Công văn 1993/BCT-KHCN về đăng ký đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2011 thuộc Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 1993/BCT-KHCN
Ngày ban hành 27/02/2010
Ngày có hiệu lực 27/02/2010
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Lê Dương Quang
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1993/BCT-KHCN
V/v đăng ký đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2011 thuộc Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020

Hà Nội, ngày 27 tháng 02 năm 2010

 

Kính gửi:

- UBND các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Các Sở Công thương;
- Các Tổ chức khoa học và công nghệ;
- Các trường Đại học.

 

Thực hiện Quyết định số 14/2007/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020, Bộ Công thương thông báo để các trường Đại học; Tổ chức khoa học và công nghệ; Tổ chức và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế căn cứ nhiệm vụ chủ yếu (chi tiết tại Phụ lục 1) đề xuất các đề tài/dự án SXTN (mẫu tại Phụ lục 2) và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực (mẫu tại Phụ lục 3) thực hiện trong kế hoạch năm 2011 thuộc Đề án.

1. Hồ sơ đăng ký đề xuất nhiệm vụ thực hiện trong kế hoạch năm 2011 thuộc Đề án gồm:

- Công văn đề xuất nhiệm vụ;

- Bản đăng ký theo mẫu đính kèm;

- Gửi file bản đăng ký theo địa chỉ Email: thaonq@moit.gov.vn hoặc minht@moit.gov.vn.

2. Thời hạn cuối cùng nhận Hồ sơ: ngày 05 tháng 4 năm 2010.

3. Nơi nhận Hồ sơ:

+ Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương.

54 Hai Bà Trưng - Quận Hoàn Kiếm - Thành phố Hà Nội.

Trong quá trình xây dựng Hồ sơ, nếu có vấn đề gì chưa rõ xin liên hệ với Tổ Giúp việc Ban Điều hành Đề án theo số điện thoại: 04.22202436./.   

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Điều hành Đề án;
- Lưu: VT, KHCN, Tổ giúp việc.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Dương Quang

 

PHỤ LỤC 1

ĐỊNH HƯỚNG NHIỆM VỤ ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH HỌC TRONG LĨNH VỰC CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN (GIAI ĐOẠN 2011 ĐẾN 2015)

I. MỤC TIÊU ĐỀ ÁN (giai đoạn 2011 - 2015)

Căn cứ Quyết định số 14/2007/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020”, Mục tiêu đề án giai đoạn 2011 đến 2015, gồm:

- Ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ sinh học (CNSH) hiện đại trong lĩnh vực công nghiệp chế biến (CNCB); tiếp cận, làm chủ và phát triển nhanh công nghệ sinh học hiện đại để tạo ra các chủng vi sinh vật mới có chất lượng tốt, hiệu suất lên men cao và ổn định trong sản xuất ở quy mô công nghiệp; sản xuất các loại enzym tái tổ hợp;

- Phát triển mạnh và bền vững ngành công nghệ sinh học phục vụ lĩnh vực công nghiệp chế biến; tạo lập thị trường thuận lợi để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và dịch vụ các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

- Tăng cường tiềm lực, bao gồm: đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến;

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN (giai đoạn 2011 - 2015)

II.1. Nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R-D), triển khai sản xuất thử nghiệm sản phẩm (P)

II.1.1. Công nghệ vi sinh

Nghiên cứu tuyển chọn và tạo các chủng vi sinh vật có khả năng lên men đạt hiệu suất cao, chất lượng tốt và ổn định trong sản xuất phục vụ nhu cầu công nghiệp chế biến.

Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ lên men; thiết kế và chế tạo thiết bị lên men (quy mô vừa và nhỏ) để sản xuất, chế biến thực phẩm (bia rượu, nước chấm, nước giải khát, thịt, cá và các nông, lâm, thủy, hải sản khác), thức ăn chăn nuôi, các chất phụ gia, hóa chất, nguyên liệu hóa dược, nhiên liệu sinh học, hàng tiêu dùng… bảo đảm chất lượng ổn định và có sức cạnh tranh cao trên thị trường.

Nghiên cứu ứng dụng; chuyển giao các công nghệ, thiết bị để sản xuất thử nghiệm sản phẩm và sản xuất ở quy mô công nghiệp các chế phẩm vi sinh (sinh khối vi sinh vật, các chất bảo quản, phụ gia, mầu thực phẩm, axít hữu cơ, axit amin, protein đơn bào và đa bào…) phục vụ công nghiệp chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, các chất phụ gia, hóa chất, nguyên liệu hóa dược, nhiên liệu sinh học, hàng tiêu dùng…; kiểm soát chất lượng nguyên liệu và các sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc từ công nghệ biến đổi gen trong công nghiệp chế biến.

[...]