Công văn số 05/TĐKT của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về việc hướng dẫn công tác thi đua,khen thưởng năm 2006

Số hiệu 05/TĐKT
Ngày ban hành 10/01/2006
Ngày có hiệu lực 10/01/2006
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Nguyễn Tự Do
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

UBND TỈNH TIỀN GIANG
THƯỜNG TRỰC.HỘI ĐỒNG THI  ĐUA – KỸ  THUẬT

*******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

********

Số: 05/TĐKT
V/v hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng năm 2006 

Mỹ Tho, ngày  10  tháng  01 năm 2006

Kính gửi:

- Các sở, ban, ngành, cơ quan Đảng, đoàn thể cấp tỉnh.
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị.
- Các doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần.

Thực hiện Chỉ thị số 18/2005/CT-UBND ngày 2812/2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác thi đua, khen thưởng năm 2006, Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh hướng dẫn đến các sở, ban, ngành, cơ quan Đảng, đoàn thế cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị và các doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần kế hoạch tổ chức phát động phong trào thi đua năm 2006 với những nội dung như sau:

I- VỀ CÔNG TÁC THI ĐUA:

1- Mục đích yêu cầu:

Mục tiêu của thi đua năm 2006 là các ngành, các cấp, các đơn vị tổ chức phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi, đều khắp, quyết tâm đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng, Nghị quyết đại hội VIII của tỉnh Đảng bộ đề ra: Không ngừng phấn đấu thực hiện mục tiêu “Vì sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước”, “Vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh”.

2- Nội dung thi đua:

- Phong trào thi đua phải có nội dung thiết thực, bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, đơn vị, những yêu cầu bức xúc, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của các thành phần kinh tế, của quần chúng nhân dân lao động; khơi dậy ý thức tự giác, bảo đảm phong trào thi đua có tính bền vững. Xác định nhiệm vụ cụ thể, trọng tâm của từng giai đoạn, lượng hóa các chỉ tiêu thi đua, nhằm góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, đơn vị.

- Thi đua có 3 hình thức: thi đua thường xuyên, thi đua theo đợt, thi đua chuyên đề.

+ Thi đua thường xuyên: Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao của đơn vị, cá nhân để tổ chức phát động, nhằm thực hiện tốt nhất công việc hàng ngày, hàng tháng, hàng quí, hàng năm của cơ quan, đơn vị.

Đối tượng thi đua là giữa các cá nhân trong một đơn vị, các tập thể trong cùng một đơn vị, hoặc các đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ, có tính chất công việc giống nhau.

Thi đua thường xuyên được chia theo khối, cụm, địa phương... để giao ước thi đua. Thi đua thường xuyên khi kết thúc năm mới sẽ tiến hành tổng kết, bình xét các danh hiệu thi đua và khen thưởng.

+ Thi đua theo đợt: Nhằm giải quyết tốt những nhiệm vụ trọng tâm như thi đua chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững giữa các huyện, thành, thị; những nhiệm vụ, những công việc khó khăn, bức xúc nhất; những việc còn yếu kém, tồn đọng; những việc mà đa số người có nguyện vọng phải giải quyết như: thi đua hoàn thành những công trình, sản phẩm, tác phẩm mới; tổ chức hội thi tay nghề, thi thợ giỏi, bàn tay vàng trong các ngành nghề... lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn trong năm; phát động chiến dịch thi đua phòng chống dịch bệnh cho người, gia súc, thanh niên tình nguyện với chiến dịch mùa Hè xanh, các hoạt động về nguồn; Tết vì người nghèo; ủng hộ nạn nhân bị chất độc màu da cam...

Thi đua theo đợt được phát động khi đã xác định rõ yêu cầu, mục tiêu, chỉ tiêu và thời gian thi đua.

+ Thi đua chuyên đề: Giải quyết một nội dung cụ thể như thi đua sản xuất nông lâm ngư nghiệp, phát động thi đua làm thủy lợi nội đồng; thi đua sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thi đua phát triển giao thông nông thôn; thi đua thu ngân sách Nhà nước; thi đua xóa đói giảm nghèo; thi đua chăm sóc sức khỏe nhân dân, thi đua thực hiện tốt các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, số ấp không sinh con thứ ba trở lên; thi đua dạy tốt - học tốt; thi đua quyết thắng, phong trào tuyển quân; xây dựng, củng cố phong trào quần chúng BVANTQ vững mạnh; đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn, cơ quan...

Tùy theo mục tiêu thi đua và phạm vi thi đua, thi đua theo đợt và thi đua chuyên đề có thể tổ chức với quy mô rộng lớn, không bó hẹp trong một cơ quan, một đơn vị mà có thể trong một ngành, một huyện. Hình thức tổ chức phát động thi đua phải thiết thực và đa dạng, có sức lôi cuốn nhiều người  hăng hái thi đua. Đơn vị, cá nhân nào hoàn thành sớm mục tiêu thi đua (về đích trước) phải được biểu dương, khen thưởng kịp thời. Nếu thành tích đáng để cả ngành, huyện, thành, thị, tỉnh, khu vực, cả nước học tập thì phải làm thủ tục nhanh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ ngành Trung ương, Thủ tướng Chính phủ khen thưởng.

Việc xác định chỉ tiêu thi đua phải có tính khả thi, chỉ tiêu đặt ra phải trên mức trung bình, bảo đảm cho đơn vị, cá nhân phải nỗ lực phấn đấu mới thực hiện được.

