Công văn 1454/BTNMT-BĐKH năm 2023 thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam cập nhật năm 2022 do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
Số hiệu | 1454/BTNMT-BĐKH |
Ngày ban hành | 09/03/2023 |
Ngày có hiệu lực | 09/03/2023 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Người ký | Lê Công Thành |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1454/BTNMT-BĐKH |
Hà Nội, ngày 09 tháng 3 năm 2023 |
Kính gửi: |
- Các Bộ, cơ quan ngang
Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; |
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cùng 147 quốc gia chiếm gần 90% lượng phát thải khí nhà kính và trên 90% GDP toàn cầu đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ và gần 50 quốc gia đã tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; 103 quốc gia (chiếm 40% tổng lượng phát thải mê-tan toàn cầu) đã tham gia Cam kết giảm 30% phát thải mê-tan toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2020; 141 quốc gia với hơn 90% diện tích rừng trên thế giới đã tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu.
Mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào giữa thế kỷ trở thành xu thế phát triển tất yếu của thế giới kèm theo các tuyên bố mạnh mẽ về chuyển đổi năng lượng, phát triển phát thải thấp, phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng tới đạt mục tiêu giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,50C vào cuối thế kỷ. Để thực hiện lộ trình này, đòi hỏi tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam phải chuyển đổi mạnh mẽ sang phát triển phát thải thấp; sẽ tác động mạnh mẽ đến mọi mặt về chính trị, ngoại giao, kinh tế và thương mại toàn cầu trong thời gian tới.
Triển khai thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các chiến lược, đề án, kế hoạch gồm: Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2022; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 tại Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26 tháng 7 năm 2022; Kế hoạch hành động giảm phát thải mê-tan đến năm 2030 tại Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2022. Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam năm 2022 đã được xây dựng cập nhật, bổ sung những điểm mới, nỗ lực của Việt Nam thực hiện cam kết đã đưa ra tại Hội nghị COP26 và đã gửi Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC).
1. Về giảm phát thải khí nhà kính
Đóng góp giảm phát thải không điều kiện được thực hiện bằng các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, vốn vay, đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước, đóng góp và đầu tư của người dân đến năm 2030 giảm 15,8% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với Kịch bản phát triển thông thường (BAU), tương đương 146,3 triệu tấn CO2tđ. Đóng góp giảm phát thải có điều kiện khi được quốc tế hỗ trợ thêm tài chính thích hợp và đầy đủ thông qua các khoản viện trợ không hoàn lại, phần ưu đãi trong vốn vay, các nguồn tài chính, công nghệ và tăng cường năng lực theo các cơ chế hợp tác quốc tế song phương và đa phương, đến năm 2030 giảm 43,5% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với BAU, tương đương với 403,7 triệu tấn CO2tđ. Trên cơ sở đó, mục tiêu và các biện pháp thực hiện giảm phát thải, hấp thụ khí nhà kính đối với các lĩnh vực cụ thể như sau:
a) Lĩnh vực năng lượng: Mục tiêu đóng góp không điều kiện giảm 64,8 triệu tấn CO2tđ, đóng góp có điều kiện giảm 227,0 tấn CO2tđ, với các biện pháp: giảm phát thải trong sử dụng năng lượng gồm điều hòa nhiệt độ và thiết bị lạnh hiệu suất cao trong dịch vụ thương mại và gia dụng, đèn thắp sáng tiết kiệm điện, thiết bị đun nước nóng mặt trời, khí sinh học và nhiên liệu sạch hơn thay than cho đun nấu gia đình ở nông thôn, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các ngành công nghiệp, sử dụng các thiết bị điện hiệu suất cao, áp dụng công nghệ phát thải thấp trong sản xuất vật liệu xây dựng, tăng cường hiệu quả năng lượng trong giao thông vận tải, giới hạn tiêu thụ nhiên liệu đối với xe cơ giới, chuyển đổi phương thức vận tải hành khách và hàng hóa, tăng hệ số tải của ô tô, sử dụng CNG và nhiên liệu sinh học, sử dụng các loại xe máy, ô tô, xe buýt chạy điện. Giảm phát thải trong cung cấp năng lượng gồm phát triển năng lượng tái tạo như thuỷ điện nhỏ, năng lượng gió, mặt trời, phát triển nhiệt điện sinh khối, điện rác thiêu đốt và điện rác chôn lấp, điện khí sinh học, sử dụng công nghệ tua-bin khí hỗn hợp dùng LNG, phát triển công nghệ nhiệt điện cực siêu tới hạn.
b) Lĩnh vực nông nghiệp: Mục tiêu đóng góp không điều kiện giảm 12,4 triệu tấn CO2tđ, đóng góp có điều kiện giảm 50,9 tấn CO2tđ, với các biện pháp: ứng dụng các giải pháp quản lý cây trồng tổng hợp; áp dụng các công nghệ trong trồng trọt như tưới khô ướt xen kẽ và SRI ở vùng có hạ tầng đầy đủ; hiện đại hoá tưới nước và bón phân cho cây dài ngày; rút nước giữa vụ trong canh tác lúa; chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả thành đất cây trồng cạn hoặc đất tôm - lúa; bón phân compost và nông nghiệp hữu cơ; thay phân đạm bằng các loại phân chậm tan, phân hóa chậm; cải thiện khẩu phần ăn gia súc nhai lại; tuần hoàn chất thải nông nghiệp làm phân hữu cơ; phát triển sử dụng khí sinh học. Giảm phát thải khí mê-tan trong các tiểu lĩnh vực, đặc biệt là canh tác lúa nước và quản lý chất thải vật nuôi, phế phụ phẩm nông nghiệp là các biện pháp nhằm thực hiện tuyên bố của Việt Nam tại COP26, giảm phát thải khí mê-tan 30% vào năm 2030 so với mức phát thải năm 2020.
c) Lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF): Mục tiêu đóng góp không điều kiện hấp thụ 32,5 triệu tấn CO2tđ, đóng góp có điều kiện hấp thụ 46,6 tấn CO2tđ, với các biện pháp: bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có ở vùng đồi núi, trong đó ưu tiên các điểm nóng về mất rừng và suy thoái rừng; bảo vệ rừng phòng hộ và rừng đặc dụng ven biển; phục hồi rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; nâng cao chất lượng và trữ lượng các-bon rừng tự nhiên nghèo; nâng cao năng suất và trữ lượng các-bon của rừng trồng gỗ lớn; nhân rộng các mô hình nông lâm kết hợp để nâng cao trữ lượng các-bon và bảo tồn đất; quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng. Các biện pháp giảm phát thải trong lĩnh vực LULUCF thể hiện quyết tâm của Việt Nam thực hiện Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất.
d) Lĩnh vực chất thải: Mục tiêu đóng góp không điều kiện giảm 8,7 triệu tấn CO2tđ, đóng góp có điều kiện giảm 29,4 tấn CO2tđ, với các biện pháp quản lý, giảm phát sinh chất thải rắn; phát triển và áp dụng công nghệ tái chế chất thải rắn; sản xuất phân compost và nhiên liệu có nguồn gốc từ chất thải (RDF); thu hồi, đốt và sử dụng khí mê-tan từ bãi chôn lấp chất thải rắn; xử lý kỵ khí có thu hồi khí mê-tan cho phát điện; tối ưu hóa điều kiện xử lý nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp; ứng dụng công nghệ sinh học để loại bỏ khí mê-tan từ quá trình xử lý nước thải sinh hoạt; thu hồi khí mê-tan từ xử lý nước thải công nghiệp.
đ) Lĩnh vực các quá trình công nghiệp: Mục tiêu đóng góp không điều kiện giảm 27,9 triệu tấn CO2tđ, đóng góp có điều kiện giảm 49,8 tấn CO2tđ, với các biện pháp: chuyển đổi, sử dụng phụ gia khoáng thiên nhiên thay thế clinker; sử dụng phụ gia là phế thải từ các ngành công nghiệp thay thế clinker; áp dụng công nghệ tốt nhất (cải tiến công nghệ BOF) để giảm phát thải N2O cho ngành hóa chất; áp dụng công nghệ tốt nhất để giảm phát thải trong ngành thép; sử dụng các môi chất lạnh thân thiện với khí hậu; thu hồi, tái chế và tiêu hủy các chất HFCs.
Các mục tiêu giảm phát thải trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022 thống nhất với mục tiêu giảm phát thải đã được đề ra trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 nhằm thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
2. Về thích ứng với biến đổi khí hậu
Việt Nam xác định thích ứng với biến đổi khí hậu là hoạt động ưu tiên trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu mức độ dễ bị tổn thương và rủi ro trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu thông qua các hoạt động thích ứng cụ thể:
- Triển khai thực hiện Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia, xây dựng và thực hiện việc giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp ngành và cấp địa phương. Thực hiện lồng ghép nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu.
- Phát triển hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, triển khai các giải pháp công trình, phi công trình ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn; các hoạt động nâng cao khả năng chống chịu và phục hồi của hệ thống tự nhiên và xã hội, bảo đảm sinh kế bền vững; triển khai các giải pháp thích ứng, trong đó có giải pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái (EBA) và các giải pháp dựa vào tự nhiên (NBS), dựa vào cộng đồng (CBA) nhằm giảm thiểu tổn thất và thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu đối với lĩnh vực, khu vực.
- Tăng cường năng lực giám sát biến đổi khí hậu, dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai để chủ động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.
Việc triển khai thực hiện NDC gắn với việc thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành và người dân. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt; người dân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và là chủ thể thực hiện cùng với sự tham gia hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội.
Bộ Tài nguyên và Môi trường kính đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ và triển khai thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022 (Nội dung Báo cáo NDC gửi kèm theo), trong đó tập trung:
a) Tuyên truyền, phổ biến nội dung NDC cập nhật năm 2022, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.
b) Tổ chức triển khai các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu thực hiện các mục tiêu đề ra; lồng ghép các nội dung NDC cập nhật năm 2022 vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành, địa phương.
c) Tổ chức đánh giá việc triển khai thực hiện NDC cập nhật năm 2022, gửi báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 tháng 01 hằng năm để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Cục Biến đổi khí hậu), địa chỉ số 10 Tôn Thất Thuyết, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội; điện thoại: 024.37759431, địa chỉ thư điện tử: bdkh@monre.gov.vn.
Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng cảm ơn sự phối hợp của Quý Cơ quan./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |