Công ước về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 15/11/1965
Ngày có hiệu lực 10/02/1969
Loại văn bản Công ước
Cơ quan ban hành ***
Người ký ***
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

Các nước ký kết Công ước này,

Mong muốn tạo ra những biện pháp thích hợp để bảo đảm giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp được tống đạt ra nước ngoài tới người nhận đúng thời hạn,

Mong muốn cùng nhau cải thiện việc tổ chức tương trợ tư pháp bằng cách đơn giản hóa và thuận lợi hóa thủ tục,

Đã quyết định ký kết Công ước này với những điều khoản như sau:

Điều 1

Các quy định của Công ước này được áp dụng đối với các trường hợp chuyển giao giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại ra nước ngoài.

Công ước này không áp dụng đối với trường hợp không biết rõ địa chỉ của người nhận giấy tờ tống đạt.

CHƯƠNG I - GIẤY TỜ TƯ PHÁP

Điều 2

Mỗi Nước ký kết chỉ định Cơ quan Trung ương của mình thực hiện nhiệm vụ nhận yêu cầu tống đạt từ các Nước ký kết khác và tiến hành tống đạt theo quy định từ Điều 3 đến Điều 6 của Công ước này.

Cơ quan Trung ương của mỗi nước được tổ chức phù hợp với pháp luật của nước mình.

Điều 3

Cơ quan hay cán bộ tư pháp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật nước tống đạt gửi đơn yêu cầu theo mẫu ban hành kèm theo Công ước này cho Cơ quan Trung ương của nước có địa chỉ cần tống đạt. Yêu cầu tống đạt không phải thực hiện hợp pháp hóa hoặc các thủ tục khác tương đương.

Giấy tờ tống đạt hoặc bản sao được gửi kèm theo đơn yêu cầu. Đơn yêu cầu và các giấy tờ kèm theo được lập thành 2 bộ.

Điều 4

Trong trường hợp Cơ quan Trung ương cho rằng yêu cầu tống đạt không phù hợp với các quy định của Công ước này thì phải thông báo ngay cho người gửi và nêu rõ lý do từ chối yêu cầu.

Điều 5

Cơ quan Trung ương của nước nhận tống đạt tự mình hoặc thu xếp một cơ quan thích hợp thực hiện việc tống đạt bằng một trong các phương pháp sau:

a) Bằng phương pháp được quy định bởi pháp luật nước mình áp dụng cho việc tống đạt giấy tờ trong nước, hoặc

b) Bằng một phương pháp khác do bên đề nghị tống đạt yêu cầu, trừ trường hợp phương pháp đó không phù hợp với pháp luật của nước mình.

Tuỳ thuộc vào phương pháp được quy định tại khoản (b) Điều này, việc tống đạt có thể được tiến hành khi người được tống đạt tự nguyện nhận.

Trong trường hợp giấy tờ được tống đạt theo các phương pháp kể trên, Cơ quan có thẩm quyền có thể yêu cầu giấy tờ phải được lập thành văn bản, được dịch sang một trong những ngôn ngữ chính thức của nước nhận tống đạt.

Một phần của đơn yêu cầu sẽ tóm tắt nội dung của các giấy tờ tống đạt theo mẫu ban hành kèm theo Công ước này cũng được tống đạt cùng với các giấy tờ đó.

Điều 6

Cơ quan Trung ương của nước nhận tống đạt hoặc bất kỳ cơ quan có thẩm quyền nào được chỉ định để thực hiện việc tống đạt sẽ hoàn thiện các thông tin của việc tống đạt vào giấy xác nhận theo mẫu được ban hành kèm theo Công ước này.

Giấy xác nhận sẽ nêu rõ việc giấy tờ đã được tống đạt cùng với phương pháp áp dụng, thời gian và địa điểm tống đạt và người đã chuyển giao các giấy tờ đó. Trong trường hợp giấy tờ không được tống đạt, giấy xác nhận cần nêu rõ lý do tại sao không thực hiện được việc tống đạt.

Người đưa đơn yêu cầu có thể đòi hỏi giấy xác nhận tống đạt không hoàn thành từ Cơ quan Trung ương hoặc cơ quan tư pháp có thẩm quyền.

Giấy xác nhận được gửi trực tiếp cho người đưa đơn yêu cầu.

Điều 7

Trong mọi trường hợp những điều khoản trong mẫu ban hành kèm theo Công ước này được viết bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Các điều khoản này cũng có thể viết bằng ngôn ngữ chính thức hoặc một trong những ngôn ngữ chính thức của nước yêu cầu.

[...]