3- Biện pháp tổ chức thực hiện:

- Các sở, ban, ngành, cơ quan Đảng, đoàn thể cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị; các doanh nghiệp nhà nước, các công ty cổ phần tiến hành tổ chức tổng kết phong trào thi đua năm 2005 và phát động phong trào thi đua năm 2006 trong toàn thể cán bộ, CCVC-LĐ và nhân dân ngay từ đầu năm.

Hướng dẫn tổ chức ký kết giao ước thi đua giữa các tổ dân phố, xã, phường, thị trấn; giữa các ngành, đoàn thể; giữa các đơn vị cơ sở. Tổ chức đăng ký thi đua bằng các công trình, sản phẩm, tác phẩm mới; tổ chức các hình thức hội thi tay nghề, thi thợ giỏi, bàn tay vàng trong các ngành nghề... lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn trong năm. Hướng dẫn các đơn vị và cá nhân đăng ký các danh hiệu thi đua: đơn vị có danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến, Đơn vị tiên tiến, Tập thể lao động xuất sắc, Đơn vị quyết thắng; cá nhân có danh hiệu Lao động tiên tiến, Chiến sĩ tiên tiến; Chiến sĩ thi đua cơ sở; Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, đoàn thể trung ương, cấp tỉnh; Chiến sĩ thi đua toàn quốc... Và  tổng hợp danh sách đăng ký các danh hiệu thi đua, gửi về Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh trong tháng 2/2006.

- Trong năm chia thành 3 đợt thi đua lớn: đợt 1 từ đầu năm đến 30/4, đợt 2 từ 01/5 đến 02/9 và đợt 3 từ 03/9 đến cuối năm 2006.

Căn cứ vào Chỉ thị số 18/2005/CT-UBND ngày 28/12/2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh v/v tổ chức công tác thi đua, khen thưởng, các ngành, các cấp, đơn vị cần có kế hoạch tổ chức những phong trào thi đua thiết thực, phù hợp với ngành, địa phương, đơn vị mình. Chú ý tập trung chỉ đạo phong trào thi đua hướng về cơ sở.

- Các ngành, các cấp, đơn vị cần vận dụng nhiều hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền để khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích, đồng thời tổ chức tuyên truyền, nhân rộng gương người tốt, việc tốt. Chú trọng khen thưởng các tập thể nhỏ, các lĩnh vực hoạt động sáng tạo, tài năng trẻ, tổ chức nước ngoài; khen thưởng cá nhân, người lao động làm việc trong các hợp tác xã, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh... ; khen đột xuất, khen những cán bộ, đảng viên, quần chúng đảm đương những công việc bình thường nhưng có nhiều cố gắng, có thành tích xuất sắc.

- Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh v/v giao chỉ tiêu thi đua năm 2006 cho các huyện, thành, thị. Các sở, ban, ngành, cơ quan Đảng, đoàn thể cấp tỉnh có những chỉ tiêu thi đua liên quan phải gửi về Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh từ nay đến ngày 10/02/2006 để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh ký giao cho các huyện, thành, thị, và có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc các huyện, thành, thị thực hiện; cuối năm có kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện của địa phương, báo kết quả về Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh và Cục Thống kê tỉnh để tổng hợp, trình Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh xét và đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng.

- Kiện toàn Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, đề ra quy chế hoạt động và bố trí cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng đúng theo tinh thần Nghị định 122/2005/NĐ-CP ngày 4/10/2005 của Chính phủ quy định tổ chức làm công tác thi đua, khen thưởng.

- Cán bộ chuyên trách, cán bộ bán chuyên trách làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp có trách nhiệm tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Đảng, chính quyền về chủ trương, nội dung, chương trình, kế hoạch, biện pháp thi đua; đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền vận động; chủ động kết hợp với các thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn tổ chức các phong trào thi đua và kiểm tra việc thực hiện; tham mưu tổ chức sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, đề xuất khen thưởng và kiến nghị đổi mới công tác thi đua, khen thưởng.

Việc sơ kết, tổng kết phong trào phải công khai so sánh, đánh giá kết quả thi đua; lựa chọn, bình xét danh hiệu thi đua, khen thưởng các đơn vị, cá nhân tiêu biểu xuất sắc nhất, tuyên truyền phổ biến các sáng kiến, kinh nghiệm để học tập và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến.

II/- VỀ CÔNG TÁC KHEN THƯỞNG:

A- Nguyên tắc khen thưởng:

- Tiêu chuẩn khen thưởng trong Luật Thi đua, Khen thưởng và Nghị định 121/2005/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Thi đua, Khen thưởng quy định rất cụ thể cho từng mức hạng khen thưởng, từng loại hình thành tích; tương ứng với kết quả đạt được trong phong trào thi đua; tương ứng với mức độ công lao đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp chung của đất nước, của bộ, ngành hay của từng địa phương; công lao đóng góp càng lớn, phạm vi ảnh hưởng càng rộng thì mức khen thưởng càng cao và ngược lại; không nhất thiết phải theo trình tự có hình thức khen thưởng mức thấp rồi mới khen thưởng mức cao; không cộng dồn thành tích, hình thức khen của lần trước để nâng mức khen lần sau; không nhất thiết khen lần sau phải khen cao hơn lần trước...

[...]