Kính gửi:
|
- Văn phòng, Vụ 9, Vụ 10, T1, T3 VKSNDTC;
- Viện trưởng các VKSND cấp cao 1, 2, 3;
- Viện trưởng VKSND các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương.
|
Trong quá trình triển khai thi hành Luật Tố tụng
hành chính năm 2015 (Luật TTHC năm 2015) thực hiện công tác kiểm sát việc giải
quyết các vụ án hành chính, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) các cấp đã tổng hợp
các khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định của Luật TTHC năm 2015
qua thực tiễn công tác, đề nghị VKSND tối cao hướng dẫn, giải đáp. Để thống nhất
nhận thức đối với các quy định của Luật TTHC năm 2015 trong ngành Kiểm sát nhân
dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng, nâng cao chất lượng, hiệu quả
công tác, VKSND tối cao hướng dẫn, giải đáp một số vấn đề vướng mắc, được nhiều
VKS cấp dưới quan tâm, cụ thể như sau:
1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất có phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính không?
Trả lời:
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 3
Luật TTHC năm 2015, khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013
thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là quyết định hành chính và có thể là đối
tượng khởi kiện vụ án hành chính nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật TTHC (Tham khảo thêm Mục
1 Phần I Công văn số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016 của TAND tối cao Giải đáp
một số vấn đề về tố tụng hành chính, tố tụng dân sự).
2. Trường hợp Giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất được cấp đổi; quyền sử dụng đất đã được chuyển nhượng, thừa kế...và
cơ quan có thẩm quyền đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới nhưng vẫn
còn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũ, thì khi khởi kiện vụ án hành chính
yêu cầu Tòa án hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người khởi kiện phải yêu
cầu hủy tất cả các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay chỉ yêu cầu hủy Giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất mới? Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nào là đối
tượng khởi kiện vụ án hành chính?
Trả lời:
Các trường hợp nêu trên thuộc trường hợp Nhà nước
phải thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp theo điểm
b và điểm c khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai năm 2013.
Khoản 3 Điều 87 Nghị định
43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số
điều của Luật Đất đai (Nghị định 43/2014/NĐ-CP) hướng dẫn như sau: “Trường hợp
cấp đổi Giấy chứng nhận...hoặc đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với
đất mà phải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản
khác gắn liền với đất thì người sử dụng đất nộp Giấy chứng nhận đã cấp trước
đây cùng với hồ sơ đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận, hồ sơ đăng ký biến động.
Văn phòng đăng ký đất đai quản lý Giấy chứng nhận đã nộp sau khi kết thúc thủ tục
cấp đổi, thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất”.
Khoản 7 Điều 87 Nghị định
43/2014/NĐ-CP quy định: “Trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận theo quy định
tại các Khoản 1, 2, 3, 4 và 6 Điều này mà người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản
gắn liền với đất không giao nộp Giấy chứng nhận thì Văn phòng đăng ký đất đai
có trách nhiệm báo cáo cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quyết định hủy Giấy chứng
nhận đã cấp; chỉnh lý hồ sơ địa chính theo quy định; lập danh sách Giấy chứng
nhận đã bị hủy gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai để
thông báo công khai trên trang thông tin điện tử”.
Từ các quy định nêu trên, Giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất cũ mặc dù chưa thu hồi được nhưng không còn giá trị pháp lý vì đã bị
cơ quan có thẩm quyền hủy và đưa vào danh sách Giấy chứng nhận bị hủy, được
thông báo công khai. Khi khởi kiện vụ án hành chính, người khởi kiện chỉ cần
yêu cầu Tòa án hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới.
3. Quyết định kỷ luật buộc thôi
việc là đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính hay vụ án lao động?
Trả lời:
(1). Quyết định kỷ luật buộc thôi việc
là đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính là “quyết định kỷ luật buộc thôi
việc công chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống’’ (khoản 2 Điều 30 Luật TTHC năm 2015).
(2). Vụ án lao động không giải quyết
khiếu kiện Quyết định kỷ luật buộc thôi việc, mà giải quyết tranh chấp lao động
cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động về xử lý kỷ luật lao động
theo hình thức sa thải (điểm a khoản 1 Điều 32 BLTTDS năm
2015).
