Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Công ước Liên hợp quốc về Sử dụng giao dịch điện tử trong hợp đồng quốc tế

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 23/11/2005
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Công ước
Cơ quan ban hành ***
Người ký ***
Lĩnh vực Thương mại,Công nghệ thông tin

CÔNG ƯỚC LIÊN HỢP QUỐC

VỀ SỬ DỤNG GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ TRONG HỢP ĐỒNG QUỐC TẾ 1

NHÀ NƯỚC CÁC BÊN THAM GIA CÔNG ƯỚC,

KHẲNG ĐỊNH sự tin tưởng rằng thương mại quốc tế trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi là một nhân tố quan trọng thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các Nhà nước,

NHẬN THẤY việc sử dụng giao dịch điện tử ngày càng nhiều đã góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động thương mại, cải thiện các mối quan hệ kinh tế và tạo ra cơ hội mới để tiếp cận những thị trường và đối tác trước đây vốn xa lạ, vì thế đóng một vai trò nền tảng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và thương mại cả trên phương diện quốc gia cũng như quốc tế,

XÉT THẤY những vấn đề gây ra bởi tính pháp lí thiếu rõ ràng của giao dịch điện tử khi được sử dụng trong quá trình giao kết và thực hiện các hợp đồng quốc tế đã và đang tạo ra trở ngại cho hoạt động thương mại quốc tế,

TIN RẰNG việc áp dụng các quy định đồng nhất nhằm xóa bỏ trở ngại đối với việc sử dụng giao dịch điện tử trong hợp đồng quốc tế, bao gồm cả những trở ngại tạo ra bởi hệ thống văn bản luật thương mại quốc tế hiện hành, sẽ nâng cao tính chắc chắn về phương diện pháp lí cũng như tính ổn định về phương diện thương mại cho hợp đồng quốc tế, và giúp các Nhà nước tiếp cận được những phương thức tiến hành thương mại hiện đại,

CHO RẰNG những quy định đồng nhất cần phải tôn trọng tự do của các bên trong việc lựa chọn công nghệ và phương tiện phù hợp, có tính đến các nguyên tắc trung lập công nghệ và tương ứng chức năng, với điều kiện phương tiện do các bên lựa chọn phù hợp với mục đích của những quy định tương ứng,

VỚI MONG MUỐN đưa ra một giải pháp chung nhằm xóa bỏ những trở ngại pháp lí đối với việc sử dụng giao dịch điện tử theo một cách thức mà các nhà nước với hệ thống kinh tế, chính trị, pháp luật khác nhau đều chấp nhận được,

ĐÃ THOẢ THUẬN như sau:

CHƯƠNG I

PHẠM VI ÁP DỤNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

1. Công ước này áp dụng đối với việc sử dụng giao dịch điện tử liên quan đến giao kết và thực hiện hợp đồng giữa các bên có địa điểm kinh doanh tại những quốc gia khác nhau.

2. Việc các bên có địa điểm kinh doanh tại những quốc gia khác nhau sẽ không được tính đến nếu điều đó không thể hiện trong hợp đồng hoặc bất kì thỏa thuận nào giữa các bên, hoặc trong các thông tin được các bên tiết lộ trước hoặc tại thời điểm kí kết hợp đồng.

3. Việc quyết định áp dụng công ước không dựa trên quốc tịch của các bên cũng như đặc điểm dân sự hoặc thương mại của các bên hoặc của hợp đồng.

Điều 2. Điều khoản loại trừ

1. Công ước này không áp dụng đối với giao dịch điện tử có liên quan đến một trong những điều sau:

(a) Hợp đồng kí kết cho mục đích cá nhân, gia đình hoặc hộ gia đình;

(b) (i) Các giao dịch trên một thị trường chứng khoán có điều tiết; (ii) các giao dịch ngoại hối; (iii) các hệ thống thanh toán liên ngân hàng, các thỏa thuận thanh toán liên ngân hàng hoặc các hệ thống thanh toán bù trừ liên quan đến chứng khoán hay các tài sản và công cụ tài chính khác; (iv) việc chuyển giao quyền chứng khoán thông qua bán, cho vay hoặc thỏa thuận mua lại chứng khoán hay các tài sản và công cụ tài chính khác do một bên trung gian nắm giữ.

2. Công ước này không áp dụng với hối phiếu, lệnh phiếu, phiếu gửi hàng, vận đơn, biên nhận kho hàng hoặc bất cứ chứng từ hay công cụ có thể chuyển nhượng nào mà cho phép bên cầm giữ hoặc bên hưởng lợi được nhận hàng hay được thanh toán một khoản tiền.

Điều 3. Quyền tự chủ của các bên

Các bên tham gia có thể loại trừ việc áp dụng Công ước hoặc giảm bớt hay điều chỉnh hiệu lực của bất kì điều khoản nào trong Công ước.

CHƯƠNG II

CÁC ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 4. Định nghĩa

Trong Công ước này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

(a) “Giao dịch” là mọi thông báo, tuyên bố, yêu cầu hoặc đề nghị, bao gồm cả chào hàng và chấp nhận chào hàng, mà các bên được yêu cầu đưa ra hoặc tự đưa ra liên quan tới việc giao kết hay thực hiện một hợp đồng.

(b) “Giao dịch điện tử” là giao dịch mà các bên thực hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu.

(c) "Thông điệp dữ liệu" là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận hoặc được lưu trữ bằng phương tiện điện tử, từ, quang hay phương tiện tương tự, bao gồm nhưng không giới hạn ở trao đổi dữ liệu điện tử, thư điện tử, điện báo, telex hoặc telecopy.

[...]