Công điện 1403/CĐ-BYT năm 2015 tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết và tay chân miệng do Bộ Y tế ban hành
Số hiệu | 1403/CĐ-BYT |
Ngày ban hành | 09/03/2015 |
Ngày có hiệu lực | 09/03/2015 |
Loại văn bản | Công điện |
Cơ quan ban hành | Bộ Y tế |
Người ký | Nguyễn Thanh Long |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế |
BỘ
Y TẾ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1403/CĐ-BYT |
Hà Nội, ngày 09 tháng 3 năm 2015 |
CÔNG ĐIỆN
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT VÀ TAY CHÂN MIỆNG
BỘ Y TẾ ĐIỆN
Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong 2 tháng đầu năm 2015, bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Cụ thể, bệnh sốt xuất huyết ghi nhận số mắc tăng tại các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, An Giang, Long An, Tiền Giang, Khánh Hòa, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bình Định, Đồng Tháp, Tây Ninh và Cà Mau; bệnh tay chân miệng ghi nhận số mắc tăng tại các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng. Bộ Y tế nhận định dịch bệnh có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống ngay từ đầu mùa dịch. Để chủ động phòng chống, kiên quyết không để dịch bùng phát trên diện rộng, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, Bộ Y tế kính đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo một số nội dung công tác sau:
1. Chỉ đạo chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, phối hợp với các tổ chức chính trị, chính trị xã hội, huy động quần chúng nhân dân triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng trên địa bàn đặc biệt các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch: tổ chức diệt lăng quăng/bọ gậy trên địa bàn ngay từ đầu năm và duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng/bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại; phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết và phun hóa chất diệt muỗi triệt để tại 100% các hộ gia đình tại khu vực ổ dịch theo chỉ định của ngành Y tế. Vận động cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn sạch, ở sạch và giữ gìn đồ chơi sạch cho trẻ để phòng chống bệnh tay chân miệng.
2. Chỉ đạo Sở Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh, xử lý triệt để ổ dịch. Chuẩn bị đầy đủ thuốc men, vật tư, phương tiện, hóa chất phục vụ công tác phòng chống và điều trị dịch bệnh trong mọi tình huống. Chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế có giường bệnh chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, tập huấn cán bộ về các phác đồ cấp cứu và điều trị, chú trọng việc phân tuyến, phân luồng tránh quá tải khi có đông bệnh nhân và dự phòng lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế, tăng cường cấp cứu và điều trị bệnh nhân hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.
3. Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng, truyền thông cơ sở phối hợp với ngành Y tế triển khai mạnh mẽ các hoạt động tuyên truyền tới người dân trong cộng đồng về các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng.
4. Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là tại nhà trẻ, trường mẫu giáo; yêu cầu các cơ sở giáo dục có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng và có vị trí thuận tiện tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; hướng dẫn các em học sinh tham gia vào các hoạt động loại trừ lăng quăng, bọ gậy tại hộ gia đình. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt tại các nhà trẻ, lớp mẫu giáo, cơ sở trông giữ trẻ dưới 5 tuổi.
5. Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra và hỗ trợ tuyến dưới, có biện pháp chỉ đạo kịp thời và phù hợp, khắc phục các tồn tại, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng chống dịch bệnh.
6. Chỉ đạo Sở Tài chính cân đối ngân sách, cấp và bổ sung kinh phí kịp thời cho các đơn vị y tế nhằm đảm bảo nhu cầu về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch chủ động.
Bộ Y tế trân trọng cảm ơn và mong nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố./.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG |