Công văn 1189/TCT-PCCS về chi phí hợp lý tính thuế thu nhập doanh nghiệp do Tổng cục Thuế ban hành

Số hiệu 1189/TCT-PCCS
Ngày ban hành 27/03/2007
Ngày có hiệu lực 27/03/2007
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Thuế
Người ký Phạm Duy Khương
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1189/TCT-PCCS
V/v: chi phí hợp lý tính thuế TNDN

Hà Nội, ngày 27 tháng 03 năm 2007

 

Kính gửi: Công ty KTCB Lâm nông sản Cung ứng Xuất khẩu TP. HCM

Trả lời công văn số 334/CV-VFC ngày 24/11/2006 của Công ty KTCB Lâm nông sản cung ứng Xuất khẩu TP. HCM (VYFACO) về việc xác định chi phí hợp lý tính thuế thu nhập doanh nghiệp, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

1. Tại điểm 7 mục III phần B Thông tư số 128/2003/TT-BTC ngày 22/12/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 164/2003/NĐ-CP về thuế thu nhập doanh nghiệp quy định: “Chi trả lãi tiền vay vốn sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của ngân hàng, các tổ chức tín dụng, các tổ chức kinh tế theo lãi suất thực tế căn cứ vào hợp đồng vay. Chi trả lãi tiền vay của các đối tượng khác theo lãi suất thực tế khi ký hợp đồng vay, nhưng tối đa không quá 1,2 lần mức lãi suất cho vay cùng thời điểm của ngân hàng thương mại có quan hệ giao dịch với cơ sở kinh doanh”.

Căn cứ hướng dẫn nêu trên thì Công ty VYFACO được tính chi trả lãi tiền vay của các đối tượng khác vào chi phí hợp lý để tính thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp tối đa 1,2 lần mức lãi suất cho vay cùng thời điểm của ngân hàng thương mại. Khoản chênh lệch giữa chi phí lãi vay thực tế và chi phí lãi vay được tính vào chi phí hợp lý theo quy định như nêu trên Công ty chi bằng nguồn lợi nhuận sau thuế.

2. Tại điểm 2 mục III phần B Thông tư số 128/2003/TT-BTC ngày 22/12/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn: “Trường hợp cơ sở kinh doanh mua sản phẩm làm bằng mây, tre, cói, dừa, cọ… của người nông dân trực tiếp làm ra: mua sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các nghệ nhân không kinh doanh; mua đất, đá, cát, sỏi của người dân tự khai thác; mua phế liệu của người trực tiếp thu nhặt và một số dịch vụ của cá nhân không kinh doanh, không có hóa đơn chứng từ theo chế độ quy định thì được lập bảng kê trên cơ sở chứng từ thanh toán của người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ (mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư này), Giám đốc doanh nghiệp duyệt chi theo bảng kê và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của bảng kê”.

Tại điểm 1 Điều 12 Nghị định số 129/2004/NĐ-CP ngày 31/5/2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kế toán áp dụng trong hoạt động kinh doanh quy định:

“Chứng từ kế toán phát sinh ở ngoài lãnh thổ Việt Nam ghi bằng tiếng nước ngoài, khi sử dụng để ghi sổ kế toán ở Việt Nam phải được dịch ra tiếng Việt…

Bản dịch chứng từ ra tiếng Việt phải đính kèm với bản chính bằng tiếng nước ngoài”.

Căn cứ các quy định nêu trên, các chi phí phát sinh tại nước ngoài được tính vào chi phí hợp lý để tính thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo nguyên tắc: Chi phí phát sinh tại nước ngoài phải có chứng từ kế toán và phải dịch chứng từ đó sang tiếng Việt kèm theo bản chính làm căn cứ để ghi sổ kế toán và hạch toán chi phí.

Đối với việc thuê người ở nước ngoài thực hiện các công việc tại nước ngoài thì thu nhập của người làm thuê đó không thuộc đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam theo Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao.

Tổng cục Thuế trả lời để Công ty VYFACO biết và thực hiện đúng quy định./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ Pháp chế;
- Cục Thuế TP. HCM;
- Lưu VT, PCCS (2b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Phạm Duy Khương