Công văn 1592/TCQLĐĐ-CKSQLSDĐĐ hướng dẫn thực hiện kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014 do Tổng cục Quản lý đất đai ban hành

Số hiệu 1592/TCQLĐĐ-CKSQLSDĐĐ
Ngày ban hành 18/11/2014
Ngày có hiệu lực 18/11/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Quản lý đất đai
Người ký Lê Văn Lịch
Lĩnh vực Bất động sản

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
TỔNG CỤC QUẢN LÝ
ĐẤT ĐAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1592/TCQLĐĐ-CKSQLSDĐĐ
V/v hướng dẫn thực hiện kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014

Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 2014

 

Kính gửi: Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Trên cơ sở kết quả thảo luận tại 02 Hội nghị tập huấn kiểm kê đất đai cho các địa phương, tổ chức tại tỉnh Bình Dương và tỉnh Phú Thọ từ ngày 30/10 đến ngày 06/11/2014, Tổng cục Quản lý đất đai hướng dẫn thực hiện thống nhất một số nội dung sau đây:

I. Về nội dung chuyên môn thực hiện kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014

1. Xác định, thể hiện mã loại đất và đối tượng sử dụng đất trên bản đồ kết quả điều tra, kiểm kê:

a) Loại đất ghi trên bản đồ kết quả điều tra kiểm kê đối với khoanh đất gộp cả đất ở và các loại đất nông nghiệp (đất vườn, ao) thì mã loại đất phải thể hiện lần lượt từng loại đất và diện tích của mỗi loại đất trong dấu ngoặc đơn kèm theo như sau: Mã loại đất 01 (diện tích loại đất 01); Mã loại đất 02 (diện tích loại đất 02);... diện tích đất ở của khoanh đất được xác định theo tổng diện tích đất ở đã được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa đất trong khoanh đất đó, trường hợp thửa đất chưa được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất thì xác định tạm thời bằng hạn mức giao đất ở mới của địa phương; diện tích còn lại của khoanh đất sau khi đã xác định được diện tích đất ở thì được xác định vào loại đất nông nghiệp theo hiện trạng đang sử dụng.

Ví dụ: Khoanh đất có diện tích đất ở 5000m2, đất vườn trồng cây lâu năm 15500m2, đất có mặt nước chuyên dùng 10000 m2; được thể hiện mã loại đất trên bản đồ kết quả điều tra kiểm kê như sau: ONT(5000); CLN(15500); MNC(10000).

b) Đối với các khoanh đất thuộc các khu vực tổng hợp gồm: Đất khu dân cư nông thôn, đất đô thị, đất khu công nghệ cao, đất khu kinh tế, đất khu bảo tồn thiên nhiên, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học thì trên bản đồ kết quả điều tra kiểm kê, ngoài việc thể hiện nhãn khoanh đất theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 19 của Thông tư số 28/2014/TT-BTNMT còn phải thể hiện thêm mã của khu vực tổng hợp đã quy định trong biểu 08/TKĐĐ và 09/TKĐĐ.

Riêng đối với các khoanh đất thuộc phạm vi bãi bồi ven biển cần kiểm kê thì ngoài việc thể hiện nhãn khoanh đất theo quy định tại Thông tư số 28/2014/TT-BTNMT, còn thể hiện thêm mã đất khu vực bãi bồi ven biển bằng ký hiệu (BVB).

c) Trường hợp khoanh đất có nhiều đối tượng cùng sử dụng mà không xác định được diện tích từng loại đối tượng (như trường hợp đất xây dựng nhà hỗn hợp gồm chung cư và văn phòng và cơ sở thương mại, dịch vụ) thì xác định loại đối tượng sử dụng đất theo loại đối tượng chủ yếu đang sở hữu nhà ở.

d) Trường hợp khoanh đất đã được giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất là đất trồng lúa nhưng tại thời điểm thực hiện kiểm kê đang sử dụng vào đất cây hàng năm khác thì vẫn kiểm kê vào loại đất trồng lúa.

