Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Công văn 101/BNN-KH báo cáo tình hình phát triển nông nghiệp, nông thôn và công tác điều phối phát triển vùng Kinh tế trọng điểm giai đoạn 2006- 2010; phương hướng, nhiệm vụ năm 2012, giai đoạn 2011-2015 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 101/BNN-KH
Ngày ban hành 12/01/2012
Ngày có hiệu lực 12/01/2012
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Nguyễn Thị Xuân Thu
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 101/BNN-KH
V/v báo cáo tình hình phát triển nông nghiệp, nông thôn và công tác điều phối phát triển các vùng Kinh tế trọng điểm giai đoạn 2006- 2010; phương hướng, nhiệm vụ năm 2012, giai đoạn 2011-2015

Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2012

 

Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Theo yêu cầu tại công văn số 8969/VPCP-ĐP ngày 16/12/2011 của Văn phòng Chính phủ về việc chuẩn bị tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo Điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thành Báo cáo đánh giá lĩnh vực/ngành quản lý theo nội dung hướng dẫn tại văn bản nói trên.

Bộ Nông nghiệp và PTNT xin gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư Báo cáo của ngành (bản kèm theo) để tổng hợp Báo cáo chung theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ;
- Lưu VT, KH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Xuân Thu

 

BÁO CÁO

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN CÁC VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM
(Kèm theo công văn số 101/BNN-KH ngày 12/01/2012 của Bộ NN&PTNT)

Phần thứ nhất.

TÌNH HÌNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN CÁC VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM GIAI ĐOẠN 2006 - 2010, PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ TRONG NĂM 2012 VÀ GIAI ĐOẠN 2011- 2015

A. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN CÁC VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM GIAI ĐOẠN 2006 – 2010

I. VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM PHÍA BẮC

1. Những kết quả chính

1.1. Về sản xuất nông nghiệp (nông, lâm, thủy sản), giai đoạn 2006 – 2010, giá trị sản xuất nông lâm thủy sản vùng Kinh tế trọng điểm phía Bắc (KTTĐPB - bao gồm cả Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định) đạt tốc độ tăng bình quân gần 4%/năm; năm 2010 đạt trên 34 ngàn tỷ đồng.

- Trồng trọt: Năm 2010, sản lượng lương thực có hạt toàn vùng KTTĐPB đạt 7,24 triệu tấn (thóc: 6,8 triệu tấn, ngô: 440 ngàn tấn); sản lượng thịt hơi các loại 1.277 ngàn tấn; sữa tươi 22,2 ngàn tấn; sản lượng thủy sản trên 600 ngàn tấn. Kết quả này đảm bảo an ninh lương thực trong vùng và góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

+ Cây lúa: Mặc dù diện tích lúa giảm so với năm 2005, nhưng nhờ tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh nên năng suất lúa cả vùng năm 2010 đạt xấp xỉ 59 tạ/ha, tăng gần 5 tạ/ha so với năm 2005; sản lượng tăng 6,3%.

+ Cây ngô được trồng chủ yếu trên diện tích đất lúa 2 vụ trong vụ đông. So với năm 2005, diện tích ngô toàn vùng năm 2010 tăng gần 10 ngàn ha; năng suất tăng 5 tạ/ha; sản lượng tăng xấp xỉ 84 ngàn tấn, ước đạt 440 ngàn tấn.

+ Diện tích rau đậu toàn vùng tương đối ổn định ở mức 170 ngàn ha. Các tỉnh trong vùng đã quy hoạch, đầu tư xây dựng vùng sản xuất rau an toàn quy mô gần 10 ngàn ha. Riêng TP. Hà Nội, có trên 30 tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, 9 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sơ chế. Sản xuất rau theo công nghệ thủy canh tuần hoàn và trên hệ thống giá thể hữu cơ đã được ứng dụng trên địa bàn Hà Nội.

+ Diện tích cây công nghiệp hàng năm năm 2010 tăng 15 ngàn ha so với năm 2005, chủ yếu là mở rộng diện tích cây đậu tương vụ đông.

+ Cây ăn quả các loại toàn vùng hiện có khoảng 100 ngàn ha, tăng gần 17 ngàn ha so với năm 2005. Nhãn, vải, chuối là những loại cây ăn quả chính, chiếm gần 50% diện tích cây ăn quả toàn vùng.

- Chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn đã phát triển về cả quy mô đàn và chất lượng vật nuôi. Đàn lợn thịt với phương thức chăn nuôi hộ hiện đã đạt mức bình quân 20 con/hộ; chăn nuôi trang trại mức bình quân 100 con/trang trại; chăn nuôi công nghiệp bình quân 215 con/cơ sở. Trọng lượng thịt hơi xuất chuồng chăn nuôi trang trại và công nghiệp đạt từ 90-100 kg/con;

Năm 2010 toàn vùng có 170 ngàn con trâu, gần 700 ngàn con bò, 7,3 triệu con lợn và trên 76 triệu con gia cầm; sản phẩm thịt hơi các loại ước đạt 1.277 ngàn tấn, tăng 388 ngàn tấn so với năm 2005; sản lượng sữa tươi đạt trên 22 ngàn tấn, tăng 57%. Trong vòng 5 năm qua, đàn bò sữa tăng từ 12,4 ngàn con lên gần 50 ngàn con.

- Thủy sản: Diện tích và sản lượng nuôi trồng thủy sản vùng KTTĐPB liên tục tăng trong giai đoạn 2006-2010. Năm 2010, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn vùng đạt 126,7 ngàn ha, tăng 19 ngàn ha so với năm 2005; sản lượng thủy sản nuôi trồng các loại đạt trên 400 ngàn tấn, tăng 70%.

+ Chương trình xây dựng khu neo đậu tránh trú bão đã đầu tư Khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng tại Cát Bà, TP. Hải Phòng với tổng mức đầu tư 113 tỷ đồng. Ngân sách trung ương hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh 20 tỷ đồng đầu tư xây dựng 02 khu neo đậu tránh trú bão cấp tỉnh tại huyện Hải Hà và Vân Đồn; hỗ trợ đầu tư 49 tỷ đồng xây dựng 4 khu neo đậu tránh trú bão cấp tỉnh tại TP. Hải Phòng (Ngọc Hải, Quán Chiên, Đông Xuân, Vạn Úc). Tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ đầu tư 65 tỷ đồng đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cửa sông Đáy. Tỉnh Nam Định đang triển khai xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cửa sông Ninh Cơ với tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng. Tỉnh Thái Bình đang triển khai xây dựng khu neo đậu tránh trú bão Cửa Lân với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng.

+ Chương trình phát triển giống thủy sản đã đầu tư 125 tỷ đồng xây dựng 02 Trung tâm giống thủy hải sản cấp vùng tại Hải Dương và TP. Hải Phòng. Ngoài ra, các tỉnh trong vùng được ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư 648,5 tỷ đồng xây dựng các trung tâm giống thủy, hải sản cấp tỉnh.

- Lâm nghiệp: Tính đến cuối năm 2010, diện tích đất có rừng toàn vùng KTTĐPB đạt gần 434,8 ngàn ha, tăng 31,5 ngàn ha so với năm 2005; độ che phủ của rừng đạt trên 20%, tăng 1,5%. Giai đoạn 2006-2010, các tỉnh trong vùng đã trồng mới 94 ngàn ha rừng tập trung (trong đó có 36,7 ngàn ha rừng phòng hộ, 57,3 ngàn ha rừng sản xuất); khoanh nuôi tái sinh và trồng dặm rừng 190 ngàn ha; chăm sóc rừng trên 100 ngàn ha; khoán bảo vệ rừng trên 700 ngàn ha; trồng gần 15 triệu cây phân tán. Tính theo giá cố định năm 1994, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp năm 2010 ước đạt 375 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2005.

1.2. Về quản lý và thực hiện quy hoạch thủy lợi, đê sông, đê biển

Giai đoạn 2006-2010, bằng các nguồn vốn khác nhau (vốn ODA, vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ), Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đầu tư tập trung theo các nhiệm vụ chủ yếu như: cải tạo, nâng cấp, từng bước hiện đại hóa các hệ thống thủy lợi hiện có, nhất là các hệ thống lớn như Bắc Hưng Hải, Bắc Nam Hà, sông Nhuệ, đảm bảo tiêu nước cho Thủ đô Hà Nội và các vùng bị ngập úng khác bằng các chương trình tu bổ, cải tạo nâng cấp hệ thống đê sông, hệ thống đê biển bảo đảm chống lũ, bão theo tiêu chuẩn thiết kế. Ngoài ra đã tiến hành sửa chữa bảo đảm an toàn các hồ chứa nước, an toàn các công trình. Xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các mục tiêu tổng hợp khác. Xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

[...]