Như vậy, trong trường hợp này, để phân biệt quan hệ
tranh chấp là đối tượng giải quyết của vụ án hành chính hay vụ án lao động thì
cần căn cứ vào 02 yếu tố: hình thức xử lý kỷ luật (buộc thôi việc
hoặc sa thải) và chủ thể bị xử lý kỷ luật (công chức giữ chức vụ
từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống hoặc người lao động khác). Trong
đó, hình thức xử lý kỷ luật buộc thôi việc có thể được áp dụng đối với công chức
(điểm e khoản 1 Điều 79 Luật Cán bộ, công chức) hoặc viên
chức (điểm d khoản 1 Điều 52 Luật Viên chức); nếu hình thức
xử lý kỷ luật này được áp dụng đối với công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng
và tương đương trở xuống mà công chức khiếu kiện thì vụ việc được giải quyết
theo thủ tục tố tụng hành chính. Nếu hình thức xử lý kỷ luật buộc thôi việc được
áp dụng đối với viên chức, hình thức xử lý kỷ luật sa thải được áp dụng với người
lao động không phải là cán bộ, công chức, viên chức (khoản 3 Điều
125 Bộ luật lao động), nếu viên chức, người lao động khởi kiện thì được xác
định là vụ án lao động và được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
4. Quyết định hành chính, hành
vi hành chính thuộc phạm vi bí mật Nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh,
ngoại giao (điểm a khoản 1 Điều 30 Luật TTHC năm
2015) là những quyết định hành chính, hành vi hành
chính nào?
Trả lời:
Điểm a khoản 1 Điều 30 Luật TTHC
năm 2015 quy định: Khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án là khiếu
kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ Quyết định hành chính,
hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng,
an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật.
Như vậy, việc xác định Quyết định hành chính, hành
vi hành chính nào thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng,
an ninh, ngoại giao phải căn cứ vào quy định của pháp luật, cụ thể là: Pháp lệnh
Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2000, Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 của
Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước và Nghị định
số 49/2012/NĐ-CP ngày 04/6/2012 của Chính phủ quy định danh mục các quyết định
hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực
quốc phòng, an ninh, ngoại giao. Theo đó, Nghị định số 49/2012/NĐ-CP đã quy định
cụ thể danh mục 38 quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc
phạm vi bí mật nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng (Điều 4), danh mục 35
quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong
lĩnh vực an ninh (Điều 5); danh mục 29 quyết định hành chính,
hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong lĩnh vực ngoại giao (Điều
6).
Bên cạnh đó, còn phải căn cứ vào các văn bản quy phạm
pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Thủ tướng Chính phủ, bộ, ban,
ngành, đoàn thể trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương) về Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại
giao, chẳng hạn như: Quyết định số 17/2014/QĐ-TTg ngày 25/02/2014 của Thủ tướng
Chính phủ về Danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật của ngành Ngoại
giao; Thông tư số 12/2014/TT-BCA-A81 ngày 19/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an
quy định Danh mục bí mật nhà nước độ Mật của ngành Ngoại giao...
5. Trong đơn khởi kiện, người
khởi kiện đồng thời khởi kiện một quyết định hành chính và một hành vi hành
chính, nhưng sau đó xác định hành vi bị khởi kiện không phải là hành vi hành
chính thì giải quyết như thế nào?
Trả lời:
- Trường hợp Tòa án chưa thụ lý vụ án mà xác định
được hành vi bị khởi kiện không phải là hành vi hành chính thì có thể tham khảo
quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 01/2015/NQ-HĐTP1 (sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1
Điều 13 Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP2) để xử
lý: “Trường hợp đối tượng khởi kiện ghi trong đơn không thuộc đối tượng khởi
kiện vụ án hành chính thì Tòa án giải thích cho người khởi kiện biết để người
khởi kiện sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện về đối tượng khởi kiện...”.
- Trường hợp Tòa án sau khi thụ lý vụ án mới xác định
được hành vi bị khởi kiện không phải là hành vi hành chính thì có thể căn cứ
vào điểm h khoản 1 Điều 143 Luật TTHC năm 2015 (dẫn tới quy
định tại điểm đ khoản 1 Điều 123 về sự việc không thuộc thẩm
quyền giải quyết của Tòa án) để đình chỉ việc giải quyết đối với yêu cầu khởi
kiện hành vi không phải là hành vi hành chính.
6. Quyết định hành chính được
Trưởng phòng của Ủy ban nhân dân (UBND) huyện ký Thừa ủy quyền (TUQ.) Chủ tịch
UBND huyện mà quyết định hành chính đó bị khiếu kiện thì có thuộc thẩm quyền giải
quyết của TAND cấp huyện không?
Trả lời:
Điều 2 Nghị quyết số
02/2011/NQ-HĐTP quy định: “...Trường hợp quyết định hành chính hoặc hành
vi hành chính do một người cụ thể ký hoặc thực hiện, nhưng người đó ký quyết định
hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính với danh nghĩa một chức vụ, chức
danh có thẩm quyền thì quyết định hành chính, hành vi hành chính đó là của người
đảm nhiệm chức vụ, chức danh đó.