đ) Trường hợp khoanh đất được giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất là đất trồng lúa và tại thời điểm kiểm kê chỉ trồng 1 vụ lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản thì kiểm kê theo loại đất chính là đất trồng lúa, ngoài ra tổng hợp thêm việc sử dụng đất vào mục đích kết hợp là đất nuôi trồng thủy sản; trường hợp khoanh đất trồng 1 vụ lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản chưa được công nhận quyền sử dụng đất thì căn cứ vào giá của từng loại đất để xác định loại đất chính, loại đất kết hợp theo quy định tại Điều 3 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai.

2. Phương thức thực hiện kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất 2014 (thực hiện khoản 5 Điều 8 của Thông tư số 28/2014/TT-BTNMT):

Về việc lựa chọn phương thức thực hiện kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất, đề nghị các địa phương áp dụng theo quy định tại Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.

II. Về việc lập dự toán kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất

1. Các địa phương đến thời điểm kiểm kê đất đai mà đã hoàn thành kiểm kê rừng theo Quyết định số 594/QĐ-TTg ngày 15/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án “Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016” thì phải sử dụng kết quả kiểm kê rừng để chuyển vẽ các khoanh đất lâm nghiệp lên bản đồ điều tra kiểm kê mà không phải thực hiện điều tra khoanh vẽ thực địa. Đối với đất quốc phòng, đất an ninh theo quy định sẽ do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện; các địa phương phải sử dụng kết quả kiểm kê của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để chuyển vẽ các khoanh đất lên bản đồ điều tra kiểm kê của địa phương mà không phải thực hiện điều tra khoanh vẽ thực địa.

Do đó, phần dự toán kinh phí kiểm kê của các đơn vị hành chính có diện tích đất lâm nghiệp đã kiểm kê theo Quyết định số 594/QĐ-TTg và diện tích đất quốc phòng, đất an ninh sẽ được trừ đi phần kinh phí điều tra khoanh vẽ thực địa (do không phải thực hiện). Việc xác định kinh phí tính trừ được thực hiện bằng cách: tính tổng số công thực hiện điều tra khoanh vẽ thực địa cho một xã có diện tích trung bình 1000 ha theo quy định tại Mục I, Chương II, Phần II (trong bảng 8, tiết 3) của Thông tư số 42/2014/TT-BTNMT ngày 29 tháng 7 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Định mức kinh tế - kỹ thuật thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất (sau đây gọi tắt Thông tư số 42/2014/TT-BTNMT); trên cơ sở đó xác định số công điều tra khoanh vẽ thực địa trung bình cho 01 ha để nhân với diện tích rừng đã thực hiện kiểm kê theo Quyết định số 594/QĐ-TTg và diện tích đất quốc phòng, diện tích đất an ninh do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện và nhân với lương ngày công lao động để tính kinh phí phải giảm trừ đi so với đơn giá chuẩn.

2. Đối với các chỉ tiêu theo quy định tại Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2014 (do Thông tư số 42/2014/TT-BTNMT chưa tính mức cho các nội dung này) được áp dụng một số nội dung chi hướng dẫn tại Phụ lục số 03 “nhiệm vụ chưa có định mức, đơn giá” của Thông tư liên tịch số 04/2007/TTLT-BTC-BTNMT ngày 27 tháng 02 năm 2007 của Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn lập dự toán kinh phí đo đạc bản đồ và quản lý đất đai (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 04/2007/TTLT-BTC-BTNMT), gồm các nội dung chi:

- Chi công cho điều tra viên (thuê ngoài);

- Công tác phí cho cán bộ đi điều tra khảo sát

- Chi công tổng hợp, phân tích báo cáo kết quả cho 7 báo cáo/tỉnh (gồm: báo cáo chuyên sâu về đất trồng lúa; đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất; đất khu công nghệ cao, khu kinh tế; đất của các công ty nông, lâm nghiệp và ban quản lý rừng; đất của các khu kinh tế; đất bãi bồi ven biển; đất của các tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất không thu tiền chưa chuyển sang thuê đất); do tính chất quy mô của báo cáo không phức tạp, chỉ áp dụng ở mức 2.000.000 đồng/báo cáo.

