Công văn 1738/QLCL-CL1 năm 2015 quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu do Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản ban hành

Số hiệu 1738/QLCL-CL1
Ngày ban hành 29/06/2015
Ngày có hiệu lực 29/06/2015
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản
Người ký Nguyễn Như Tiệp
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu,Thể thao - Y tế

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1738/QLCL-CL1
V/v trả lời kiến nghị về kiểm tra, chứng nhận chất lượng, ATTP

Hà Nội, ngày 29 tháng 06 năm 2015

 

Kính gửi: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)

Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) có ý kiến về các kiến nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) liên quan tới lĩnh vực quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu tại văn bản số 86/2015/CV-VASEP ngày 05/6/2015 như sau:

1. Về kiến nghị “bãi bỏ quy định chỉ cấp chứng nhận ATTP (H/C) vào EU đối với lô hàng có nguồn gốc nguyên liệu hải sản nhập khẩu từ tàu khai thác/cơ sở sơ chế có EU code hoặc được kiểm tra, chứng nhận bởi Cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu đáp ứng yêu cầu tương đương với EU”:

- Theo quy định tại khoản 2 Điều 41 Luật An toàn thực phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm xuất khẩu là phải “phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu”. Do đó, lô hàng thực phẩm thủy sản xuất khẩu vào EU phải đáp ứng quy định của EU.

- Theo quy định của EU (Điểm a, khoản 2, Điều 12 Quy định số (EC) 854/2004 ngày 29/4/2004): “Cơ sở sản xuất sản phẩm có nguồn gốc động vật trong danh sách xuất khẩu vào EU (bao gồm cả cơ sở xử lý nguyên liệu cung cấp cho cơ sở này) phải được cơ quan thẩm quyền bảo đảm/chứng nhận phù hợp với các quy định liên quan của Cộng đồng EU hoặc các yêu cầu tương đương với các quy định của Cộng đồng EU”.

- Trong báo cáo kết quả thanh tra tại Việt Nam (Mục 5.2 trong báo cáo số DG(SANCO) 2009-8056-MR FINAL và Mục 5.6.4 trong báo cáo số DG(SANCO) 2014-7147-MR FINAL), cơ quan thẩm quyền EU đã khuyến cáo cơ quan thẩm quyền Việt Nam (NAFIQAD) về việc yêu cầu nguyên liệu nhập khẩu (để chế biến xuất khẩu vào EU) phải được chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu vào EU.

- Theo Quyết định số 1999/813/EC ngày 16/11/1999, EU đã công nhận NAFIQAD là cơ quan thẩm quyền của Việt Nam thực hiện việc cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho các lô hàng thủy sản xuất khẩu vào EU theo mẫu quy định. Mẫu chứng nhận an toàn thực phẩm cho thủy sản xuất khẩu vào EU (theo quy định số 1012/2012 ngày 05/11/2012 của Ủy ban Châu Âu) có nội dung: “được đánh bắt, xử lý trên tàu, đưa lên đất liền và xử lý chế biến, cấp đông, rã đông trong điều kiện vệ sinh phù hợp với quy định tại Phần VIII, Chương I tới IV của Phụ lục III của Quy định (EC) 853/2004”;

- Trên thực tế, trong thời gian vừa qua, nhiều nước nhập khẩu thủy sản của Việt Nam như Malaysia, Đài Loan,... cũng yêu cầu lô hàng thủy sản xuất khẩu vào các nước này để chế biến, xuất khẩu vào EU phải được sản xuất tại các cơ sở được EU công nhận. Cụ thể:

+ Ngày 02/6/2009, Cơ quan Quản lý Chất lượng và An toàn thực phẩm Liên bang Malaysia đã có văn bản số (6)dlm.KKM-163/I/133 thông báo các lô hàng thủy sản (bao gồm nguyên liệu và bán thành phẩm) nhập khẩu vào Liên bang Malaysia làm nguyên liệu chế biến tái xuất vào EU phải đáp ứng các yêu cầu sau: Các lô hàng thủy sản trên phải được sản xuất tại các cơ sở chế biến thủy sản Việt Nam có tên trong danh sách được EU công nhận; đồng thời phải áp dụng mẫu giấy chứng nhận an toàn thực phẩm tương tự như mẫu giấy theo quy định của EU.

+ Ngày 18/5/2015, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội đã có công thư số 15081PG/KT đề nghị NAFIQAD khi kiểm tra, chứng nhận cho các lô hàng thủy sản xuất khẩu vào Đài Loan (để chế biến, xuất khẩu vào EU) phải được sản xuất tại cơ sở trong danh sách được EU công nhận và công bố trên trang web chính thức của cơ quan thẩm quyền EU.

