Công văn 05/BTCCBCP-TCPCP về quản lý mã số mã vạch do Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ ban hành
Số hiệu | 05/BTCCBCP-TCPCP |
Ngày ban hành | 21/02/2001 |
Ngày có hiệu lực | 21/02/2001 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ |
Người ký | Thang Văn Phúc |
Lĩnh vực | Thương mại,Công nghệ thông tin |
BAN TỔ CHỨC -
CÁN BỘ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/BTCCBCP-TCPCP |
Hà Nội, ngày 21 tháng 02 năm 2001 |
Kính gửi: Bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ và môi trường
Ngày 27/11/2000 Văn phòng Chính phủ có thông báo số 161/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm tại cuộc họp về hoạt động mã số mã vạch ngày 10/11/2000. Chỉ 3 ngày sau khi có văn bản trên, ngày 01/12/2000 Bộ Khoa học - công nghệ và môi trường ban hành quyết định số 2373/2000/QĐ-BKHCNMT quyết định của Bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ và môi trường về việc quản lý mã số mã vạch; ngày 5/12/2000 Tổng cục Tiêu chuẩn và đo lường chất lượng ban hành công văn số 1569/TCTC-ĐLCL về việc sử dụng mã số mã vạch gửi các tổ chức/đơn vị sản xuất, kinh doanh có nhu cầu sử dụng mã số doanh nghiệp. Trước tình hình trên, Hội khoa học kỹ thuật mã số mã vạch Việt Nam có công văn số 08/2001/CV-EAN báo cáo về những hoạt động của Bộ và Tổng cục sau khi có thông báo của Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghiên cứu, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ có ý kiến như sau:
1/ Tại công văn số 161/TB-VPCP ngày 27/11/2000 đã nêu rõ mã số mã vạch là hoạt động kỹ thuật - kinh tế cần được nghiên cứu để quản lý theo đúng pháp luật của Việt Nam và giao cho Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ chủ trì nghiên cứu để xuất trình Thủ tướng Chính phủ về nội dung quản lý Nhà nước đối với hoạt động mã số mã vạch…
Trong khi chưa có quyết định mới thì Bộ Khoa học - công nghệ và môi trường tiếp tục thực hiện quản lý các hoạt động sử dụng mã số mã vạch trong phạm vi cả nước.
Đây là công văn có tính chất chỉ đạo tạm thời của Thủ tướng Chính phủ, lẽ ra khi có công văn, Bộ duy trì cấp mã số mã vạch vật phẩm cho các tổ chức có yêu cầu sử dụng mã số mã vạch vật phẩm như trước, đồng thời có biện pháp quản lý về công nghệ mã số mã vạch nói chung. Song Bộ đã nhanh chóng ban hành quyết định tổ chức hệ thống cấp mã số mã vạch vật phẩm (việc mà suốt 7 năm qua chưa lúc nào Bộ làm). Việc ban hành quyết định này và hàng loạt văn bản của Tổng cục, cùng với phương tiện thông tin đại chúng, làm cho doanh nghiệp hiểu rằng Thủ tướng Chính phủ chính thức giao cho Bộ quản lý nhà nước về mã số mã vạch vật phẩm.
2/ Như chúng ta đã biết, mã số mã vạch có tính chất:
- Đơn nhất toàn cầu, mỗi loại hàng hóa chỉ có một mã số mã vạch, không trùng lặp.
- Không có liên quan đến giá cả và chất lượng mà để phân định chúng với nhau.
Do đó công nghệ mã số mã vạch được áp dụng vào việc phân định hàng hóa và xác định là ngôn ngữ thương mại toàn cầu. Chính vì vậy theo Thông tư 34/1999/TT-BTM hướng dẫn thực hiện Quyết định 178/1999/QĐ-TTg ngày 30/8/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế ghi nhãn hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất, nhập khẩu, đây là trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ thương mại.
3/ Để phù hợp luật quốc tế và luật pháp Việt Nam, Bộ Khoa học - công nghệ và môi trường cùng các Bộ, ngành có liên quan đề nghị thành lập Hội mã số mã vạch Việt Nam, đề nghị này được Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ chấp thuận và ban hành quyết định số 35/1999/QĐ-BTCCBCP ngày 6/9/1999 về việc cho phép thành lập Hội mã số mã vạch Việt Nam (EAN-VN).
Song trên tạp chí "Thế giới vi tính" xuất bản tháng 2/2001, chúng ta thấy có thông tin Hiệp hội mã số mã vạch Việt Nam (xin trích gửi báo trên), xin đồng chí cho biết tổ chức này do Bộ hay Tổng cục thành lập.
Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ xin cung cấp một số thông tin để đồng chí nghiên cứu và chỉ đạo các cơ quan trực thuộc thực hiện việc quản lý theo đúng quy định của pháp luật.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG,
TRƯỞNG BAN BAN TỔ CHỨC, CÁN BỘ CHÍNH PHỦ |