Công văn 11058/BYT-VPB1 năm 2021 về giải pháp phòng chống Covid 19 do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 11058/BYT-VPB1
Ngày ban hành 29/12/2021
Ngày có hiệu lực 29/12/2021
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Thanh Long
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11058/BYT-VPB1
V/v trả lời kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2021

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng

Bộ Y tế nhận được công văn số 8243/VPCP-QHĐP ngày 10/11/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc chuyển kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV, trong đó có kiến nghị của cử tri địa phương tỉnh/thành phố.

Bộ Y tế xin gửi kèm theo các nội dung trả lời đối với các kiến nghị của cử tri địa phương về những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Y tế. Kính đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội xem xét và trả lời, thông tin tới cử tri.

Xin trân trọng cảm ơn./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - UBTVQH;
- VPCP: QHĐP, TH;
- VPQH;
- Lưu: VT, VPB1.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Thanh Long

 

TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI TRƯỚC KỲ HỌP THỨ 2, QUỐC HỘI KHÓA XV THUỘC LĨNH VỰC BỘ Y TẾ

(Kèm theo công văn số 11058/BYT-VPB1 ngày 29/12/2021)

Câu 1. Cử tri kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện quyết liệt các giải pháp để phát triển bảo hiểm y tế toàn dân, chú trọng công tác chăm lo sức khỏe cho trẻ em dưới 6 tuổi, các đối tượng chính sách, người nghèo, người già neo đơn...

Bộ Y tế xin trả lời như sau:

1. Về thực hiện các giải pháp để phát triển bảo hiểm y tế toàn dân

(1) Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp để phát triển bảo hiểm y tế toàn dân theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế. Tính đến ngày 31/12/2020, số người tham gia bảo hiểm y tế là 87,97 triệu người, tăng 2,23 triệu người (1,75%) so với năm 2019; đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 90,85% dân số, vượt 10,85% so với chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội. Số người tham gia bảo hiểm y tế của một số nhóm đối tượng là: trẻ em dưới 6 tuổi là 9.889.863 người; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội là 107.127 người; người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo và một số đối tượng khác là 13.767.174 người. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ước đến ngày 31/10/2021, số người tham gia bảo hiểm y tế khoảng 82,556 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 84,58% dân số, giảm 3.697 triệu người (4,29%) so với cùng kỳ năm 2020 (Báo cáo số 3299/BC-BHXH ngày 20/10/2021 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam).

(2) Để tiếp tục phát triển bảo hiểm y tế toàn dân trong thời gian tới, cần tập trung vào các đối tượng chưa tham gia bảo hiểm y tế đầy đủ, bao gồm: người lao động, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, học sinh sinh viên, người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình với các giải pháp cụ thể là:

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật để mọi người dân nắm vững về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia bảo hiểm y tế. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đơn giản hóa thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia bảo hiểm y tế. Phát triển hệ thống đại lý thu bảo hiểm y tế theo hướng chuyên nghiệp, đào tạo kỹ năng, phương pháp tiếp cận người dân cho đại lý thu để vận động tham gia bảo hiểm y tế phù hợp với từng nhóm đối tượng.

- Bổ sung quy định liên quan đến việc hỗ trợ (hoãn/miễn) đóng bảo hiểm y tế đối với những đối tượng chịu ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Bổ sung quy định lộ trình hỗ trợ mức đóng 5 năm cho các đối tượng sau thoát nghèo và các đối tượng là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng mới ra khỏi danh sách thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân để bố trí ngân sách địa phương và huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ thêm cho người dân tham gia bảo hiểm y tế, cụ thể: (1) Tập trung hỗ trợ người thuộc hộ gia đình cận nghèo, bảo đảm sớm đạt mục tiêu 100% người thuộc hộ gia đình cận nghèo được tham gia bảo hiểm y tế; (2) Hỗ trợ người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; học sinh, sinh viên để tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế của các nhóm đối tượng này.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động có dấu hiệu vi phạm về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.

2. Về công tác chăm lo sức khỏe cho trẻ em dưới 6 tuổi, các đối tượng chính sách, người nghèo, người già neo đơn ...

(1) Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, trẻ em dưới 6 tuổi, người có công với cách mạng, người nghèo... được ngân sách nhà nước mua thẻ bảo hiểm y tế, những đối tượng này khi đi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng.

Đối tượng là người già neo đơn nếu từ đủ 80 tuổi trở lên được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Trường hợp người cao tuổi chưa đủ 80 tuổi, khi tham gia bảo hiểm y tế sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng nếu thuộc hộ gia đình cận nghèo (hỗ trợ tối thiểu 70%), hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình (hỗ trợ tối thiểu 30%); nếu tham gia theo hộ gia đình sẽ được giảm mức đóng từ người thứ 2 trở đi. Người già neo đơn khi đi khám bệnh sẽ được hưởng 100%, 95% hoặc 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng tùy theo nhóm đối tượng và được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến.

(2) Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ban ngành liên quan quan tâm hơn nữa trong việc cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi, các đối tượng chính sách, người nghèo, người già neo đơn để bảo đảm khả năng cung ứng dịch vụ thực tế, góp phần chống quá tải và phù hợp với khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế.

Câu 2. Đề nghị Chính phủ đánh giá, phân tích, tìm ra nguyên nhân dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lây lan với tốc độ khủng khiếp ở thành phố Hồ Chí Minh, rút kinh nghiệm và có chiến lược cụ thể, truyền thông rõ ràng để chính quyền, doanh nghiệp, người dân hiểu rõ, nhất quán để thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.

Bộ Y tế xin trả lời như sau:

1. Tình hình dịch COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh thời gian vừa qua

1.1. Nguyên nhân

(1) Nguyên nhân khách quan

- Đây là một đại dịch mới, chưa có tiền lệ, chưa từng xảy ra trên quy mô toàn cầu, ảnh hưởng lớn, nhiều mặt, hầu hết các nước chưa có nhiều kinh nghiệm và có các cách ứng xử khác nhau.

[...]