Ví dụ: Quyết định hành chính do ông Nguyễn Văn A
ký với danh nghĩa Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện B thì gọi là quyết định hành
chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện B mà không gọi là quyết định hành
chính của ông Nguyễn Văn A”.
Trên cơ sở tham khảo quy định trên, quyết định hành
chính được Trưởng phòng của UBND huyện ký thừa ủy quyền Chủ tịch UBND huyện thì
xác định là quyết định hành chính của Chủ tịch UBND huyện. Quyết định hành
chính này bị khiếu kiện thì người bị kiện là Chủ tịch UBND huyện, căn cứ khoản 4 Điều 32 Luật TTHC năm 2015 thì vụ án thuộc thẩm quyền
giải quyết của TAND cấp tỉnh.
7. Người không phải là đối tượng
chịu sự tác động trực tiếp của quyết định hành chính, hành vi hành chính nhưng
có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm hại trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành
vi hành chính thì họ có quyền khởi kiện vụ án hành chính không?
Trả lời:
Các khoản 2 và 4 Điều 3 Luật TTHC
2015 quy định: “Quyết định hành chính bị kiện là quyết định quy định
tại khoản 1 Điều này mà quyết định đó làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt
quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm phát
sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá
nhân”; “Hành vi hành chính bị kiện là hành vi quy định tại khoản
3 Điều này mà hành vi đó làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp
pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.
Khoản 8 Điều 3 Luật TTHC năm 2015
quy định: “Người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ
án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính...”. Khoản 1 Điều 115 Luật TTHC năm 2015 quy định: “Cơ quan, tổ
chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án đối với quyết định hành chính, hành vi
hành chính...trong trường hợp không đồng ý với quyết định, hành vi đó hoặc đã
khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết, nhưng hết thời hạn giải quyết
theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải
quyết nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi
đó.”
Tham khảo Điều 12 Nghị quyết số
02/2011/NQ-HĐTP3 có hướng dẫn cụ thể về thời
hiệu khởi kiện vụ án hành chính đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức không phải là
đối tượng bị tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính và không được nhận
quyết định hành chính hoặc không được chứng kiến/không được thông báo về hành
vi hành chính nhưng bị xâm hại trực tiếp quyền, lợi ích hợp pháp bởi quyết định
hành chính, hành vi hành chính đó (tại các điểm b và c khoản 1),
trong đó có nêu một số ví dụ cụ thể như sau:
“Ví dụ: ... sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất, ông N đã tiến hành xây tường bao diện tích đất 150m2
đó. Ông Q là hàng xóm của ông N cho rằng ông N đã xây tường bao lên cả phần diện
tích đất của ông Q. Ngày 28-7-2011, ông N đã đưa cho ông Q xem giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất cấp cho ông N và ông Q thấy rằng một phần diện tích đất mà
ông N được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là phần diện tích đất của ông
Q. Trong trường hợp này, thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện của ông Q đối
với Quyết định số 19/QĐ-UBND ngày 10-02-2011 của Ủy ban nhân dân quận B là kể từ
ngày ông Q biết được quyết định đó (ngày 28-7-2011).
Ví dụ: ... ông T có căn nhà ở cạnh nhà của ông H
đã bị cưỡng chế tháo dỡ và trong thời gian cưỡng chế tháo dỡ nhà ở của ông H
thì ông T đi công tác nước ngoài. Ngày 15-7-2011, ông T mới đi công tác về và
thấy tường nhà mình bị rạn nứt và được hàng xóm kể lại là nhà ông H đã bị cưỡng
chế tháo dở. Nếu ông T khởi kiện hành vi hành chính tháo dỡ nhà ở xây dựng trái
phép đã xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của ông thì thời điểm bắt đầu tính
thời hiệu khởi kiện của ông T đối với hành vi tháo dỡ nhà ở xây dựng trái phép
đó là kể từ ngày ông T được kể lại về việc thực hiện hành vi cưỡng chế tháo dỡ
nhà ở của ông H (ngày 15-7-2011).”
Từ các quy định trên, người không phải là đối tượng
của quyết định hành chính, hành vi hành chính nhưng có quyền, lợi ích hợp pháp
bị xâm hại trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính thì cũng có
quyền khởi kiện vụ án hành chính.
8. Luật TTHC năm 2015 chưa quy
định trách nhiệm của Tòa án trong việc trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát
Trả lời:
Theo quy định của Luật TTHC năm 2015, TTLT số
03/20164, quyền kiến nghị của Viện kiểm sát với
Tòa án có thể được thực hiện bằng văn bản hoặc bằng lời.