Do vậy, việc yêu cầu lô hàng thủy sản nhập khẩu (kể cả nhập khẩu từ tàu cá) vào Việt Nam làm nguyên liệu để chế biến xuất khẩu vào EU phải từ tàu chế biến/cơ sở sơ chế có code EU hoặc được cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu chứng nhận đáp ứng yêu cầu tương đương với EU là hoàn toàn phù hợp với quy định hiện hành của Việt Nam và EU. Ý kiến của VASEP cho rằng Việt Nam và EU không có quy định về việc này là không chính xác.

2. Về kiến nghị “sửa đổi Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT - cho quy định về tỷ lệ lấy mẫu”, cụ thể:

a. Đề nghị “lấy lô hàng xuất khẩu làm căn cứ tính toán thay vì lô sản xuất làm gia tăng chi phí từ 1.2 đến 1.5 lần và “giảm tỉ lệ % lấy mẫu”:

- Theo quy định tại khoản 2 Điều 41 Luật An toàn thực phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm xuất khẩu là phải “phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu”. Hiện tại, có 45 trên tổng số hơn 120 nước nhập khẩu có quy định doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào nước họ phải được cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm của Việt Nam chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và lấy mẫu thẩm tra an toàn thực phẩm đối với sản phẩm dự kiến xuất khẩu vào thị trường tương ứng. Do vậy, việc lấy mẫu thẩm tra là yêu cầu của 45 trên tổng số hơn 120 nước nhập khẩu mà Việt Nam phải tuân thủ. Theo thông lệ quốc tế và quy định của các nước nhập khẩu, việc lấy mẫu thẩm tra nhằm mục đích kiểm chứng quá trình sản xuất có thực sự đảm bảo an toàn thực phẩm hay không, do vậy, mẫu thẩm tra được lấy trong quá trình sản xuất chứ không lấy mẫu từ lô hàng xuất khẩu. Hơn nữa, việc lấy mẫu thẩm tra lô hàng sản xuất sẽ giúp cấp giấy chứng nhận cho lô hàng xuất khẩu ngay trong ngày doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu thay vì phải đợi kết quả kiểm nghiệm mẫu nhiều khi lên đến 5 ngày.

- Theo thông lệ quốc tế, tỉ lệ lấy mẫu thẩm tra được xác định tùy thuộc vào 04 tiêu chí: phân loại điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của cơ sở sản xuất; mức độ rủi ro an toàn thực phẩm của sản phẩm; công suất, quy mô cơ sở sản xuất và tỉ lệ lô hàng thủy sản vi phạm an toàn thực phẩm của Việt Nam và nước nhập khẩu. Quy định về tỉ lệ lấy mẫu thẩm tra trong Thông tư 48 đáp ứng hoàn toàn 04 tiêu chí nói trên và nhẹ hơn quy định hiện hành của Hoa Kỳ, Canada (Chi tiết tại mục 5, Phụ lục kèm theo). Tại thời điểm hiện nay, tỉ lệ lô hàng thủy sản Việt Nam bị Cơ quan thẩm quyền Việt Nam và nước ngoài cảnh báo chưa có cải thiện so với năm trước, cụ thể: Trong năm 2014 Việt Nam có 136 lô hàng thủy sản xuất khẩu bị cơ quan thẩm quyền các nước cảnh báo vi phạm an toàn thực phẩm, so với 124 lô trong năm 2013; kết quả thẩm tra, kiểm tra chứng nhận lô hàng thủy sản xuất khẩu của các Trung tâm vùng thuộc Cục cũng cho thấy tỷ lệ vi phạm trong năm 2014 là 1.56%, tăng so với năm 2013 (1.14%). Do vậy, hiện tại chưa có đủ căn cứ để xem xét giảm tỷ lệ lấy mẫu thẩm tra theo quy định tại Thông tư 48.

