Công văn1745/KBNN-KQ năm 2009 Hướng dẫn thực hiện chế độ quản lý tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý do Kho bạc Nhà nước ban hành

Số hiệu 1745/KBNN-KQ
Ngày ban hành 29/09/2009
Ngày có hiệu lực 29/09/2009
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Kho bạc Nhà nước Trung ương
Người ký Trần Minh Hằng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
KHO BẠC NHÀ NƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1745/KBNN-KQ
V/v Hướng dẫn thực hiện chế độ quản lý tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý.

Hà Nội, ngày 29 tháng 9 năm 2009

 

Kính gửi: KBNN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thi hành Quyết định số 61/2002/QĐ - BTC ngày 17/5/2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành chế độ quản lý tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý trong hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN), KBNN hướng dẫn chi tiết một số nội dung cụ thể như sau:

1. Bố trí chức danh kho quỹ (điểm 2 - Điều 10):

1.1. Tại KBNN bố trí:

- Thủ kho.

- Phụ kho.

1.2. Tại KBNN tỉnh, TP trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là KBNN tỉnh) bố trí:

- Thủ kho.

- Phụ kho (đối với KBNN Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng).

- Thủ quỹ.

- Kiểm ngân.

Căn cứ vào tình hình hoạt động thực tế tại đơn vị, có thể bố trí Thủ kho kiêm Thủ quỹ và không nhất thiết phải bố trí Phụ kho.

1.3. Tại KBNN quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là KBNN huyện) và Phòng Giao dịch KBNN tỉnh bố trí tối thiểu 02 cán bộ kho quỹ, trong đó bố trí 01 chức danh kiêm nhiệm như sau:

- Đối với KBNN huyện bố trí Thủ kho kiêm Thủ quỹ và kiêm Kiểm ngân làm nhiệm vụ chi tiền.

- Đối với Phòng Giao dịch bố trí Thủ quỹ kiêm Kiểm ngân làm nhiệm vụ chi tiền.

1.4. Tại các điểm giao dịch trong hoặc ngoài trụ sở KBNN: Nếu có từ 02 cán bộ kho quỹ trở lên, bố trí 01 Thủ quỹ.

Trong trường hợp chỉ bố trí 01 Kiểm ngân làm nhiệm vụ thu, chi thì Kiểm ngân này tự chịu trách nhiệm đối với toàn bộ công việc được giao.

Việc bố trí các chức danh quản lý kho, quỹ phải tuân thủ nguyên tắc: Không bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột (kể cả anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng) của Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng làm Thủ quỹ, Thủ kho tiền. Không bố trí những người có quan hệ vợ, chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột cùng tham gia giữ chìa khoá cửa kho tiền; cùng tham gia kiểm kê, kiểm đếm tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá hoặc cùng thực hiện nhiệm vụ trên xe vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá.

Việc bố trí chức danh Thủ kho, Phụ kho KBNN do Tổng Giám đốc KBNN quyết định bằng văn bản; Thủ kho, Phụ kho (nếu có), Thủ quỹ KBNN tỉnh, huyện do Giám đốc KBNN tỉnh quyết định bằng văn bản. Trường hợp Thủ kho, Phụ kho (nếu có), Thủ quỹ nghỉ làm việc theo chế độ, đi công tác, đi học… do Giám đốc đơn vị chỉ định người thay thế tạm thời.

2. Uỷ quyền, uỷ nhiệm của các thành viên tham gia quản lý tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý (Điều 11):

2.1. Uỷ quyền:

- Trưởng phòng Giao dịch KBNN tỉnh được uỷ quyền cho cấp phó của mình thực hiện từng phần hoặc toàn bộ công việc quản lý tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý nhưng phải được Giám đốc đơn vị chấp nhận bằng văn bản.

Trường hợp không có cấp phó, Trưởng phòng Giao dịch KBNN tỉnh đi học, đi công tác, nghỉ phép… được phép uỷ quyền cho cán bộ nghiệp vụ có đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ, nhưng phải được Giám đốc đơn vị chấp nhận bằng văn bản, ngay khi về làm việc tại cơ quan phải nhận lại uỷ quyền.

- Trưởng phòng kế toán KBNN quận, Kế toán trưởng phòng Giao dịch KBNN tỉnh khi đi công tác, nghỉ phép, nghỉ đột xuất được phép uỷ quyền cho cấp phó (trường hợp không có cấp phó được uỷ quyền cho cán bộ nghiệp vụ có đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ), nhưng phải được Giám đốc đơn vị chấp nhận bằng văn bản, ngay khi về làm việc tại cơ quan phải nhận lại uỷ quyền.

- Thời gian uỷ quyền: Việc uỷ quyền chỉ được thực hiện trong năm (trường hợp đặc biệt phải có ý kiến bằng văn bản của KBNN cấp trên), thời hạn uỷ quyền có thể là … ngày, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng…

2.2. Uỷ nhiệm:

- Trưởng phòng Giao dịch KBNN tỉnh, Trưởng phòng kế toán KBNN quận, Kế toán trưởng phòng Giao dịch KBNN tỉnh hoặc những người đã nhận uỷ quyền có việc phải vắng mặt được uỷ nhiệm cho cấp phó hoặc cán bộ nghiệp vụ có đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ.

Khi uỷ nhiệm (kể cả các đối tượng theo Quyết định 61/2002/QĐ-BTC), người uỷ nhiệm phải lập văn bản uỷ nhiệm có chữ ký của người uỷ nhiệm, người được uỷ nhiệm và Lãnh đạo đơn vị duyệt; trường hợp uỷ nhiệm trong ngày thì không cần chữ ký của Lãnh đạo đơn vị.

[...]