Các kiến nghị phải bằng văn bản gồm có: (1)
Kiến nghị quyết định chuyển vụ án (K6Đ34); (2) Kiến
nghị việc quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời (K1Đ76); (3) Kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện (Điều 124); (4) Kiến nghị về quyết định đưa vụ án ra giải
quyết theo thủ tục rút gọn (K1Đ248); (5) Kiến nghị
xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao (Điều
287); (6) Kiến nghị đối với Tòa án cùng cấp và cấp dưới bảo đảm việc
giải quyết khiếu nại, tố cáo có căn cứ, đúng pháp luật (Điều
343); (7) Kiến nghị Tòa án khắc phục vi phạm (nói chung) trong quá
trình giải quyết các vụ án hành chính (K2Đ25).
Luật TTHC năm 2015 đã quy định trình tự, thủ tục
Tòa án giải quyết đối với các kiến nghị số (1), (2), (3), (4) và (5) nêu trên
và trách nhiệm của Tòa án phải gửi quyết định giải quyết kiến nghị cho VKS.
TTLT số 03/2016 quy định Tòa án có trách nhiệm trả lời bằng văn bản đối với kiến
nghị số (6) (khoản 3 Điều 32 TTLT). Riêng kiến nghị số (7)
Tòa án có trách nhiệm trả lời theo quy định tại khoản 2 Điều 5
Luật Tổ chức VKSND năm 2014, trong văn bản kiến nghị, Viện kiểm sát có thể
xác định thời hạn trả lời hợp lý, hết thời hạn mà Tòa án không trả lời thì Viện
kiểm sát đã kiến nghị báo cáo Viện kiểm sát cấp trên để xem xét, kiến nghị với
Tòa án cấp có thẩm quyền cao hơn.
Việc kiến nghị bằng lời được thực hiện tại phiên
tòa. TTLT số 03/2016 quy định: “Trường hợp Kiểm sát viên yêu cầu Hội đồng
xét xử khắc phục vi phạm về thủ tục tố tụng thì Hội đồng xét xử xem xét, quyết
định chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu; trường hợp không chấp nhận thì nêu
rõ lý do. Quyết định về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận của Hội đồng xét xử
được thảo luận và thông qua tại phòng xử án và được ghi vào biên bản phiên tòa”
(điểm a khoản 1 Điều 27).
9. Điều
26 Luật TTHC năm 2015 bỏ quy định về thời hạn UBND cấp
xã hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan phải thông báo kết quả chuyển giao
bản án, quyết định, giấy triệu tập, giấy mời và giấy tờ khác cho Tòa án như vậy
đã gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án.
Trả lời:
Để khắc phục sự chồng chéo giữa quy định của khoản 2 Điều 24 với Điều 102 Luật TTHC năm 2010, khoản 2 Điều 26 Luật TTHC năm 2015 chỉ quy định chung về trách
nhiệm của UBND xã hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan phải thông báo kết
quả việc chuyển giao bản án, quyết định, giấy triệu tập, giấy mời và giấy tờ
khác cho Tòa án. Còn thời hạn thông báo kết quả chuyển giao được quy định thống
nhất tại Điều 110 thuộc Chương VII (Cấp, tống đạt, thông
báo văn bản tố tụng) của Luật: “Trường hợp người thực hiện việc cấp, tống đạt
hoặc thông báo văn bản tố tụng không phải là người tiến hành tố tụng, người của
cơ quan ban hành văn bản tố tụng thì người thực hiện phải thông báo ngay bằng
văn bản kết quả việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng cho Tòa
án hoặc cơ quan ban hành văn bản tố tụng đó”.
10. Cụm từ “...một đơn vị
hành chính” quy định tại khoản 5 Điều 59 Luật
TTHC năm 2015 được hiểu là đơn vị hành chính cấp
nào?
Trả lời:
Điều 59 Luật TTHC 2015 quy định
về các trường hợp kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng hành chính, tại khoản 5 có nêu: “Trường hợp sáp nhập, chia, tách, giải thể,
điều chỉnh địa giới hành chính trong một đơn vị hành chính mà đối tượng
của quyết định hành chính có sự thay đổi thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đã ra
quyết định hành chính có trách nhiệm tham gia tố tụng với tư cách là người bị
kiện tại Tòa án nơi cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyết định hành chính bị kiện.
Cơ quan tiếp nhận đối tượng của quyết định hành chính bị kiện phải tham gia tố
tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.”
Theo Điều 110 Hiến pháp năm 2013,
Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 thì các đơn vị hành chính của nước
ta gồm có: các đơn vị hành chính cấp xã (xã, phường, thị trấn), các đơn vị hành
chính cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc
thành phố trực thuộc trung ương), các đơn vị hành chính cấp tỉnh (tỉnh, thành
phố trực thuộc trung ương), đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Như vậy, quy định tại khoản 5 Điều
59 Luật TTHC năm 2015 được hiểu là:
- Việc sáp nhập, chia, tách, giải thể có thể được
thực hiện với các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh.
- Việc điều chỉnh địa giới hành chính trong một đơn
vị hành chính mà dẫn đến làm thay đổi đối tượng của quyết định hành chính có thể
thực hiện trong đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh và trong cả nước.
11. Điều
20 Luật TTHC năm 2015 quy định “Tòa án...tạo điều
kiện thuận lợi để các đương sự đối thoại với nhau về việc giải quyết vụ án”,
quy định này được hiểu như thế nào?
Trả lời:
Điều 20 Luật TTHC năm 2015 quy
định về nguyên tắc đối thoại trong tố tụng hành chính, trong đó xác định trách
nhiệm của Tòa án không chỉ tổ chức, tiến hành đối thoại mà còn phải “tạo điều
kiện thuận lợi để các đương sự đối thoại với nhau về việc giải quyết vụ án theo
quy định của Luật này”. Trách nhiệm này của Tòa án có thể được hiểu như
sau:
- Việc tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự đối
thoại với nhau được thực hiện trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ án.
- Trong việc tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp,
tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại, Tòa án cần xác định thời gian, địa
điểm, vị trí ngồi, cách thức, phương pháp...phù hợp, bảo đảm các bên có điều kiện
thuận lợi nhất để tham gia phiên đối thoại (tham khảo Chỉ thị số 04/2017/CT-CA
ngày 03/10/2017 của Chánh án TAND tối cao về việc tăng cường công tác hòa giải
tại TAND).
- Tại phiên tòa mà các bên có nguyện vọng được đối
thoại với nhau để giải quyết vụ án thì Tòa án có thể tạo điều kiện về thời
gian, địa điểm; ưu tiên cho các đương sự tự đối thoại bằng việc tạm ngừng phiên
tòa trong thời hạn tối đa 30 ngày kể từ ngày quyết định tạm ngừng, hết thời hạn
mà việc đối thoại chưa kết thúc thì có thể quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ
án (điểm đ khoản 1, khoản 2 Điều 187, Điều 238 Luật TTHC năm
2015); người tiến hành tố tụng có thể tham gia, hỗ trợ các bên trong cuộc đối
thoại nếu họ có yêu cầu...
- Tuy nhiên, việc “tạo điều kiện thuận lợi”
phải trong khuôn khổ quy định của Luật TTHC về nguyên tắc đối thoại, về thời hạn
và thủ tục giải quyết vụ án, thẩm quyền, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng
và các đương sự tiến hành đối thoại.
12. Vụ án hành chính được thụ
lý trước ngày 01/7/2016, nhưng sau ngày 01/7/2016 mới đưa vụ án ra xét xử, nếu
người đại diện theo ủy quyền của người bị kiện (là cơ quan, tổ chức hoặc người
đứng đầu cơ quan, tổ chức) không phải là cấp phó thì có phải thực hiện lại việc
ủy quyền không? Tòa án có phải tiến hành đối thoại lại không?
Trả lời:
(1). Các khoản 1 và 2
Điều 1 Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội về việc thi
hành Luật TTHC (sau đây viết gọn là Nghị quyết số 104/2015/QH13) quy định: Kể
từ ngày Luật TTHC có hiệu lực thi hành (01/7/2016): Đối với những vụ án hành
chính đã được Tòa án thụ lý trước ngày 01/7/2016, nhưng kể từ 01/7/2016 mới xét
xử theo thủ tục sơ thẩm, những vụ án hành chính đã được Tòa án xét xử theo thủ
tục sơ thẩm trước 01/7/2016 mà có kháng cáo, kháng nghị, nhưng kể từ 01/7/2016
mới xét xử theo thủ tục phúc thẩm thì áp dụng quy định của Luật này để giải quyết.
Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số
02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn
thi hành một số quy định của Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc
hội về việc thi hành BLTTDS và Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của
Quốc hội về việc thi hành Luật TTHC (sau đây viết gọn là Nghị quyết số
02/2016/NQ-HĐTP) quy định: Kể từ ngày Luật TTHC có hiệu lực thi hành
(01-7-2016), Tòa án áp dụng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều
1 Nghị quyết số 104/2015/QH13 để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm,
giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ án hành chính, trừ các trường hợp quy định tại
khoản 1 Điều 371 Luật TTHC thì được áp dụng từ ngày
01-01-2017.
