Công văn 2018/BTNMT-KSVN năm 2024 quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và triển khai các dự án khai thác khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
Số hiệu | 2018/BTNMT-KSVN |
Ngày ban hành | 01/04/2024 |
Ngày có hiệu lực | 01/04/2024 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Người ký | Trần Quý Kiên |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
BỘ TÀI NGUYÊN
VÀ MÔI TRƯỜNG |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2018/BTNMT-KSVN |
Hà Nội, ngày 01 tháng 4 năm 2024 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Trong thời gian qua, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (UBND các tỉnh) đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản. Công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đã được chú trọng, triển khai thực hiện. Theo đó đã xây dựng, ban hành phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác; xây dựng quy chế phối hợp giữa các địa phương có khoáng sản tại các khu vực giáp ranh, từ đó đã góp phần phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép.
Tuy nhiên, qua theo dõi, tổng hợp công tác quản lý nhà nước và thanh tra, kiểm tra đã phát hiện một số vấn đề, tồn tại, vi phạm của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản như: không báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng vẫn khai thác, sử dụng loại khoáng sản đi kèm, kể cả khoáng sản là đất đá ở bãi thải mỏ; một số dự án khai thác đã được cấp Giấy phép khai thác nhưng nhiều năm chưa hoàn thành việc thuê đất theo quy định[1]; hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trong đó có nước khoáng, nước nóng vẫn còn xảy ra tại một số địa phương[2]; còn tình trạng quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng các dự án bất động sản, khu du lịch, nghỉ dưỡng có sử dụng nước khoáng, nước nóng thiên nhiên khi chưa được cấp Giấy phép thăm dò, khai thác gây bức xúc trong dư luận[3]. Nguyên nhân chủ yếu do việc phối hợp, thông tin trong công tác quản lý nhà nước giữa trung ương và địa phương còn bất cập; việc kiểm tra, đôn đốc chưa thường xuyên; việc xử lý các vi phạm chưa quyết liệt. Tình trạng này dẫn đến hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản chưa được như mong muốn, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, gây thất thoát tài nguyên, khoáng sản.
Để khắc phục tình trạng trên, nhằm thực hiện nghiêm quy định pháp luật về khoáng sản và các chỉ đạo của Chính phủ về công tác quản lý nhà nước về khoáng sản tại các địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh:
1. Khẩn trương rà soát, giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, thuê đất hoạt động khoáng sản; các trường hợp chậm triển khai xây dựng cơ bản mỏ, tồn tại trong gia hạn thuê đất… để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, kịp thời tháo gỡ, hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện thủ tục thuê đất, thuê đất bổ sung, gia hạn thời gian thuê đất nhằm đưa các dự án khai thác khoáng sản vào thực hiện đảm bảo đúng quy định pháp luật về đất đai, khoáng sản, đầu tư và pháp luật khác có liên quan. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về khoáng sản, đất đai, bảo vệ môi trường đối với các dự án thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; xử lý các tồn tại, vi phạm theo quy định.
2. Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng, các đơn vị có liên quan tổ chức quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định[4], thực hiện trách nhiệm lưu giữ, bảo vệ khoáng sản đã khai thác nhưng chưa sử dụng; khoáng sản tại bãi thải hoặc khoáng sản đi kèm nhưng chưa thu hồi trong quá trình khai thác; khoáng sản chưa khai thác trong diện tích đất đang sử dụng. Trước khi khai thác, sử dụng khoáng sản đi kèm phải thông báo bằng văn bản đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 47 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016. Rà soát, quản lý, bảo vệ các nguồn nước khoáng, nước nóng thiên nhiên chưa khai thác. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý đối với những trường hợp quảng cáo sử dụng nguồn nước khoáng, nước nóng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép.
3. Bổ sung vào “Báo cáo công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và hoạt động khoáng sản” của địa phương nội dung về công tác quản lý, giám sát và các vấn đề có liên quan trong khai thác, sử dụng khoáng sản đi kèm kể cả khoáng sản là đất đá ở bãi thải mỏ, hằng năm gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền các vấn đề phát sinh có liên quan trên địa bàn quản lý để xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Quý UBND các tỉnh triển khai thực hiện và mong tiếp tục nhận được sự phối hợp kịp thời hơn nữa trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
[1] Các trường hợp chậm triển khai dự án do chậm GPMB, thuê đất hoạt động khoáng sản như: Apatit tỉnh Lào Cai, Đá làm VLXD thông thường tại tỉnh Đồng Nai, Đá ốp lát tỉnh Ninh Thuận; Ti tan tỉnh Bình Định, Cát trắng tỉnh Quảng Trị.
[2] Như: Tại tỉnh Bến Tre; tỉnh Tiền Giang.
[3] Như: Tại tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái.
[4] Điều 16, điều 17, điều 18 Luật khoáng sản 2010.