Công văn 135/CQLG-THPTDB năm 2014 thực hiện biện pháp bình ổn giá sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi do Cục Quản lý ban hành

Số hiệu 135/CQLG-THPTDB
Ngày ban hành 05/06/2014
Ngày có hiệu lực 05/06/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Cục Quản lý giá
Người ký Nguyễn Anh Tuấn
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

BỘ TÀI CHÍNH
CỤC QUẢN LÝ GIÁ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 135/CQLG-THPTDB
V/v triển khai thực hiện biện pháp
bình ổn giá sản phẩm sữa
dành cho trẻ em dưới 6 tuổi

Hà Nội, ngày 05 tháng 06 năm 2014

 

Kính gửi: Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Căn cứ Nghị Quyết số 29/NQ-CP ngày 02/5/2014 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2014, ngày 20/5/2014 Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1079/QĐ-BTC về áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi và Công văn số 6544/BTC-QLG hướng dẫn thực hiện biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi (sau đây gọi tắt là Quyết định số 1079/QĐ-BTC và Công văn số 6544/BTC-QLG).

Nhằm triển khai thực hiện biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi có hiệu quả, Cục Quản lý giá đề nghị Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Sở Tài chính các tỉnh) thực hiện theo đúng quy định, hướng dẫn tại các văn bản nêu trên và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, trong đó đề nghị Sở Tài chính chú trọng những nhiệm vụ sau:

1. Về triển khai xác định giá tối đa sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi (sau đây gọi tắt là sản phẩm sữa):

1.1. Tham mưu đề xuất trình Ủy ban nhân dân tỉnh thông báo Danh sách tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh sản phẩm sữa (Danh sách) có trụ sở chính trên địa bàn tỉnh phải xác định giá tối đa khâu bán buôn, bán lẻ (trừ Danh sách do Cục Quản lý giá tiếp nhận tại Điểm 1a, Công văn số 6544/BTC-QLG); trong đó phân công cụ thể cơ quan có thẩm quyền (Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện) tiếp nhận Biểu mẫu giá tối đa do tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh sản phẩm sữa xác định (Biểu mẫu giá tối đa).

1.2. Đôn đốc các tổ chức, cá nhân thuộc Danh sách tại Điểm 1.1 xác định và gửi Biểu mẫu giá tối đa về Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện (nếu được phân công).

1.3. Sau khi tiếp nhận Biểu mẫu giá tối đa, chủ trì thực hiện hoặc hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện (nếu được phân công) theo dõi, quản lý giá tối đa theo hướng dẫn tại Khoản 3 Mục I, Công văn số 6544/BTC-QLG, cụ thể như sau:

a) Rà soát, kiểm tra tính đầy đủ của hồ sơ; trường hợp hồ sơ không đầy đủ, cơ quan có thẩm quyền quản lý giá có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung theo đúng quy định.

b) Trên cơ sở đã có đầy đủ hồ sơ, thực hiện kiểm tra mức giá tối đa (khâu bán buôn, bán lẻ) để đảm bảo theo đúng quy định tại Quyết định 1079/QĐ-BTC và hướng dẫn tại Công văn số 6544/BTC-QLG. Trong đó bao gồm cả việc đối chiếu với tương quan về giá đã kê khai trước đây của sản phẩm sữa cần xác định giá tối đa và sản phẩm sữa đã được công bố giá trong hồ sơ lưu trữ của cơ quan quản lý giá và tham khảo các nguồn thông tin khác. Trường hợp phát hiện bất hợp lý thì yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, điều chỉnh cho phù hợp.

Đối với giá bán lẻ tối đa đến người tiêu dùng: Thực hiện rà soát, kiểm tra theo nguyên tắc xác định tại Điểm 2b, Mục I, Công văn số 6544/BTC-QLG; trường hợp Sở Tài chính có hướng dẫn cụ thể thêm về chi phí khác có liên quan trong phạm vi mức tối đa 15% theo Điểm 2d, Mục III, Công văn số 6544/BTC-QLG cho phù hợp với thực tế địa phương thì lưu ý vẫn phải bảo đảm giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng tới địa điểm xa nhất, chi phí phát sinh cao nhất không vượt quá 15% giá bán buôn tối đa của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu và không được cao hơn giá bản lẻ đang bán trên thị trường (giá trước khi Nhà nước công bố áp dụng biện pháp bình ổn giá).

c) Hệ thống hóa thông tin giá tối đa các sảm phẩm sữa của từng tổ chức, cá nhân để công bố công khai và phục vụ theo dõi quản lý.

d) Phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá tối đa.

