Công văn 1488/UBND-KT năm 2019 báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công năm 2018 do Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 1488/UBND-KT
Ngày ban hành 19/04/2019
Ngày có hiệu lực 19/04/2019
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Thanh Liêm
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1488/UBND-KT
V/v báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công năm 2018

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 4 năm 2019

 

Kính gửi: Bộ Tài chính

Căn cứ Luật Quản lý và sử dụng tài sản công năm 2017.

Căn cứ Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công.

Theo đề nghị của Bộ Tài chính tại Công văn số 455/BTC-QLCS ngày 09 tháng 01 năm 2019 về báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công năm 2018; Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh báo cáo như sau:

I. Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công năm 2018:

1. Tình hình ban hành và thực hiện các văn bản pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công:

1.1. Các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý, sử dụng tài sản công do thành phố ban hành:

Căn cứ Luật Quản lý và sử dụng tài sản công năm 2017; Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngay 26 tháng 12 năm 2017, Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ; Thông số 144/2017/TT-BTC ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ Tài chính...; Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành các văn bản về quản lý sử dụng tài sản công năm 2018 như sau:

- Quyết định số 6383/QĐ-UBND ngày 09 tháng 12 năm 2017 về giao chỉ tiêu dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2018;

- Quyết định số 2968/QĐ-UBND ngày 17 tháng 7 năm 2018 và Quyết định số 459/QĐ-UBND ngày 01 tháng 02 năm 2019 về thành lập Ban chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh;

- Quyết định số 27/2018/QĐ-UBND ngày 31 tháng 7 năm 2018 về ban hành quy định về phân cấp quản lý nhà nước đi với tài sản công tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và tổ chức khác được thành lập theo quy định pháp luật về Hội được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh;

- Quyết định số 3370/QĐ-UBND ngày 13 tháng 8 năm 2018 về Danh mục mua sắm tập trung trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh;

- Quyết định số 6062/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2018 về tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng trong lĩnh vực y tế.

1.2. Đánh giá tình hình thực hiện các văn bản pháp luật:

Việc ban hành các văn bản quy định về quản lý, sử dụng tài sản công từ Trung ương đến địa phương trong thời gian qua đã tác động tích cực đến việc quản lý, sử dụng tài sản công, kết quả thực hiện được đánh giá như sau:

- Thực hiện phân cấp rõ ràng nhiệm vụ quản lý tài sản công gia các cấp, từng loại hình cơ quan, tổ chức, đơn vị; xác định rõ thẩm quyền trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quản lý sử dụng tài sản công; đảm bảo việc sử dụng tài sản công minh bạch, hiệu quả; nắm bắt được các quy định trình tự thủ tục trong công tác quản lý, sử dụng tài sản về đầu tư xây dựng, bảo dưỡng - sửa chữa, mua sắm, thanh lý, điều chuyển,... để thực hiện đúng trình tự thủ tục và đúng thẩm quyền theo phân cấp.

- Công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan đơn vị ngày càng tốt hơn, đi vào nề nếp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trách nhiệm và quyền hạn của các Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc quản lý, sử dụng tài sản công được nâng cao, quy định phân cấp rõ ràng, cụ thể, hạn chế việc sử dụng lãng phí, kém hiệu quả.

- Đa số các đơn vị đã tự xây dựng quy chế quản lý, sử dụng tài sản công theo đúng các quy định hiện hành, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị và thực hiện công khai tài sản theo đúng quy định tại Thông tư số 144/2017/TT-BTC ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ Tài chính.

2. Tình hình quản lý, sử dụng tài sản công:

2.1. Thực trạng công tác quản lý, sử dụng tài sản công:

Nhìn chung công tác quản lý sử dụng tài sản công tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố đã nghiêm túc thực hiện theo các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Việc quản lý, sử dụng tài sản công được thực hiện đúng theo phân cấp thẩm quyền tại Quyết định số 27/2018/QĐ-UBND ngày 31 tháng 7 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành.

Việc đầu tư xây dựng và mua sắm tài sản thực hiện theo kế hoạch, tiêu chuẩn định mức và trong dự toán được giao. Tài sản công tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố được thực hiện hạch toán, mở sổ theo dõi tương đối đầy đủ về hiện vật, giá trị và thực hiện chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định theo Thông tư số 162/2014/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2014, Thông tư số 45/2018/TT-BTC ngày 07 tháng 5 năm 2018 (có hiệu lực từ ngày 02 tháng 7 năm 2018, thay thế Thông tư số 162/2014/TT-BTC) của Bộ Tài chính.

Việc thực hiện công khai quản lý, sử dụng tài sản công (Công khai dự toán ngân sách; Công khai kế hoạch mua sắm tài sản nhà nước theo dự toán; Công khai thực hiện mua sắm tài sản nhà nước theo dự toán; Công khai quản lý sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, phương tiện đi lại và tài sản khác; Công khai tình hình xử lý tài sản nhà nước gồm điều chuyển, bán, thanh lý;.... ) đã được các cơ quan, tổ chức, đơn vị quan tâm và được thực hiện qua việc công bố trong các cuộc họp thường niên, niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; đưa lên trang thông tin điện tử;...

Việc cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu tài sản vào cơ sở dữ liệu quốc gia đã được các cơ quan, tổ chức, đơn vị quan tâm thực hiện; tuy nhiên vẫn còn một số đơn vị chưa theo sát và chưa phản ánh kịp thời tình hình biến động tài sản, công tác quản lý hồ sơ liên quan đến tài sản tại đơn vị còn thiếu sót, gây khó khăn trong việc tổng hợp số liệu báo cáo.

2.2. Đánh giá những mặt tích cực, hiệu quả, những tồn tại, sai phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công:

a) Những mặt tích cực, hiệu quả:

Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công từ trung ương đến địa phương tương đối đầy đủ, tạo được nhiều thuận lợi trong quá trình quản lý, sử dụng tài sản. Thông qua các quy định của Luật, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, góp phần đưa công tác quản lý, sử dụng tài sản công ngày càng nề nếp.

[...]