Công văn số 0529/TM-TTTN của Bộ Thương mại về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 1371/QĐ-BTM ban hành Quy chế ST.TTTM

Số hiệu 0529/TM-TTTN
Ngày ban hành 31/01/2005
Ngày có hiệu lực 31/01/2005
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Thương mại
Người ký Phan Thế Ruệ
Lĩnh vực Thương mại

BỘ THƯƠNG MẠI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 0529/TM-TTTN
V/v: Hướng dẫn thực hiện QĐ số 1371/QĐ-BTM ban hành Quy chế ST.TTTM

Hà Nội, ngày 31 tháng 01 năm 2005 

 

Kính Gửi:  Sở thương mại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

 

Cùng với quá trình đổi mới và mở cửa, các loại hình phân phối hàng hóa hiện đại theo mô hình của các nước tiên tiến (như siêu thị, trung tâm thương mại...) đã và đang xuất hiện ngày một nhiều tại các địa phương, đặc biệt là ở các thành phố lớn của nước ta. Các loại hình này đã và đang đáp ứng được phần nào nhu cầu mua sắm ngày càng cao của người tiêu dùng, góp phần không nhỏ vào công cuộc hiện đại hóa ngành thương mại và phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Tuy nhiên, do thiếu quy hoạch, thiếusự hướng dẫn, quản lý và chưa có các tiêu chuẩn thống nhất... nên các loại hình này phát triển còn mang tính chất tự phát, cách đặt và gọi tên còn lộn xộn, đã xuất hiện không ít khiếm khuyết trong hoạt động kinh doanh ảnh hưởng tới quyền lợi khách hàng... Vì vậy, để siêu thị, trung tâm thương mại phát triển một cách lành mạnh, theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương cũng như cả nước, tránh tình trạng lạm dụng trong việc đặt cũng như gọi tên và khắc phục dần các khiếm khuyết trong hoạt động kinh doanh. Đặc biệt là nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ trong quy hoạch xây dựng và quản lý giữa các cấp quản lý và các địa phương, định hướng tốt hơn đối với những cơ sở sẽ ra đời, lấy lại niềm tin của khách hàng và bảo vệquyền lợi người tiêu dùng, ngày 24 tháng 9 năm 2004, Bộ trưởng Bộ Thương mại đãký Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM ban hành Quy chế Siêu thị, Trung tâm thương mại (sau đây gọi tắt là Quy chế).Quy chế này quy định về tiêu chuẩn, về hàng hoá, dịch vụ và trách nhiệm quản lý hoạt động của loại hình siêu thị, trung tâm thương mại. Để thống nhất trong việc hiểu và triển khai thực hiện Quy chế này, Bộ Thương mại hướng dẫn và làm rõ một số nội dung sau:

1. Vềtiêu chuẩn phân hạng siêu thị, trung tâm thương mại

Theo quy định ở Điều 5 (đối với siêu thị) và Điều 6 (đối với trung tâm thương mại) của Quy chế, cả 2 loại (siêu thị cũng như trung tâm thương mại) đều được phân làm 3 hạng dựa trên hệ thống tiêu chuẩn với yêu cầu về mức độ khác nhau theo từng hạng. Trong các tiêu chuẩn như quy định ở Quy chế, có 2 (trong 5) tiêu chuẩn đối với siêu thị và 1 (trong 3) tiêu chuẩn đối với trung tâm thương mại mang tính định lượng về diện tích và số lượng tên hàng kinh doanh. Đây là những quy định được xây dựng trên cơ sở khảo sát thực tế các cơ sở đang hoạt động kinh doanh và triển khai xây dựng ở Việt Nam, có tham khảo kinh nghiệm nước ngoài và tính tới xu hướng phát triển của loại hình này ở nước ta. Các tiêu chuẩn này được áp dụng chung cho cả nước, nên có thể ở một số địa phương sẽ không có siêu thị, trung tâm thương mại đạt quy mô ở thứ hạng cao là hạng I, thậm chí cả hạng II.

