hiện các biện pháp để kiểm soát nhập siêu thông qua thúc đẩy xuất khẩu, tăng cường sản xuất trong nước để thay thế hàng nhập khẩu, kiến nghị điều chỉnh cơ chế chính sách về thuế, áp dụng các hàng rào kỹ thuật và các biện pháp khác cần thiết phù hợp với các cam kết quốc tế.

5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc tạo điều kiện đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển; tiếp tục rà soát, xóa bỏ các quy định không phù hợp gây cản trở cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triền nông thôn;

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