Tham khảo Công văn số 18/UBTVQH14-TP ngày 31/8/2016
của Ủy ban thường vụ Quốc hội hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương thực hiện Điều 60 Luật TTHC có kết luận như sau:
“Như vậy, kể từ ngày 01/7/2016 là ngày Luật TTHC có hiệu lực, thì việc cử
người đại diện trong tố tụng hành chính trước Tòa án nhân dân phải theo đúng
quy định tại Điều 60 của Luật này”.
Từ các quy định trên, vụ án hành chính được thụ lý
trước ngày 01/7/2016, nhưng sau ngày 01/7/2016 mới có quyết định đưa vụ án ra
xét xử (sơ thẩm hoặc phúc thẩm) hoặc mới mở phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm thì phải
áp dụng quy định về người đại diện theo ủy quyền tại khoản 3 Điều
60 Luật TTHC 2015. Người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ
quan, tổ chức phải chấm dứt ủy quyền trong tố tụng hành chính với người được ủy
quyền trước đó và có văn bản ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện.
(Tham khảo thêm nội dung tiểu mục
8 Mục I Công văn số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016 của TAND tối cao Giải đáp một
số vấn đề về tố tụng hành chính, tố tụng dân sự).
(2). Trường hợp người bị kiện là cơ
quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải thực hiện lại việc ủy
quyền để ủy quyền cho cấp phó của mình theo khoản 3 Điều 60 Luật
TTHC năm 2015 thì pháp luật không bắt buộc Tòa án phải thực hiện lại thủ tục
đối thoại. Các hành vi tố tụng do người đại diện trước đó thực hiện phù hợp với
phạm vi đại diện và đúng quy định của pháp luật vẫn phát sinh hiệu lực với người
được đại diện và có giá trị để tiếp tục giải quyết vụ án hành chính.
13. Khoản
1 Điều 62 Luật TTHC năm 2015 quy định: “Người làm
chứng là người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ án được đương sự
đề nghị và Tòa án triệu tập tham gia tố tụng”. Vậy, trường hợp đương sự
không đề nghị thì Tòa án có được tự triệu tập một người tham gia tố tụng với tư
cách người làm chứng không?
Trả lời:
Quy định tại khoản 1 Điều 62
nêu trên là quy định mới so với khoản 1 Điều 56 Luật TTHC năm
2010, theo đó, người làm chứng phải có đủ các điều kiện sau: (1) không
phải là người mất năng lực hành vi dân sự; (2) biết các tình tiết có liên quan
đến nội dung vụ án; (3) được đương sự đề nghị; (4) được Tòa án triệu tập tham
gia tố tụng. Do vậy, nếu đương sự không đề nghị thì Tòa án không tự triệu tập
một người tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng.
(Tham khảo thêm nội dung tại Mục
19 Công văn số 70/VKSTC-V14 ngày 05/01/2018 của VKSND tối cao Giải đáp vướng
mắc trong việc áp dụng quy định của BLTTDS 2015 và nghiệp vụ kiểm sát việc giải
quyết các vụ việc dân sự trong ngành KSND).
14. Kiểm sát viên được quyết định
thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị nào trong tố tụng hành chính?
Trả lời:
Thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng “Phân
định rõ thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp trong
hoạt động tố tụng tư pháp theo hướng tăng quyền và trách nhiệm cho điều
tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán để họ chủ động trong thực thi nhiệm vụ,
nâng cao tính độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi và quyết
định tố tụng của mình”5, Luật TTHC năm 2015
đã quy định bổ sung nhiều nhiệm vụ, quyền hạn mới của Kiểm sát viên tại Điều 43. TTLT số 03/2016 (Điều 20) đã cụ
thể hóa quy định trên theo hướng xác định rõ thẩm quyền quyết định thực hiện
các quyền yêu cầu, kiến nghị của Kiểm sát viên, cụ thể là:
“2. Kiểm sát viên quyết định thực hiện các quyền
yêu cầu, quyền kiến nghị sau đây:
a) Các quyền yêu cầu, quyền kiến nghị quy định tại
các khoản 6 và 8 Điều 43, khoản 6 Điều 84, khoản 4 Điều 166,
điểm c khoản 1 Điều 182, Điều 183 và Điều 186 Luật TTHC;
b) Yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ vụ án hành chính
theo các điều 4, 5 và 6 Thông tư liên tịch này;
c) Yêu cầu Tòa án cho sao chụp bản sao đơn khởi
kiện và tài liệu, chứng cứ trong Trường hợp trả lại đơn khởi kiện theo Điều 21
Thông tư liên tịch này;
d) Yêu cầu đương sự bổ sung nội dung đơn và tài
liệu kèm theo đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực
pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo khoản 2 Điều
258, Điều 286 Luật TTHC;
đ) Yêu cầu người có đơn bổ sung tài liệu, chứng
cứ trong quá trình giải quyết đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án
đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo khoản 2 Điều 259, Điều 286 Luật TTHC;
e) Yêu cầu Tòa án, cơ quan khác, tổ chức, cá
nhân cung cấp hồ sơ, tài liệu về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo Điều 343 Luật TTHC và khoản 3 Điều 31 Thông tư liên tịch này;
g) Yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người tham
gia tố tụng cư trú, cơ quan, tổ chức nơi người tham gia tố tụng làm việc thực
hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng theo khoản
3 Điều 101 Luật TTHC;
h) Kiến nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người
chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực
hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cư trú cử
người giám hộ đứng ra khởi kiện vụ án hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích hợp
pháp cho người đó, nếu họ không có người khởi kiện theo khoản 3
Điều 25 Luật TTHC;
i) Kiến nghị quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ
hoặc việc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên
tòa theo khoản 2 Điều 76 Luật TTHC;
k) Kiến nghị việc trả lại đơn khởi kiện với Tòa
án đã trả lại đơn khởi kiện theo khoản 1 Điều 124 Luật TTHC.”
