Công văn 174/2002/KHXX của Tòa án nhân dân tối cao về việc giải quyết yêu cầu của bị can, bị cáo, người bị hại về giám định hoặc giám định bổ sung
Số hiệu | 174/2002/KHXX |
Ngày ban hành | 26/11/2002 |
Ngày có hiệu lực | 26/11/2002 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân tối cao |
Người ký | Đặng Quang Phương |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
TOÀ
ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 174/2002/KHXX |
Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2002 |
CÔNG VĂN
CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 174/2002/KHXX NGÀY 26 THÁNG 11 NĂM 2002 VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT YÊU CẦU CỦA BỊ CAN, BỊ CÁO, NGƯỜI BỊ HẠI VỀ GIÁM ĐỊNH LẠI HOẶC GIÁM ĐỊNH BỔ SUNG
Kính gửi: Toà án nhân dân huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn
Sau khi nghiên cứu Công văn số 158/CV ngày 29 tháng 7 năm 2002 của Toà án nhân dân huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, Toà án nhân dân tối cao có ý kiến như sau:
Theo tinh thần quy định tại các điều 34, 39 và 133 Bộ luật tố tụng hình sự thì bị can, bị cáo, người bị hại có quyền đưa ra chứng cứ và những yêu cầu (kể cả yêu cầu giám định lại hoặc giám định bổ sung). Thực tiễn công tác điều tra, truy tố, xét xử cho thấy trong một số trường hợp bị can, bị cáo hoặc người bị hại không đồng ý với kết luận giám định và có yêu cầu giám định hại hoặc giám định bổ sung. Đối với trường hợp khi xét xử mà bị cáo hoặc người bị hại có yêu cầu giám định lại hoặc giám định bổ sung thì Toà án cần xem xét yêu cầu của họ có cơ sở và chính đáng hay không để chấp nhận hoặc không chấp nhận. Việc giám định là những vấn đề về chuyên ngành do những người có chuyên môn thực hiện và theo quy định tại khoản 1 Điều 55 Bộ luật tố tụng hình sự thì "người giám định kết luận về vấn đề được yêu cầu giám định và phải chịu trách nhiệm cá nhân về kết luận đó"; do đó, kết luận giám định là một trong những chứng cứ để Toà án xét xử vụ án. Khi trong vụ án có các kết luận giám định khác nhau thì thông thường Toà án chấp nhận kết luận giám định của cơ quan giám định cao hơn. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 55 và khoản 5 Điều 189 Bộ luật tố tụng hình sự thì Toà án có thể không đồng ý với kết luận giám định và nếu xét thấy cần thiết thì Hội đồng xét xử quyết định giám định lại hoặc giám định bổ sung theo thủ tục chung, nhưng phải nêu rõ lý do. Để xem xét yêu cầu của bị cáo hoặc người bị hại có cơ sở và chính đáng hay không cũng như để có căn cứ đồng ý với kết luận giám định hay không thì Toà án cần: xem xét các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án như bệnh án, giấy ra viện,...; xem xét vết thương của người bị hại; căn cứ vào Thông tư số 12/TTLB ngày 26-7-1995 của Liên bộ Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội "quy định về tiêu chuẩn thương tật và tiêu chuẩn bệnh tật mới"; đề nghị người giám định, cơ quan giám định giải thích bổ sung trên cơ sở kết luận giám định; căn cứ vào Điều 168 Bộ luật tố tụng hình sự triệu tập người giám định tham gia phiên toà; xem xét đánh giá các ý kiến nhận xét của kiểm sát viên, người bào chữa và những người tham gia phiên toà về kết luận giám định, ý kiến trả lời giải thích của người giám định về những vấn đề chưa rõ hoặc có mâu thuẫn trong kết luận giám định theo quy định tại khoản 4 Điều 189 Bộ luật tố tụng hình sự.
Đối với trường hợp cụ thể mà quý Toà nêu trong Công văn số 158/CV ngày 29-7-2002 thì quý Toà căn cứ vào hướng dẫn trên đây để quyết định chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của người bị hại là anh Ỷ về giám định lại thương tật đối với anh.
Trên đây là ý kiến của Toà án nhân dân tối cao để quý Toà tham khảo trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
|
Đặng Quang Phương (Đã ký) |