Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Công văn 159/LĐTBXH-BTXH năm 2021 về thí điểm chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 159/LĐTBXH-BTXH
Ngày ban hành 19/01/2021
Ngày có hiệu lực 19/01/2021
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Người ký Lê Tấn Dũng
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng,Công nghệ thông tin,Văn hóa - Xã hội

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 159/LĐTBXH-BTXH
V/v thí điểm chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt

Hà Nội, ngày 19 tháng 01 năm 2021

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Thừa Thiên Huế và Thành phố Hồ Chí Minh

Thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam; Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội; Quyết định số 634/QĐ-LĐTBXH ngày 29/5/2018 ban hành Kế hoạch thực hiện giai đoạn 2018-2020 Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 708), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có kế hoạch thực hiện thí điểm chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt tại tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Thừa Thiên Huế và Thành phố Hồ Chí Minh, như sau:

1. Mục tiêu

a) Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội theo nhiều phương thức hiện đại, tiện lợi, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán hiện đại của nền kinh tế

b) Góp phần triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào chi trả chính sách trợ giúp xã hội cho người dân, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đổi mới về tổ chức và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực trợ giúp xã hội.

c) Từng bước cải cách thủ tục hành chính trong chi trả chính sách trợ giúp xã hội đối với người dân, bảo đảm chi trả kịp thời, nhanh chóng, công khai, minh bạch và tiết kiệm chi phí hành chính.

d) Nâng cao năng lực cho các cán bộ, hiểu biết của người dân về Chính phủ điện tử, quy trình nghiệp vụ giải quyết chính sách và chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt.

2. Nguyên tắc thực hiện thí điểm

a) Bảo đảm đối tượng hưởng chế độ, chính sách trợ giúp xã hội đúng, đủ, kịp thời và quy trình chi trả đơn giản, phù hợp với từng đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội.

b) Bảo đảm đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong chi trả chính sách trợ giúp xã hội.

c) Đối tượng chính sách có quyền lựa chọn hình thức chi trả phù hợp, khuyến khích đối tượng nhận qua tài khoản ngân hàng để đảm bảo mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt, với chi phí phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đối tượng hưởng lợi.

3. Phạm vi, đối tượng, các tổ chức cung ứng dịch vụ và thời gian thí điểm

a) Phạm vi: Thực hiện thí điểm chi trả không dùng tiền mặt chi trả chính sách trợ giúp xã hội tại tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Thừa Thiên Huế và Thành phố Hồ Chí Minh.

b) Thời gian: Từ tháng 01 đến tháng 12 năm 2021.

4. Nội dung thực hiện thí điểm

a) Xây dựng phương án thanh toán tổng thể và tăng cường mạng lưới chi trả trên địa bàn thí điểm:

Tổ chức cung cấp dịch vụ tham gia thí điểm xây dựng phương án chi trả, bảo đảm hạ tầng và công nghệ triển khai chi trả không dùng tiền mặt, thực hiện đa dạng hóa các phương thức chi trả (qua tài khoản ngân hàng, tài khoản số hoặc tiền mặt...), đảm bảo mạng lưới chi trả tại cấp xã. Trường hợp đối tượng không thể giao dịch được bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, tổ chức cung cấp dịch vụ có trách nhiệm chi trả tại nhà cho đối tượng.

b) Tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân về thay đổi phương thức chi trả chính sách trợ giúp xã hội từ phương thức bằng tiền mặt, thủ công truyền thống sang phương thức chi trả không dùng tiền mặt.

c) Biên soạn tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã về công tác chi trả không dùng tiền mặt.

d) Chuẩn bị dịch vụ đáp ứng yêu cầu chi trả trên cơ sở hình thức chi trả mà đối tượng hưởng lợi lựa chọn.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức truyền thông tới đối tượng về các phương thức chi trả không dùng tiền mặt, hướng dẫn đối tượng đăng ký hình thức nhận chi trả (chi trả qua tài khoản ngân hàng, tài khoản ngân hàng số hoặc tiền mặt).

đ) Ủy ban nhân dân cấp xã và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện tổng hợp danh sách đăng ký phương thức nhận chi trả của đối tượng và thông tin cá nhân của đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội để thực hiện việc mở tài khoản.

e) Chuẩn bị hồ sơ để mở tài khoản: Trên cơ sở danh sách đăng ký mở tài khoản, Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện thực hiện hướng dẫn người dân rà soát giấy tờ pháp lý như: chứng minh nhân dân, căn cước công dân, Giấy khai sinh, Giấy ủy quyền hoặc giấy tờ pháp lý khác, bảo đảm đối tượng thụ hưởng chính sách trên địa bàn có đủ giấy tờ để mở tài khoản cho mình hoặc cho người được ủy quyền.

g) Thực hiện chi trả cho đối tượng

Hàng tháng, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện chuyển danh sách người hưởng chính sách trợ giúp xã hội đến Tổ chức cung cấp dịch vụ (danh sách chi trả trong tháng, danh sách tăng, giảm, điều chỉnh nếu có), đồng thời lập Ủy nhiệm chi gửi Kho bạc huyện để chuyển tiền vào Tài khoản ngân hàng của Tổ chức cung cấp dịch vụ. Tổ chức cung cấp dịch vụ thực hiện chi trả vào tài khoản ngân hàng hoặc tài khoản ngân hàng số cho các đối tượng. Trường hợp đối tượng không thể giao dịch bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt thì thực hiện chi trả bằng tiền mặt cho đối tượng.

h) Công tác đối chiếu và thanh quyết toán:

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổ chức cung ứng dịch vụ thực hiện đối chiếu và quyết toán chi trả theo quy định.

5. Trách nhiệm thực hiện

[...]