Trong thực tiễn thực hiện các quy định nêu trên, Kiểm
sát viên cũng cần căn cứ vào hệ thống mẫu văn bản tố tụng, nghiệp vụ công tác
kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính (nội dung hướng dẫn về thẩm quyền
ký) (được ban hành kèm theo Quyết định số 204/QĐ-VKSTC ngày 01/6/2017 của Viện
trưởng VKSND tối cao về việc ban hành mẫu văn bản tố tụng, nghiệp vụ tạm thời
trong lĩnh vực kiểm sát hoạt động tư pháp) để thực hiện thống nhất.
15. Kiểm tra viên được thực hiện
những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể nào để giúp Kiểm sát viên kiểm sát việc tuân
theo pháp luật?
Trả lời:
Trên cơ sở quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm
tra viên tại khoản 4 Điều 90 Luật Tổ chức VKSND năm 2014, Luật TTHC (Điều 44) đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm
tra viên trong tố tụng hành chính như sau:
“Khi được phân công, Kiểm tra viên có những nhiệm
vụ, quyền hạn sau đây:
1. Nghiên cứu hồ sơ vụ án, báo cáo kết quả với
Kiểm sát viên;
2. Lập hồ sơ kiểm sát vụ án hành chính theo sự
phân công của Kiểm sát viên hoặc Viện trưởng Viện Kiểm sát;
3. Giúp Kiểm sát viên kiểm sát việc tuân theo
pháp luật theo quy định của Luật này.”
Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Kiểm tra viên trong
tố tụng hành chính còn được quy định rõ trong Quy chế công tác kiểm sát việc giải
quyết các vụ án hành chính (được ban hành kèm theo Quyết định số 282/QĐ-VKSTC
ngày 01/8/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao). Theo đó, Kiểm tra viên được tham
gia thực hiện hầu hết các hoạt động tố tụng, nghiệp vụ trong công tác kiểm sát
việc giải quyết các vụ án hành chính dưới sự chỉ đạo của Kiểm sát viên, nhưng
không được ký văn bản tố tụng.
16. Việc phân công, thay đổi
Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án có phải bằng văn bản
và được thông báo cho Viện kiểm sát, các đương sự trong vụ án không?
Trả lời:
(1). Theo Danh mục 62 biểu mẫu trong
tố tụng hành chính (được ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP ngày
13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC) không có mẫu văn bản phân công hoặc
thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án.
(2). Luật TTHC năm 2015 không quy định
việc Tòa án phải thông báo cho Viện kiểm sát về việc phân công Thẩm phán (gồm
Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện, Thẩm phán giải quyết vụ án), Hội thẩm nhân
dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án và việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân
dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án trước khi mở phiên tòa và tại phiên tòa theo Điều 49 Luật TTHC. Viện Kiểm sát Kiểm sát thành phần, tư cách
pháp lý của người tiến hành tố tụng thông qua nghiên cứu tài liệu trong hồ sơ vụ
án và qua Kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa.
17. Viện trưởng Viện kiểm sát
có được ủy quyền cho Phó Viện trưởng ký quyết định kháng nghị không? Nếu được ủy
quyền thì có phải Iập văn bản ủy quyền không?
Trả lời:
Điều 2 TTLT số 03/2016 quy định:
“Chánh án, Viện trưởng đã quyết định kháng nghị trực tiếp ký quyết định
kháng nghị hoặc phân công Phó Chánh án, Phó Viện trưởng ký quyết định
kháng nghị. Phó Chánh án, Phó Viện trưởng ký quyết định kháng nghị phải ghi rõ
là “ký thay Chánh án” hoặc “ký thay Viện trưởng”.