2. Về triển khai đăng ký giá sản phẩm sữa:

2.1. Tham mưu đề xuất trình Ủy ban nhân dân tỉnh thông báo Danh sách tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh sản phẩm sữa có trụ sở chính trên địa bàn tỉnh phải thực hiện đăng ký giá tại địa phương (trừ Danh sách đăng ký giá tại Cục Quản lý giá theo Điểm 1a Công văn số 6544/BTC-QLG).

2.2. Đôn đốc các tổ chức, cá nhân thuộc Danh sách tại điểm 2.1 gửi đăng ký giá về Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện (nếu được phân công).

2.3. Tiếp nhận, rà soát Biểu mẫu đăng ký giá: Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện (theo phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh) thực hiện tiếp nhận, rà soát Biểu mẫu đăng ký giá theo hướng dẫn tại Khoản 3 và Khoản 4, Mục II Công văn số 6544/BTC-QLG; trong đó, căn cứ vào mức giá bán buôn tối đa và giá bán lẻ tối đa sản phẩm sữa đến người tiêu dùng của nhà sản xuất, nhập khẩu đã được công bố công khai tiến hành kiểm tra, đối chiếu với mức giá đăng ký của tổ chức, cá nhân bán buôn ở khâu trung gian và bán lẻ đến người tiêu dùng tại địa phương.

3. Thực hiện công khai giá bán buôn tối đa, giá bán lẻ tối đa và giá đăng ký của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu sản phẩm sữa trên trang thông tin điện tử của Sở, của cơ quan có thẩm quyền hoặc phương thức thích hợp khác.

4. Phối hợp với cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan chức năng liên quan tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành mức giá tối đa ở các khâu bán buôn, bán lẻ; chấp hành mức giá đăng ký theo quy định tại Quyết định số 1079/QĐ-BTC và hướng dẫn tại Công văn số 6544/BTC-QLG; việc thực hiện quy định về niêm yết giá bán của các tổ chức, cá nhân bán lẻ. Xử lý nghiêm và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

5. Tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập nhóm công tác liên ngành (gồm đại diện Sở Tài chính, Sở Công Thương, Cơ quan Quản lý thị trường, Công an, Thuế...) triển khai việc thực hiện biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tại địa phương; đồng thời, thiết lập đường dây nóng tại Sở Tài chính và các cơ quan liên quan nhằm giải đáp thắc mắc và tiếp nhận thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai thực hiện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; báo cáo cấp có thẩm quyền chỉ đạo kiểm tra và xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh.

Đặc biệt, tổ chức kiểm tra việc niêm yết giá và mức giá bán lẻ tại các đơn vị bán lẻ đảm bảo không vượt quá 15% giá bán buôn tối đa của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu và không được cao hơn giá bản lẻ trước khi Nhà nước công bố áp dụng biện pháp bình ổn giá. Xử lý nghiêm và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

6. Thực hiện chế độ báo cáo về việc tổ chức thực hiện, diễn biến giá cả sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi tại địa phương theo quy định tại điểm 2h, Công văn số 6544/BTC-QLG, cụ thể:

- Trong vòng 03 tháng đầu kể từ ngày Quyết định số 1079/QĐ-BTC ngày 20/5/2014 có hiệu lực thi hành, định kỳ vào ngày 15 và 30 hàng tháng gửi báo cáo nhanh về Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính theo địa chỉ thư điện tử trinhthithutrang@mof.gov.vn;

- Từ tháng thứ 4 trở đi, định kỳ trước ngày 25 hàng tháng gửi báo cáo bằng văn bản về Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, đồng thời gửi theo địa chỉ thư điện tử nêu trên hoặc fax theo số 04.22208105;

- Thực hiện báo cáo đột xuất bằng văn bản và qua thư điện tử/fax khi có yêu cầu.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị Sở Tài chính các tỉnh, thành phố phản ánh về Cục Quản lý giá để báo cáo Bộ xem xét, xử lý kịp thời.

Địa chỉ: Cục Quản lý giá- số 28 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Fax: 04.22208105, Điện thoại: 04.22202828

Máy lẻ: 4204 (trinhthithutrang@mof.gov.vn),

[...]