Công văn 1068/HQTPHCM-GSQL năm 2023 về hướng dẫn thủ tục hải quan do Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu | 1068/HQTPHCM-GSQL |
Ngày ban hành | 26/04/2023 |
Ngày có hiệu lực | 26/04/2023 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký | Vương Tuấn Nam |
Lĩnh vực | Xuất nhập khẩu |
TỔNG CỤC HẢI QUAN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM |
Số: 1068/HQTPHCM-GSQL |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 4 năm 2023 |
Kính gửi: Công ty TNHH Điều
Intersnack Việt Nam
Đ/c: Tòa nhà
A&B, lầu 16, 76 Lê Lai, Phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM
Phúc đáp Công văn số 04/04.2023/HQ của Quý Công ty về việc vướng mắc thủ tục xử lý phế liệu, phế phẩm từ hoạt động sản xuất hạt điều xuất khẩu, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh có ý kiến như sau:
1. Xác định định mức thực tế sản xuất, phế liệu, phế phẩm:
- Theo Điều 55 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính thì:
“1. Định mức thực tế sản xuất là lượng nguyên liệu, vật tư thực tế đã sử dụng để gia công, sản xuất một đơn vị sản phẩm xuất khẩu và được xác định theo quy định tại mẫu số 27 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này.
Trường hợp phế liệu, phế phẩm tạo thành trong quá trình sản xuất sản phẩm xuất khẩu trước được sử dụng để tái chế, sản xuất sản phẩm xuất khẩu thì phải xây dựng định mức để sản xuất ra sản phẩm xuất khẩu đó theo quy định tại Điều này. (Ví dụ: Doanh nghiệp A nhập khẩu lá thuốc lá để sản xuất xuất khẩu sợi thuốc lá loại 1 và sợi thuốc lá loại 2, công đoạn sản xuất là tách lá để sản xuất sợi thuốc lá loại 1 và cọng, sau đó sấy khô, ép bánh... thái sợi để sản xuất sợi thuốc lá loại 2. Vậy doanh nghiệp A phải xây dựng định mức đối với sợi thuốc lá loại 1 và sợi thuốc lá loại 2);
Trong đó, phế liệu là vật liệu loại ra trong quá trình gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu không còn giá trị sử dụng ban đầu được thu hồi để làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất khác; phế phẩm là thành phẩm, bán thành phẩm không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật (quy cách, kích thước, phẩm chất, ...) bị loại ra trong quá trình gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu và không đạt chất lượng để xuất khẩu.
2. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm lưu trữ dữ liệu, chứng từ, tài liệu liên quan đến việc xác định định mức thực tế và thông báo định mức thực tế của lượng sản phẩm đã sản xuất theo năm tài chính cho cơ quan hải quan khi báo cáo quyết toán theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Thông tư này.
Riêng đối với những sản phẩm sản xuất mà khi kết thúc năm tài chính vẫn chưa có sản phẩm hoàn chỉnh thì tổ chức, cá nhân chưa phải nộp định mức thực tế khi nộp báo cáo quyết toán (Ví dụ: gia công, sản xuất xuất khẩu tàu biển có thời gian dự kiến hoàn thành trong 3 năm thì đến năm tài chính thứ 3 mới phải nộp định mức thực tế).
Vật tư không xây dựng được định mức theo sản phẩm thì tổ chức, cá nhân phải lưu trữ các chứng từ liên quan đến việc sử dụng vật tư và thể hiện trong báo cáo quyết toán về tình hình xuất - nhập - tồn kho của vật tư này.
3. Tổ chức, cá nhân và cơ quan hải quan sử dụng định mức thực tế sản xuất để xác định số thuế khi chuyển đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa sản phẩm, hoàn thuế, không thu thuế hoặc khi cơ quan hải quan kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành.”
- Vướng mắc liên quan xác định phế liệu, phế phẩm đã được Tổng cục Hải quan hướng dẫn tại Công văn số 1654/TCHQ TXNK ngày 25/2/2019, Công văn số 2687/TCHQ-TXNK ngày 01/6/2021.
- Việc kê khai báo cáo quyết toán đối với phế liệu, phế phẩm được thực hiện theo Điều 60 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính, và hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính.
2. Thủ tục chuyển tiêu thụ nội địa phế liệu, phế phẩm:
- Theo khoản 4 Điều 12 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 của Chính phủ thì:
“4. Phế liệu, phế phẩm tạo thành trong quá trình sản xuất xuất khẩu khi chuyển tiêu thụ nội địa được miễn thuế nhập khẩu, người nộp thuế không phải làm thủ tục hải quan nhưng phải kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường (nếu có) cho cơ quan thuế theo quy định của pháp luật thuế.”
- Đối với trường hợp hàng hóa chuyển tiêu thụ nội địa không phải là phế liệu, phế phẩm thì thực hiện theo khoản 5 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ, được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ:
“5. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường hoặc miễn thuế hoặc áp dụng thuế suất, mức thuế tuyệt đối theo hạn ngạch thuế quan và đã được giải phóng hàng hoặc thông quan nhưng sau đó có thay đổi về đối tượng không chịu thuế hoặc mục đích được miễn thuế; áp dụng thuế suất, mức thuế tuyệt đối theo hạn ngạch thuế quan; hàng hóa là nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu và hàng hóa tạm nhập - tái xuất đã giải phóng hàng hoặc thông quan nhưng sau đó thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa thì phải khai tờ khai hải quan mới. Chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới trừ trường hợp đã thực hiện đầy đủ chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu.”
- Việc kiểm tra an toàn thực phẩm đối với mặt hàng hạt điều khi chuyển tiêu thụ nội địa được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
- Quyền nhập khẩu, quyền phân phối hàng hóa tại Việt Nam của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện theo quy định tại Nghị định 09/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ.
3. Thủ tục tiêu hủy phế liệu, phế phẩm:
- Theo điểm đ khoản 2 Điều 12 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 của Chính phủ thì:
“đ) Hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, sản phẩm sản xuất, phế liệu, phế phẩm tạo thành trong quá trình sản xuất được phép tiêu hủy và thực tế đã tiêu hủy theo quy định pháp luật hải quan được miễn thuế nhập khẩu.
Hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu nhưng không sử dụng hoặc hàng hóa nhập khẩu đã sử dụng để sản xuất nhưng không xuất khẩu sản phẩm thì không được miễn thuế nhập khẩu, người nộp thuế phải đăng ký tờ khai hải quan mới và kê khai, nộp thuế với cơ quan hải quan theo mức thuế suất và trị giá tính thuế của hàng hóa nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới, trừ trường hợp làm quà biếu, quà tặng theo quy định tại Điều 8 Nghị định này.”
- Thủ tục tiêu hủy phế liệu, phế phẩm thực hiện theo quy định tại điểm d.1 khoản 3 Điều 64 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính:
“d.1) Tổ chức, cá nhân có văn bản gửi Chi cục Hải quan nơi nhập khẩu nguyên liệu, vật tư phương án sơ hủy, tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, phế liệu, phế phẩm, trong đó nêu rõ hình thức, địa điểm tiêu hủy. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện việc tiêu hủy theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;”
4. Cách viết hóa đơn bán hàng, xác định chi phí hợp lý để trừ thuế thu nhập doanh nghiệp:
Về cách viết hóa đơn khi bán hàng và việc xác định chi phí hợp lý để khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan, đề nghị Công ty liên hệ Cơ quan Thuế để được hướng dẫn.