Như vậy, sau khi Viện trưởng quyết định việc kháng
nghị, Viện trưởng có thể phân công (không phải ủy quyền) Phó Viện trưởng ký quyết
định kháng nghị thay Viện trưởng. Việc phân công có thể được thực hiện đối với
từng vụ án hoặc có tính thường xuyên theo lĩnh vực công tác Phó Viện trưởng phụ
trách. Do pháp luật không quy định nên việc phân công không bắt buộc phải bằng
văn bản, Danh mục biểu mẫu công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành
chính cũng không quy định mẫu văn bản này.
18. Điều
42 Luật TTHC năm 2015 quy định việc Viện trưởng ủy
nhiệm cho một Phó Viện trưởng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng.
Quy định này khác gì với việc Viện trưởng phân công Phó Viện trưởng phụ trách
công tác của các đơn vị của VKSND?
Trả lời:
Điều 42 Luật TTHC 2015 về nhiệm
vụ, quyền hạn của Viện trưởng Viện kiểm sát quy định:
“1. Khi thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp
luật trong hoạt động tố tụng hành chính, Viện trưởng Viện Kiểm sát có những nhiệm
vụ, quyền hạn sau đây:…..…
2. Khi Viện trưởng vắng mặt, một Phó Viện trưởng
được Viện trưởng ủy nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng, trừ
quyền quyết định kháng nghị quy định tại điểm d khoản 1 Điều này. Phó Viện trưởng
chịu trách nhiệm trước Viện trưởng về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được ủy nhiệm.”
Như vậy, việc Viện trưởng ủy nhiệm cho một Phó Viện
trưởng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng theo Điều
42 Luật TTHC 2015 chỉ được thực hiện khi Viện trưởng vắng mặt và chỉ trong
phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng quy định từ điểm a
đến điểm g khoản 1 Điều 42 (trừ điểm d), là các nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện
chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp trong việc giải quyết vụ án hành chính.
Khi Viện trưởng không còn vắng mặt thì việc ủy nhiệm đương nhiên hết hiệu lực.
Còn việc Viện trưởng phân công Phó Viện trưởng phụ
trách công tác của một số đơn vị thuộc VKS cấp mình và một số VKSND cấp dưới là
việc phân công nhiệm vụ có tính thường xuyên, trong thời gian dài. Phó Viện trưởng
thay mặt Viện trưởng trực tiếp phụ trách, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các mặt
công tác trong tổ chức và hoạt động của các đơn vị, VKS đó. Phó Viện trưởng thực
hiện nhiệm vụ được phân công không phụ thuộc Viện trưởng có mặt hay vắng mặt.
Trên đây là giải đáp một số vướng mắc về việc áp dụng
quy định của LTTHC năm 2015 và nghiệp vụ Kiểm sát việc giải quyết các vụ án
hành chính để các VKSND nghiên cứu, tham khảo. Quá trình thực hiện, nếu có khó
khăn, vướng mắc hoặc cần trao đổi, đề nghị phản ánh về VKSND tối cao (Vụ Pháp
chế và Quản lý khoa học) để hướng dẫn kịp thời.
Nơi nhận:
- Đ/c Viện trưởng VKSNDTC (để b/c);
- Đ/c Nguyễn Thị Thủy Khiêm, PVT VKSNDTC (để b/c);
- Đ/c Lê Hữu Thể, PVT VKSTC (để b/c);
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Lưu: VT, V14.
|
TL. VIỆN TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG
VỤ PHÁP CHẾ VÀ QUẢN LÝ KHOA HỌC
Hoàng Thị Quỳnh Chi
|
1 Nghị quyết số
01/2015/NQ-HĐTP ngày 15/01/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số
02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành
một số quy định của Luật TTHC.
2 Nghị quyết số
02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành
một số quy định của Luật TTHC.
3 Mặc dù Nghị quyết
số 02/2011/NQ-HĐTP là văn bản hướng dẫn thi hành Luật TTHC 2010 nhưng nội dung
quy định về Quyền khởi kiện vụ án tại Điều 115 Luật TTHC 2015 không có sự thay
đổi lớn so với quy định tại Điều 103 Luật TTHC 2010 nên vẫn có thể vận dụng nội
dung hướng dẫn về vấn đề này của Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP để giải quyết.
4 Thông tư liên tịch
số 03/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 của VKSND tối cao và TAND tối cao
quy định việc phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc thi hành một số quy định của
Luật TTHC.
5 Nghị quyết số
49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm
2020.