2.Về tên gọi và biển hiệu siêu thị, trung tâm thương mại

Quyđịnh này được thể hiện ở Điều 5 của Quy chế, theo đó tên thương mại như: Co.opMart, Citimart, Maximart, Fivimart, Intimex, Vinatex, Vinaconex,Seiyu, Big C, Savico, Lucky, Zen, Diamond,... thậm chí cả tên riêng do thương nhân tự đặt (theo đúng quy định của pháp luật) không yêu phải thay hay dịch ra tiếng Việt như một số người lầm tưởng. Trường hợp biển hiệu chính của siêu thị, hay trung tâm thương mại chỉ thể hiện tên thương mại như nêu trên thì phải ghi thêm bằng tiếng Việt Nam là SIÊU THỊ hoặc TRUNGTÂM THƯƠNG MẠI trước tên thương mại hoặc tên riêng do thương nhân tự đặt. Tên siêu thị, trung tâm thương mại đều được phép ghi thêm bằng tiếng nước ngoài, nhưng kích cỡ chữ phải nhỏ hơn kích cỡ tên tiếng Việt Nam và phải đặt dưới hoặc sau tên tiếng Việt Nam.

Những quy định về biển hiệu trong Quy chế này là thể hiện quy định về tên thương mại, biển hiệu ở Khoản 3 Điều 24, Luật Thương mại (được Quốc hội thông qua vào ngày10/5/1997 và có hiệu lực từ 01/01/1998): “Tên thương mại, biển hiệu phải được viết bằng tiếng Việt Nam; tên thương mại, biển hiệu có thể được viết thêm bằng tiếng nước ngoài với kích thước nhỏ hơn”. Hay Điểm c Khoản 1 Điều 24 Luật Doanh nghiệp (được Quốc hội thông qua ngày 12/6/1999 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2000) cũng quy định về tên doanh nghiệp “Phải viết bằng tiếng Việt và có thể viết thêm bằng một và một số tiếng nước ngoài với khổ chữ nhỏ hơn”.

Biển hiệu của siêu thị, trung tâm thương mại phải được ghi rõ ràng, đầy đủ như quy định tại Khoản 3 Điều 5 của Quy chế (không được bỏ sót yếu tố nào). Tất nhiên, ngoài biển hiệu chính được ghi đầy đủ thông tin như quy định, cơ sở có thể treo (đặt) các biển hiệu lớn ở các vị trí để mọi người có thể nhìn từ xa chỉ có tên thương mại và danh từ chung (siêu thị hoặc trung tâm thương mại) ở trước. Các biển hiệu treo đặt cao và dành cho nhìn từ xa này không nhất thiết phải thể hiện đủ các thông tin như biển hiệu chính của siêu thị, trung tâm thương mại. Bộ Thương mại không quy định mẫu biển hiệu. Thương nhân kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại tự (hay đi thuê) thiết kế biển hiệu của mình, bố trí đầy đủ, rõ ràng, bảo đảm tính thẩm mỹ cao và treo biển hiệu ở nơi dễ nhìn thấy.

Ngoài ra, các siêu thị, trung tâm thương mại được treo (đặt) các chỉ dẫn thương mại khác như biểu tượng kinh doanh (logo), khẩu hiệu kinh doanh... của mình ở bất cứ chỗ nào mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, trong phạm vi siêu thị, trung tâm thương mại không được chỉ treo (đặt) các chỉ dẫn thương mại này mà không có biển hiệu như nêu trên (cần phân biệt biển hiệu với biểu tượng kinh doanh - logo của siêu thị, trung tâm thương mại).

