Công văn 11825/BTC-NSNN năm 2023 tăng thu năm 2021 dành nguồn cải cách tiền lương năm 2022, thông báo nhu cầu, nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2022 do Bộ Tài chính ban hành
Số hiệu | 11825/BTC-NSNN |
Ngày ban hành | 31/10/2023 |
Ngày có hiệu lực | 31/10/2023 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Người ký | Võ Thành Hưng |
Lĩnh vực | Lao động - Tiền lương |
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11825/BTC-NSNN |
Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2023 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn.
Trên cơ sở báo cáo của tỉnh Lạng Sơn tại các văn bản có liên quan[1] (địa phương chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo); Bộ Tài chính có ý kiến về tăng thu năm 2021 dành nguồn cải cách tiền lương (CCTL) năm 2022, nhu cầu và nguồn kinh phí thực hiện CCTL và các chính sách an sinh xã hội của tỉnh Lạng Sơn năm 2022 như sau:
I. Về nguồn tăng thu năm 2021 để xác định nguồn CCTL năm 2022:
1. Ngày 27/5/2022, Bộ Tài chính có Văn bản số 4763/BTC-NSNN tạm xác định phần tăng thu NSĐP năm 2021 (không kể các khoản loại trừ khi tính nguồn CCTL) so với dự toán năm 2021 dành để tính nguồn thực hiện CCTL năm 2022 là 423.389 triệu đồng.
Căn cứ quy định của Luật NSNN, trên cơ sở báo cáo của Sở Tài chính tỉnh Lạng Sơn tại Văn bản số 1382/STC-QLNS ngày 10/6/2022 (Tỉnh đề nghị loại trừ 236.440 triệu đồng ra khỏi số thu cân đối ngân sách năm 2021 khi xác định tăng thu để tính nguồn thực hiện CCTL năm 2022, địa phương chịu trách nhiệm về tính hợp pháp và chính xác của số liệu báo cáo); Bộ Tài chính đã có Văn bản số 6374/BTC-NSNN ngày 20/6/2023 thông báo nguồn thu NSĐP năm 2021 dành để tính nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2022 của tỉnh Lạng Sơn là 299.621 triệu đồng, giảm 123.768 triệu đồng so với số Bộ Tài chính đã thông báo tại Văn bản số 4763/BTC-NSNN ngày 27/5/2022. Số 70% tăng thu tương ứng dành để CCTL năm 2022 của Tỉnh là 209.735 triệu đồng (299.621 triệu đồng x 70%).
2. Ngày 04/7/2023, Sở Tài chính tỉnh Lạng Sơn tiếp tục có Văn bản số Văn bản số 1763/STC-QLNS (địa phương chịu trách nhiệm về tính hợp pháp và chính xác của số liệu báo cáo) đề nghị loại trừ 22.160 triệu đồng ra khỏi số thu cân đối ngân sách năm 2021 khi xác định tăng thu để tính nguồn thực hiện CCTL năm 2022.
Trên cơ sở các hồ sơ tỉnh Lạng Sơn gửi bổ sung, Bộ Tài chính loại trừ khoản thu hồi kinh phí (20.000 triệu đồng) còn dư của Trung tâm Quản lý cửa khẩu để bổ sung nguồn NSĐP chi công tác phòng, chống dịch Covid-19. Không có cơ sở loại trừ khoản ghi thu, ghi chi tiền thuê đất được giảm trừ vào tiền bồi thường giải phóng mặt bằng 2.160 triệu đồng (do đây là khoản chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, hạch toán vào tiểu mục 9253, không thuộc phạm vi loại trừ theo Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2022).
Sau khi loại trừ thêm 20.000 triệu đồng nêu trên thì phần tăng thu NSĐP năm 2021 còn lại dành để tính nguồn thực hiện CCTL năm 2022 của Tỉnh là 279.621 triệu đồng (299.621 triệu đồng - 20.000 triệu đồng), giảm 20.000 triệu đồng so với số Bộ Tài chính đã thông báo tại Văn bản số 6374/BTC-NSNN ngày 20/6/2023. Số 70% tăng thu tương ứng dành để CCTL năm 2022 của tỉnh Lạng Sơn là 195.735 triệu đồng (279.621 triệu đồng x 70%).
II. Về nhu cầu và nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm 2022:
1. Nhu cầu kinh phí thực hiện mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng và các loại phụ cấp năm 2022 của tỉnh Lạng Sơn là 40.685 triệu đồng, bằng số địa phương đề nghị, cụ thể:
- Quỹ trợ cấp tăng thêm đối với cán bộ xã nghỉ việc hưởng trợ cấp hàng tháng theo Nghị định số 108/2021/NĐ-CP là 6.547 triệu đồng.
- Kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế năm 2022 theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ (trên cơ sở đối tượng đã được Bộ Nội vụ thẩm định) là 34.138 triệu đồng[2].
- Kinh phí thực hiện chính sách nghỉ hưu trước tuổi năm 2022 theo Nghị định số 26/2015/NĐ-CP là 326 triệu đồng.
- Kinh phí thực hiện chính sách nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu năm 2022 theo Nghị định số 26/2015/NĐ-CP là 196 triệu đồng.
2. Nguồn kinh phí NSĐP thực hiện CCTL năm 2022 trên địa bàn là 343.309 triệu đồng, gồm:
- Nguồn 70% tăng thu NSĐP (không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết; các khoản loại trừ theo Nghị quyết số 128/2020/QH14 ngày 12/11/2020 của Quốc hội) thực hiện so dự toán Thủ tướng Chính phủ giao năm 2021 là 195.735 triệu đồng (mục 2 phần I nêu trên);
- Nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2022 là 127.905 triệu đồng;
- Nguồn thu sự nghiệp dành để tạo nguồn CCTL theo quy định là 19.669 triệu đồng (trong đó: học phí 9.333 triệu đồng, viện phí 7.815 triệu đồng, sự nghiệp khác 2.521 triệu đồng).
3. Như vậy, nguồn kinh phí thực hiện CCTL năm 2022 của Tỉnh còn dư là 302.624 triệu đồng (343.309 triệu đồng - 40.685 triệu đồng). Bộ Tài chính đề nghị Tỉnh chuyển nguồn kinh phí thực hiện CCTL năm 2022 còn dư này sang năm 2023 để tiếp tục thực hiện CCTL, không sử dụng cho mục đích khác.
(Chi tiết theo các biểu đính kèm)
III. Về kinh phí thực hiện các chính sách ASXH năm 2022:
Căn cứ khoản 10 Điều 3 Nghị quyết số 70/2022/QH15 ngày 11/11/2022 của Quốc hội về phân bổ NSTW năm 2023: “Khẩn trương hoàn thiện thủ tục, điều kiện phân bổ theo đúng quy định các khoản chi của ngân sách trung ương chưa phân bổ cho các Bộ, ngành, địa phương, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định, trường hợp cấp bách, trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất số tiền 70.735,172 tỷ đồng...”.
Đối với kinh phí bổ sung có mục tiêu từ NSTW cho NSĐP để thực hiện các chính sách ASXH còn thiếu năm 2022, Bộ Tài chính sẽ rà soát, xác định số liệu cụ thể để tổng hợp chung trình cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Bộ Tài chính thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn biết và chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |