Công văn 1107/UBDT-DTTS năm 2020 về xây dựng tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù do Ủy ban Dân tộc ban hành
Số hiệu | 1107/UBDT-DTTS |
Ngày ban hành | 31/08/2020 |
Ngày có hiệu lực | 31/08/2020 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Uỷ ban Dân tộc |
Người ký | Đỗ Văn Chiến |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
ỦY BAN DÂN TỘC |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1107/UBDT-DTTS |
Hà Nội, ngày 31 tháng 8 năm 2020 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại văn bản số 6327/VPCP-QHĐP ngày 03/8/2020 của Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc đã chuẩn bị nội dung và gửi xin ý kiến Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (văn bản số 983/UBDT-DTTS ngày 10/8/2020). Trên cơ sở ý kiến tham gia của Bộ Tư pháp (văn bản số 3009/BTP-PLHSHC ngày 14/8/2020), Ủy ban Dân tộc xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ như sau:
a) Ủy ban Dân tộc đề xuất 2 phương án:
- Phương án 1: Ban hành Nghị định rút gọn của Chính phủ
Khi thực hiện theo phương án ban hành Nghị định rút gọn của Chính phủ thì phải cần thời gian tối thiểu 4 tháng để thực hiện các bước trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định, như: lập đề nghị xây dựng Nghị định; tổ chức khảo sát, đánh giá, xây dựng dự thảo văn bản, tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các cơ quan liên quan, thẩm định, hoàn thiện hồ sơ Nghị định... Do vậy, khó đảm bảo thời gian thực hiện và trình Chính phủ ban hành tiêu chí trong tháng 10 năm 2020 làm cơ sở cho việc xây dựng các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển đối với các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt trong quý IV năm 2020, triển khai thực hiện từ đầu năm 2021.
- Phương án 2: Chính phủ ban hành Nghị quyết, phân công Thủ tướng Chính phủ quyết định tiêu chí. Giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án, hoàn thiện hồ sơ theo trình tự, thủ tục rút gọn trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Căn cứ đề xuất thực hiện phương án 2:
+ Thứ nhất, vận dụng quy định tại Khoản 1, Điều 146 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định về các trường hợp xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn: “...trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn”. Việc ban hành tiêu chí được Quốc hội khóa 14 giao Chính phủ xây dựng tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020, đây là vấn đề cấp thiết (cấp bách), phát sinh trong thực tiễn thực hiện chính sách dân tộc, cần thực hiện ngay để kịp thời trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí làm cơ sở xác định đối tượng thụ hưởng và thực hiện các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển đối với các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 để thực hiện từ đầu năm 2021.
+ Thứ hai, đúng thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được quy định tại Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01/10/2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ: “Chính phủ phân công Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ xem xét, quyết định những vấn đề đột xuất, cấp bách cần phải xử lý gấp thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc những vấn đề đã được Chính phủ thống nhất về nguyên tắc. Thủ tướng Chính phủ báo cáo tại phiên họp Chính phủ gần nhất về những vấn đề đã quyết định”.
+ Thứ ba, thời gian qua, Ủy ban Dân tộc được giao thực hiện nhiệm vụ xây dựng tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển (nhiệm vụ quy định tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội), Ủy ban Dân tộc đã đề xuất và được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận (Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 10/3/2020 của Chính phủ) thực hiện theo như Phương án 2.
b) Lựa chọn phương án thực hiện:
Từ tình hình thực tế và quy định của pháp luật, Ủy ban Dân tộc đề xuất thực hiện theo Phương án 2:
- Chính phủ ban hành Nghị quyết, phân công Thủ tướng Chính phủ quyết định tiêu chí.
- Giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan xây dựng Đề án, tổ chức hội thảo, gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương liên quan; tổng hợp, thẩm định và hoàn thiện hồ sơ theo trình tự, thủ tục rút gọn đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
2. Về tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù
Căn cứ vào kết quả thực hiện chính sách dân tộc thời gian qua và kết quả điều tra thực trạng kinh tế-xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019 do Ủy ban Dân tộc phối hợp với Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện và công bố, Ủy ban Dân tộc đề xuất các tiêu chí cụ thể như sau:
a) Về đối tượng và phạm vi thực hiện:
Các dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù cư trú ở các thôn đặc biệt khó khăn, các xã thuộc khu vực III theo tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025 (theo quy định tại điểm 8 Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 10/3/2020 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2020) đáp ứng tiêu chí quy định tại điểm b mục 2 của văn bản này.
b) Các tiêu chí cụ thể:
(i) Các dân tộc thiểu số đạt một trong các tiêu chí sau (chi tiết theo Biểu 01):
- Có tỷ lệ hộ nghèo cao ≥ 1,5 lần so với tỷ lệ hộ nghèo chung của 53 dân tộc thiểu số (tỷ lệ hộ nghèo chung của 53 DTTS hiện nay là 22,3%).
- Có dân số dưới 10.000 người (trừ dân tộc Ngái vì theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế-xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019, tuy dân tộc Ngái có dân số dưới 10.000 nhưng là dân tộc khá phát triển).
(ii) Các dân tộc thiểu số không đạt tiêu chí quy định tại điểm (i) thì cần phải đạt 2 trong 3 tiêu chí sau (chi tiết theo Biểu 02):
- Tỷ lệ người DTTS tốt nghiệp cao đẳng, đại học thấp dưới ≤ 30% so với mức bình quân chung của người dân tộc thiểu số cả nước (tỷ lệ chung của các DTTS hiện nay: cao đẳng là 1,7%; đại học trở lên là 3,3%);
- Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi cao ≥ 1,5 lần so với mức bình quân chung của tỷ chết của trẻ em người dân tộc thiểu số cả nước (tỷ lệ chung các DTTS hiện nay là 22,13‰).
- Tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên không biết đọc, không biết viết tiếng phổ thông cao ≥ 1,5 lần so với mức bình quân chung của người dân tộc thiểu số cả nước (tỷ lệ chung các DTTS hiện nay là 19,1%).
Ủy ban Dân tộc xin báo cáo và kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo để Ủy ban Dân tộc phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện./.