3.Về trách nhiệm của thương nhân kinh doanh siêu thị, trung tâm thươngmạ i

Xuấtphát từ quy mô kinh doanh, xu hướng phát triển và vai trò quan trọng của siêuthị, trung tâm thương mại đối với việc tạo lập “bộ mặt” cho đường phố, cho khu buôn bán hay cư dân tập trung, và đặc biệt là trách nhiệm cũng như vai trò hướng dẫn tiêu dùng văn minh, nên Quy chế quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh siêu thị hoặc trung tâm thương mại phải là doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh hoạt động thương mại theo quy định của pháp luật”. Doanh nghiệp quy định ở đây là bao gồm tất cả các loại hình doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp (như Công ty TNHH, Công ty Cổ phần, Công ty hợp danh và Doanh nghiệp tư nhân), Luật Doanh nghiệp nhà nước và Luật Hợp tác xã (vì ở Điều 1 Luật Hợp tác xã năm 2003 quy định: Hợp tác xã hoạt động như một loại hình doanh nghiệp).

Việc quy định siêu thị, trung tâm thương mại phải có nội quy hoạt động cũng là xuất phát từ việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng, của người kinh doanh và lợi ích của chính siêu thị, trung tâm thương mại. Để bảo đảm sự thống nhất trong việc xây dựng Nội quy hoạt động của siêu thị, trung tâm thương mại phù hợp với điều kiện của từng địa phương và thuận lợi cho Sở Thương mại trong việc phê duyệt, đề nghị các Sở Thương mại sớm nghiên cứu, hướng dẫn để các thương nhân kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại xây dựng nội quy hoạt động của siêu thị hoặc trung tâm thương mại do họ vận doanh (có thể tham khảo phần nào quy định và cách làm của Nội quy mẫu về chợ ban hành kèm theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Thương mại số 0772/2003/QĐ-BTM ngày 24/6/2003).

4.Về việc xử lý vi phạm

Trường hợp thương nhân vi phạm các quy định về biển hiệu siêu thị, trung tâm thương mại được xử lý theo Điều 49 Nghị định của Chính phủ số 31/2001/NĐ-CP ngày 26/6/2001 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa thông tin.

Các vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại (như vi phạm về Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, về kinh doanh hàng hóa, dịch vụ...) được xử lý theo quy định tại Nghị định của Chính phủ số175/2004/NĐ-CP ngày 10/10/2004 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại.

Các vi phạm khác được xử lý theo quy định tại các Nghị định khác của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.

5. Về hiệu lực thi hành

Quy chế Siêu thị, Trung tâm thương mại ban hành kèm theo Quyết định số1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/9/2004 của Bộ trưởng Bộ Thương mại, và có hiệu lực thi hànhtừ ngày 17/10/2004 (sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo). Tuy nhiên, xuất phát từ yêu cầu thực tế, cần phải có thời gian cho việc chuyển đổi tên, biển hiệu đối với các cơ sở không đủ tiêu chuẩn theo quy định của Quy chế này, cũng như để các siêu thị, trung tâm thương mại hoàn thiện việc đăng ký kinh doanh và xây dựng nội quy hoạt động..., Bộ Thương mại cho phép gia hạn để các cơ sở này có thêm thời gian thực hiện đến hết tháng 3 năm 2005. Kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2005, nếu cơ sở nào không chấp hành sẽ bị xử lý theo đúng quy định của Quy chế này vàcác văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Làcơ quan giúp UBND tỉnh, thành phố trực tiếp thực hiện chức năng quản lý nhà nướcvề thương mại ở địa phương, đề nghị các Sở Thương mại nghiên cứu kỹ các quy địnhcủa Quy chế này, đặc biệt là quy định về trách nhiệm của Sở Thương mại (tại Điều 9 Quy chế) và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để hướng dẫn và tổ chức thực hiện cụ thể Quy chế này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị kịp thời phản ánh về Bộ Thương mại để xem xét, giải quyết.

 

 

K.T BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI
THỨ TRƯỞNG

(Đã ký)



 
Phan Thế Ruệ