- Kết quả kiểm tra thực tế của NAFIQAD từ thời điểm Thông tư 48 có hiệu lực (ngày 26/12/2013) tới thời điểm 15/6/2015 cho thấy: Số mẫu do NAFIQAD kiểm nghiệm theo Thông tư 48 đối với các cơ sở trong danh sách ưu tiên đã giảm 30% so với Thông tư 55 trước đây, không phải là tăng 1.2-1.5 lần như ý kiến của VASEP.

b. Đề nghị: “có hướng dẫn/quy định kịp thời về chứng nhận tương đương VietGAP”:

Sau khi Thông tư 48 có hiệu lực, NAFIQAD đã có văn bản số 231/QLCL-CL1 ngày 18/02/2014 gửi Tổng cục Thủy sản đề nghị hướng dẫn, quy định về các hệ thống chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (như Global GAP, BAP, ASC,...) được coi là tương đương với VietGAP. Theo trả lời của Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 54/2014/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2014 quy định về công nhận các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt khác được coi là tương đương với VietGAP để được hưởng chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

c. Đề nghị “phải có cơ chế để thẩm tra và đánh giá công nhận việc duy trì điều kiện đảm bảo ATTP cơ sở sản xuất của DN, từ đó công nhận hệ thống giám sát của DN; giảm bớt kiểm tra, chỉ tập trung kiểm tra những doanh nghiệp chưa tốt, những khâu làm chưa tốt để khuyến khích DN phấn đấu đạt được ở mức độ cao hơn”:

Chế độ kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở cũng như tỷ lệ lấy mẫu thẩm tra trong Thông tư 48 đã thể hiện theo đúng nội dung VASEP đề nghị, cụ thể:

- Tần suất kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở xếp hạng 1 (rất tốt) và hạng 2 (tốt) là 1 lần trong năm; của cơ sở xếp hạng 3 là 1 lần trong 6 tháng; của cơ sở xếp hạng 4 là 1 lần trong 3 tháng.

- Tỷ lệ lấy mẫu thẩm tra nêu trên cũng đã theo hướng công nhận và khuyến khích các doanh nghiệp làm tốt, thể hiện ở chỗ: Cơ sở xếp hạng đặc biệt chỉ phải lấy mẫu thẩm tra 2-5%, cơ sở hạng 1 lấy mẫu thẩm tra 10-15%, cơ sở hạng 2 lấy mẫu thẩm tra 20-25%.

3. Về kiến nghị: “Sửa Thông tư 48/2013 - cho quy định/thủ tục về đánh giá xếp hạng nhà máy”, cụ thể:

a. Đề nghị “sửa đổi, điều chỉnh khung lỗi trong bảng đánh giá (checklist) cho phù hợp, theo hướng đảm bảo các cơ sở pháp lý và cơ sở khoa học”'.

Biểu mẫu đánh giá (checklist) tại Thông tư 48 được xây dựng căn cứ theo quy định của Luật An toàn thực phẩm và các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN). Khi xây dựng biểu mẫu đánh giá nêu trên, NAFIQAD cũng đã tham khảo hướng dẫn đánh giá của EU, Canada, Hoa Kỳ và Thái Lan, theo đó, biểu mẫu đánh giá phân loại điều kiện bảo đảm ATTP được xây dựng theo 4 mức lỗi (Nhẹ - Mi, Nặng - Ma, Nghiêm trọng - Se, Tới hạn - Cr) và phân thành 4 mức xếp loại (Hạng 1, 2, 3, 4). Do vậy, cách đánh giá xếp loại này hoàn toàn có cơ sở pháp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế, đã tương đồng và nhẹ hơn so với Thái Lan. EU,... nên hoàn toàn đáp ứng kiến nghị nêu trên của VASEP.

b. Đề nghị “sửa đổi, điều chỉnh cấu trúc xếp hạng cơ sở chế biến theo hướng khuyến khích các DN làm tốt hơn trong hoạt động kiểm soát ATTP của nhà máy. Quy định về đánh giá xếp loại đảm bảo là để có cái mốc, có tính định hướng và mang tính chất cảnh báo để DN tuân thủ và cải thiện, thúc đẩy DN phấn đấu nâng cao năng lực và hướng tới mục tiêu ngày càng hoàn thiện hơn”:

Cấu trúc xếp hạng cơ sở trong Thông tư 48 bao gồm 4 mức: Hạng 1 (rất tốt), hạng 2 (tốt), hạng 3 (đạt), hạng 4 (không đạt). Cấu trúc xếp hạng này đã rõ ràng và có tính định hướng các cơ sở phấn đấu đạt hạng 1, hạng 2.

Trong biểu mẫu kiểm tra, đánh giá của Thông tư 48 đã có nội dung về các sai lỗi còn tồn tại của các cơ sở, đồng thời có ghi thời hạn khắc phục. Như vậy, đã bảo đảm mốc và định hướng để doanh nghiệp cải thiện, khắc phục sai lỗi để ngày càng hoàn thiện hơn.

[...]
9
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