3. Các chi phí khác tính theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 04/2007/TTLT-BTC-BTNMT; riêng chi phí kiểm tra nghiệm thu tại cấp xã, huyện sử dụng trong kinh phí tính theo tỷ lệ quy định; chi phí trực tiếp và chi phí chung để thực hiện mà không đủ chi thì tính thêm phần công tác phí theo chế độ hiện hành cho ban chỉ đạo, tổ chuyên viên giúp việc của tỉnh (nếu có), trình UBND tỉnh phê duyệt chi tiết trước khi thực hiện.

4. Một số lưu ý khi áp dụng Thông tư số 42/2014/TT-BTNMT:

a) Khi áp dụng hệ số quy mô diện tích cấp xã (Kdtx) quy định tại Bảng 2, Điểm 2, Mục I - Thống kê đất đai cấp xã để tính định mức cho công tác thống kê, kiểm kê đất đai cấp xã phải tính nội suy đối với đơn vị hành chính có diện tích tự nhiên nằm trong khoảng giữa quy định tại Bảng 2 theo công thức sau:

Bảng 2

STT

Diện tích tự nhiên (ha)

Hệ số
(Kdtx)

Hệ số cụ thể được xác định bằng công thức tính nội suy

1

≤ 100 - 1.000

0,5 - 1,00

Hệ số của xã cần tính = 0,5+((1,0-0,5)/(1000- 100))x(diện tích của xã cần tính - 100)

2

> 1.000 - 2.000

1,01 - 1,10

Hệ số của xã cần tính = 1,01+((1,1-1,01)/(2000- 1000))x(diện tích của xã cần tính - 1000)

3

> 2.000 - 5.000

1,11 - 1,20

Hệ số của xã cần tính = 1,11+((1,2-1,11)/(5.000- 2000))x(diện tích của xã cần tính - 2000)

4

> 5.000 - 10.000

1,21 - 1,30

Hệ số của xã cần tính = 1,21+((1,3-1,21)/(10.000- 5000))x(diện tích của xã cần tính - 5000)

5

> 10.000 - 150.000

1,31 - 1,40

Hệ số của xã cần tính = 1,31+((1,4-1,31)/(150.000-10.000))x(diện tích của xã cần tính - 10.000)

b) Sửa lại Ghi chú cuối các bảng, gồm: (1) Ghi chú cuối Bảng 4 sửa lại “Ghi chú: Định mức tại Bảng 4 nêu trên tính cho huyện trung bình có 15 đơn vị cấp xã”; (2) Ghi chú cuối Bảng 5 sửa lại là “Ghi chú: Định mức tại Bảng 5 nêu trên tính cho tỉnh trung bình có 10 đơn vị cấp huyện”; (3) Tại tiết 2 ghi chú cuối Bảng 8 sửa lại là “Định mức tại Bảng 8 nêu trên tính cho xã trung bình có diện tích bằng 1.000 ha”; (4) Ghi chú cuối Bảng 13 sửa lại là “Ghi chú: Định mức tại Bảng 13 nêu trên tính cho huyện trung bình có 15 đơn vị cấp xã)”; (5) Tại ghi chú cuối Bảng 19 sửa lại là “Ghi chú: Định mức tại Bảng 19 nêu trên tính cho tỉnh trung bình có 10 đơn vị cấp huyện”; (6) Ghi chú cuối Bảng 20 sửa lại là: “Ghi chú: ... có 10 đơn vị cấp huyện”; (7) Ghi chú cuối Bảng 30, gạch đầu dòng thứ nhất sửa lại là: “- Định mức dụng cụ, thiết bị trên tính cho xã đồng bằng có diện tích bằng 1.000 ha);...”; (8) Ghi chú cuối Bảng 33 sửa lại là “Định mức dụng cụ, thiết bị trên tính cho huyện trung bình có 15 đơn vị cấp xã”; (9) Ghi chú cuối Bảng 36 sửa lại là: “Định mức dụng cụ, thiết bị trên tính cho tỉnh trung bình có 10 đơn vị cấp huyện”.

c) Khi áp dụng hệ số tỷ lệ bản đồ cấp xã (Ktlx) quy định tại Bảng 10, Điểm 2, Mục I - Kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp xã để tính mức cho việc lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp xã phải tính nội suy đối với đơn vị hành chính có diện tích tự nhiên nằm trong khoảng giữa quy định tại Bảng 10 theo công thức sau:

Bảng 10

[...]